Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Philip Kotler – “tổ sư” của tiếp thị hiện đại
Update Date: 08/16/2007

 
 
Khi các bạn đọc bài báo này thì Philip Kotler đã đặt chân xuống Việt Nam, vào sáng ngày 16/8, và hiện đang ở đâu đó trong TP.HCM này. Chuyến đi này của ông, tự nó đã là một sự kiện thu hút sự chú ý của giới truyền thông, bởi lẽ xưa nay ông vẫn được các doanh nhân và các học giả về quản trị tôn xưng là “cha đẻ” ngành tiếp thị, một bộ óc lớn về tiếp thị. Hơn nữa, đểm đến của ông lần này có lẽ cũng không phải là một lựa chọn ngẫu nhiên: Việt Nam là một nền kinh tế năng động đang tăng trưởng cao, với một đội ngũ doanh nhân đang mạnh mẽ vươn ra hội nhập quốc tế, nắm bắt các tri thức và kỹ năng quản lý hiện đại và hiệu quả.

Cái tên của Kotler đã trở nên đồng nghĩa với tiếp thị. Nhiều tác giả lừng danh về quản trị đã không ngần ngại khẳng định điều đó, như Al Ries nói: “Kotler chính là tiếp thị”; Tom Peters nhận xét: “Chỉ có một cái tên trong tiếp thị: Kotler”; Tom Kelly cho rằng: “Philip Kotler, ông trùm của tiếp thị hiện đại”, và còn nhiều nữa. Có thể nói Kotler hầu như đã dành trọn sự nghiệp của mình cho chỉ mỗi một việc - ấy là nghiên cứu và truyền bá khoa học tiếp thị. Chính nhờ sự tập trung chuyên sâu như vậy mà hệ thống tư tưởng về tiếp thị của ông trở nên toàn diện và thấu đáo, được phát hiện theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu, và không ngừng được cập nhật, bổ xung theo thời gian. Nó bao trùm từ các nguyên lý căn bản, qua các nguyên tắc, các phương pháp, các mô hình, đến giải pháp và kỹ năng thực tiễn. Nó còn đi sâu vào từng lĩnh vực chuyên biệt; tiếp thị dịch vụ, tiếp thị xã hội, tiếp thị địa phương, tiếp thị quốc gia, tiếp thị trường học, bệnh viện… (thậm chí ông còn có cả một cuốn sách về tiếp thị các viện bảo tàng!)
 
Trong quá trình nghiên cứu của mình, Kotler đã có một thuận lợi lớn mà ít học giả nào có được: được thường xuyên cọ xát với thực tiễn khốc liệt của thế giới kinh doanh, được mời giải quyết nhiều bài toán nan giải về tiếp thị của các tập đoàn lớn, phải giải đáp nhiều câu hỏi hóc búa từ các doanh nhân sừng sỏ, trong số hơn 20 năm làm tư vấn và thuyết giảng trên khắp thế giới. Những kinh nghiệp thực tế quý báu đó đã được ông phân tích, lý giải rồi hệ thống hóa trong các cuốn sáng của ông. Do vậy, không lạ gì khi 17 đầu sách của ông đã được bán trên ba triệu bản  bằng hơn 20 thứ tiếng và được đọc như một kinh thánh về tiếp thị tại 58 nước trên thế giới.
 
Không biết con số “58 nước” trên đây, người ta có tính thêm nước ta vào đó chưa? Bởi từ năm 2006. Thời báo kinh tế Sài gòn đã hợp tác với Nhà xuất bản Trẻ để mua bản quyền, dịch thuật, và xuất bản bốn cuốn sách quan trọng của ông: Thấu hiểu tiếp thị từ A đến Z: 80 khái niệm nhà quản lý cần biết  (Marketing Insighs From A to Z : 80 Concepts Every Manager Needs to Know): một kiểu bách khoa toàn thư thu nhỏ về tiếp thị, được sắp xếp theo thứ tự chữ cái cho phép người đọc truy cập lời khuyên của ông về đúng vấn đề mình đang quan tâm.
 
Tiếp thị phá cách: kỹ thuật mới để tìm kiếm những ý tưởng đột phá ( Lateral Maketing: New Techniques for Finding Breakthrough Ideas): đây là một phương páhp tiếp thị phi truyền thống, cung cấp thêm một lộ trình sáng tạo các ý tưởng mới và các sản phẩm hoàn toàn mới, để có thể vươn lên trong cái thị trường siêu phân khúc và cạnh tranh ghê gớm hiện nay.
 
Mười sai lầm chết người trong tiếp thị: Các dấu hiệu và giải pháp (Ten Deadly Maketing Sins: Signs and Solutions): Phân tích mười nhược điểm tệ hại nhất và trường gặp nhất trong hoạt động tiếp thị đương thời, đưa ra các dấu hiệu nhận diện các nhược điểm còn lẩn khuất đó để sớm điều trị bằng các liệu pháp tương ứng đính kèm.
 
Kotler bàn về tiếp thị: Làm thế nào để tạo lập, giành được, và thống lĩnh thị trường ( Kotler on Maketinh: How to Create, Win, and Dominate Markets): tác phẩm mới nhất, với một cái nhìn toàn cảnh về chiến lược và chiến thuật tiếp thị đang thay đổi rất nhanh chóng, với những tư duy mới mẻ nhất, và những vấn đề nóng bỏng như tiếp thị quan hệ, tiếp thị công nghệ cao, tiếp thị toàn cầu, và tiếp thị trên Internet.
 
Riêng cuốn Kotler bàn về tiếp thị  bản tiếng Việt thì tình cờ lần đầu phát hành đúng vào dịp Kotler đến Việt Nam. Cuốn này cùng với ba cuốn trước đó sẽ là một món quà thú vị được gửi đến Kolter trong dịp này. Thế nhưng đây nào có phải là một món quà chỉ dành cho Kotler? Nó có thể là món quà đặc biệt dành cho chính bạn đấy.
 
Dương Thuỷ

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn, ngày 16/8/2007)

Other News