TT - Nhân kỷ niệm 50 năm đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại (19-5-1959 - 19-5-2009), Ban liên lạc chiến sĩ Trường Sơn tại TP.HCM đã mở cuộc vận động viết những kỷ niệm về Trường Sơn và xuất bản tập hồi ký Trường Sơn - có một thời như thế (*).
Đây là những kỷ niệm quý giá của hàng triệu lượt người đã vượt Trường Sơn ra mặt trận.
Qua các hồi ký chúng ta biết: với bao khó khăn lúc đầu “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, với đôi dép cao su và chiếc gậy Trường Sơn: “quân đi tính từng người”, đến lúc trên đường Trường Sơn có cả ngàn xe tăng, pháo lớn, tên lửa cùng hàng binh đoàn - quân đoàn rầm rập ra trận! Từ lúc “gùi hàng tính từng cân” đến lúc hàng vạn ôtô chở hàng triệu tấn vũ khí - hàng hóa từ miền Bắc và các nước xã hội chủ nghĩa đến với miền Nam ruột thịt, góp phần quyết định chiến thắng.
Qua các hồi ký, chúng ta biết trong 16 năm, đế quốc Mỹ tập trung mọi phương tiện kỹ thuật chiến tranh hiện đại nhất, đánh phá ác liệt nhất trên mọi cung đường Trường Sơn, gây cho ta nhiều tổn thất về người, phương tiện, hàng hóa. Nhưng bộ đội Trường Sơn gan vàng - dạ ngọc, phát huy cao độ trí thông minh sáng tạo để chiến thắng kẻ thù hung hãn.
Qua các hồi ký, chúng ta nhận biết bộ đội Trường Sơn không chỉ là các đơn vị vận tải thông thường mà là một mặt trận chiến đấu hợp đồng binh chủng, và còn là một căn cứ chiến lược, hậu phương trực tiếp của các chiến trường Nam Đông Dương.
Qua các hồi ký, chúng ta biết ở Trường Sơn không chỉ có bom đạn và thương vong, mà ở đó hết mùa này qua năm khác, hàng chục đoàn văn công trung ương, văn công các tỉnh, thành, văn công Trường Sơn, các đội văn nghệ xung kích của các trung đoàn, binh trạm thay nhau múa hát trên từng cung đường, bãi đậu xe, trạm giao liên... làm cho Trường Sơn sôi động “tiếng hát át tiếng bom”. Chính Trường Sơn đã làm nền cho giới văn nghệ sĩ sáng tác những bài hát, câu thơ bất hủ, đi theo cùng đất nước chống Mỹ trong 5.000 ngày (16 năm chiến đấu của bộ đội Trường Sơn) và vang mãi về sau: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”...
Trên 80 bài viết được chọn trong gần 200 bài đã gửi về ban liên lạc. Đáng tiếc có nhiều mẩu chuyện thật cảm dộng, nhưng do người viết tuổi già, sức yếu nhớ không trọn vẹn, có đồng chí không quen viết nên không kể lại hết được những kỷ niệm gắn bó cuộc đời mình với Trường Sơn... Song đó là những trang sử người thật việc thật vô cùng quý giá!
Dù còn thiếu sót, chưa trọn vẹn, song chúng ta cũng hiểu được “có một thời như thế” về “con đường thật lắm chông gai, con đường thật anh hùng, con đường của cả nước chung vai”. Đó là “Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại”.
ĐINH PHONG