Sách VN hiện chỉ ra nước ngoài bằng các con đường “tiểu ngạch”. Nhưng trên những con đường nhỏ lẻ ấy, vẫn có những người tâm huyết đang mong mỏi một ngày kia các tác phẩm VN bước ra thị trường thế giới một cách chính thống.
Để làm được điều đó, không ít người đang có những hình dung, đề xuất...
Đang rất nhỏ lẻ...
Với chị Tân Huyền, trong mười năm làm ở bộ phận xuất khẩu của Công ty Xunhasaba - đơn vị chuyên trách nhập khẩu sách báo của VN, ghi nhận về các sách văn học VN được dịch ra ngoại ngữ rồi xuất sang nước ngoài gần như không có. Những năm trở lại đây, mỗi năm Xunhasaba xuất hơn 2.000 đầu sách, trong đó chỉ có khoảng mười đầu sách VN đã được dịch sang tiếng Anh.
Thế nhưng, trong số sách tiếng Anh ấy lại hoàn toàn không có sách văn học. “Riêng với sách văn học, chị Huyền cho rằng nếu cần phải quảng bá văn học VN ra các nước, Nhà nước phải trợ giá để xuất khẩu. Chứ như hiện nay, thảng hoặc có một vài nhà văn có sách dịch và bán sang nước ngoài, như trường hợp nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, lại do chính nhà văn tự làm việc trực tiếp với các đối tác xuất bản nước ngoài chứ không phải là hoạt động chung của văn học, xuất bản trong nước.
Cũng có những người chăm chút cho từng tựa sách của mình để đưa ra nước ngoài, dù chỉ thông qua những mối quan hệ nhỏ lẻ. Từ lâu, NXB Kim Đồng có dịch các câu chuyện cổ tích VN ra tiếng Pháp để bán sang các nước. Hiện Kim Đồng cũng đang thực hiện một loạt sách song ngữ Việt - Anh, khoảng trên dưới mười tựa, tập trung vào các câu chuyện dân gian như: Tấm Cám, Cây nêu ngày tết, Nợ như chúa chổm...
Ông Nguyễn Huy Thắng - tổng biên tập NXB Kim Đồng, người chủ trì chương trình này - cho biết loạt truyện nói trên đã bán được sang các thị trường Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc. Dù vậy, việc phát hành này vẫn chủ yếu thông qua các mối quan hệ theo kiểu tự thân vận động của NXB Kim Đồng.
Phải khởi động từ nhận thức
Ông Trần Đoàn Lâm - giám đốc NXB Thế Giới, nơi thực hiện hầu hết các ấn phẩm VN bằng tiếng nước ngoài - cho biết quy trình thực hiện một xuất bản phẩm bằng tiếng nước ngoài đang gặp khó khăn ở nhân sự chuyên môn.
“Tại các khâu biên tập đối ngoại, dịch, hiệu đính, đọc duyệt đều cần người có chuyên môn cao. Đối với việc dịch tác phẩm văn học VN sang tiếng nước ngoài, người dịch và hiệu đính ngoài vốn ngoại ngữ tốt còn cần có kiến thức nền về văn hóa và phong cách viết của nhà văn. Trong khi đó, nhuận bút cho dịch giả ở ta hiện nay khoảng 3-4 triệu đồng/quyển sách thì rõ ràng không thể khuyến khích những người giỏi theo đuổi sự nghiệp này”.
Do vậy, ông Lâm cho rằng sự nghiệp quảng bá sách văn học VN ra thế giới phải bắt đầu từ... nhận thức của Nhà nước. “Các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc đều có chính sách để quảng bá hình ảnh đất nước, trong đó tác phẩm văn học của mỗi nước là một thành tố quan trọng làm nên thương hiệu quốc gia” - ông Lâm nhấn mạnh.
Theo ông, Nhà nước nên có chính sách cho việc này. Khi có chính sách, sẽ có giải pháp tài chính, có biện pháp tổ chức nhân sự, có kế hoạch xây dựng chương trình dịch thuật, thậm chí có thể thành lập hội đồng dịch thuật quốc gia để chuyên tâm làm công tác quảng bá văn học VN ra thế giới.
Người trong cuộc: hồi hộp và lo âu
Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học VN ra nước ngoài sẽ khai mạc ngày 5-1-2010 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Ðình, Hà Nội. Trước thềm hội nghị, Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến hai đại biểu được mời tham dự.
* Dịch giả Ngân Xuyên: Mong hội nghị đi vào thực chất Tôi được mời là đại biểu chính thức. Ban tổ chức đề nghị năm khu vực thảo luận: Những vấn đề đặt ra cho việc giới thiệu văn học VN với quốc tế, Văn học cổ với chữ Hán và chữ Nôm, Văn xuôi hiện đại VN, Thơ hiện đại, Vấn đề bồi dưỡng các nhà văn trẻ. Tôi thấy như vậy là ôm đồm và dàn trải quá.
Tôi nghĩ cần dành tối đa thời giờ cho các dịch giả trao đổi, hỏi đáp, tập trung vào chủ đề chính, cũng là mục đích của hội nghị: Giới thiệu văn học VN ra thế giới, làm cách nào, nên thế nào. Ngay người điều khiển tại các tiểu ban cũng phải am hiểu vấn đề, nắm bắt nhanh nhạy các ý kiến được phát ra, khuyến khích thúc đẩy các dịch giả phát biểu. Tôi đã có kinh nghiệm chuyện này nên lại lo xảy ra cảnh “ông nói gà, bà nói vịt”.
Có một khâu kỹ thuật của hội nghị tôi cũng rất lo trục trặc là khâu dịch trực tiếp tại các phiên họp. Kinh nghiệm cho thấy trục trặc khâu này coi như kết quả hội nghị chẳng còn gì, nhất là những khi tranh luận, bàn bạc. Tôi chỉ mong, rất mong, hội nghị không quá vụ vào hình thức, lễ nghi, mà đi vào thực chất, đưa lại những kết quả thiết thực và lâu dài. Đành cứ chờ xem thế nào vậy.
* Nhà văn Phan Thị Vàng Anh: Cần người dịch hay người viết? Trong nội dung hội nghị có hội thảo vấn đề bồi dưỡng các nhà văn trẻ. Cá nhân tôi - với tư cách trưởng ban công tác nhà văn trẻ - đã xin phép ban chấp hành không tiếp tục tổ chức hội thảo này mặc dù đã nộp danh sách 35 nhà văn và dịch giả trẻ tham gia hội nghị theo yêu cầu. Lý do:
1. Cập rập: 20 ngày trước hội nghị, ban công tác nhà văn trẻ mới được thông báo lập danh sách. Danh sách đã nộp lên ngay sau đó, nhưng cho đến nay (24-12) vẫn chưa được duyệt.
2. Thiếu chuẩn bị: không có danh sách chính thức, ban công tác nhà văn trẻ không thể biết ai được dự, ai không được dự mà trao đổi điện thư một cách kỹ càng về nội dung tham luận, chương trình nghị sự... Cá nhân tôi thấy tổ chức hội thảo với các bạn quốc tế mà không chuẩn bị là một việc phiêu lưu.
3. Bất đồng về danh sách: tiêu chí của ban công tác nhà văn trẻ khi chọn là: trẻ; cả hội viên lẫn chưa hội viên; chủ yếu là người sáng tác có tiếng tăm, có thành tích, hơn một nửa số phải biết ngoại ngữ để có thể trao đổi lúc giải lao, tham quan. Chúng tôi không chú trọng chọn người dịch trẻ, vì đây là hội nghị quảng bá văn học VN chứ không phải hội nghị về quảng bá văn học nước ngoài vào VN.
Thành phần chính để gặp người dịch nước ngoài phải là người viết; chính họ sẽ giới thiệu cho người dịch bên ngoài biết về những lối viết, những mảng đề tài của văn học VN hiện đại... mà có thể người dịch bên ngoài chưa biết.
Tuy nhiên, theo tôi được thông báo, danh sách trên phải đổi lại, chuyển cơ cấu chủ yếu thành người dịch. Với cơ cấu chủ yếu là người dịch, ít nhà văn, chỉ có người dịch gặp chủ yếu là người dịch, tôi quả thực không hình dung nổi nội dung của hội thảo sẽ xa rời tiêu chí hội nghị như thế nào.
* Dịch giả từ 32 nước và vùng lãnh thổ đến VN
Theo ban tổ chức Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học VN ra nước ngoài, đến thời điểm hiện tại đã có 108 dịch giả trong và ngoài nước nhận lời mời tham dự hội nghị. Dịch giả ở nước ngoài đến từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, nhiều nhất là Pháp, Mỹ, Đông Âu và Trung Quốc.
Các dịch giả nổi tiếng chuyên dịch văn học VN như John Balaban, Nguyễn Quý Đức (Mỹ), Kato (Nhật), Phan Huy Đường, Đoàn Cầm Thi (Pháp) đều đã nhận lời về tham dự. Khoảng 150 nhà văn trong nước, trong đó có 35 nhà văn trẻ, cũng sẽ được mời tham dự các cuộc gặp gỡ, giao lưu hội thảo với các dịch giả.
V.H. |
(Nguồn: Tuổi Trẻ, 25/12/2009)