Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

“Gu Hà Nội” đang là thiểu số
Update Date: 06/26/2010

Tháng Sáu này, Nguyễn Trương Quý cho ra mắt liền hơi ba cuốn sách về Hà Nội, có cuốn viết mới, có cuốn tái bản. Bởi có nhiều hiểu biết về Hà Nội, thế nên, bạn bè từ bốn miền khi về đến mảnh đất này đều muốn gặp anh, hoặc để hỏi ngả đường tên phố, hoặc để hỏi ăn phở ở đâu thì ngon… Không rõ từ khi nào, nhắc đến Nguyễn Trương Quý, người ta quên anh là một kiến trúc sư, mà là một người Hà Nội thích kể/viết những câu chuyện Hà Nội…

Làm thế nào để anh có được những bài viết sinh động, hấp dẫn về Hà Nội, trong suốt ba quyển sách lặp đi lặp lại chỉ Hà Nội, Hà Nội…?

Khi bắt đầu viết, tôi xuất phát từ thực tế: Hà Nội xộc xệch thế mà lại là nơi định nghĩa bao giá trị cho mình. Tôi nghĩ chắc nếu sống ở thành phố khác, tôi cũng viết về nó như về Hà Nội. Nhưng tôi không sống ở đâu nhiều bằng ở đây nên chẳng biết so sánh kiểu gì. Nơi sinh tồn của ba triệu dân nội thành thì ắt phải lắm chuyện rồi, dường như chỉ cần lắng nghe một phần trong số đó cũng đủ để làm nên chất liệu viết lách. Tất nhiên khi tôi chọn tản văn, tùy bút hay tiểu luận để viết, tôi đã ý thức rằng đấy là những thể loại có khả năng phản ánh trực diện đời sống qua lăng kính chủ quan của mình. Và Hà Nội thì là một đối tượng không ngừng phát triển để viết về nó.


Ba cuốn sách của tôi, dĩ nhiên cũng phản ánh quá trình tư duy của tôi lẫn sự thay đổi của Hà Nội trong vòng 8 năm qua. Cuốn đầu tiên – Tự nhiên như người Hà Nội – viết với nhiều suy nghĩ bây giờ nhìn lại cũng tự thấy hơi ngây thơ, nhưng là về một Hà Nội đáng yêu, như kỷ niệm lần đầu chạm mặt, chủ yếu nhìn ở phương diện cấu trúc đô thị và không gian sống. Cuốn thứ hai – Ăn phở rất khó thấy ngon - là một Hà Nội của ba bốn năm trước, những gì gọi là vỡ mộng của người đi làm bàn giấy, trong phạm vi tâm lý và đời sống dân công sở văn phòng. Cuốn thứ ba – Hà Nội là Hà Nội – là hành trình tìm kiếm những giá trị văn hóa ở một đô thị tưởng chừng đã định hình nét văn hóa những vẫn liên tục phải gọt giũa. Nếu để ý kỹ sẽ thấy ba tên sách đều đặt ra định nghĩa về giá trị, thế nào là một phẩm chất của Hà Nội? Giá trị cũ khó lòng còn nguyên vẹn, vậy chọn cái gì thay thế, và sao mà lại chật vật thế?
 
 
 

Lý do nào mà anh dành quan tâm đặc biệt đến đề tài về Hà Nội? (câu chuyện cá nhân, ký ức tuổi thơ, xuất thân gia đình…?)

Chắc là do điều kiện sống. Từ nhỏ tôi đã yêu thích những công trình biểu tượng lịch sử của Hà Nội. Đô thị nói chung (trong đó có Hà Nội) đối với tôi lúc ấy là một thế giới của hình khối, của không gian sắp đặt đa dạng. Giống như trò chơi thám hiểm, ta trá hình đột nhập vào một thành phố, nhìn ngó nó ở những góc nhìn dị biệt. Có thể là thời nhỏ, thời gian lúc nào cũng đầy ăm ắp trong tay, tôi có thời gian để tự mình chơi trò chơi đó.

Khi được học đôi chút về nghề cũng như qua sách vở, đương nhiên những kiến thức có lớp lang hơn, tôi có ý thức hơn về đề tài Hà Nội. Song tôi vẫn nghĩ, người ta không thể “khai thác” Hà Nội kiểu đề tài nghiên cứu hay để lấy “số má” mà viết về Hà Nội cho hay được.

Vậy anh đã và thích “khai thác” Hà Nội theo góc nhìn nào?

Có hai Hà Nội khiến tôi có hứng thú. Một là Hà Nội của phố chợ. Chợ ở Hà Nội tuy có khi cũng nhem nhuốc, nhưng không giống chợ nơi đâu, những người bán hàng hầu như ai cũng lợi khẩu, ai cũng biết xếp cho quầy hàng của mình hấp dẫn nhất. Người ta sợ mồm mép hàng tôm hàng cá nhưng chính chỗ đó lại là kho khẩu ngữ phong phú, vừa sỗ sàng vừa vòng vèo. Những món ngon Hà Nội cũng là từ chợ mà ra, mồm dân chợ Hà Nội ăn “khôn” nhất!

Tôi cũng thích Hà Nội của những lứa thanh niên, mỗi thời họ lại có một kiểu “điệu” riêng. Thời Hà Nội xưa cũ thì chỉ còn trong mô tả sách vở, chắc là đẹp lắm thì mới gây tiếc nuối đến vậy: “em tôi ngập ngừng trong tấm áo nhung” (Đoàn Chuẩn-Từ Linh). Hai mươi năm cuối thế kỷ XX, thanh niên Hà Nội trong kịch Lưu Quang Vũ hay truyện Nguyễn Việt Hà vừa nhiệt tình, vừa khinh bạc, vừa ngây thơ vừa thạo đời, thích chứng tỏ mình, hiếu khách nhưng lại không mấy khi sẵn sàng vồ vập, họ luôn giữ mình ở một cự ly vừa phải, không hồ đồ xốc nổi, cũng không khoáng hoạt ăn sóng nói gió. Tôi nghĩ thanh niên Hà Nội bây giờ vẫn ưa kiểu sống giản dị, có lẽ là khung cảnh sống quy định, khiến cho không có những nét phù hoa, mà ngược lại, nhiều khi lại hơi tằn tiện.

Viết về họ, cũng là viết về chính mình, ở những điều kỳ quặc phi lý của một thế hệ nhiều ngơ ngác trong cuộc đời. Đôi khi tôi thấy mình và bạn bè mình như trôi trong một đời sống vừa hỗn loạn lại vừa tuần tự, như một cái xe máy trong gần ba triệu cái xe đang chen chúc nhau trên những con đường Hà Nội, chẳng biết rẽ vào đâu.

Hà Nội trong mắt anh – lứa thanh niên những năm 2000 – từ ký ức tuổi thơ cho đến bây giờ thì sao?

Như trên tôi có nói tới lúc nhỏ tôi say mê trò chơi thám hiểm đường phố do chính mình tự bày ra. Tôi nhớ hồi còn đi học vẽ ở Cung Thiếu nhi, lúc ấy tôi mê vẽ phong cảnh, trong đó có phố cổ. Tôi cảm tưởng là vẽ phố cổ rất dễ đẹp, vì những góc xô lệch và so le rất đặc trưng của mặt tiền nhà, của mái ngói, rất “ăn” với bố cục hội họa. Có lần tôi vẽ ngôi nhà số 44 Mã Mây, mãi sau này khi nó bị cháy rụi vì chập điện, tôi mới biết đó là ngôi nhà cổ nhất phố đó còn sót lại. Hồi nhỏ tôi có thú vui là rủ một vài đứa bạn cùng đạp xe khắp phố phường, có những lúc thích thú điên cuồng như lang thang ở bán đảo Ngũ Xã trong hồ Trúc Bạch, những con phố chẳng bao giờ thấy một cái xe máy chứ đừng nói là ôtô! Tôi chỉ còn nhớ láng máng lúc nhỏ đi tàu điện, khi lớn hơn thì chỉ còn xe điện bánh lốp, lúc ấy thì tôi lại biết đi xe đạp mất rồi, mà phi xe đạp có vẻ oai hơn nhảy tàu!

Hà Nội bây giờ có nhiều cái mà hồi bé tôi ao ước: có nhà cao hơn 11 tầng! (khách sạn Thăng Long bên hồ Giảng Võ cao 11 tầng từng là tòa nhà cao nhất Hà Nội, nay là KS Hà Nội). Nhưng hình như không còn huyền hoặc, không còn khiến tôi tò mò như xưa, có lẽ mình đã lớn! Hôm trước, tôi có xem lại những bức tranh của Bùi Xuân Phái trong sách, tự nhiên sống dậy ấn tượng huyền bí. Cơ man là những ngôi nhà mái chồng diêm như thể những ngôi đền ở một thánh địa. Vì lẽ gần như tất cả những ngôi nhà ấy nói chung một ngôn ngữ, một kiểu cách, như ngầm bắt tay nhau mà bảo: chỉ tớ với các cậu biết chuyện này thôi nhé! Bây giờ, những ngôi nhà Hà Nội cứ toang hoác ra, cái gì hoành tráng nhất cũng sắp sửa như khuân ra vỉa hè bán đến nơi.

Theo anh, giá trị của con người, cảnh vật nào của Hà Nội làm nên văn hóa Hà Nội và Hà Nội hiện tại có còn nhiều nét đó nữa hay không?

Tôi không muốn tin là người Hà Nội “chân chính” bây giờ là những người lạc thời, những người không kiểm soát được sự biến động của không gian sống. Nhưng văn hóa Hà Nội đang có thử thách trước áp lực sinh tồn của những vấn đề căn bản hơn: giá nhà đất, thái độ làm dịch vụ, quản lý đô thị. An cư lạc nghiệp, điều đó đã rõ từ xưa: những phố phường với cấu trúc sinh hoạt ổn định và thương mại phồn thịnh mới sinh ra được thiết chế văn hóa phục vụ cho chúng. Khi chúng ta nháo nhào lo mua được căn nhà vừa tầm tiền với thu nhập eo hẹp, với tắc đường, với các “thử nghiệm” chỉnh trang đô thị, với điều kiện sống ô nhiễm, có lẽ hơi viển vông để bảo nhau sống văn hóa – theo nghĩa là thanh lịch, tử tế và nhân văn.

Tôi vẫn nghĩ là có một “trường phái mỹ cảm có tên Hà Nội”. Cùng thế hệ tôi, tiếp nối các thế hệ trước, vẫn có những tín đồ của trường phái ấy – là gu thẩm mỹ, gu sống, nhưng ngày xưa thường hay có các hội đoàn và được cổ vũ. Trí tuệ của trí thức Hà Nội dường như chỉ để làm dáng. Bây giờ chúng tôi là những người đơn độc, và trường phái ấy chưa đến nỗi thất bại, nhưng đang trở thành thiểu số.

Xin cảm ơn anh.
 
Việt Quỳnh thực hiện
(Báo Thể thao & Văn hóa cuối tuần, 25/6/2010)
Other News