Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Cuốn sách tôi đang đọc: Đạo diễn Lê Hoàng - “Cuộc sống sẽ trở nên nhàm chán nếu không còn bí mật”
Update Date: 09/19/2008

* Thưa đạo diễn Lê Hoàng, điều gì ở cuốn Mật mã (The code book) khiến anh bị cuốn hút?

- Thứ nhất, tất cả đàn ông đều bị cuốn hút vì những điều bí mật, đấy là bản năng. Thứ hai, cuốn sách này trình bày những điều bí mật đó một cách rõ ràng, chi tiết, có hệ thống nhất từ trước tới nay. Thứ ba, tác giả đã cho thấy từ một nhu cầu thông tin, mật mã đã trở thành một khoa học, và trong chừng mực nào đó là một triết lý (triết lý sống hay triết lý chết là tùy).

Thứ tư, cuốn sách cho thấy những ngôn ngữ thông thường cũng biến thành mật mã khi người ta vô tình hoặc cố tình không hiểu. Thứ năm, tất cả những ai từng xem phim Windtalkers (tạm dịch Lời nói trong gió) của đạo diễn Ngô Vũ Sâm nói về những người giải mã trong Thế chiến thứ II đều phải đọc cuốn sách này. Và để hiểu được lịch sử mật mã của cả thế giới mà chỉ phải bỏ ra 90.000 đồng (mua được nửa con gà) thì tại sao không làm!

 
* Thế giới mật mã trong cuốn sách này (cũng như trong thế giới này) chỉ được tiết lộ một phần, còn rất nhiều sự mã hóa vẫn còn là bí mật, có khi như là câu chuyện của trí tưởng tượng. Anh nghĩ gì về thế giới bí mật đó?

- Cuộc sống sẽ trở nên nhàm chán nếu không còn bí mật. Nhưng cũng có thể thấy là có nhiều bí mật không đáng có, hoặc bí mật mà khi khám phá nó thì cơ hội đã mãi mãi qua đi. Có rất nhiều thông tin giá trị đã trở thành mật mã, do đơn giản người ta đã lãng quên nó hoặc che giấu nó suốt hàng ngàn năm. Bất cứ một tín hiệu nào cũng có thể được coi hoặc bị coi là mật mã, nếu người ta không muốn tiếp nhận nó. Tôi nghĩ như vậy.

* Như vậy, bí mật hay không bí mật nhiều khi không thể hiện ở tính chất mà tùy thuộc quan niệm. Với riêng anh, giữa người tạo ra mật mã và người giải mật mã, anh đánh giá cao ai hơn?

- Tôi đánh giá cao nhất người tạo ra mật mã, vì đó là tín hiệu đầu tiên. Sau đó, tôi đánh giá cao người tạo cơ hội và môi trường cho các nhà khoa học giải mã. Những người giải mã có trí tuệ, nhưng trí tuệ cần có môi trường.

* Vâng. Cần có môi trường, hay nói cụ thể hơn là cần được tin dùng. Anh nghĩ như thế nào về những mật mã đã bị... giải sai (nhưng vẫn tưởng là đúng) rồi áp dụng nó?

- Việc giải sai mật mã và giải sai những tín hiệu chả hề từ mật mã chút nào vẫn xảy ra hằng ngày. Sự nguy hại của nó như thế nào chắc không cần nói. Ví dụ như cụm từ “có trình độ trung học” có phải là mật mã không? Hình như là không. Vậy mà thiên hạ vẫn có khả năng giải nó theo nhiều cách. Một bằng chứng mới sờ sờ đấy thôi!
 
Viết những chữ nhỏ xíu rồi phủ một lớp sáp bên ngoài hay ngụy trang theo nhiều hình thức khác. Đó là bước đầu tiên của mật mã, hay còn gọi là “kỹ thuật giấu thư”. Nhưng mật mã không chỉ đơn giản là giấu kín để chuyển đi, rồi được giải mã theo những thỏa thuận, quy ước ngầm. Mật mã còn là một quá trình tiến hóa để trở thành một khoa học mật mã.
Đi từ cổ điển đến lượng tử, cuốn Mật mã (The code book, tác giả Simon Singh; Phạm Văn Thiều, Phạm Thu Hằng dịch; NXB Trẻ) vén những bức màn bí mật về thế giới mật mã. Kỳ thực đó cũng chính là thế giới con người với biết bao vui buồn, có những điều lớn lao, có cả những tầm thường. Mật mã được tạo ra từ con người nhưng xem ra mật mã cũng có số phận của nó...
 
TRẦN NHÃ THỤY thực hiện
(Nguồn: Tuổi Trẻ, 19/9/2008)
Other News