Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Sự lương thiện
Update Date: 04/24/2009

Sốt ruột nhìn đồng hồ, mặc dù chưa đến giờ hẹn nhưng ông Tham cứ sợ đối tác không đến. Hôm nay, ông có cuộc hẹn với khách để bàn về một hợp đồng quan trọng. (trích 500 câu chuyện luân lý tập 4 Kỹ năng sống đẹp)

Qua điện thoại, ông đoán người mình sắp gặp đây chắc còn trẻ. Trẻ mà làm giám đốc một công ty xuất nhập khẩu lớn của nước ngoài, giỏi thật. Đã vậy lại còn bình dân nữa chứ. Anh ta nhất định hẹn ông đến quán cà phê sân vườn này, lịch sự nhưng không sang trọng lắm. À, với người có tính bình dị thì hợp đồng chắc sẽ có nhiều thuận lợi cho ông đây.

– Xin lỗi, tôi là Thư. Ông có phải là ông Tham không ạ?

Một thanh niên lịch sự cắt ngang suy nghĩ của ông Tham. Mừng quá, ông vội nói:

– Vâng, tôi đây. Ông thật đúng giờ.

Người kia nói tiếp:

– Tôi là Thư, giám đốc công ty xuất nhập khẩu

X, người đã tiếp chuyện điện thoại của ông vào hôm qua.

Ông Tham thấy chàng trai vui vẻ, thân thiện nên nhẹ cả người. Ông trình bày một mạch về hợp đồng mua bán giữa hai bên. Những thuận lợi và khó khăn trong công việc, ông trình bày không bỏ sót việc nào. Giám đốc trẻ kia là một tiến sĩ kinh tế, anh ta nắm bắt công việc rất nhanh và phân tích cặn kẽ từng việc.

Công việc đã trao đổi xong, hai bên trò chuyện vui vẻ bên ly trà. Chợt, ở góc quán có tiếng quát:

– Cút mau! Mày định chôm đồ hả?

Có tiếng đứa trẻ chống chế một cách yếu ớt:

– Cháu... cháu chỉ mời chú đánh giày thôi, không hề có ý gì khác.

Ông Tham nghe đến đây thì lên tiếng:

– Ông Thư ạ, bọn trẻ đánh giày này gian lắm. Sểnh mắt ra một cái là mất đồ ngay thôi.

Người giám đốc trẻ thở dài, từ tốn nói:

– Cái nghề không nói lên phẩm giá của con người. Nghề nào cũng có người tốt, kẻ xấu. Đứa bé kia đã từng ôm những chiếc giầy của người lương thiện cũng như của người gian ác. Một số người có nghề nghiệp rất tốt, vỏ bề ngoài rất đẹp, thế nhưng lại làm nhiều điều thất đức. Tôi cũng xuất thân từ đứa bé đánh giầy ông Tham ạ. Quê tôi nghèo lắm, để có tiền đi học, những lúc nông nhàn tôi phải lên thành phố đánh giầy. Thế rồi, may mắn nhờ có một học bổng, tôi mới được như ngày nay.

Như người vừa tỉnh cơn mê, ông Tham ngoắc tay và lên tiếng:

– Bé, lại đây đánh giúp chú đôi giầy.

Đứa bé đánh giầy “dạ” tiếng rõ to, nhanh nhẹn đưa ông Tham đôi dép, ôm lấy đôi giầy xăm xoi và bắt đầu vào việc.

Other News