Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

EVEREST - ĐỈNH CAO NGHIỆT NGÃ - Kỳ 2: Thung lũng Kathmandu
Update Date: 03/20/2008

 
Tương truyền tổ sư Manjushri phát hiện một cái hồ trong như pha lê ở giữa dãy Himalaya. Ngài đã thoát nước bằng một nhát kiếm và tạo lên thung lũng rộng lớn, xanh ngắt cỏ non với lớp đất thịt thật sâu.

Thung lũng Kathmandu xanh tươi, huyền bí và hỗn độn. Nó là thủ đô của một nền dân chủ còn rụt rè nhưng linh hoạt, là điểm xuất phát cho những chuyến thám hiểm, là điểm dừng chân cho thương nhân. “Hồn thiêng” thung lũng lay động cả những kẻ hoài nghi: đó là sự pha trộn cuồng loạn của nhang và bột thần sa, tiệm trà với chuông đền, tu sĩ và loài khỉ; và những đường chạm trổ gợi tình trên thanh giằng mái đền. Đầy trời diều giấy lượn trong gió cùng chim nhạn tím, và những đám mây nổi khối tạo thành hình yêu ma hay thần thánh tùy thuộc tâm trạng người thưởng ngoạn.

Dân địa phương đầu chít khăn, lỉnh kỉnh trang sức trên người nhưng quần áo thì đôi khi sờn rách dong bước qua khu chợ dài vô tận. Họ vừa đi hành hương vừa thỏa thuê mua sắm. Họ vuốt ve những con bò “thánh” với lòng thành kính. Họ và du khách cùng nhìn nhau với ánh mắt ngạc nhiên tò mò. Rồi toàn thành phố ngưng chuyển động để chờ đoàn xe hoàng gia chạy ào ào xuống con đường có dải phân cách vừa được chín người công nhân chỉ dùng một cây cọ vẽ nên.

Từ dưới đáy hồ màu mỡ này, một trong những nền văn hóa độc đáo nhất châu Á đã nảy nở. Người bản địa Newars sinh sống tập trung trong những làng nhỏ kiểu “trang trại thành thị” xung quanh những vị trí thiêng liêng, trong một xã hội tự cung tự cấp. Họ không chỉ là nông dân mà còn bao gồm thầy tế, thợ thủ công và thương nhân. Công trình kiến trúc của họ “ngự trị” khắp thung lũng và ảnh hưởng đến thiết kế của các đền đài Phật giáo và Ấn giáo trên toàn cõi Tây Tạng và phía Tây Trung Quốc. Phật giáo thực ra bắt nguồn từ Ấn giáo. Hai tôn giáo được thể hiện rất nhuần nhị trong sự tổng hòa thẩm mỹ độc đáo của người Newars và trong những truyền thuyết, những biểu tượng phức tạp của họ. Hẳn nhiên Nepal là quê hương Phật giáo.

Thời hiện đại cũng có nhiều sự thay đổi. Các sĩ quan Quân đội Anh – những người hiếm hoi thuộc thế giới bên ngoài được phép đến Nepal trước năm 1950 mô tả chuyện leo từ triền núi xuống thung lũng rồi leo ngược lên triền núi khi những người canh gác đốt lửa báo hiệu cho trạm canh gần nhất về sự xuất hiện của người nước ngoài. Hãy tưởng tượng sự ngạc nhiên của họ khi thấy trong thung lũng – trước đây là lòng hồ có đường kính dài 24 cây số - thi thoảng có xe hơi. Những người phu khuân vác đã chuyển từng chiếc từ Ấn Độ sang. Nếu xe hư, họ lại khiêng trở lại để sửa chữa. Năm 1956 một con đường ngoằn ngoèo đã lần đầu tiên đã kết nối Kathmandu với thế giới bên ngoài.

Những thay đổi đã được chấp nhận ở Kathmandu: truyền hình vệ tinh, điện thoại di động, nạn ô nhiễm, sự phát triển, thêm nhiều đường sá. Nhưng nền văn hóa, những đám mây trắng, óc tưởng tượng, hình ảnh như có thể sờ mó được của thanh kiếm huyền thoại của tổ sư Manjushri sẽ vẫn trường tồn “vạn vạn tỉ tỉ năm”.
 
(Trích trong quyển EVEREST - ĐỈNH CAO NGHIỆT NGÃ
- Tác giả: Broughton Coburn)
 
Đón đọc kỳ 3: Thiền viện Tengboche
Other News