Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Trường Sơn có một thời như thế
Update Date: 04/23/2009

TT&VH) - Hôm qua (22/4), Ban Liên lạc chiến sĩ Trường Sơn tại TP.HCM và vùng phụ cận phối hợp cùng NXB Trẻ đã tổ chức buổi họp báo giới thiệu cuốn sách Trường Sơn có một thời như thế. Cuốn sách có thể gọi là cuốn hồi ký tập thể của những con người từng chiến đấu hoặc đi dọc dãy Trường Sơn trong suốt những năm chống Mỹ.

Hơn 70 bài hồi ký được tuyển chọn từ gần 200 bài viết tham gia cuộc vận động “Hãy viết và kể những kỷ niệm có thật về một thời Trường Sơn”. Cuốn sách ngoài phần hồi ký của những lãnh đạo Đoàn 559: Thiếu tướng Võ Bẩm - nguyên Đoàn trưởng Đoàn 559 đầu tiên, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh... là câu chuyện của những người lính, nghệ sĩ, lái xe, thanh niên xung phong, nhà giáo, nhà báo, y bác sĩ... từng một thời gắn bó với con đường huyền thoại này.
Trường Sơn có một thời như thế cũng đồng nghĩa với con đường Trường Sơn huyền thoại - đường mòn Hồ Chí Minh. Nhớ về con đường này, những kỷ niệm của mỗi người hiện tuổi đã quá một đời hoặc đã quá cố như vẫn còn tươi nguyên như ngày nào. Cuốn sách càng thêm sức nặng của giá trị chứng nhân lịch sử khi mỗi bài viết đều có ảnh chân dung tác giả và đơn vị công tác một thời. Mỗi người kể lại một kỷ niệm đáng nhớ nhất bằng chính giọng văn của mình. Nếu so sánh với các công trình nghiên cứu lịch sử khác, đây là cuốn sách sử được viết bởi những người trong cuộc về các sự kiện có thật xảy ra trong đời mình nên sức lôi cuốn người đọc càng cao.

Nhà thơ Thu Bồn (đã mất) kể chuyện ông đọc trường ca Bài ca chim Ch’Rao trên đường Trường Sơn thật bi hùng. Những ai yêu văn học đều biết đến trường ca nổi tiếng này của Thu Bồn. Và bài “hồi ký” của Thu Bồn trong cuốn sách cung cấp thêm cho bạn đọc yêu mến trường ca này một khoảnh khắc đáng nhớ nhất, có thể nói là rung động tâm hồn nhà thơ trong chiến tranh. Khi Bài ca chim Ch’Rao được in trên báo Văn nghệ vào đến Trường Sơn, nhà thơ Thu Bồn đã đi bộ 15 ngày đến ngôi làng mà ông đã viết trường ca để khoe với đồng bào. Khi khoảnh khắc vui mừng của nhà thơ và dân làng trong ngôi nhà rông đang diễn ra thì bom đạn ập đến. Bài ca chim Ch’Rao tan biến cùng với máu của những người dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn.

Bạn đọc cũng được gặp lại NSƯT Thanh Đính trong bài “Tôi hát trên đường Trường Sơn” hay hoạt động của “Đoàn văn công tiếng hát át tiếng bom”...

Dẫn ra những hoạt động của văn nghệ sĩ trên Trường Sơn một thời để thấy nơi đây không chỉ có bom đạn, gian khổ mà còn có những “tiếng hát yêu đời”, đó chính là một phần sức mạnh bền bỉ của con đường dẫn đến ngày toàn thắng.

Nếu Trường Sơn có một thời như thế phát hành tốt, toàn bộ số tiền bán sách sẽ dành tặng Ban Liên lạc tổ chức thăm lại Trường Sơn cho những người đã “có một thời như thế” ở đây!”.
 
Thanh Kiều
Other News