Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Sáng thứ bảy say với tình yêu và nỗi cô đơn
Update Date: 11/23/2009

Với khoảng 70 bạn đọc trẻ của TP.HCM, hai giờ đồng giao lưu với văn Janusz Leon Wiśniewski - tác giả tiểu thuyết “Cô đơn trên mạng”- sáng nay (20-11) tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ là quá ít ỏi. Nhưng lại là “hai giờ hạnh phúc”.

Chỉ cần bạn biết lắng nghe cuộc đời

Có lẽ, với bất kỳ ai từng miên man với chuyện tình yêu thánh thiện, lãng mạn, day dứt trong cuốn tiểu thuyết ấy thì sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn khi gặp gỡ Janusz Leon Wiśniewski bằng xương bằng thịt và cùng trò chuyện với ông về tình yêu, cuộc đời, nỗi cô đơn.

Đúng 9g, cuộc giao lưu mới bắt đầu nhưng từ trước đó, chiếc bàn nhỏ nơi Wiśniewski ngồi đã được vây quanh bởi nhiều bạn trẻ. Họ mang theo cuốn sách Cô đơn trên mạng hay tập truyện ngắn Tình nhân và không giấu được niềm hạnh phúc khi có được chữ ký của Wiśniewski. Trao lại cuốn sách cho các bạn, Wiśniewski thường cười nhẹ và thỉnh thoảng hỏi: “Bạn là sinh viên phải không?”.
 
Huỳnh Mỹ Ngọc - SV ĐH ngân hàng TP.HCM - là người được đặt câu hỏi đầu tiên: “Đoạn nào trong Cô đơn trên mạng làm dịch giả bật khóc?”. Câu hỏi như chạm đến một mạch nguồn cảm xúc trong lòng dịch giả Nguyễn Thị Thanh Thư. Chị không giấu được xúc động: “Tôi say mê mối tình vô cùng đẹp và thánh thiện trong cuốn sách. Cuốn sách cũng có hàm lượng tri thức rất cao và có rất nhiều chi tiết làm tôi xúc động”.
 
Dịch giả Nguyễn Thị Thanh Thư (người dịch Cô đơn trên mạng)
đảm nhận luôn vai trò phiên dịch trong buổi giao lưu - Ảnh: Trung Uyên
 
Với bạn Kim Tuyến - SV ĐH KHXH&NV TP.HCM, được gặp Wiśniewski là giấc mơ thành hiện thực. Bạn cho biết, bạn đến với tác phẩm Cô đơn trên mạng cũng rất tình cờ: một người bạn nam bạn quen qua mạng tặng bạn cuốn sách ấy và dù đã quen nhau bốn năm, đôi bạn này vẫn chưa một lần gặp mặt. “Tôi đọc đi đọc lại cuốn sách rất nhiều lần và lần nào cũng khóc. Đến thời điểm này, đó là cuốn sách hay nhất, lãng mạn nhất tôi được đọc. Xin cảm ơn Wiśniewski!” - Kim Tuyến nói.
“Cô đơn trên mạng” làm thổn thức nhiều trái tim với câu chuyện tình bắt đầu từ trên internet, lúc nhẹ nhàng, tha thiết, lúc cuồng nhiệt, đam mê, lúc đớn đau, trăn trở giữa người phụ nữ không hạnh phúc trong hôn nhân và người đàn ông lãng mạn, tinh tế từng gánh chịu nỗi đau trong tình yêu. Câu chuyện ấy có trong đời thực không? Có thể là chuyện của chính Wiśniewski không? Đó là những thắc mắc của nhiều khán giả tại cuộc giao lưu.
 
Bạn đọc Kim Tuyến (đứng) rất hạnh phúc
khi được gặp gỡ Janusz Leon Wiśniewski - Ảnh: Trung Uyên

Wiśniewski nhẹ nhàng chia sẻ: “Những sự kiện lớn trong sách là những gì xảy ra với những người xung quanh tôi. Tôi cũng rất tiếc đó là những chuyện rất buồn. Tôi là nhà khoa học nên khả năng hư cấu rất kém. Thật ra, cuộc sống phong phú hơn rất nhiều những gì ta có thể hư cấu. Điều quan trọng là ta biết lắng nghe cuộc đời và trải nghiệm”.

Bạn đọc vốn thường ướm thử tiểu thuyết vào cuộc đời và luôn mong mỏi những đoạn kết đẹp - ít nhất là ở trên trang sách. Cũng vì vậy mà bạn đọc Trương Lê Na (Book & Friend Club - CLB Sách và bạn) - “bức xúc”: “Tác phẩm "Cô đơn trên mạng" kết thúc với việc hai người yêu nhau chân thành không đến được với nhau. Cái kết ấy quá buồn, quá bất công”!

Wiśniewski “phản biện”: “Nhân vật nữ chính có thật trong đời và trong cuốn sách - cô ấy không có tên. Kết thúc của tác phẩm không phải do tôi hư cấu mà là quyết định có trong đời thực của người phụ nữ ấy. Từ bỏ một tình yêu đẹp là điều khó tin nhưng nó đã xảy ra. Kết thúc ấy do cuộc đời viết chứ không phải tôi. Tôi bị độc giả khắp nơi trách móc vì điều ấy nhưng cuộc sống là thế”!

Bớt cô đơn nhé, trái tim ơi...

Wiśniewski là nhà khoa học viết văn. Và điều ấy với ông không có gì đáng ngạc nhiên: “Nếu bạn nghĩ các nhà khoa học không có nhiều cảm xúc, không lãng mạn thì có lẽ bạn đang nhầm lẫn.

Tôi đến với văn chương ngẫu nhiên và viết là để đấu tranh với những nỗi buồn của mình và có lẽ cuộc sống đang có nhiều người mang nỗi buồn nên cuốn sách của tôi được yêu thích”.

 

“Có phải cuộc sống ngày càng hiện đại thì càng nhiều người thấy cô đơn, và nỗi cô đơn càng đậm đặc hơn?” - chủ đề được người dẫn chương trình đưa ra đã được nhiều khán giả hưởng ứng ngay.

“Tôi cũng từng có những phút cô đơn” - nhiều bạn đọc mạnh dạn bày tỏ. Cô bạn Lê Thị Thùy Linh - (Book & Friend Club - CLB Sách và bạn) tán đồng ý kiến này: “Khi cuộc sống cá nhân ngày càng được tôn trọng thì con người sẽ càng thấy cô đơn. Tôi luôn cố gắng hạn chế giao tiếp qua chat, qua điện thoại và cũng cố gắng gặp gỡ trực tiếp nhiều người hơn. Thật sự, tôi từng có những lúc rất cô đơn nhưng khi giao tiếp, giúp đỡ ai đó, tôi thấy nỗi cô đơn của mình vơi bớt”.

Giảng viên trẻ của trường ĐH KHXH&NV TP.HCM - Hồ Khánh Vân - thì nhiệt tình chia sẻ: “càng tiến đến xã hội hiện đại, nỗi cô đơn của chúng ta càng đậm đặc. Chúng ta kết nối với nhau dễ hơn nhưng cũng đồng thời đi qua nhau nhanh hơn, không kịp nhìn người khác và không kịp nhìn cả chính mình. Cũng vì vậy tôi rất thích cái kết dở dang một cuộc tình đẹp của Cô đơn trên mạng”.

Và Wiśniewski cũng rất hào hứng với chủ đề nỗi cô đơn: “Cô đơn là một căn bệnh khủng khiếp nhưng cuộc sống luôn mong muốn chúng ta không bao giờ phải cô đơn. Dẫu vậy, con người vẫn cảm thấy mỗi lúc thêm cô đơn. Và cuốn sách "Cô đơn trên mạng" cũng ra đời từ góc nhìn ấy”.

Tạm biệt Wiśniewski và mong rằng mối tình của ông với văn chương sẽ tiếp tục làm hàng triệu trái tim, tâm hồn cùng thăng hoa trong những cung bậc cảm xúc đẹp - dẫu đó là nỗi đau, là sự dang dở, nuối tiếc...

TRUNG UYÊN
(Nguồn: Tuổi Trẻ)
Other News