Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

NÓNG, PHẲNG, CHẬT: Nơi chim trời không bay qua - Phần 1
Update Date: 06/04/2009

Thiết kế của Đức, cải tiến của Thụy Sỹ, không có gì của Mỹ. - Khẩu hiệu quảng cáo xe bốn chỗ siêu nhỏ Smart của hãng ô tô Daimler ở Nam Phi.

Hồi tháng 6/2004, tôi đến London thăm Orly, con gái tôi. Một tối nọ chúng tôi đi xem vở kịch Billy Elliot ở một rạp hát gần ga Victoria. Giải lao giữa vở diễn, tôi đứng dậy, duỗi dài chân trên lối đi cạnh ghế ngồi, lúc đó, một người lạ mặt đến gần và hỏi: “Có phải ông là Friedman?” Tôi gật đầu, và anh ta tự giới thiệu: “Tôi là Emad Tinawi, người Mỹ gốc Syria, đang làm việc cho Booz Allen”. Đó là một công ty tư vấn. Tinawi nói mặc dù anh không nhất trí với một vài bài báo của tôi, nhất là những bài về Trung Đông, nhưng có một bài anh đặc biệt thích và vẫn còn lưu.

Tôi hỏi: “Bài nào thế?”, cảm thấy rất tò mò.

“Bài có nhan đề là Nơi chim trời không bay qua”, anh ta trả lời. Trong khoảnh khắc tôi hơi bối rối. Tôi nhớ mình đã từng viết một bài báo có đầu đề như vậy, nhưng tôi không nhớ nội dung cũng như ngày đăng nó. Anh ta nhắc tôi: Đó là bài viết về trụ sở mới của lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, sau sự kiện 11/9.

Trong nhiều năm trước đó, lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Istanbul được đặt ở Palazzo Corpi, một tòa nhà cũ, to lớn và độc đáo, nằm ngay trung tâm thương mại sầm uất của thành phố, kẹp giữa những khu chợ, thánh đường Hồi giáo và khung cảnh kiến trúc lộn xộn vừa Ottoman vừa hiện đại xung quanh. Palazzo Corpi được xây dựng từ năm 1882 và 25 năm sau được chính phủ Mỹ mua lại. Ngôi nhà có ba mặt tiền quay ra những con phố hẹp và nó đã gắn bó sâu sắc với cuộc sống Istanbul. Người Thổ Nhĩ Kỳ có thể dễ dàng xin thị thực, đọc sách trong thư viện hay gặp gỡ một viên chức ngoại giao Mỹ ở đây.

Nhưng do yêu cầu tăng cường an ninh nói chung cho các cơ quan đại diện Mỹ trên cả thế giới sau sự kiện 11/9, người ta đã quyết định đóng cửa lãnh sự quán ở tòa nhà Palazzo Corpi. Lãnh sự quán mới được mở ở Istinye, một quận nằm cách xa trung tâm thành phố tận 20 km. Bài báo trên tờ Federal Times (ngày 25/4/2005) đã mô tả đó là “một công trình mới rộng 22 mẫu Anh, rộng gấp gần 15 lần khu nhà cũ, được xây dựng trên một ngọn đồi đá”, và cho biết thêm: “Chính phủ yêu cầu phải có tường bảo vệ vòng ngoài cách các tòa lãnh sự và sứ quán ít nhất khoảng 30 mét. Tường bảo vệ và chướng ngại vật phải chống được các vụ nổ, các vụ tấn công bằng xe cộ và phải khó vượt qua. Các trạm gác được bố trí bên ngoài tòa nhà, cửa sổ và cửa ra vào được làm bằng chất liệu chống đạn và không thể phá vỡ. Tòa nhà mới này có thể trụ vững được trước hầu hết các trận động đất và đánh bom”.

Chỉ nhìn nó thôi cũng đủ làm cho khách khứa, bạn bè và đồng minh cảm thấy nhụt chí. Thực tế là khi lần đầu tiên nhìn thấy lãnh sự quán mới hồi năm 2005, điều khiến tôi ấn tượng nhất là nó thật quá giống một nhà tù được bảo vệ nghiêm ngặt tối đa, không có một nét duyên dáng nào cả. Chỉ thiếu đường hào bao quanh thả đầy cá sấu và bảng đề chữ đỏ: “Chú ý! Bạn đang đến gần Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Istanbul. Nếu có bất kỳ cử động đột ngột nào, bạn sẽ bị bắn hạ mà không cần cảnh báo. CHÀO MỪNG QUÝ KHÁCH”.

Người ta hẳn có thể dùng nơi này làm cảnh quay cho Midnight Express, một phim về nhà tù Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng sự thực là một vài viên chức ngoại giao Mỹ còn sống đến ngày hôm nay chính nhờ cái pháo đài đó. Vào ngày 20/11/2003, khi Tổng thống George W. Bush đến London gặp thủ tướng Anh lúc đó là Tony Blair, khoảng sáu tháng sau khi khai trương lãnh sự quán mới, những kẻ khủng bố Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ đã cho nổ một xe tải chứa bom ở ngân hàng HSBC và lãnh sự quán Anh ở Istanbul, giết chết 30 người, trong đó có tổng lãnh sự Anh, và làm ít nhất 400 người khác bị thương. Cảnh hoang tàn sau vụ nổ chỉ cách Palazzo Corpi vài bước chân.

Một tên khủng bố bị bắt sau cuộc tấn công đã khai với cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ rằng nhóm của hắn còn muốn đánh bom cả lãnh sự quán Hoa Kỳ nữa, nhưng khi xem xét Istinye, chúng thấy rằng tòa nhà này là bất khả xâm phạm. Một quan chức ngoại giao cao cấp Mỹ ở Istanbul tiết lộ thêm với tôi: Theo các viên chức an ninh Thổ Nhĩ Kỳ thì tên khủng bố kia còn nói rằng lãnh sự quán Hoa Kỳ được bảo vệ kỹ đến nỗi “một con chim cũng không bay lọt”. Tôi không thể quên được hình ảnh ấy: Nơi đó được bảo vệ nghiêm ngặt đến mức một con chim cũng không bay lọt...

(Điều này một lần nữa được chứng minh vào ngày 9/7/2008 khi cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ bên ngoài tòa lãnh sự đã tiêu diệt ba tên khủng bố đang cố vượt qua tường rào).

Tinawi và tôi trao đổi cảm nhận về việc an ninh quá chặt chẽ đang làm xói mòn hình ảnh nước Mỹ trong mắt người nước ngoài cũng như trong mắt chính bản thân nước Mỹ đến mức nào. Là người Mỹ gốc Ả Rập, rõ ràng Tinawi cảm thấy khó chịu, và từ bài báo kia anh ta cũng thấy tôi có cảm giác tương tự.

Nơi chim trời không thể bay qua chính là nơi con người không thể hòa nhập với nhau, kích thích ý tưởng, củng cố tình bạn, phá vỡ khuôn mẫu, tiến hành hợp tác, xây dựng lòng tin, và cất lên tiếng nói nhân danh tự do. Người Mỹ không muốn nước Mỹ trở thành một nơi như thế. Người Mỹ không chấp nhận để nước Mỹ trở thành một nơi như thế. Một nước Mỹ bó hẹp trong sự trốn tránh phòng thủ sẽ không thể hòa vào dòng nước mênh mông của chủ nghĩa lý tưởng, của sự đổi mới, của tinh thần tình nguyện và lòng nhân ái hiện vẫn đang chảy qua đất nước Mỹ. Và nước Mỹ sẽ không thể tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với thế giới như bao lâu nay – một ngọn hải đăng biểu trưng cho hy vọng, một quốc gia luôn đi đầu thế giới trong việc đối mặt với những thách thức. Ngày nay, chúng ta cần nước Mỹ như thế và nước Mỹ phải trở thành như thế.

Cuốn sách này sẽ giải thích tại sao.

Lý do chính rất đơn giản: Nước Mỹ đang gặp khó khăn, và thế giới cũng đang gặp khó khăn. Khó khăn của nước Mỹ một phần do sự kiện 11/9, phần khác vì những thói quen xấu được tự do hình thành suốt ba thập kỷ qua. Chúng làm xã hội Mỹ mất dần năng lực, mất dần ý thức tự nguyện nhận trách nhiệm giải quyết những thách thức lớn.

Còn khó khăn của thế giới là: Nó đang ngày càng nóng bức, bằng phẳng, và chật chội hơn. Đó là sự nóng lên của trái đất, sự phát triển mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu trên toàn thế giới, dân số tăng nhanh khiến cho hành tinh này có thể rơi vào trạng thái bất ổn đầy nguy hiểm. Đặc biệt, trái đất nóng bức, bằng phẳng và chật chội đang thúc đẩy quá trình tuyệt chủng của động thực vật, nhấn sâu thêm tình trạng thiếu nhiên liệu, củng cố vai trò thống trị của dầu mỏ và làm gia tăng biến đổi khí hậu. Cách thức chúng ta giải quyết những khó khăn chung trên toàn cầu sẽ tác động rất nhiều đến chất lượng cuộc sống thế kỷ 21 này.

Tôi tin rằng cách tốt nhất để có thể giải quyết vấn đề của chính mình, cách tốt nhất để tìm lại “thói quen” cũ, là nước Mỹ phải đi đầu trong việc giải quyết các vấn đề của cả thế giới. Trong thế giới ngày càng nóng bức, bằng phẳng và chật chội, thách thức lớn nhất của chúng ta là phải tìm ra những công cụ, hệ thống, nguồn năng lượng và hệ giá trị đạo đức mới, qua đó hành tinh này có thể phát triển sạch hơn, bền vững hơn.

Thách thức ấy thực tế chính là cơ hội cho nước Mỹ. Nước Mỹ sẽ hồi sinh, sẽ tìm lại được mối liên kết với bên ngoài, và sẽ đủ khả năng phát triển trong tương lai nếu nắm được cơ hội đó. Nước Mỹ luôn mạnh nhất, có ảnh hưởng lớn nhất khi kết hợp được sức sáng tạo với cảm hứng, công cuộc tạo ra của cải với xây dựng vị thế, hành trình tìm kiếm lợi nhuận với cách thức giải quyết khó khăn. Nếu chỉ theo đuổi một vế, nước Mỹ không có được đầy đủ sức mạnh của chính mình. Nếu kết hợp hai vế, chúng ta sẽ còn mạnh hơn cả khi có được đầy đủ sức mạnh đó, hơn rất nhiều.

Nhưng đây cũng không chỉ là cơ hội mà còn là một bài trắc nghiệm. Trắc nghiệm xem liệu chúng ta có thể, và có sẵn sàng đóng vai trò dẫn dắt hay không. Dù bạn yêu hay ghét nước Mỹ, dù bạn tin vào sức mạnh của nước Mỹ hay không, thách thức mà thế giới nóng bức, bằng phẳng và chật chội đem lại vẫn quá lớn, đến nỗi không thể hình dung sẽ có một giải pháp nào đem lại hiệu quả nếu thiếu vắng vai trò của nước Mỹ. “Chúng ta chỉ có thể là kẻ thua cuộc hoặc người hùng – không có chỗ lơ lửng ở giữa”, Rob Watson, CEO của EcoTech International và là một trong những nhân vật xuất sắc nhất trong ngành môi trường đã nói như vậy.

Đúng thế, hoặc nước Mỹ phải đứng lên nhận lấy vai trò lãnh đạo, sáng tạo, hợp tác cần thiết, hoặc cả thế giới sẽ thất bại, thất bại nặng nề. Không thể tiếp tục làm những việc giống như cũ. Chúng ta cần một cách tiếp cận hoàn toàn mới. Như một câu nói của vùng Texas: “Nếu tất cả những gì bạn làm là lặp lại những gì trước đó thì tất cả những thứ bạn nhận được chỉ là những thứ bạn đã có”.

Tên của dự án mới tôi đang đề xuất đơn giản chỉ là “Mã xanh”. “Đỏ” là màu của nước Mỹ hồi những năm 1950 và 1960, biểu tượng của nguy cơ lan truyền chủ nghĩa cộng sản. Biểu tượng đó được sử dụng để huy động cả quốc gia xây dựng quân đội, cơ sở công nghiệp, đường cao tốc, đường sắt, bến cảng, sân bay, trường học và năng lực khoa học để đứng đầu thế giới phương Tây. Ngày nay chúng ta cần nước Mỹ “xanh”.

Không may là sau sự kiện 11/9, đáng lẽ phải thay màu đỏ bằng màu xanh, Tổng thống George W. Bush lại thay màu đỏ bằng “mã báo động đỏ” và đủ các màu điên khùng khác trong hệ thống cảnh báo của Bộ An ninh nội địa. Đã đến lúc chúng ta phải loại bỏ chúng, và chuyển sang “mã xanh”.

Dĩ nhiên, tôi không kêu gọi trở lại thời kỳ săn tìm phù thủy của chủ nghĩa McCarthy – mà tôi chỉ muốn tìm lại thái độ nghiêm túc và lòng quyết tâm thời đó để xây dựng nên một xã hội có thể đối mặt với nguy cơ hiện tại. Đối với tôi, thực hiện “Mã xanh” chính là đưa nước Mỹ trở thành quốc gia đi đầu phát triển năng lượng sạch, xây dựng nên hệ thống sử dụng năng lượng hiệu quả, đồng thời thiết lập quy tắc bảo tồn thế giới tự nhiên đang ngày càng bị đe dọa. Chúng ta sẽ cần cả những đột phá lớn trong lĩnh vực năng lượng sạch lẫn thái độ trân trọng hơn đối với tài nguyên rừng, biển, những điểm nóng về đa dạng sinh học nếu như chúng ta muốn hùng mạnh hơn trong kỷ nguyên mới này.

Nửa đầu cuốn sách này sẽ tìm hiểu nguyên nhân của những thách thức về năng lượng, khí hậu và đa dạng sinh học mà cả thế giới đang phải đối mặt. Nửa sau sẽ trình bày biện pháp giải quyết chúng. Tuy nhiên, nếu tôi nói rằng nước Mỹ hiện nay đã sẵn sàng cho nhiệm vụ này thì đó là lời nói sai sự thật. Nước Mỹ chưa hề sẵn sàng. Tại thời điểm này, chúng ta chưa có đủ tinh thần tập trung và kiên trì để có thể nhận một trách nhiệm thực sự lớn, còn lợi ích thì phải mất một thời gian dài nữa mới nhận được. Nhưng tôi vẫn tin rằng nếu có sự lãnh đạo đúng đắn ở cấp địa phương, cấp bang và cấp liên bang, và phác họa những gì chúng ta sẽ nhận được nếu hành động ngay bây giờ và những gì sẽ mất đi nếu bỏ qua cơ hội thì tất cả sẽ có thể thay đổi.

Bằng trực giác, mọi người Mỹ đều biết rằng nước Mỹ đang đi nhầm đường, và chúng ta cần sửa sai, thật nhanh chóng. Khi nghĩ về tình trạng hiện tại của nước Mỹ, thực lòng tôi nhớ đến bộ phim The Leopard dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Giuseppe Tomasi di Lampedusa. Bối cảnh phim là nước Ý thế kỷ 19, lúc đó tình hình xã hội, chính trị và kinh tế đều hỗn loạn. Nhân vật chính là Don Fabrizio, một nhà quý tộc Sicil thuộc dòng họ Salina (do diễn viên Burt Lancaster thủ vai). Don Fabrizio hiểu rằng anh ta và gia đình sẽ phải thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh nếu muốn dòng họ Salina duy trì được vai trò thống trị trong thời kỳ mới, khi những nhóm người thấp kém hơn trong xã hội đang nổi dậy, thách thức quyền lực truyền thống của tầng lớp quý tộc. Tuy nhiên, anh ta lại là người quyết liệt, không biết nhượng bộ. “Chúng ta là loài báo, loài sư tử, kẻ nào giành vị trí của chúng ta cũng sẽ chỉ là lũ chó rừng, lũ cừu mà thôi”. Tancredi (Alain Delon đóng), người cháu họ đã kết hôn với con gái một chủ cửa hàng giàu có xuất thân từ tầng lớp trung lưu, đã có một lời khuyên khôn ngoan dành cho ông ta. Tancredi đã cảnh báo ông chú của mình: “Nếu chúng ta muốn mọi thứ giữ nguyên như cũ thì chúng ta phải thay đổi mọi thứ”.

Đối với nước Mỹ cũng vậy. Kỷ nguyên mới trước mắt sẽ là một trong những thời kỳ thay đổi lớn nhất về xã hội, chính trị và kinh tế mà nguyên nhân chủ yếu lại đến từ bầu trời trên cao kia – Mẹ Thiên nhiên. Nếu chúng ta muốn mọi thứ giữ nguyên như hiện tại, có nghĩa là nếu nước Mỹ muốn giữ được vị trí thống lĩnh trong công nghệ, kinh tế và đạo đức, giữ được hành tinh có sự sống, đa dạng về các loài cây cỏ và sinh vật, giữ được loài báo và sư tử, còn các cộng đồng người có thể tiếp tục phát triển lâu dài thì mọi thứ quanh đây đều sẽ phải thay đổi, thật nhanh chóng.
 
(Còn tiếp)

Other News