Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Cuộc đua với thời gian
Update Date: 06/18/2010

Nhà xuất bản Trẻ vừa cho ra mắt cuốn sách Võ Văn Kiệt, người thắp lửa. Đây có thể xem là một tập hồi ký chung hình thành từ những mẩu ký ức của nhiều chính khách, trí thức, nhà văn, nhà báo... về vị lãnh tụ của họ, người cộng sản mang bí danh Sáu Dân. Nhân ngày giỗ lần thứ hai của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt (mùng 8 tháng 5 âm lịch), trong gần 50 bài viết được tập hợp trong cuốn sách này, SGTT chọn đăng bài viết của ông Nguyễn Văn Trịnh – thư ký mười năm cuối cùng của nguyên Thủ tướng, về cuộc chạy đua với thời gian của một người chưa bao giờ cho rằng những gì mình đã làm cho dân cho nước là đủ.

Hơn mười năm bên ông là một quãng thời gian đẹp đẽ, có ý nghĩa nhất đối với tôi. Tôi đã được học những bài học quý giá trong công việc, và cũng được học bài học làm người công dân.

Rất nhiều người động viên, cũng rất nhiều lần ngồi trước màn hình bắt tay vào viết một cái gì đó về ông nhưng không thể bắt đầu, rồi nhiều lần bắt đầu, tôi lại không thể kết thúc. Với tôi, ông quá gần, tưởng như dễ dàng viết và điều gì cũng có thể viết, viết tường tận, viết chi tiết, nhưng cũng chính vì quá gần nên tôi không biết viết bao nhiêu cho đủ, kết thúc như thế nào để thấy hài lòng. Lần bắt đầu này cũng vậy, mỗi khi mở máy ra là tôi luôn cảm thấy ông hiển hiện bên cạnh, lúc trầm ngâm, trăn trở việc này, khi sang sảng, quyết liệt về việc kia.

Tôi sẽ không đề cập đến những nhận định, đánh giá về những quyết sách, những công trình mang đậm dấu ấn của vị “Tướng không sao” từ những ngày vô vàn khó khăn ở khu 9, Củ Chi cho tới khi ông giữ trọng trách điều hành đất nước. Tôi chỉ muốn nói hơn mười năm bên ông là một quãng thời gian đẹp đẽ, có ý nghĩa nhất đối với tôi. Tôi đã được học những bài học quý giá trong công việc, và cũng được học bài học làm người công dân.

Nhiều người đã đề cập đến cách trọng dụng những chuyên gia, những nhà tư vấn của ông. Cũng nhiều bài viết ca ngợi khả năng tổng hợp tuyệt vời, tính quyết đoán, nhạy bén trong giải quyết công việc của ông. Gần gũi ông, tôi cảm nhận ông đơn giản làm việc như một nhà khoa học thực thụ được đào tạo bài bản, mặc dù ông không có điều kiện được ngồi trên ghế nhà trường. Tôi vẫn nhớ từng chữ ông đã ghi trong bản lý lịch, dự định sẽ sử dụng cho việc cuối cùng của đời người: trình độ văn hoá: biết đọc, viết, điều rất đáng để chúng ta suy nghĩ.

Đến giờ tôi vẫn nhớ như in những cuốn sổ tay ghi chép của ông. Cuốn nào cũng được giữ gìn cẩn thận, ghi chép công phu. Từng trang, từng dòng, từng chữ, phần nào quan trọng đều được gạch chân hoặc dùng bút nhấn dòng đánh dấu. Nhìn vào những trang ghi chép ấy, ai cũng có thể thấy ngay được cái gì là quan trọng, điều gì là trọng tâm. Những con số, những địa danh, những đặc điểm của từng vùng, từng cá nhân, từng mốc thời gian đều được ghi chép rất cẩn thận, chi tiết theo một trật tự, lớp lang như của một nhà nghiên cứu thực thụ. Có lẽ vì vậy mà ông hiếm khi bỏ sót hay quên việc gì. Làm việc với ông, không ít cán bộ chuyên môn phải giật mình, những địa danh như Cam Lộ, Tuý Loan… hẳn không ít cán bộ ngành giao thông vận tải chưa biết ở đâu. Nhưng ông thì rành rẽ từng cung đường, cây cầu trên tuyến đường Hồ Chí Minh mà ông mong muốn khi hoàn thành sẽ là tuyến đường cao tốc bất cứ bác tài nào cũng muốn được ghi trong hành trình.

Ông cũng thường tự tay cắt, dán những thông tin cần tra cứu, tham khảo và yêu cầu tôi chuyển những thông tin này tới những người cần biết, đôi khi chỉ là một bài thuốc dân gian cho căn bệnh của người bạn già nào đó hay thông tin về một hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ mà ông yêu cầu tôi tìm đến tận nơi trao quà.

Ở lâu với ông, tôi luôn thấy những điều mới lạ ở con người đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm”. Tiếp xúc với người nào, giới nào, chỉ một thời gian ngắn, ông đều có thể tranh luận như một người gan ruột trong ngành, trong nghề. Từ những thông tin ban đầu, ông dành thời gian tìm hiểu, trao đổi ý kiến với người này, gặp gỡ tranh luận với người kia để làm sáng tỏ vấn đề. Cần thiết, ông đến tận nơi tìm hiểu, quan sát thực tế để đảm bảo quyết định mình đưa ra có tính khả thi. Tôi còn nhớ, khi giúp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khai thác giá trị của Côn Đảo, ở tuổi 84, bận rộn là thế, ông vẫn sắp xếp một chuyến bay ra tận nơi, tận mắt nhìn lại; sau khi về, ông yêu cầu tổ chức hẳn một cuộc thi quốc tế về quy hoạch Côn Đảo để có được nhiều hơn những ý tưởng giúp khai thác tối đa lợi thế của khu di tích có một không hai này.

Chính những yêu cầu khắt khe trong công tác đòi hỏi những người gần ông, quanh ông đều phải làm việc hết mình, lao động cật lực và nghiêm túc. Bản thân ông cũng vậy, ông đã không ngừng học hỏi.

Thấm thoắt thế mà đã chục năm có lẻ tôi được làm việc bên ông. Nhớ lại những ngày đầu khi mới được tiếp xúc, với giọng nói, âm sắc đặc chất Nam bộ, tôi đã không ít lần phải hỏi lại những điều ông căn dặn. Ở ông, tôi vừa thấy một vị lãnh đạo nghiêm khắc, quyết liệt trong công việc; lại vừa thấy ông gần gũi, giản dị khi cùng ngồi với chúng tôi, ăn củ khoai, trái bắp, hay khi nổi hứng đánh vài ván tú-lơ-khơ với anh em cảnh vệ.

Hàng ngày, ông dậy rất sớm, dù mùa đông hay mùa hè, ở miền Đông hay miền Tây, không lãng phí thời gian, ông vừa tập thể dục vừa nghe tin tức, cập nhật thêm thông tin từ báo chí, từ các báo cáo nhanh của bộ phận giúp việc. Một ngày làm việc mới được ông bắt đầu như vậy từ khi đương nhiệm cũng như khi không còn giữ trọng trách điều hành đất nước.

Dù lịch làm việc dày đặc nhưng ông vẫn dành thời gian chơi thể thao, vừa giữ sức khoẻ vừa để bộ não luôn đầy ắp những thông tin cần xử lý có thời gian nghỉ ngơi. Ở tuổi 85, khả năng phân tích và tổng hợp vấn đề của ông vẫn khiến nhiều người không theo kịp. Khi cán bộ y tế không để ông chơi tennis, môn thể thao ông ưa thích sau bóng đá, ông vẫn tiếp tục rèn luyện những bài tập phù hợp, rất đều đặn, chính vì thế, không ai nghĩ ông đã qua tuổi 80 nhiều năm.

Những năm tháng cuối cùng, cảm nhận hơn ai hết quy luật của tạo hoá, ông luôn chạy đua với thời gian: công việc nối tiếp nhau không ngừng. Dù những ý kiến, những đề xuất của ông không phải lúc nào cũng được chấp nhận, ông không bao giờ thấy nản. Đặt lên trên hết là nỗi lo làm sao cho đất nước phát triển, cho dân tộc được ngẩng cao đầu sánh vai cùng bè bạn, luôn canh cánh trong ông đến những giờ phút cuối cùng.

Với phong cách làm việc cẩn thận, chu đáo, ông không quên điều gì: một lời nhắn nhủ với quê hương; một lời dặn dò với tổ chức; một ước nguyện sum họp của người chồng mất vợ, người cha mất con trong chiến tranh… tất cả đều được ông chuẩn bị kỹ lưỡng, ghi lại đầy đủ trước lúc đi xa.

Đến căn nhà được Nhà nước tặng, ông cũng mong muốn được giao lại cho dân, cho nước. Ông viết: “Khi đi làm cách mạng không có tài sản gì riêng mang theo, khi hết cuộc đời cũng không có tài sản gì cho riêng mình. Dân nuôi, dân lo, giao lại cho dân là vẹn toàn”.

Giờ đây, mỗi lần có dịp qua sông Sài Gòn thắp cho ông nén nhang tại nơi ông sống những năm tháng cuối cùng trong sự chăm sóc chu đáo của vợ chồng người con gái, tôi vẫn cảm thấy như ông vẫn đâu đây, lúc gõ búa cho cá ăn, khi trầm ngâm trước tấm hình người vợ quá cố. Mới đó mà ông đã đi xa rồi.

Vắng ông, tôi không còn được nghe tiếng đài phát thanh quen thuộc ông mở mỗi sáng, vắng tiếng thở dài ưu tư khi trao đổi công việc, vắng tiếng cười sảng khoái, sự tiếc nuối về một pha bóng hay. Cũng không còn được nghe câu nói quen thuộc cuối mỗi ngày làm việc “thằng Trịnh còn đó không?”...

Nguyễn Văn Trịnh
(Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị)
Other News