Hạ tuần tháng Tám năm 1933, gần cổng rào nhà Park Tae Joon có hai cây thông biển vững chãi đang buông những chùm rễ xuống. Một hôm, ngang qua cái cây đó có một người đưa thư đến. Đó là lá thư của Park Bong Kwan từ Nhật Bản. Park Tae Joon 6 tuổi lần này gửi mình theo một chuyến xe trên con đường rải sỏi đến một nơi xa lạ.
“Bên kia đường chân trời, cha con đang đợi con đấy!”
Khi đứa trẻ dỏng tai lên nghe lời mẹ, lần đầu tiên trong đời tha hương tìm cha, tình hình thế giới đang xoay quanh Nhật Bản lúc bấy giờ đã được mô tả trong bức thư mà Nehru của Ấn Độ gửi cho con gái mình vào ngày 7 tháng Tám năm 1933.
“Nhật Bản bất chấp mọi tình thế vẫn tiếp tục tiến hành xâm lược và đang mở rộng thế lực đến những vùng rộng lớn của lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên, với Trung Quốc, thông qua lịch sử lâu đời đã kinh qua vô số những cuộc chiến tranh xâm lược và hiểm nguy, lần này cũng không chút nghi ngờ rằng mình sẽ đánh bại quân xâm lược Nhật Bản. Là một đất nước nửa phong kiến, thế lực quân phiệt hùng mạnh, nay cả về mặt công nghiệp cũng đang đạt đến trình độ phát triển cao độ, Nhật Bản là một chính thể hỗn hợp lạ thường giữa quá khứ và hiện tại đang ấp ủ tham vọng xây dựng thành một đế quốc của thế giới. Thế nhưng, thái độ thù địch của Mỹ, quốc gia hùng mạnh nhất hiện tại, đang trở thành rào cản lớn lao ngăn mộng tưởng này thành hiện thực. Một bức tường chắn kiên cố nữa đối với sự bành trướng của Nhật Bản ở châu Á chính là Liên Xô. Cái nhìn sắc sảo của nhiều nhà quan sát đã thấy rõ bóng mây chiến tranh đang che phủ khắp vùng Mãn Châu và cả phần thềm lục địa rộng lớn của Thái Bình Dương.”
Tại một góc nhỏ trên quần đảo Nhật Bản, Park Bong Kwan đang chờ đợi vợ và con trai. Tuy ông không có được sự nhận thức của Nehru, nhưng ý thức về mục đích chắt chiu kiếm tiền để tạo điều kiện cho con cái được hưởng một nền giáo dục hiện đại thì mãnh liệt không thua kém bất cứ người cha nào.
Một buổi tối chạng vạng đầu tuần tháng Chín năm 1933, Park Tae Joon cầm tay mẹ đứng trên bến cảng Busan, nơi ngọn đèn điện đang đẩy lùi bóng tối. Trên gương mặt của đứa trẻ có đôi đồng tử sáng lấp lánh như sao Kim, tai to bằng lòng bàn tay và nhân trung dài khác thường đó như phảng phất một bóng mờ che phủ. Đó là nỗi sợ hãi hơn là sự hồi hộp. Trái tim nhỏ bé muốn đến một thế giới nó chưa từng biết, nơi người cha đang chờ đợi, bị đè nặng bởi một điều gì đó thật khó có thể chịu đựng nổi.
Người mẹ trẻ và đứa con trai nhỏ đã lên chiếc phà Phủ Quan. Chuyến du hành đường thủy đó đối với người mẹ về sau là ký ức lâu dài về cơn say sóng và gian phòng chật chội, còn với đứa con trai là hình ảnh chiếc phà khổng lồ và biển người nơi ký ức mờ ảo. Mặc dù trí nhớ của Park Tae Joon về chiếc phà Phủ Quan và chuyến đi biển đã phai nhạt nhưng tư liệu để suy luận về ký ức đó thì vẫn còn rất nhiều.
Chuyến phà Phủ Quan, tuyến đường biển nối liền Simonoseki và Busan này là “con đường xâm lược” rất trọng yếu mà Nhật Bản, quốc gia chiến thắng trong chiến tranh Nga - Nhật (1904-1905), đã giành lấy như là một chiến lợi phẩm để tiến vào đại lục thông qua bán đảo Triều Tiên. Lịch sử cũng đã chứng minh điều đó. Ngày 5 tháng Chín năm 1905, ký kết Điều ước giảng hòa Nga - Nhật; ngày 25 tháng Chín, hạ thủy lần đầu tiên chuyến phà Phủ Quan; ngày 17 tháng Mười một cùng năm, ký kết Điều ước Bảo hộ Ất Tỵ1. Sự khai thông của tuyến phà Phủ Quan như là sự bắt đầu quá trình đếm ngược của Nhật Bản nhằm tiến tới kiểm soát bán đảo Triều Tiên và đại lục Trung Quốc. Vào thời kỳ mà giao thông đường biển là phương tiện duy nhất để đi về qua eo biển Huyền Hải Than, ngay từ lần hạ thủy đầu tiên Nhật Bản đã huy động hai chiếc phà sắt có quy mô 1.600 tấn rút ngắn thời gian đi lại trên biển xuống còn 11 giờ. Đây là một sự kiện làm rúng động đối với người Nhật vì đã xây dựng một cầu nối đưa Triều Tiên vào quỹ đạo sinh hoạt hai ngày một đêm2. Đến năm 1923, Nhật Bản tiến hành đổi hai con tàu chở khách cỡ 3 ngàn tấn thành tàu chở hàng hóa và đưa thêm con tàu Syokeimaru cỡ 4 ngàn tấn vào hoạt động.
Syokeimaru, con tàu nặng 4 ngàn tấn được đóng bằng sắt này đã làm mắt của đứa trẻ Park Tae Joon phải tròn xoe vì kinh ngạc. Với tâm hồn trẻ thơ chưa từng nhìn thấy gì ngoại trừ những con thuyền gỗ đánh cá bé như những chiếc giày cao su thì hình ảnh chiếc phà chẳng khác gì một con quái vật khổng lồ đáng sợ. Đó là hiện thực hùng tráng của sự hiện đại được tạo ra từ sắt thép mà đôi mắt của một đứa trẻ sau này sẽ vươn lên trở thành nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới lần đầu tiên nhìn thấy.
Park Tae Joon cùng mẹ như con tôm bị hút sâu vào trong cái miệng đang há hết cỡ của con quái vật khổng lồ hiện đại rồi rơi thẳng xuống dưới đáy của nó. Đó chính là một căn phòng hạng ba. Người mẹ không dám mơ căn phòng hạng nhất. Người phụ nữ Triều Tiên ra đi để mưu sinh nơi đất khách quê người dù kiệt sức đến mấy cũng phải tiết kiệm đồng tiền. Trong căn phòng hạng ba, cơn say sóng của một người kéo theo cơn say sóng của người bên cạnh một cách dây chuyền để cuối cùng, sàn phòng rộng lớn đã biến thành địa ngục của những cơn say sóng. Gian phòng hạng ba trên chuyến phà Phủ Quan đã lưu lại như một trang ký ức về thời thơ ấu của Park Tae Joon với “biển người và say sóng” rồi cũng len lén phai đi. Con người dù đang trong cơn đau khổ khó có thể chịu đựng đến cách mấy, nhưng nếu thời gian phải chịu đựng đó được giới hạn thì hiếm khi ngất đi. 11 giờ đồng hồ mà hai mẹ con rời xa làng chài của thời Trung cổ đã trải qua trên sàn phà Phủ Quan là khoảng thời gian đã minh chứng cho điều đó.
Chính lúc đó, sau khi cơn say sóng đã dịu đi, nằm gối đầu lên đầu gối mẹ chỉ với niềm khao khát được gặp lại cha, đứa trẻ đã mê man không còn biết gì nữa. Khi đã vượt qua Huyền Hải Than, tiếng Nhật, trường Nhật, văn hóa Nhật... mà một đứa trẻ xuất thân từ nước thuộc địa không thể né tránh và buộc phải làm quen sau hơn 30 năm sẽ trở lại với vận mệnh nào đây? Lý lịch của một thời thơ ấu, thiếu niên trải qua trên đất của kẻ thống trị sẽ đóng góp bằng cách nào cho một ngày mai xa xôi của Tổ quốc mà nó tìm lại...! Duy chỉ có sóng, những con sóng mang tin tức thế giới của bên kia chân trời trở về và rải không ngớt trên bãi cát trắng của xóm làng quê hương bằng những bọt sóng trắng xóa mới có thể dự kiến được một cách mơ hồ về điều đó.
Đậu phụ
Trên bến cảng Shimonoseki, một thanh niên người Triều Tiên độ tuổi giữa hai mươi tay cầm một bảng phấn có ghi “Mẹ con Park Tae Joon” đang đứng đợi. Chàng thanh niên mà Park Bong Kwan gửi đến đã đưa hai mẹ con vẫn còn đang ngơ ngác ra ga tàu. Ga là một nơi gần đó về hướng bên trái ngay sau khi ra khỏi bến cảng. Trên một ngọn đồi gần đó về hướng ngược lại, có lầu Xuân Phàm, nơi mà vào năm 1895 Ito Hirobumi – người chiến thắng trong cuộc chiến tranh Thanh - Nhật (1894-1895) đã gặp Lý Hồng Chương – Đại sứ toàn quyền giảng hòa của nhà Thanh để ký kết Hòa ước Shimonoseki. Đi về phía ngược lại với nơi đã phá bỏ quyền bá chủ của nhà Thanh đối với Triều Tiên, ba người Triều Tiên đến trước ga, làm dịu cơn đói bằng U-dong trước khi bước lên tàu. Từ đây cho tới điểm đến cuối cùng, họ phải đi thêm khoảng 2 ngàn dặm nữa. Con tàu chạy liên tục. Dù trời đã bắt đầu tối, hành khách lên xuống vẫn nhiều. Cũng như chuyến phà khổng lồ, con tàu vẫn lao đi mặc màn đêm dày đặc. Tựa đầu vào ngực mẹ, Park Tae Joon đã trải qua hai đêm trên con tàu cứ rầm rập hướng về phía trước. Các bữa cơm được ăn tạm bằng “Ben-to” (cơm hộp kiểu Nhật) được bán trên tàu. Sau khoảng thời gian dài, nơi họ xuống là Atami. Người cha ra đứng đón ôm chầm rồi nhấc bổng đứa con đầu lòng nay đã lớn đến không thể nhận ra.
Atami là một địa phương nằm ôm lấy vịnh Sagami giữa
Park Bong Kwan đang làm việc tại công trình đường hầm Itosen ở bán đảo Izu. Trong đôi mắt long lanh của Park Tae Joon, trang phục của người cha khi đi làm trông thật lạ mắt.
“Cha ơi, mọi người đều mặc áo thế này để đi làm việc ạ?”
Cái gọi là “áo thế này” mà đôi bàn tay nhỏ xinh đang vân vê kia là “áo cao su” đen bóng mặc vướng víu còn hơn áo mưa.
“Phải rồi. Cha đào hầm xe lửa mà. Ở trong đó cha phải mặc áo thế này để đề phòng nước khoáng nóng bị vỡ và phun ra.”
Park Bong Kwan, người vừa ghi khắc câu chuyện cái “áo cao su” vào đầu óc của đứa con trai nhỏ, có biệt tài học lóm rất khác thường. Người đàn ông từng chỉ đọc chơi sách Hán học và làm nông chốn quê nhà, nay ở công trình xứ người mỗi ngày lại tích lũy thêm những kỹ thuật xây dựng mới. Ông đã có thể xử lý việc quản lý lao động, quản lý trang thiết bị hoặc cả văn bản. Someya, đại diện của một công ty xây dựng vừa và nhỏ thường hay nói việc
Trong những công việc của Park Bong Kwan, việc quản lý lao động rất phức tạp. Quản lý tiền công và cách đối xử đối với lao động Triều Tiên, để thu xếp khéo léo những vấn đề nhạy cảm này, ông vừa phải phản ánh một cách thích đáng hoàn cảnh của những người thợ Triều Tiên, vừa phải lấy được sự thông cảm của ông chủ Nhật Bản. Ở đây đòi hỏi sự phán đoán sáng suốt và phẩm chất ngay thẳng của người được giao phó vai trò cầu nối. Nếu làm mất đi sự tín nhiệm của bất cứ một bên nào, vị trí đó sẽ phải đón nhận mối ác cảm hoặc sẽ bị sa thải. Mối ác cảm là việc ông sẽ chịu những sự chỉ trỏ từ đồng bào, sa thải là sẽ bị đuổi khỏi chức vụ đó. Nhưng ông đã không phải nhận một cái chỉ trỏ hay sự sa thải nào.
Tháng Tư năm sau, Park Tae Joon đã nhập học trường tiểu học Taga tại Atami. Ngôi trường nhỏ bé được làm bằng gỗ, mỗi cấp học chỉ độ trên dưới bảy mươi đầu học sinh, nằm trên một sườn núi. Từ sân vận động nhìn xuống có thể nhìn thấy xa xa một hòn đảo nhỏ có tên gọi Hasushima nằm cách làng khoảng năm dặm. Cậu bé được mọi người chú ý đến như một đứa trẻ thông minh. Toán học, ngôn ngữ, mỹ thuật là những môn nổi trội nhất. Cậu cũng không bỏ lỡ vị trí đứng đầu kể cả trong giờ học thể dục. Chạy, bơi lội, hít xà ngang là những môn mà cậu khiến những đứa trẻ khác phải ganh tị.
Trường học mỗi năm gần đến kỳ nghỉ hè lại tổ chức “Hội thi bơi đường dài Hasushima”. Đường bơi đến tận hòn đảo rồi vòng về, mục đích là nhằm rèn luyện lòng can đảm và thể lực cho các em học sinh. Nếu thành công ở cuộc bơi lội này, trẻ sẽ được đính lên chiếc mũ vải trắng một dải băng màu đen giống như việc thăng cấp trong môn võ Judo, đấy cũng là niềm hãnh diện dương dương tự đắc của mấy bé trai khi ngày hè đến. Đứa trẻ thuộc địa lớn lên trên đất của kẻ thống trị đã âm thầm nuôi dưỡng ý thức không cam chịu thua cuộc bọn trẻ của kẻ thống trị như là một bản năng tự vệ. Vào mùa hè của năm học thứ hai, Park Tae Joon lần đầu tiên tham gia vào “Hội thi bơi đường dài Hasushima”. Một chiếc thuyền luôn bơi theo sát các vận động viên nhỏ nên loại trừ khả năng bị chết đuối. Đứa trẻ đã đan những mạch máu và nuôi dưỡng xương cốt mỏng manh trong cuộc đời cùng với những con sóng biển ở làng chài lý Imrang đã không bị vớt lên chiếc thuyền đó. Đứa trẻ ấy đã bơi lặn như một con cá mập con và đã được đính dải băng đen trên chiếc mũ trắng. Đó là niềm tự hào của Park Tae Joon khi lần đầu tiên trong cuộc đời cảm nhận được hương vị của sự thành công ngập tràn đến vậy.
Ở hội thi thể thao của năm thứ ba, Park Tae Joon đã đoạt giải nhất trong cuộc thi chạy. Những đứa trẻ Nhật nghĩ rằng đó là điều đương nhiên. Vì sao lại như vậy, là vì chúng đều tin rằng tất cả người Triều Tiên đều chạy giỏi. Nguyên do hoàn toàn từ vận động viên Son Ki Jeong. Sự kiện chàng trai Triều Tiên đã khoác lên đầu vòng nguyệt quế môn ma-ra-thon ở Thế vận hội Olympic Berlin năm 1936 đã được loan báo đến cả trường tiểu học yên tĩnh ở Atami. Có vẻ hơi khôi hài, nhưng trong thế giới của trẻ thơ, những đứa trẻ khác đều nghĩ rằng Park Tae Joon đương nhiên là có đôi chân thiên phú.
Park Tae Joon lớn nhanh như thổi ở Atami. Sau gần ba năm sống ở đây, ngọai trừ điều kiện thuận lợi của nền văn minh, cậu bé còn nhận ra được ba điểm khác biệt giữa Atami và làng chài nơi quê nhà. Quýt rất nhiều, đây là thứ mà ở quê nhà cậu bé không thể nhìn thấy. Suối nước nóng cũng nhiều, thứ mà ở quê nhà cậu bé không thể tìm ra. Mỗi ngày có thể được ăn “đậu phụ”, món mà ở quê nhà cậu chỉ có thể được nếm vào dịp tết Nguyên đán.
Ở một vùng mà sản lượng trồng đậu nành thấp, cơ sở sản xuất đậu phụ lại nhiều, chìa khóa để giải thích mối quan hệ tương quan không thể phù hợp này có thể tìm thấy được ở tận cánh đồng Mãn Châu xa xôi. Từ cánh đồng Mãn Châu, đậu thu hoạch được chất thành đống lên tàu lửa chở hàng xuyên qua bán đảo Triều Tiên để xuống bến cảng Busan, rồi lại bốc lên chuyến phà Phủ Quan, vượt qua Huyền Hải Than và sau khi dỡ hàng ở Shimonoseki, đậu sẽ được đưa về đến tận Atami. Đối với đứa trẻ thuộc địa, đậu phụ cung cấp đầy chất dinh dưỡng kia là món ăn không thể tách rời với cuộc xâm lược Mãn Châu của Nhật Bản.
Chiếc la bàn đầu tiên
Tháng Mười một năm 1936, nhà bác cả của Park Tae Joon chuyển đến Nagasaki, còn gia đình Park Tae Joon cũng di chuyển cả ngàn dặm đến định cư ở Iyama. Là cái nôi của môn trượt tuyết ở Nhật Bản, Iyama vào mùa đông trở nên thật náo nhiệt với dân trượt tuyết từ tứ xứ lũ lượt đổ về. Vào làm việc tại công trình xây dựng nhà máy thủy điện sau khi đã trải qua mùa đông tuyết Iyama, Park Bong Kwan thi thoảng lại nhấn mạnh với đứa con trai đầu tính quan trọng của việc học. Ông nhấn mạnh rằng là một học sinh Triều Tiên, cách duy nhất để có thể cạnh tranh với học sinh Nhật Bản không có gì khác hơn ngoài “học”. Park Tae Joon khắc sâu lời dạy của cha. Người thiếu niên nay đã đến tuổi nhận thức được “tình cảnh của người bị trị sống trên đất của kẻ thống trị”, cùng lúc cảm nhận được gánh nặng trách nhiệm của một người con trai trưởng đối với ba đứa em kế trong gia đình. Lần đầu tiên trong đời cậu đã xác định cho mình một la bàn cuộc sống. “Phải học giỏi. Phải vận động giỏi. Phải thắng các học sinh Nhật Bản”. Những lời tự nhủ được nhắc đi nhắc lại trong tâm khảm đã là chất kích thích sự nỗ lực phấn đấu tự thân của cậu bé đang bước vào buổi giao mùa của tuổi chín chắn này.
Mùa hè năm sau đó (7-1937), sau cái năm gia đình Park Tae Joon chuyển đến Iyama, Nhật Bản bằng mọi cách khiêu khích nhằm châm ngòi cuộc chiến Trung - Nhật. Giống như biến cố Mãn Châu1 sáu năm trước đó, Nhật Bản đã dễ dàng chiếm lĩnh hầu hết các cứ điểm trọng yếu của Trung Quốc như Bắc Kinh. Nhưng với sự hợp lực Quốc - Cộng hợp tác lần hai, Đảng Quốc dân và Đảng Cộng sản của Trung Quốc đã tạo nên một mặt trận kháng Nhật mạnh mẽ. Nhật Bản đã bị lôi kéo vào cuộc chiến tranh trường kỳ.
Cuối thu năm 1939, đã đến lúc Park Tae Joon phải lựa chọn trường trung học (bấy giờ là hệ trung học 5 năm ghép chung trung học cơ sở và trung học phổ thông). Park Tae Joon và cha cảm thấy khó xử trong việc lựa chọn giữa trường trung học Bắc Iyama và trường trung học Azabu ở
Khi chuẩn bị tốt nghiệp tiểu học, Park Tae Joon đã nghe tin chiến tranh nổ ra ở châu Âu. Tháng Chín năm 1939, nước Đức của Hitler đã giày xéo lên Phần Lan, chiếm cả Pháp một cách đơn giản bằng khí thế đánh đâu thắng đó chẳng khác nào một sự nhạo báng đối với lời tuyên chiến của Anh và Pháp. Nay, đám mây chiến tranh đã ùn ùn bao phủ trên bầu trời Thái Bình Dương. Nước Mỹ ban hành lệnh cấm xuất khẩu sắt thép vào Nhật. Đó là quyết định nhằm gây cản trở cho việc sản xuất vũ khí.
Mùa xuân năm 1940, Park Tae Joon khoác lên mình bộ đồng phục của trường trung học Bắc Iyama. Biểu tượng của ngôi trường này là cây nguyệt quế – vòng lá đã từng tỏa sáng trên đầu của vận động viên Son Ki Jeong, người chiến thắng trong cuộc thi marathon tại Thế vận hội Olympic bốn năm trước đó. “Một ngày nào mình cũng muốn trở thành người đứng đầu thế giới, một ngày nào mình cũng muốn một lần được đeo vòng nguyệt quế...”. Trong một lúc, cậu thiếu niên đã từng mơ giấc mơ đứng đầu thế giới như là kỷ niệm của ngày nhập học.
Vóc người của Park Tae Joon, một người đã học bơi lội, trượt tuyết rồi cả Judo trông thật cân đối và rắn chắc. Tuy nhiên, chưa bao giờ cậu nghĩ rằng mình sẽ trở thành một vận động viên. Niềm đam mê khác thường đó của Park Tae Joon, cậu học sinh đã được lên đai ngay từ năm đầu trung học, như là một kết quả chiếu theo la bàn của bản thân luôn quyết không chịu xếp sau học sinh Nhật Bản dù chỉ là đọ sức về mặt thể lực. Đôi lúc cậu còn hát lên bằng chất giọng ngân nga hoặc thổi kèn Harmonica. Đó là những lãng mạn của tuổi dậy thì.
Năm 1940, khi Nhật liên kết với các cường quốc phát-xít là Đức và Ý lập nên tam giác đồng minh, đồng thời lập kế sách cho một âm mưu xâm lược lớn hơn thì cậu học sinh năm thứ nhất của trường trung học Bắc Iyama Park Tae Joon bấy giờ cũng đã có một ký ức riêng tư mà suốt đời không thể quên được. Sau khi kết thúc kỳ thi cuối năm, gần đến kỳ nghỉ hè, Park Tae Joon với tư cách là vận động viên đại diện của học sinh năm nhất đã tham gia thi đấu với các vận động viên đại diện năm hai trong hội thi bơi cấp trường. Trong cơ thể của cậu bé đã từng tham gia Hội thi bơi đường dài Hasushima, khả năng bơi lội dường như đã thấm sâu. Lần này bộ môn thi đấu là bơi ếch. Trong bơi ếch, nếu xoay đầu qua bên phải hay bên trái đều bị cho là mất tư cách thi đấu hoặc bị phạt. Giữa tiếng reo hò cổ vũ cuồng nhiệt, trong gang tấc, Park Tae Joon đã chạm tay vào đích đầu tiên. Thế nhưng, đập vào tai của cậu bé còn đang thở hổn hển đó không phải là tiếng hoan hô chúc mừng. Từ khu vực cổ vũ của học sinh năm hai, tiếng la ó giễu cợt cùng những ngón tay chỉ trỏ đồng loạt nhắm thẳng vào khuôn mặt ướt đẫm nước của cậu bé. Chúng cho rằng vận động viên năm một chơi trái luật vì đã lén lút quay đầu. Dĩ nhiên, đó là cách đối phó đám đông để không gây tổn thương đến lòng tự tôn dân tộc. Nhận ra học sinh năm nhất đã giành chiến thắng là một người Triều Tiên, ngay lập tức, vị trọng tài đã dao động tâm trí. Người về nhất bị kéo xuống hàng thứ hai.
Lòng Park Tae Joon sôi sục. Càng nghĩ rằng phải chịu đựng thì lòng cậu lại càng bị tổn thương hơn. Nhưng kỳ nghỉ hè đến, cậu bé đã có thể xóa bỏ cái ký ức luôn gây khó chịu của hội thi bơi ở trường. Cùng với người anh họ đến thăm từ tận