Kim Dong In hiệu là Cầm Đồng và Xuân Sĩ, sinh năm 1900 tại Bình Nhưỡng (hiện là thủ đô Bắc Triều Tiên). Thuở nhỏ, ông theo gia đình sang sinh sống và học tập ở Nhật Bản. Vốn có năng khiếu về hội họa, sau khi tốt nghiệp bậc Trung học ở Trường Minh Trị, ông theo học Đại học Mỹ thuật Kawabata, nhưng rồi lại bỏ học giữa chừng, và tập tễnh bước vào làng văn.
Năm 1919, Kim Dong In ra mắt tiểu thuyết đầu tay Nỗi buồn nhược tiểu đăng trên Tạp chí Sáng Tạo (tạp chí Hàn Quốc đầu tiên phát hành ở Nhật Bản). Truyện tuy ít nhiều còn mang màu sắc tự nhiên chủ nghĩa, nhưng đã hé lộ một tài năng lớn. Những truyện tiếp theo - Người mong manh ơi, Sinh mạng... càng thể hiện rõ hơn nội lực của một ngòi bút hiện thực. Tác phẩm của ông phản ánh xã hội Triều Tiên những năm đầu thế kỷ XX, một thời kỳ đen tối khi đất nước bị xâu xé bởi nhiều thế lực ngoại bang, hết Mãn Châu rồi đến Nhật Bản. Những địa ngục trần gian, nơi con người bị tước đi quyền sống và quyền làm người, bị đày ải đến chết dần chết mòn trong nhục hình và thống khổ ngay trên đất nước mình, bức tranh hiện thực ấy đã được Kim Dong In khắc họa thật sinh động và sâu sắc. Thái hình là những trang gây công phẫn cho người đọc trước cảnh tù nhân yêu nước bị ngược đãi, bị tra tấn dã man bằng các hình phạt thời Trung Cổ, cùng là tiếng kêu khắc khoải trước thân phận người dân Triều Tiên trong chiến tranh. Núi đỏ khắc họa chân dung của Mèo Rừng, một tên du đãng ở làng quê, là nỗi khiếp sợ của người dân trong vùng. Chỉ đến khi anh ta liều mình xử tội tên địa chủ người Mãn Châu đến phải mất mạng, thì mọi người mới nhận ra đằng sau thói phá quấy càn rỡ ấy là một khí phách hảo hán và không khuất phục trước cường quyền.
Cùng với những trang viết giàu lòng yêu nước, Kim Dong In còn vẽ nên bức tranh ảm đạm của một xã hội nghèo đói bởi chiến tranh, và những bi kịch gia đình phát sinh như là hệ quả của nó. Sự bần cùng khiến con người dần dần tha hóa, đánh mất bản chất tốt đẹp của mình. “Ngoại tình, đánh nhau, trộm cắp, xin ăn, tù tội, mọi bi kịch và hài kịch trên thế gian này hình như đều bắt nguồn từ khu ổ chuột bên ngoài cửa thành Chilseong.” - Khoai tây. Vì túng quẫn, Bok-nhơ dễ dàng bán rẻ sự đoan chính của người phụ nữ vốn con nhà gia thế hòng đổi lấy miếng ăn, để rồi phải nhận lấy kết cục bi thảm cho bản thân. Và cũng vì bần cùng, người chồng già của cô đã không ngần ngại để mặc cho vợ bán thân nuôi miệng, tệ hại hơn, ngửa tay hứng đồng tiền bố thí và làm ngơ trước những tên nhà giàu giết hại vợ mình.
Nghệ thuật phân tích tâm lý nhân vật là thế mạnh của sáng tác Kim Dong In, mà Ngón chân giống nhau là một trường hợp tiêu biểu. Đó là tâm trạng của một người đàn ông vô sinh phải nhận làm cha một cái hoang thai và ra sức bảo vệ cho tiết hạnh người vợ mới cưới. Tình huống oái oăm ấy, phải là người phong phú vốn sống và am hiểu tâm lý con người mới có được những dòng phân tích sâu sắc mà thú vị đến thế.
Truyện Kim Dong In còn mang hơi hướng của chủ nghĩa lãng mạn kỳ ảo, thể hiện qua Họa sĩ cuồng, Bản sonata cuồng nhiệt… Cùng với các tiểu thuyết Những người tuổi trẻ và Mùa Xuân ở cung Vân Hiền…, tác phẩm của ông đã góp phần làm phong phú văn học Hàn Quốc và đưa ông đến với vị trí người khai phá và tiên phong cho nền văn học nước nhà nửa đầu thế kỷ XX...
Những thành tựu lớn trên văn đàn tuy vậy không đủ nuôi sống nhà văn. Những khó khăn dồn dập trong sự nghiệp dần đẩy Kim Dong In đến chỗ túng quẫn. Ông chuyển sang viết tiểu thuyết lịch sử cũng như viết feuilleton về mọi lĩnh vực cho các báo hòng kiếm sống qua ngày và lâm vào cảnh nghiện ngập rồi qua đời tại nhà riêng ở
Để ghi nhận cống hiến của nhà văn đối với nền văn học nước nhà, từ năm 1955 Nhà xuất bản Sasang, một nhà xuất bản lớn ở Hàn Quốc đã thành lập Giải thưởng Văn học Dong In. (Sau đó, đến lượt Nhà xuất bản Dongseo rồi báo Chosun tiếp tục chịu trách nhiệm về giải thưởng này). Ngày nay, Giải thưởng Dong In là một trong những giải thưởng văn học cao quý nhất của Hàn Quốc nhằm tôn vinh các nhà văn tài năng, với một hội đồng quản trị cấp quốc gia có nhiệm vụ thẩm định và chọn ra một tác phẩm xứng đáng nhất trong năm từ nhiều tác phẩm dự thi. Những tác giả được tôn vinh trong Giải thưởng Văn học Dong In đã và đang góp phần then chốt cho sự phát triển của văn học Hàn Quốc. Sau một đời lận đận, cuối cùng Kim Dong In đã được trả lại vị trí xứng đáng trên văn đàn, tác phẩm của ông có ảnh hưởng lớn đến các thế hệ nhà văn hiện đại và được đưa vào chương trình giảng dạy văn học trong nhà trường cũng như được giới thiệu ra nước ngoài như một trong những tác gia tiêu biểu của văn học Hàn Quốc thế kỷ XX.