Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

LÀM CHỦ CẢM XÚC - Đó có phải là tình yêu
Update Date: 11/23/2007

Cách đây vài năm có lẽ bạn không quan tâm đến các người bạn khác phái và cho rằng ‘lũ con trai thật là ngố’ hay ‘lũ con gái chả có gì vui’. Thế mà tự dưng bạn lại quan tâm đến họ và có một động lực khiến bạn mong muốn tìm hiểu họ. Điều gì đang xảy ra thế nhỉ?

Sự thay đổi của tình bạn:
Vào thời niên thiếu, tình bạn thường phát triển theo các bước sau đây:

1.  Bạn kết bạn theo nhóm nhỏ, nam nữ riêng biệt

2.  Các nhóm nam và nữ này sẽ cùng nhau tham gia một số hoạt động chung – đó cũng là cách an toàn để tìm hiểu người bạn khác phái.

3.  Nhóm bạn gồm cả nam lẫn nữ được hình thành và một số bạn nam trưởng thành hơn sẽ bắt đầu hò hẹn với các bạn nữ ‘người lớn’.

4.  Các nhóm nhỏ hơn sẽ kết thành một đám đông để tổ chức tiệc tùng.

5.  Nhóm đông người này bắt đầu tan rã thành một nhóm gồm các đôi có quan hệ thân mật với nhau.

Chỉ là sự phải lòng

Khi bạn bắt đầu đối diện với sự thay đổi trong các mối quan hệ, có thể bạn sẽ cảm thấy mình bị lôi cuốn bởi một người nào đó. Có thể đó là một người bạn khác giới, một người cùng giới, một người bạn trông thấy hàng ngày hay một ngôi sao bạn chỉ thấy trên truyền hình. Thường thì bạn sẽ ‘phải lòng’ người mà bạn không thể ‘với tới’ được và nếu thích một người cùng giới thì không nhất thiết do bạn là gay (người đồng tính). Cảm giác phải lòng có thể khiến bạn trở nên măc cỡ, bối rối, líu lưỡi và lóng ngóng. Nó làm cho bạn có cảm giác như ‘yêu’ một người mà bạn thậm chí chưa biết rõ. Cảm giác phải lòng có thể là một kỷ niệm vui, nhưng có khi nó cũng gây đau đớn cho bạn vì thường thì người bạn yêu mến thậm chí còn không biết đến sự tồn tại của bạn trên đời! Hãy thử tâm sự với bạn bè của bạn về điều này, có thể một vài người sẽ giúp bạn lý giải cảm giác mà bạn đang trải qua. Và hãy xem đó là điều tự nhiên. Cảm giác phải lòng rồi sẽ qua đi nhưng ‘kinh nghiệm’ từ cảm giác đó có thể giúp bạn chuẩn bị cho cảm xúc thật sự sau này.

 

‘Chất hóa học’ của tình yêu

Vào một thời điểm nào đó trong giai đoạn niên thiếu, rất có thể bạn sẽ yêu ai đó. Tất cả chúng ta đều đã xem các bộ phim tình cảm lãng mạn trên tivi, nhưng điều gì đang thật sự xảy ra trong chúng ta vậy? Theo các nhà khoa học, tình yêu đến theo ba bước như sau:

Sự ham muốn

Các hoócmôn oestrogen (nữ và testosterone (nam) bắt đầu hoạt động và khiến bạn phải tìm kiếm một người nào đó để yêu thích.

Sự lôi cuốn hay là tình yêu lãng mạn

Các chất dopamine và norepinephrine trong não khiến bạn mất ngủ, mơ màng và biếng ăn! Mức độ chất serotonin giảm khiến khả năng xét đoán của bạn về người khác kém đi.

Sự gắn bó

Cuối cùng chất euphoria xuất hiện, chất serotonin tăng lên khiến bạn đứng trước quyết định là có gắn bó với người đó hay không. Các chất oxytocin và vasopressin giúp cho mối quan hệ tiến triển.

Tôi có phải là gay?

Vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời, hầu hết chúng ta trải qua cảm giác bị lôi cuốn bởi một người cùng phái. Các bạn nam thường lo lắng cho rằng đó là chứng đồng tính (gay), nhưng thật sự ‘gay’ không phải là một hiện tượng có thể định nghĩa dễ dàng. Một số người biết rõ họ thuộc giới tính nào từ khi còn nhỏ, nhưng một số người thì phải trải qua một thời gian dài mới nhận biết được điều đó. Nếu bạn cảm thấy mình bị lôi cuốn bởi người cùng giới hơn là người khác giới và không biết mình có bị gay hay không thì bạn hãy để cho cảm xúc dẫn dắt bạn. Một số người cảm thấy bị lôi cuốn bởi cả hai phái. Bạn không cần phải vội vã kể điều này cho tất cả mọi người biết, nhưng tâm sự với người khác về nỗi lo của bạn là một điều nên làm đấy. Nếu không tìm thấy người phù hợp để tâm sự hay không có người bạn đồng cảm với mình, bạn có thể gọi cho một đường dây tư vấn tâm lý.
 
(Trích trong quyển "Làm chủ cảm xúc" 
- Tác giả: Helen Greathead, NXB Trẻ, 11-2007)
Other News