Người ta chỉ sợ, những cú dập không đáng có đầu đời có thể làm một nhà văn trẻ như Ngọc Tư nản lòng. Nhưng dường như "Gió lẻ" đã khiến cô tìm ra cách xoay chuyển tình thế: Một kiểu viết khác, một cuộc tìm kiếm khác, để tạo nên phong cách đa dạng hơn và cũng nhiều triết lý hơn cho Nguyễn Ngọc Tư.
"Gió lẻ" có tiếng nói đa thanh của nhiều nhân vật, nhiều tâm trạng, nhưng trên tất cả là sự tắt lịm giọng người trong một kiếp sống chạy trốn sự dối trá và thiếu vắng tình người. Nhân vật chính - cô bé không có tên - vì không chịu nổi cuộc sống gia đình với người cha vốn là một quan chức sống bàng quan, vô cảm, lừa dối, nên đã bỏ nhà đi mãi vô định trên chuyến xe khách của hai người đàn ông.
Mặc dù hành trình trên chuyến xe như một sự hành xác, nhưng đó lại cũng chính là hành trình gột rửa và hình thành một bản thể khác trong cô; không phải con người cũ bị vùi dập, chịu đựng đau đớn trong dồn nén, mà là người không có quá khứ, không tên gọi, không cả giọng nói uất nghẹn.
Đi để không còn căn tính, để không còn nhớ, còn đau, để tan hoà vào thế giới rộng lớn, thiếu tình thương và vọng lại những thanh âm buồn bã. Đi để nuôi dưỡng phần người trong cái thế giới đôi khi như không còn nhân tính ấy, để loé sáng một nhân cách.
Chính vì thế mà nhiều khi, ngôn ngữ của con ngưới rời bỏ cô, để cô chỉ có thể nói giọng chim, giọng bò, giọng loài vật. Và ngay cả ở phút cuối cuộc đời. cô vẫn đủ sức biến cái chết của mình thành một điều có ý nghĩa hơn với những người còn sống mà như đã chết trên cõi đời.
Hai gã đàn ông cùng song hành vào thế giới vô định sau vôlăng, gã tài xế và anh lơ xe, cũng là hai kẻ mất mát, thất bại, nhưng họ mãi mãi là những hạt bụi mất hút vào hư vô, nếu không có thứ ánh sáng lấp lánh mà cô bé soi rọi từ tâm hồn mình.
Họ chỉ là những kẻ bị ngọn gió cuộc đời đùa cợt không mệt mỏi, những cơn gió "bị xé nhỏ bởi một bàn tay vô hình. Và từ khi lìa nhau, gió dằn vặt con người bởi nỗi ly tan của chính nó... Đến mức người ta mòn mỏi thiếp đi thì gió lại dựng họ dậy theo cái kiểu lướt thật chậm từ chân lên đầu, như có một linh hồn, một bóng ma vừa đi qua âu yếm".
Lối hành văn của Nguyễn Ngọc Tư trong "Gió lẻ" phức tạp hơn nhiều so với "Cánh đồng bất tận", đa nghĩa hơn, giàu chất thơ hơn. Tuy nhiên, cũng vì thế mà đôi khi, cái chân chất bị "bay đi ít nhiều", để lại chút cầu kỳ, làm dáng và một vài chi tiết hơi lộ. Nhưng trên tất cả là sự làm mới mình, ngòi bút vẫn đủ sức lay gợi, kỹ thuật viết cũng tốt hơn.
Trong tập truyện còn có một số truyện ngắn khá như "Sầu trên đỉnh Puvan", "Ấu thơ tươi đẹp". Còn lại, những truyện khác dường như đưa lại cảm giác ghép vào cho đủ tập, thay vì có sự chọn lọc và đợi thêm một thời gian.
Khép lại cả tập truyện là hình ảnh những đứa trẻ bị mất mát, già trước tuổi, luôn không thể giải đáp được câu hỏi lớn chúng dành cho cuộc đời, về hạnh phúc hay niềm vui. Và cả những giải đáp không thành của người lớn, trong những hoang mang về tình yêu, lẽ sống và ý nghĩa của cuộc đời.