Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Đọc sách theo phong trào...
Update Date: 04/02/2009

Việc đọc sách không đòi hỏi phải lôi kéo số đông. Nhiều người đọc sách không hẳn đã tốt mà phải trở thành văn hoá đọc mới thật sự tốt.

Thỉnh thoảng lại thấy thiên hạ phát sốt, phát rét lên vì một cuốn sách nào đấy. Nói "phát sốt, phát rét" - có nghĩa là không chỉ các phương tiện truyền thông mà chỗ này, chỗ kia liên tục nhắc tới, người nọ, người kia rủ nhau mua đọc, mượn đọc. 

Vài ba tháng trước, không ít người vui khi thấy "Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm" được giới trẻ "gối đầu giường" thế nhưng rồi cũng chính những người vừa mới vui lại nói "buồn vì thấy hình như nhiều người đang mua và đọc theo phong trào". Đến bây giờ lại thấy lên cơn sốt tập truyện ngắn "Bóng đè" của Đỗ Hoàng Diệu.

Đến mức, hôm qua nhà báo Hữu Thọ, khi được chúng tôi hỏi là ông đang đọc gì thì thấy trên bàn là cuốn Bóng đè. Và rồi, vài lời qua lại của ông đã khiến chúng tôi "chột dạ"...Ông nói: Trước một hiện tượng văn học mới, nếu không thích cũng đừng nên vùi dập đã đành nhưng khen quá mức lại còn dở hơn nhiều. Đôi khi người ta tìm đọc chỉ vì sự khen quá mức của ai đó... Có lẽ, ông muốn chỉ trích những lời khen, chê thái quá nhằm làm dậy lên một làn sóng "đọc theo phong trào" đối với một tác phẩm nào đó.

Nên buồn hay vui đối với  "Phong trào đọc" hay là "Đọc theo phong trào"? Cũng mới hơn chục ngày trước, báo giới đưa tin Thái Lan đang phấn đấu để Bangcok được trao tặng danh hiệu "Thành phố đọc"... Có vẻ như, việc khơi dậy phong trào đọc sách cũng đang là mong muốn của nhiều xứ.

Khơi dậy văn hoá đọc theo cách nào và như thế nào là hợp lý? Cuộc trò chuyện của dịch giả Đoàn Tử Huyến, Giám đốc Trung tâm Văn hoá Đông - Tây với VietNamNet Nhận định dù hơi cực đoan theo hướng chỉ trích kiểu "đọc theo phong trào" nhưng đã chỉ ra được những biện pháp để phát triển nhu cầu đọc tự thân của mỗi người.

Hình ảnh một đứa trẻ với quyển sách trên tay ngồi vắt vẻo trên lưng trâu đã đi vào hoài niệm... Ngày nay, ti vi và internet đã chiếm lượng thời gian khá lớn bên cạnh việc đọc.

Nhưng đừng lấy nó làm một so sánh khoa học bởi hình ảnh ấy chỉ mang tính lãng mạn. Tương quan giữa đọc sách và những việc khác đang thay đổi nhưng tôi không bi quan đến mức cho là văn hóa đọc đang lụn bại, đang bị lấn lướt đến mức độ không còn đất sống. Văn hoá đọc vẫn đang sống và sẽ còn sống lâu dài, nhưng  cần một bước chuyển.

Nhìn ra các nước có nền công nghiệp và nền văn minh phương Tây phát triển như Mỹ, Úc, công nghiệp xuất bản vẫn phát triển.  Những người làm sách luôn nằm trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Như thế chứng tỏ, nền công nghiệp sách đang phát triển, cũng chứng tỏ rằng nhu cầu đọc sách rất nhiều. Đó là một dấu hiệu lạc quan để tin tưởng rằng văn hoá đọc không hề lụn bại.

Nhu cầu ấy, có thể không rộng rãi như ngày xưa nhưng là một nhu cầu rất sâu trong mỗi con người mà không bao giờ có thể mất đi. Sách và việc đọc vẫn tồn tại, chỉ có điều hình thức và tương quan tỷ lệ thay đổi thế nào mà thôi.

Định hướng để đọc

Hiện nay nếu để việc đọc diễn ra tự phát, nó sẽ đi theo hướng trở thành một "phong trào". Thấy nhiều người đọc truyện tranh thì TA cũng đua  đọc truyện tranh. Phong trào đọc nhật ký Đặng Thuỳ Trâm vừa rồi, qua  tuyên truyền bằng các số liệu rằng có rất nhiều người đọc, rất nhiều người mua. Mua thì có mua nhiều nhưng liệu tất cả những mua có đọc hết hay không, tôi chưa biết...

E rằng câu chuyện này nếu đẩy quá đi thì sẽ trở thành "áp đặt và tuyên truyền".

Như vậy, vào những thời điểm nhất định, đọc sách có khi trở thành phong trào. Khi phong trào qua đi rồi, cái gì còn ở lại mới là giá trị đích thực. Trong số những người hưởng ứng theo phong trào đó, có những người vẫn đủ bản lĩnh để xác định cho mình một loại sách cần đọc. Những người như thế vẫn chiếm một tỷ lệ nhất định.

Tôi vẫn gặp những người mê sách, ham đọc sách và thích sưu tầm sách. Họ có thể bỏ thời gian, công sức và tiền bạc chỉ để sưu tầm sách cũ. Thú chơi này vẫn còn âm ỉ sống. Tất nhiên tỷ lệ không nhiều nhưng đâu phải hễ nhiều mới tốt?

Việc đọc sách không đòi hỏi phải lôi kéo số đông. Nhiều người đọc sách không hẳn đã tốt mà phải trở thành văn hoá đọc mới thật sự tốt.

Và đọc có định hướng

Dĩ nhiên không phải hễ cứ đọc sách là thành tài ngay được. Cũng không hẳn phải có sách văn học nghệ thuật mới bồi dưỡng đời sống trí tuệ tình cảm cho mỗi con người. Nhưng rõ ràng, sách đã đem lại một ích lợi khổng lồ, cần cho số đông.

Vậy làm thế nào để đưa văn hoá đọc được phổ biến sâu rộng cho người dân. Bởi những người tự phát có bản lĩnh sẽ biết cách đi đúng hướng, còn lại là những người tự phát theo phong trào. Vậy nên, phải cần đến vai trò  tổ chức.

Vai trò ấy có thể thuộc về Nhà nước hoặc thuộc về một tổ chức nào đó. Nhiều tạp chí chuyên ngành đảm nhiệm chức năng giới thiệu sách nhưng phần lớn đều không làm tròn nhiệm vụ. Ở các nước phát triển, tạp chí chuyên về giới thiệu sách của họ phát triển mạnh và có uy tín. Cách giới thiệu sách một cách rất căn bản và tập trung. Ở ta, cả việc chọn sách lẫn việc giới thiệu đều chưa hay. 

Hiện nay, đa phần độc giả thấy hay thì giới thiệu lên hoặc do bạn bè thấy sách mới ra đời thì giới thiệu lẫn nhau. Như vậy, cũng là có định hướng nhưng là định hướng chưa đúng.

Bây giờ, có rất nhiều sách hay và chưa hay, sách tốt và chưa tốt, cần thiết với người này nhưng lại không cần thiết với người kia. Vậy thì phải có một tổ chức đủ quyền, có điều kiện và có trách nhiệm lẫn uy tín đứng ra làm công việc định hướng. Công việc này phức tạp, phải có chuyên môn, trình độ nhưng không hẳn là việc khó.

Khó nhất là xuất bản sách vẫn còn làm được huống hồ là giới thiệu sách. Nhóm người làm công việc đó còn phải đủ bản lĩnh để không giới thiệu những cuốn sách dở, phải làm bật lên được những vấn đề mà những người đọc khác họ chưa nhìn thấy. Mỗi tờ báo đều có thể mở được chuyên mục giới thiệu sách nên đọc.

Làm thế nào tôn vinh văn hoá đọc

Nhiều nhà văn hoá, rồi đôi khi các nhà chính trị vẫn kêu rằng văn hoá nghe nhìn lấn lướt văn hoá đọc. Đã kêu như thế thì phải làm thế nào để tôn vinh văn hoá đọc, lôi kéo mọi người quan tâm đến sách và trở về với văn hoá đọc, không nên để nó diễn ra tự giác, hoặc làm xa rời bằng những ham muốn vật chất.

Bây giờ, nhan nhản các cuộc thi trên truyền hình, mà phần thưởng là rất nhiều tiền, rất nhiều của cải vật chất. Nó cuốn hút số đông nhưng cũng làm cho số đông xao nhãng việc đọc sách. Tại sao chưa ai nghĩ ra chuyện mở một cuộc thi đọc sách? Tại sao không có nhiều những cuộc thi mà phần thưởng là những cuốn sách hay?

Trên thế giới có những cuộc thi mà giải thưởng rất ít tiền nhưng người ta lại được danh dự và được tiền về sau. Như vậy, nên có thêm các cuộc thi tôn vinh trí tuệ và dùng trí tuệ để khuyến khích người khác.

Bên cạnh đấy phải đầu tư tài chính để có những biện pháp mạnh hơn.Trước hết là đầu tư cho các nhà xuất bản, các tổ chức có điều kiện để làm ra những cuốn sách tốt, việc này đang hoàn toàn thả lỏng. Chẳng hạn hiện nay, thay vì làm những bộ tuyển tập thuần tuý tập hợp tác phẩm của các cây bút nào đó thì nên có các công trình khảo cứu, cũng là toàn tập nhưng phải xử lý văn bản, tác phẩm này in bao lâu, in thế nào, đã được ai sửa chữa, hiệu đính về văn hoá...

Trong thời đại phát triển, rất cần những kinh nghiệm quốc tế cho tất cả các lĩnh vực, không kể sách kinh tế, chính trị hay văn hoá, đó là nguồn sách dịch. Nhưng vấn đề đặt ra là muốn dịch sách phải trả tiền. Lâu nay người ta vẫn hiểu đề ra luật hay công ước là để tác giả đòi tiền nhưng thật ra là cách để làm sao tạo ra những bước phát triển. Điều đó mình chưa làm được.

Hiện nay thư viện quốc gia chủ yếu mới làm công việc bảo tàng, lưu trữ là chính, chưa phục vụ nhiều cho việc đọc. Nếu thư viện quốc gia không làm hết trách nhiệm thì phải huy động các thư viện khác. Đầu tư cho một thư viện có lẽ không cần đến tiền tỷ. Làm một bộ phim để cất vào kho hay đơn thuần là xây một tượng đài để khánh thành xong là đổ. Sao không thể đầu tư vào sách? Nhiều nhà xuất bản khi được nhà nước cho tiền chỉ nghĩ làm cách nào để sử dụng số tiền đó  chứ không hề nghĩ đến mục đích phục vụ bạn đọc.
 
Other News