Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Cần một chút cổ tích giữa đời thường
Update Date: 02/06/2008

Sau tập truyện Trên lan can được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt, và là một trong mười quyển sách được bạn đọc báo Người lao động bình chọn là hay nhất trong năm 2007. Lần này, với tập truyện ngắn Chừng đó mặt người đi qua, tác giả Song Khê mang đến cho người đọc những truyện ngắn nhiều trăn trở hơn, sâu lắng hơn về tư duy, lối sống của tuổi mới lớn đáng để người đọc suy ngẫm.

Vẻ như mỗi tác phẩm ra đời từ những vết khứa hằn trong trái tim tác giả. Ở tập truyện Chừng đó mặt người đi qua, nổi bật là những ý tưởng mà có lẽ chỉ những kẻ “khác người” một chút mới nghĩ ra. Một cô gái thích đi ra bờ sông để ngắm những xác nhà. Cô thích thú nhận ra, giữa đám hoang tàn đổ nát có sức sống mới trỗi lên. Qua mưa giông, bão táp, cọng cỏ vươn vai đứng lên, vượt trên hoang tàn… (Đi xem hoang tàn).
 
Cuộc sống có vô vàn những hoang tàn, đổ nát như thế! Tuổi mới lớn trong tác phẩm của Song Khê luôn đau đáu với những trăn trở, suy tư, mặc dù trong mắt bà, đứa cháu ngoại vẫn còn bé bỏng lắm, bà ngạc nhiên khi thấy cháu về thăm ngoại một mình mà không cần ba mẹ đưa đi như trước. Ấy là bởi thời gian trôi qua nhanh quá! Cháu lớn lên, đồng nghĩa với việc bà sắp sửa rời xa cháu như một quy luật tự nhiên… “trong lòng ngoại luôn có một cái túi ưu tư thật to thật nặng đựng hết mọi hỉ nộ ái ố của con cháu, để đêm đêm mất ngủ, ngoại lại mở ra nhẩm xem từng chuyện một, độ lượng và âu lo…” (trích Ngoại bà bà).
 
Ở lứa tuổi chưa xa thời cổ tích bao nhiêu, cũng dễ hiểu khi họ luôn đắm chìm vào thế giới không thực, trong khi thực tế luôn cần một cái nhìn tỉnh táo. Tôi đi tìm cổ tích là một cô bé như thế. Khóc khi xem phim. Khóc vì ánh mắt bất  thần của đứa trẻ. Khóc vì tổn thương. Khóc vì niềm tin bị đánh cắp… Cô còn có thói quen cất giữ những kỷ niệm, những kỷ niệm về mối tình đầu với anh, để rồi chính anh - mẫu người của thực tế - nói với cô đầy xót xa “kỷ niệm không thể nuôi sống chúng ta”. Có thể thương cảm cho cách sống tình cảm của cô, nhưng cũng không thể bác bỏ lối tư duy thực tế của anh, khi mà cuộc sống luôn tồn tại những toan tính, bon chen. “Đời người quá nghiệt ngã rồi. Em muốn hùn thêm vào đó một chút cổ tích không được sao anh?” (trích Tôi đi tìm cổ tích).
 
Mỗi truyện ngắn của Song Khê đều khiến người đọc phải suy ngẫm. Nhất là giữa cuộc sống rất cần giới trẻ phải sống “chậm” lại để lắng lòng với chính mình, với cuộc sống xung quanh. Để một lúc nào đó nhận ra, trong khi chúng ta quá mệt mỏi để đuổi theo ước mơ, khát vọng thì vô tình lại quên đi thứ chúng ta đang cần nhất; đó là tình cảm.
 
Điều đó không phải là cổ tích, nhưng chắc chắn sẽ giúp chúng ta bớt nghiệt ngã hơn trong hành trình tiếp theo của cuộc sống.
 

ÁNH HƯỜNG

Other News