Nhiều đầu sách lịch sử đã được xuất bản nhân dịp kỷ niệm 34 năm ngày thống nhất đất nước. Mỗi tác phẩm đều mang những hình ảnh hào hùng về cuộc chiến đấu oanh liệt của dân tộc Việt Nam.
Tác giả của những bài viết trong cuốn sách gồm đủ các binh chủng của bộ đội Trường Sơn ngày ấy: bộ binh, công binh, phòng không, lái xe, thông tin, quân y, thanh niên xung phong cùng các đơn vị tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật... Chính vì vậy mà hình ảnh Trường Sơn khốc liệt ngày nào được tái hiện với nhiều góc độ. Có chiến sĩ lái xe đến thời bình vẫn tìm kiếm người bạn năm nào bị địch bắt khi kẹt lại trên đường Trường Sơn trong lúc đang làm nhiệm vụ; có người phải cắn răng nuốt đau thương khi chứng kiến đồng chí hy sinh mà vẫn phải tiếp tục hành quân; có những mối tình lãng mạn, nhẹ nhàng mà bền vững giữa chiến tranh; và cả những cuộc chia ly biền biệt đầy nước mắt... Bao nhiêu câu hỏi chiến sĩ Trường Sơn ngày ấy bây giờ ra sao, ai còn ai mất cứ đau đáu, vọng mãi trên từng trang viết.
Mỗi một câu chuyện trải ra trước mắt người đọc như thể đó là chuyện của hôm qua. Người viết miêu tả cặn kẽ từng chi tiết, từng nhân vật, lời nói như thể tất cả những ký ức vẫn còn vẹn nguyên, không thể phai nhòa.
Bên cạnh Trường Sơn – có một thời như thế, lịch sử hào hùng của dân tộc còn được tái hiện qua bộ sách Những trận đánh trong lịch sử Việt Nam, mở đầu là quyển 1 Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 (do GS-TS-NGND Phạm Ngọc Liên chỉ đạo biên soạn). Cuốn tiểu thuyết lịch sử về Đại tướng Võ Nguyên Giáp Không phải huyền thoại của nhà văn Hữu Mai cũng sẽ được NXB Trẻ ấn hành vào đầu tháng 5. Với tác phẩm Không phải huyền thoại, chân dung của Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiện lên trọn vẹn. Bằng mối quan hệ đặc biệt với đại tướng, nhà văn Hữu Mai đã tìm ra đâu là khía cạnh phi thường của một nhân vật vĩ đại. Không phải huyền thoại được đánh giá là một tác phẩm công phu, chân thực.