TS Trịnh Xuân Thuận đối với giới khoa học Việt Nam hoàn toàn không xa lạ, bởi vì ông là nhà vật lý thiên văn nổi tiếng thế giới. Còn với bạn đọc Việt Nam, đặc biệt trong giới nhà văn, nhà thơ, ông để lại nhiều ấn tượng qua tác phẩm nổi tiếng: Giai điệu bí ẩn. Đây là một tác phẩm phổ quát về thiên văn nhưng được viết bởi một cái nhìn giàu mỹ cảm của một nhà thơ. Nhà thơ Lê Đạt sau khi đọc tác phẩm này đã viết: "Tôi đinh ninh rằng tác giả của nó là một nhà thơ thứ thiệt". Đó cũng là lý do vì sao tác phẩm về thiên văn vũ trụ của ông được nhiều người đón nhận.
Trịnh Xuân Thuận là một nhà vật lý thiên văn đặc biệt. Cái nhìn của ông về vũ trụ đầy cảm hứng và sáng tạo. Tất cả đều có nguồn gốc của nó, bởi Trịnh Xuân Thuận được hấp thu một nền văn hóa phương Tây lẫn phương Đông một cách căn bản.
Một nhà khoa học, một nhà văn, một phật tử tự do
Trong giới khoa học, nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận quá nổi tiếng. Với bạn đọc rộng rãi ở VN, nhiều người biết ông qua 3 tác phẩm nổi tiếng đã được Phạm Văn Thiều dịch ra tiếng Việt, đó là cuốn Giai điệu bí ẩn(NXB Khoa học và Kỹ thuật), Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận (Tạp chí Tia Sáng - NXB Trẻ), Hỗn độn và hài hòa (NXB Khoa học và Kỹ thuật - Phạm Văn Thiều, Nguyễn Thanh Dương dịch).
Những tác phẩm tiêu biểu của Trịnh Xuân Thuận
Giai điệu bí ẩn: Vũ trụ bí ẩn? Từ ngày xưa con người cảm giác như vậy và tìm cách chinh phục, khám phá nó. Ánh trăng huyền hoặc, những vì sao lấp lánh, dãy ngân hà bí ẩn hấp dẫn các nhà thơ bởi nó... bí ẩn! Với Trịnh Xuân Thuận, cũng với niềm hứng khởi ấy nhưng ông muốn sờ mó được vũ trụ bao la và ông dắt ta vào cuộc phiêu lưu vĩ đại của khoa học. Đây là cuốn sách dành cho "những người nghiêm túc" (chữ dùng của Trịnh Xuân Thuận), phác thảo chi tiết lịch sử của vũ trụ, có quá khứ, tương lai và cả vũ trụ hiện tại - vũ trụ Big Bang - khám phá quan trọng nhất của thiên văn học hiện đại. Với ông: "Tự nhiên không hoàn toàn câm lặng. Giống như một dàn nhạc ở xa, nó thường trêu ngươi hé lộ với chúng ta những nốt hoặc những đoạn nhạc rời rạc. Tuy nhiên không bao giờ nó cho chúng ta biết tổng hòa của những nốt nhạc đó và cũng không tiết lộ cho chúng ta bí mật về giai điệu của chúng. Bằng cách nào đó chúng ta cần khám phá ra bí mật của cái giai điệu bí ẩn ấy đặng nghe được trọn vẹn bản nhạc với tất cả vẻ đẹp hoàn mỹ của nó". Người đọc sẽ rất thú vị khi đọc những vấn đề tác giả đặt ra như: Vũ trụ có luân hồi không? Mặt trời sẽ tắt, Proton bất tử hay sẽ chết... Đặc biệt chương Chúa và Big Bang với những vấn đề lý thú: Chúa và thời gian, Chúa và quá trình phức tạp hóa, Chúa và sự sống, Chúa và ý thức... Phong cách, tư duy, "ngôn ngữ vũ trụ" của Trịnh Xuân Thuận trong tác phẩm này khiến các nhà thơ, nhà văn, nhà ngôn ngữ học phải suy nghĩ.
Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận: Đây là cuộc đối thoại giữa nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận với nhà báo Pháp Jacques Vauthier, cả những tự sự của Trịnh Xuân Thuận về cuộc đời, sự sống, ý thức... Một cuộc đối thoại lý thú. Trong Giai điệu bí ẩn, Trịnh Xuân Thuận đề cập đến sự sống, trong đó có đề cập đến vai trò của Chúa. Còn trong cuộc đối thoại này ông đề cập đến những ý niệm của đạo Phật trên nền tảng tư duy của nhà thiên văn học và là một phật tử tự do. Người đọc có cảm giác rằng những bài toán phức tạp của không gian, những triết thuyết Phật giáo có sự gặp nhau. Đó là cái chết của các vì sao xa trái đất hàng tỉ tỉ năm ánh sáng, thậm chí chính cái chết sẽ đến với mặt trời - sự sống. Nó có liên quan đến những khái niệm nhà Phật như "nghiệp", "luân hồi", "niết bàn" và cả đạo nhà - đạo thờ cúng ông bà của người VN.
Hỗn độn và hài hòa: Quan niệm của Newton về vũ trụ rời rạc ngự trị trong suốt 300 năm. Giờ thì khác, các định luật vật lý cũng đã mất đi tính cứng nhắc. Sự ra đời của cơ học lượng tử, cái ngẫu nhiên đã ồ ạt bước vào thế giới nội nguyên tử. Trong cái hỗn độn bao la của vũ trụ là sự hài hòa. Tự nhiên đã sử dụng những nguyên lý vật lý tinh vi để áp đặt cho thế giới vật lý một sự thống nhất và hài hòa sâu sắc. Trịnh Xuân Thuận muốn rũ bỏ sự kiềm tỏa của quyết định luận (determinisme) để tự do sáng tạo, dẫn đến một thế giới quan mới mẻ. Trên suy nghĩ sáng tạo đó, chương Chân lý và cái đẹp, Trịnh Xuân Thuận luận về một vấn đề mỹ học muôn thuở: cái đẹp. Một tác phẩm rất lý thú cho những ai muốn tìm hiểu về vũ trụ.
Sự hỗn độn của các quỹ đạo sao
Nguồn gốc, nỗi buồn: Báo Le Monde số ra ngày 06.12.2003 giới thiệu cuốn sách này như sau: "Cho đến nay, chưa có cuốn sách phổ biến khoa học nào có được cái nhìn độc đáo như vậy. Nhưng nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận theo đạo Phật còn đi xa hơn. Với ông, lịch sử vũ trụ vĩ đại chỉ là sự gắn kết các sự việc, những thảm họa vô tình làm nảy sinh ý thức hệ. Ngược lại, những quy luật tự nhiên, tổ chức vật chất có liên quan làm hạn chế phạm vi cái có thể. Tóm lại, theo Trịnh Xuân Thuận, vũ trụ có giác quan". Tác phẩm có 7 chương, ông dành 6 chương đầu viết về sự tiến triển của vũ trụ từ Big Bang cho đến khi xuất hiện ý thức hệ; giai đoạn hình thành các giải ngân hà, các vì sao, các hành tinh... cho đến sự sống. Chương 7, chương đặc biệt, ông đặt câu hỏi cho tương lai của chúng ta: "Tôi không muốn che giấu nỗi buồn. Trí thông minh như con dao hai lưỡi. Con người có thể lên mặt trăng nhưng cũng có thể chơi trò phù thủy để phá hỏng cả hành tinh chúng ta". Ông chỉ ra những vấn đề đang tàn phá trái đất như nạn phá rừng, ô nhiễm, hiệu ứng nhà kính, biến đổi gien, sinh sản vô tính...
Cái vô hạn trong lòng bàn tay: Tác phẩm viết chung với Matthieu Ricard, mà báo chí Pháp gọi đây là cuộc đối thoại giữa một nhà khoa học trở thành Phật tử (tức tiến sĩ sinh học Matthieu Ricard) và một phật tử trở thành nhà khoa học (Trịnh Xuân Thuận). Tác phẩm này xuất bản ở Pháp (NXB Nil-Fayard 2000) và ngay lập tức nó được dịch ra 12 thứ tiếng. Bản dịch ở Hoa Kỳ có tên là Lượng tử và hoa sen. Hiện dịch giả Phạm Văn Thiều đang dịch tác phẩm này ra tiếng Việt, dự kiến sẽ ấn hành ở VN cuối năm 2004. Theo Phạm Văn Thiều, nếu bạn cầm cuốn này trên tay, bạn không thể bỏ xuống được, bởi đó là cuộc đối thoại rất lý thú xung quanh các vấn đề của vũ trụ, sự sống, ý thức hệ... xen lẫn với các triết thuyết nhà Phật.