Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Bốn cuốn sách đáng đọc
Update Date: 09/04/2007

Năm 2007 vừa hết tám tháng. Trong dòng chảy xuất bản vẫn ào ạt cho ra thị trường rất nhiều sách đủ loại, bình tâm lắng trí chọn ra những cuốn nào từ đầu năm đến nay đáng đọc được không phải là chuyện đơn giản, dễ dàng. Vì sức đọc không xuể, Vì quan niệm bản thân mình. Vì hạn chế thông tin sách. Nhưng có thể kể ra đây mấy đầu sách đã được đọc.

Tôi là Bêtô

 (Truyện của Nguyễn Nhật Ánh, NXB Trẻ, 2007)

Truyện thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh thì lứa tuổi hoa, tuổi học trò đã say mê lâu nay. Tác phẩm này của anh vẫn là chuyện kể viết cho thiếu nhi nhưng nội dung của nó thì lại là thế giới con người được nhìn qua cặp mắt của hai con vật gần gũi, thân quen với con người

Nhẹ nhàng và thâm thúy, cuốn hút từ đầu tới cuối, cuốn truyện làm bật cười con trẻ và làm trầm tư người lớn. Những trải nghiệm buồn vui, những mất mát cay đắng, những ảo mộng tan vỡ, những thức ngộ xót xa cứ bảng lảng, cứ ẩn hiện phía sau những câu chữ bình dị, trong một giọng kể hồn nhiên, ngây thơ.

Có thể nói đây là cuốn sách người lớn nhất của Nguyễn Nhật Ánh. Bất cứ lúc nào đem ra đọc cũng được. Đọc một mình, cười khóc một mình. Và rồi ai đọc xong cũng có thể nói: Tôi là bêtô.

 
Vô hồn

(Tiểu thuyết của Sergey Minaev, Nhật An - Trương Hồng Hạnh dịch từ tiếng Nga, NXB Trẻ & Tinh Văn, 2007)

Lâu rồi mới có một cuốn tiểu thuyết gây xôn xao đến thế ở Nga, trở thành best-seller khi chỉ trong vòng ba tháng sau khi xuất bản đã bán được hơn một trăm ngàn bản, tạo nên cả một hiện tượng văn học và xã hội. Cũng lâu rồi bạn đọc Việt Nam mới lại được đọc một cuốn tiểu thuyết nóng hổi đến thế về cuộc sống của nước Nga đương thời, một nước Nga thời kỳ hậu Xô viết

Tên sách lai ghép giữa một từ tiếng Nga “duh” (hay còn phiên tự là “dux”, “dukh”, nghĩa là “linh hồn”) và một hậu tố tiếng Anh “less” (“không có”) nên được dịch ra tiếng Việt là Vô hồn. Nhưng đầu đề cuốn sách còn có thêm một dòng tít phụ. Rõ ràng ở đây tác giả có một sự gợi nhắc và đối lập. Ai đã từng đọc văn học Xô viết lừng lẫy một thời hẳn không thể quên một tác phẩm nổi tiếng của Boris Polevoi Chuyện một người chân chính. Người chân chính của B. Polevoi là người anh hùng của đất nước Xô viết trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại thập niên bốn mươi của thế kỷ XX. Còn người không chân chính của S. Minaev là một nhân vật của thời đại chúng ta, một giám đốc kinh doanh người Nga cho một tập đoàn tư bản nước ngoài vào thập niên 1990, khi hệ thống Xô viết tan rã và nước Nga đi vào kinh tế thị trường. Nước Nga cuối thế kỷ XX đã bị vỡ ra, bị đảo tung và đang được sắp xếp lại. Nhân vật chính của tác phẩm là một người trẻ, thành đạt, tận hưởng hết mọi thứ cuộc sống mới bày ra trước mắt anh, đồng thời anh cũng tự bóc trần mình nghiệt ngã, để tâm hồn mình dằn vặt, đau đớn với những câu hỏi về đâu là giá trị đích thực của cuộc sống, đâu là lẽ sống làm người. Tác giả gọi nhân vật của mình là “kể mộng mơ... trơ tráo”. Một nhà phê bình Nga nhận xét: “Đã lâu rồi văn học Nga chưa có một nhân vật được nhận chân và thấu hiểu sâu sắc đến thế”.

 
Du ký Việt Nam, tạp chí Nam Phong 1917 -1934

 (NXB Trẻ, 2007)

Đọc để hiểu biết, có thêm thông tin, tri thức là một lẽ. Đọc những tác phẩm du ký này còn để hiểu thêm nghĩ suy, cảm xúc của những con người đứng ở buổi đầu nền văn hóa văn học hiện đại, muốn truyền tải và gửi gắm đến quốc dân trong một nước đang tìm cách thoát lạc hậu đến văn minh. Văn du ký ở đây tả thì tả kỹ, cảm thì cảm mạnh, nghĩ thì nghĩ sâu

Đọc sách này có biết bao điều thú vị được thấy, được nghe, được biết. Ba tập sách gần hai ngàn trang in lại 62 tác phẩm được coi là du ký đã đăng trên tạp chí Nam Phong trong vòng 17 năm (1917 - 1934) là cả một kho tư liệu quý giá về lịch sử, địa dư, văn hóa, phong tục của nhiều vùng miền khắp đất nước Việt Nam, ra đến cả những xứ sở lân bang ba mươi năm đầu thế kỷ XX, được ghi lại, được diễn tả, được trình bày từ chính mắt thấy tai nghe của những nhà văn nhà báo, nhà khảo cứu, cả đến những người dân thường, thích đi đây đi đó, thích khám phá tìm hiểu, thích đem những cái mình biết từ phương xa về kể lại cho đồng bào mình cùng biết. Nhờ thể tài du ký mà tuy mới du nhập vào văn chương báo chí Việt Nam, nhưng đã được những người có lòng với đất nước sử dụng, nên người đọc hồi đó và cả bây giờ, có thể “ngồi một chỗ thấy ngoài muôn dặm”.

Đọc để hiểu biết, có thêm thông tin, tri thức là một lẽ. Đọc những tác phẩm du ký này còn để hiểu thêm nghĩ suy, cảm xúc của những con người đứng ở buổi đầu nền văn hóa văn học hiện đại, muốn truyền tải và gửi gắm đến quốc dân trong một nước đang tìm cách thoát lạc hậu đến văn minh. Văn du ký ở đây tả thì tả kỹ, cảm thì cảm mạnh, nghĩ thì nghĩ sâu.
 

Người vớt phù du

(Tập truyện của Phạm Hải Anh, NXB Trẻ, 2007)

Người vớt phù du là tập truyện như tinh tuyển, như chọn lọc, có bổ sung những truyện mới, từ những tập truyện đã ra trước đây của Phạm Hải Anh (Huyết đằng, Đi hết đường mưa, Tìm trăng đáy giếng)

Tập truyện được tác giả cấu trúc thành các phần: Cắt rốn - Nhìn - Lưới tình - Xa xứ - Phù du. Hai mươi tám truyện (nhị thập bát tú, một con số chiêm tinh) sắp xếp theo năm phần như phác họa một chặng đời, một quá trình sống và trải nghiệm của một con người. Tính tự truyện của tác phẩm do đó cũng thấy được phần nào. Và cũng có thể xem tập truyện này như một bản tự tình năm khúc của một cô bé, của một cô gái, của một phụ nữ. Một bản tự tình mang điệu trầm, buồn, lắng dịu. Chị đưa lại một sắc điệu văn chương mới, trong những ký ức vừa xa còn tươi nguyên mùi vị màu sắc phố phường Hà Nội, trong một giọng văn vừa non trẻ vừa già dặn, trong những câu chuyện như có như không.

Đọc truyện chị người ta thấy buồn và thương. Buồn như đã sống cả một kiếp người. Thương như phải sống cả kiếp người.
 
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên
(Theo NLĐ, 2/9/2007)
Other News