Nếu muốn đọc một/nhiều câu chuyện, thì gần 200 trang của 17 chương cuốn tiểu thuyết Và khi tro bụi cung cấp một thực đơn phong phú: nhân vật đi trên tàu hỏa, gặp nhiều người để chuẩn bị cho cuộc gặp cuối cùng với cái chết, triết lý nhiều, có lẽ cũng để chuẩn bị cho cái chết. Câu chuyện, song song với những triết lý riêng, dần dần choáng rộng cả không gian bên trong của nhân vật chính (được đặt tên là An Mi). Không có gì có ý nghĩa hoặc mang sự thật nằm bên ngoài các câu chuyện: “Biết đâu trong đời không có sự thật nào hết ngoài những sự thật được cố ý làm ra. Những câu chuyện trong tiểu thuyết bao giờ cũng mạch lạc và ý nghĩa hơn cuộc đời. Chúng có thật, còn những câu chuyện ở đâu đây, những câu chuyện của tôi, không được kể, thì không có thật (tr.39). Cho đến lúc nhân vật chính dần bị xóa nhòa đi sau tấm màn của tưởng tượng, thậm chí muốn đột nhập câu chuyện của một người khác; “Tôi không có một câu chuyện nào để sống trong đó. Tôi đang nhặt lấy câu chuyện của Anita, tưởng nó là của mình (tr.62)”, thì sự mắc cạn trong những điều không có thật hoặc được mường tượng như là có thật cũng đã trở thành tất định, trở thành một số phận không có lối ra.
Câu hỏi là tại sao lại có tình trạng đó? Dường như chìa khóa để trả lời câu hỏi này, cũng như của cuốn sách, đã nằm ngay ở chương đầu, khi chưa có cuộc gặp gỡ nào mà chỉ có thuần túy triết lý. Nhân vật không suy nghĩ mà triết lý, hoặc nói đúng hơn, chất lượng suy nghĩ của nhân vật đưa đến cảm giác đó. Gặp gỡ, đưa người ta lại gần sự sống, còn triết lý, lại gần cái chết? Thế nhưng có phải là một nghịch lý không? Cứ triết lý quá nhiều với cái chết, rồi đến lúc bản thân cái chết trở thành một cái gì đó thật tầm thường, thậm chí còn không đủ sức tạo ra một biến cố nào cả. Nhân vật để cho mình rơi vào vòng xoáy bên trong đó. Không còn nắm giữ được một chút chủ động nào hết, và bởi vì không có một triết lý nào thật sự mạnh, nhân vật không đưa được một triết lý nào trở thành triết lý sống của mình. Về nỗi nhớ: “Nỗi nhớ chỉ là sự trở lại của một khoảnh khắc. Không hề có một năm tháng nào ở giữa khoảng khắc ấy và hiện tại. Nó là hiện tại” (tr.10). Về thân phận và một giải pháp cho thân phận: “Tôi không còn gì, hồn tôi chỉ là một đám tro […] Tôi biết mặt đất là một thứ khó chia tay” (tr.12)
(Và khi tro bụi, tiểu thuyết của Đoàn Minh Phượng, NXB Trẻ 2006, giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam 2007)
Cao Việt Dũng
(Theo Báo Văn nghệ, số ra ngày 10/11/2007)