Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Săn Sấu - Trích trong TUYỂN TẬP TRUYỆN NGẮN HAY VIỆT NAM DÀNH CHO THIẾU NHI
Update Date: 02/06/2009

 
Chiếc thuyền to đang cưỡi sóng tiến vào mỗi lúc một gần bãi. Tía nuôi tôi mình trần, quấn khố, miệng ngậm cái tẩu dài quăn queo, khói thuốc lá trong cái tẩu cứ phùn phụt bay tạt về phía sau. Ông già Tư bịt khăn đỏ cũng mình trần, vận chiếc xà rông đen, đứng trước mũi thuyền cạnh tía nuôi tôi. Càng vào gần đến bãi, ông già Tư càng huơ tay huơ chân, tỏ vẻ rất đắc chí. Người đàn ông đầu trọc cao lêu nghêu thì đứng chèo sau lái. Trên chót ngọn sào dài cắm vào một lỗ cột chèo, có buộc lá cờ đỏ hình đuôi nheo bay lất phất.

- Được con cá sấu khá to, bà con ơi! – Ông già bắc tay lên mồm gọi vọng vào xóm nhà trên bờ.

Những người lố nhố đứng trên bờ và đám trẻ con phường chài đang chơi xếp vỏ ốc cạnh mấy người đàn bà vá lưới vụt reo lên, rối rít chạy xuống bãi.

- Sửa soạn chia thịt nghe, bà con!

- Đã kiếm được rượu chưa mà toan chia thịt!

Vài người xắn quần lên tận bẹn, chạy tất tả ra ngoài mé nước. Mấy người đàn bà vá lưới cũng buông đai buông nhợ bỏ đấy, chạy ùa ra bãi.

Chiếc thuyền trườn mũi lên bãi cát, để lại những đám bọt sóng trắng nháo nhào chạy lùi ra sau lái. Người trên thuyền chưa kịp quăng dây xuống thì bọn con nít đã trèo phốc lên be rồi.

Ôi chao, con cá sấu to quá! Mình dài có đến hơn năm mét. Chỗ quãng bụng giữa, ước chừng một vòng rưỡi tay người lớn ôm mới giáp. Cái mõm dài sọc, đầy răng chởm chởm của nó đã bị khớp chặt lại bằng một sợi dây thép.

Hơn hai tháng nay, riêng tía nuôi tôi đã bắt được mười hai con rồi. Thường thì da cá sấu màu xanh rêu pha bùn mốc, dưới lườn bụng hơi trắng, khắp mình trên mọc gai, có chỗ vằn hoa lốm đốm. Con cá sấu này, màu da xám ngoét như da cây bần, gai lưng mọc chừng ba đốt tay, trông rất dễ sợ. Cái đuôi dài – bộ phận khỏe nhất của con vật kinh khủng dùng để tấn công – đã bị cắt gân, trói xếp vào một bên mạn sườn. Bốn chân cũng bị thít chặt vào cái đuôi hoàn toàn mất tác dụng ấy. Con cá sấu hung tợn nằm im như chết giữa lòng thuyền.

Mọi người xúm lại, dùng đòn buộc dây da trâu khiêng con cá sấu vừa đánh được, đưa lên bãi. Phải có đến mười hai người đàn ông lực lưỡng mới khiêng nổi nó và đưa vào tới bờ. Má nuôi tôi cũng đi theo tốp người khiêng. Những người đàn bà lăng xăng ngã giá mua nguyên cả con cá sấu cứ bám sát bên má nuôi tôi. Mấy chị phụ nữ trong xóm cũng xoắn theo chân má nuôi tôi, người nào người nấy đều sẵn sàng dao rổ, chia phần thịt mang đi bán.

Thằng Cò dắt con chó đi mua rượu về, thấy bố còn ngồi trong bóng thuyền dựa bãi với các ông bạn phường săn, bèn chạy vù đến vứt phịch chai rượu xuống cát rồi quày quả chạy đuổi theo đám người đang nhốn nháo đằng kia.

- Khi tôi phóng mũi lao trúng con cá sấu này thì tôi nghe đằng xa nước động dữ dội. Chắc còn một con nữa, to hơn. Nhất định là sấu cặp! – Tía nuôi tôi nói xong, còn tặc lưỡi mấy tiếng ra bộ tiếc rẻ lắm.

Ông già Tư ghé vào tai tía nuôi tôi:

- Sắp hết mỡ rồi! Không biết tìm đâu ra bây giờ?

Tôi rất sợ cái “đèn nghề” của tía tôi. Người ta đồn rằng: đèn ấy đốt bằng mỡ người. Cá sấu bắt hơi đèn từ xa lắm. Nó rất thèm thứ mỡ cháy này. Hễ ngửi mùi là nó bơi tìm đến tức khắc. Theo như lời ông già Tư thì những tay phù thủy giang hồ(1) người Mã Lai vượt vịnh Thái Lan đưa thứ mỡ ấy sang bán. Giá rất đắt!

Tôi nghĩ: Mỡ nào mà không cấu tạo chủ yếu bằng thành phần chất béo? Mỡ lợn không được à? Tại sao phải dùng đến mỡ người một cách man rợ đến như vậy? Có lần, tôi đã chất vấn tía nuôi tôi về thứ “đèn nghề” khủng khiếp ấy. Tía nuôi tôi hỏi:

- Đó là thói tục cổ lỗ, mê tín dị đoan. Người xưa thấy cá sấu hay ăn thịt người, tưởng dùng mỡ người tất dễ câu nó, chứ chắc gì đã là mỡ người thật.

Tía nuôi tôi đã nhiều lần kể cho thằng Cò và tôi nghe rành rọt về nghề săn cá sấu. Tôi nghe đến thích mê. Nhưng có nghèo, thà bắt con tôm con tép ăn, chứ tôi chẳng dám theo cái nghề nguy hiểm này.

Săn cá sấu thường phải chọn những đêm tối trời. Nhất là những ngày nắng to, có trận mưa tạnh, gió chỉ hơi rao rao mát gợn làn da, khí trời vẫn còn thấp và nặng.

Mặt sông mênh mông, phẳng lặng như mặt hồ. Tía nuôi tôi người trần, chỉ quấn cái khố nhỏ, hai cánh tay cặp trên hai ống tre bè buộc chặt hai đầu bằng dây thép. Ông trầm mình dưới nước, chỉ ló người từ phần giữa ngực lên trên. Cứ thế, thả trôi đi. Hai chân thỉnh thoảng quạt nhè nhẹ, lái cho bè xuôi đứng giữa lòng sông. Cá sấu chỉ gắp người bơi ngang, hoặc dùng đuôi quật ngã người ngồi trên xuồng cho rơi xuống nước rồi gắp chạy đi chứ chúng khó gắp người bơi đứng.

Tay phải tía nuôi tôi cầm một cây lao bằng gỗ mun. Gỗ mun kỵ thịt cá sấu. Đâm vào thịt con cá sấu, cây mun cứ thịt sâu vào, làm con vật nhức buốt không chịu nổi. Cán lao buộc vào một đầu dây, phải biết lòng sông sâu bao nhiêu sải nước mà sắm sợi dây cho vừa đủ, không thừa quá cũng không thiếu quá. Dây thừa quá thì phải mất công lặn xuống kiếm lâu mới gặp con cá sấu trúng thương, mà dây ngắn quá thì nó kéo phao chìm dưới nước, chẳng biết đâu mà mò. Đầu kia sợi dây buộc vào một cái phao bằng gỗ mướp. Phải khoanh sợi dây cho khéo, để khi con cá sấu lôi dây chạy, sợi dây cứ xoay vòng tự động tháo ra, không vướng. Trên phao, kiền chặt cây đèn nghề, tựa như cái đĩa sắt con sâu lòng, thả ngọn bấc vào cái đèn “mỡ người” ấy, thắp cháy lên. Lại phải cắm trên phao một cây cờ đỏ, để dễ nhận thấy từ xa. (Còn có lý do huyền bí nào đó nữa không thì tôi không được biết). Thả cái phao trôi trước mặt người thợ săn chừng hơn một với tay, được giữ cỡ bằng một sợi dây nhỏ.

Tía nuôi tôi thả trôi theo dòng nước như vậy, có khi hàng hai, ba giờ liền. Bao giờ ông cũng uống một tô nước mắm cốt, để trầm dưới nước lâu không bị nhiễm lạnh. Trong đêm tối mịt mùng, trên dòng sông mênh mông chỉ lấp lóe “ánh đèn thiêng” và đôi mắt sáng ngời của tía nuôi tôi... đang trôi xuôi. Cả người ông bỗng bị xô lùi lại bởi một luồng nước tống lại cực mạnh. Nghe khì... ì... một tiếng, rồi một cái bườu(1) to bằng cái bát trừng lên. Con cá sấu nổi lên, há họng thè lưỡi liếm mỡ cháy trong cây đèn. Nhanh như chớp, tía nuôi tôi nín thở, dồn hết sức lực vào cánh tay, phóng mạnh cây lao đâm vào giữa họng nó và lập tức buông lao ra. Con cá sấu trúng thương đập đuôi ầm ầm, lộn lên lộn xuống, quẫy mạnh làm cho mặt sông nổi dậy sóng cồn. Rồi nó lôi dây, mang phao chạy.

Tía nuôi tôi “ì...” một tiếng. Thuyền chèo yểm hộ người thợ săn cá sấu bao giờ cũng theo song song bên bờ, phòng trường hợp bất trắc có thể bị đôi ba con nổi lên tấn công cùng một lúc thì xông ra tiếp ứng. Nghe tiếng “ì...”, họ biết đã đâm trúng cá sấu rồi. Thế là thuyền chèo bay ra, đón tía nuôi tôi lên.

Con cá sấu chạy đến đâu, dây tháo theo đến đó. Nó cố gắng chịu đau lắm thì chỉ chạy nổi đôi ba nghìn thước là cùng. Rồi dần dần đuối sức, không chịu đau nổi nữa, nó tìm một cái vịnh sâu nào đó, trầm xuống đáy.

Sáng hôm sau, hai chiếc thuyền của phường săn chia nhau chèo cặp hai bên bờ để tìm cái phao. Bao giờ người đã phóng cây lao đâm trúng cá sấu cũng là người lặn xuống đáy sông trói nó. Như vậy, mới được hưởng nguyên phần mình cái bao tử của con cá sấu khi mổ ra(1)... Mỗi lần tía nuôi tôi mang vòng dây thép lặn xuống, thằng Cò theo thuyền cứ mếu máo chực khóc. Còn tay chân tôi thì cứ phát run lên. Tía nuôi tôi lặn rất lâu rồi mới trồi lên thở. Rồi lại kéo đội lặn trở xuống buộc nó, để anh em phường thợ khác trên thuyền kéo nó lên.

Thường sau mỗi lần như vậy, tía nuôi tôi bao giờ cũng làm vài hớp rượu cho lại sức. Ông đưa bàn tay lạnh móp lên chùi những giọt rượu chảy xuống chòm râu đóng đầy rêu nước xanh lè, ngó tôi và thằng Cò cười khà khà:

- Hai đứa bay sao cứ khéo lo! Con cá sấu đã bị cây mum đâm, nhức buốt, tê liệt cả mình mẩy rồi. Nó bám sát đáy vịnh, tao lặn xuống sờ đầu nó, nó cũng không dám đụng cựa. Cứ nằm im, chịu phép cho tao khớp mõm, trói lại. Cây mun đâm vào mắc giữa họng rồi, nó cắn được ai nữa? Càng cựa quậy thì càng đau thôi!

Một cơn gió từ mặt sông bất thình lình thổi thốc vào bờ khiến cho lá cờ đuôi nheo đỏ buộc trên đầu con sào giật nẩy lên, reo vù vù.

Tôi ngồi bên tía nuôi tôi và ông già Tư nhìn xuống dòng sông mênh mông đang cuồn cuộn chảy, hình dung ra những con quái vật kinh khủng đang bơi lặn dưới đó, càng thấy những con người nhỏ bé ngồi quây quần trong bóng thuyền ghếch mũi lên bãi cát đây thật vĩ đại biết bao nhiêu...

“Hỡi thiên nhiên dữ dội và nham hiểm, ngươi hãy coi chừng. Không sức mạnh nào ẩn chứa trong ngươi mà con người không khuất phục nổi đâu!” Tôi chỉ chực muốn thét lên như vậy. May sao đó chỉ là những ý nghĩ còn nằm trong đầu óc thơ bé của tôi mà tôi chưa thốt ra thành lời được. Không thì có lẽ ông già Tư và tía nuôi tôi cho là tôi phát rồ cũng nên.

ĐOÀN GIỎI
 

Nhà văn Đoàn Giỏi sinh ngày 17-5-1925. Quê ông ở Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Ông mất ngày 5-4-1989 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ngay từ khi Hội mới được thành lập (1957).

Trong những năm chống thực dân Pháp, Đoàn Giỏi công tác trong ngành an ninh, rồi làm công tác thông tin, văn nghệ. Tập kết ra Bắc, từ năm 1955, ông chuyên về sáng tác và biên tập sách báo. Ông là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa I, II và III.

Nhà văn Đoàn Giỏi đã được Giải thưởng Nhà nước về
Văn học nghệ thuật đợt 1 năm 2001.

Các tác phẩm chính đã xuất bản:
l
Người Nam thà chết không hàng (kịch thơ, 1947)
l
Khí hùng đất nước (ký, 1948) l Những dòng chữ
máu
Nam Kỳ 1940 (ký, 1948) l Đường về Gia Hương (truyện, 1948) l Chiến sĩ Tháp Mười (kịch thơ, 1949)

l
Giữ vững niềm tin (thơ, 1954) l Cá bống mú (truyện, 1956) l Ngọn tầm vông (truyện ký, 1956) l Trần Văn Ơn (truyện ký, 1955) l Đất rừng phương Nam (truyện, 1957) l Hoa hướng dương (truyện ngắn, 1960)
l
Cuộc truy tầm kho vũ khí (truyện, 1962)
l
Những chuyện lạ về cá (biên khảo, 1981)
l
Tê giác giữa rừng xanh (biên khảo, 1982)...

 

Nhà văn Đoàn Giỏi là một trong những nhà văn
hàng đầu của nền văn học thiếu nhi Việt Nam. Ông viết không nhiều, nhưng chỉ riêng với tác phẩm Đất rừng phương Nam cũng đủ xác định vị trí quan trọng của ông trong lĩnh vực này. Đó là cuốn truyện viết cho thiếu nhi rất thành công của ông. Truyện đã được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài, tái bản nhiều lần và in trong tuyển tập xuất sắc của ông.

 
Other News