Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Đọc "Hà Nội - Cõi đất - Con người"
Update Date: 07/27/2009

"Hà Nội - Cõi đất - Con người" (NXB Trẻ - 2009) thực sự đã đem lại cho tôi thêm nhiều hiểu biết quý báu về thủ đô chúng ta. Tác giả Nguyễn Vinh Phúc hoàn thành cuốn sách này khi ông vừa tròn 80 tuổi.

Trong 80 năm ấy, ông đã sử dụng chí ít là 50 năm để nghiên cứu về Hà Nội và xứng đáng với vinh danh là "nhà Hà Nội học".

Những bài viết trong cuốn sách này của ông chỉ là lựa chọn và giới thiệu một số bài trong hàng trăm bài nghiên cứu đăng rải rác ở các báo, tạp chí hoặc phát biểu tại các hội nghị. Có những bài mà tôi được đọc cách đây ba-bốn chục năm nhưng vẫn còn rất nhiều bài mới viết gần đây hoặc những bài viết từ trước mà tôi không có điều kiện tìm đọc.

Trong lúc nhân dân thủ đô cùng toàn quốc chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội thì có thể nói đây là một cuốn sách rất quý giúp cho độc giả trong nước và ngoài nước hiểu sâu hơn về Thăng Long - Hà nội qua ngàn năm tuổi.

Đọc xong, tôi càng thấy quý trọng hơn nữa đối với người đã sử dụng quá nửa cuộc đời để tìm hiểu về Hà Nội, về cõi đất và con người mà ông yêu quý.

Trong phần I - Cõi đất: Người đọc cảm thấy nếu không có năm này năm khác đi đến nhiều nơi trên khắp đất cổ Thăng Long để tìm tòi, khảo sát rồi tra cứu thư tịch thì khó có thể nêu lên và kết luận về nhiều vấn đề địa lý - lịch sử như ông đã làm. Thật là hứng thú khi đọc các bài như "Lộ trình dời đô của Lý Thái Tổ", "36 phố phường Hà Nội", "Hà Nội chỉ có năm cửa ô?"... Tôi cũng bất ngờ trước nhiều phát hiện của ông.
 
Chẳng hạn: "Ô Cầu Giấy" và "Cầu Giấy" là hai địa điểm cách xa nhau mấy dặm đường hoặc có hai đền Đồng Cổ ở hai nơi khác nhau tuy vẫn cùng một nguồn. Những thiên khảo cứu rất công phu của tác giả khiến tôi hiểu thêm: Phường Hoè Nhai thời Tây Sơn là nơi các vương tôn công tử thường dập dìu ở các ca quán, trà đình; thôn Bà Già bên hồ Tây là một làng người Chăm đời Trần; những lễ tiết vừa cung đình vừa dân dã ở hội Nhội chính là hồi quang từ thời đại An Dương Vương v.v...

Trong phần II - Con người: Tác giả viết về một số nhân vật Thăng Long. Đa số các nhân vật này đã được nhiều người nghiên cứu và một phần đã tóm lược trong tập "Danh nhân Hà Nội" do tôi chủ biên. Nhưng ở đây, bất luận là cổ đại hay cận đại, tác giả Nguyễn Vinh Phúc đều có những nhận định mới, giới thiệu tư liệu mới và đưa ra những đánh giá rất có cá tính.

Tiếc rằng trong quyển sách này tác giả chỉ mới giới thiệu mười ba nhân vật, trong khi tác giả đã có đầy đủ tư liệu và suy tư sâu sắc về rất nhiều nhân vật khác của thủ đô. Mong rằng tác giả sẽ tiếp tục nghiên cứu và viết thêm nhiều nhân vật nữa để đóng góp vào một bộ sách lớn về danh nhân Hà Nội mà độc giả toàn quốc đang mong chờ.

Tôi phải nói thêm rằng: Khi đề cập tới văn thơ của nhiều nhân vật, tác giả đã có những cảm thụ khá tinh vi và sâu sắc. Qua đó, tác giả có nhiều kiến giải mới, nhất là trong phần phẩm bình. Tác giả đã nêu được những cái đẹp, cái tráng lệ và hoa mỹ của các áng văn chương Hà Nội cổ.

Tóm lại, "Hà Nội - Cõi đất - Con người" là một quyển sách quý. Đó là một công trình nghiên cứu say mê và đầy tâm huyết của tác giả. Là một người cộng tác lâu năm với tác giả, tôi thường cảm ơn tác giả đã cung cấp cho tôi thêm nhiều hiểu biết về cõi đất và con người Hà Nội. Đối với tôi, tác giả là một cuốn từ điển sống về Hà Nội. Mỗi lần tôi có điều cần hỏi, tác giả Nguyễn Vinh Phúc đều trả lời tôi bằng những lời ngắn gọn và chính xác, hoặc chí ít chỉ cho tôi những sách báo và tài liệu cần đọc.

Tôi tin rằng cuốn sách này khi ra mắt bạn đọc sẽ được hoan nghênh.

Tất nhiên "nhân vô thập toàn", sách nào rồi cũng có những sơ suất được phát hiện. Đó là chỗ bạn đọc sẽ góp ý cho người viết.

Tôi xin trân trọng giới thiệu tập sách "Hà Nội - Cõi đất - Con người" này cùng đông đảo bạn đọc.

 
GS Vũ Khiêu
(Nguồn: Lao Động Cuối tuần số 30 Ngày 26/07/2009)
Other News