Joseph E. Stiglitz, tác giả cuốn sách, một nhà kinh tế của thời hiện đại, đoạt giải Nobel kinh tế năm 2001, đã phát triển một nhánh kinh tế học mà sau này gọi là kinh tế học thông tin. Ông cũng có nhiều công trình nghiên cứu về các chủ đề kinh tế ứng dụng, bao gồm kinh tế học khu vực công, kinh tế phát triển và chính sách tiền tệ.
Hơn thế nữa, ông từng có thời trực tiếp tham gia công việc hoạch định chính sách toàn cầu ở cương vị Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), và chính sách của một siêu cường kinh tế ở cương vị Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống Bill Clinton. Cuốn sách này dựa trên nền tảng học thuật vững chắc cũng như các kinh nghiệm thực tiễn quý báu đó.
Ông vẫn tin rằng toàn cầu hóa có thể là một sức mạnh thúc đẩy nâng cao mức sống của mọi người trên thế giới, đặc biệt là người nghèo, nhưng ông cũng cho rằng để được như thế thì cách thức tiến hành toàn cầu hóa như hiện nay “cần phải được suy xét lại một cách triệt để”. Bởi vì cách thức hiện nay thường chỉ phù hợp với lợi ích của các nước đã phát triển và các tầng lớp có quyền lực, khiến cho hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng rộng trên phạm vi toàn cầu.
“Những người chỉ trích toàn cầu hóa buộc tội các nước phương Tây là đạo đức giả và họ hoàn toàn đúng. Các nước phương Tây đã ép buộc nhiều nước nghèo xóa bỏ hàng rào thương mại, nhưng lại giữ lại hàng rào thương mại của chính họ.” Các chính sách như duy trì chế độ hạn ngạch đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước đang phát triển, hay tiếp tục trợ cấp nông nghiệp khiến cho hàng nông sản của các nước đang phát triển khó cạnh tranh, dẫn đến hậu quả là “nhiều nước nghèo nhất thế giới thực ra còn bị làm cho nghèo hơn”.
Không những thế, toàn cầu hóa cũng đã không thành công trong việc bảo đảm sự ổn định. Chính sách đòi hỏi các nước phải tự do hóa thị trường tài chính, nới lỏng việc kiểm soát chu chuyển vốn - tác giả khẳng định - “chỉ tạo ra sự phá hoại”. Những dòng tiền chạy ra khỏi các nước một cách đột ngột sẽ để lại sau lưng nó sự sụp đổ của hệ thống tỷ giá, và sự suy sụp của cả hệ thống ngân hàng. Khủng hoảng tài chính trở thành một hiểm họa luôn đe dọa các nền kinh tế mới nổi lên.
Theo Stiglitz, “Để hiểu điều gì đã sai, điều quan trọng là phải xem xét ba tổ chức chính đang điều phối toàn cầu hóa: Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), WB và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)”. Và ông đã dành một phần quan trọng của cuốn sách để mô tả một cách tường tận và thẳng thắn những sai lầm của các định chế quốc tế đó, đặc biệt là của IMF. Ông khẳng định: “IMF đã mắc sai lầm trong tất cả những lĩnh vực mà nó tham gia: phát triển, chống khủng hoảng, và trong các nền kinh tế chuyển đổi từ mô hình cộng sản sang tư bản. Các chương trình cho vay điều chỉnh cơ cấu không đem lại tăng trưởng bền vững (…) ở nhiều nước, chính sách thắt lưng buộc bụng đã cản trở tăng trưởng”.
Cuốn sách khép lại với chương “Con đường phía trước” với các đề nghị cụ thể về thay đổi cơ cấu quản trị và tính minh bạch ở các tổ chức quốc tế, cải cách IMF và hệ thống tài chính toàn cầu, cải cách WB và viện trợ phát triển, cải cách WTO và cân bằng lịch trình thương mại, nhằm “tiến tới toàn cầu hóa giàu tính nhân văn”.
Sách do Nguyễn Ngọc Toàn dịch, Nhà xuất bản Trẻ xuất bản, 366 trang, giá 64.000 đồng, đang phát hành trên cả nước.