Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Sốt sách võ hiệp: Mới - cũ chen nhau
Update Date: 09/03/2009

Sau một khoảng thời gian chìm vào lặng lẽ, dòng sách võ hiệp, kiếm hiệp đang dần dần quay lại tìm một chỗ đứng trong lòng bạn đọc trong nước. Nhưng không giống với các dòng văn học khác, văn học võ hiệp luôn có một sự tồn tại đặc thù trong thị trường sách Việt Nam.

Sách võ hiệp - cổ điển và hiện đại


Vì nhiều lý do khách quan cũng như chủ quan, suốt một thời gian dài dòng sách võ hiệp hầu như rất ít được quan tâm, chú ý. Mãi đến những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, dòng văn học này mới được quan tâm trở lại với sự xuất hiện của những tác phẩm được xếp vào hàng kinh điển mà mở màn là các tác phẩm đã rất quen thuộc với bạn đọc trong nước của nhà văn Hồng Công Kim Dung. Lần lượt sau đó là những tác giả nổi tiếng tiêu biểu cho đề tài này như Lương Vũ Sinh, Cổ Long, Huỳnh Dị… ra mắt bạn đọc.

Thế nhưng, sự bùng phát của dòng văn học võ hiệp ở Việt Nam lúc đó chỉ được đánh giá là mang tính nhất thời. Đơn giản là vì các tác phẩm võ hiệp đã bị ngắt quãng sau khi Vũ Sinh, Cổ Long mất, Kim Dung gác bút, Huỳnh Dị chất lượng tác phẩm trồi sụt bất thường…  Một số tác giả mới sau này như Ôn Thụy An, Long Nhân chỉ gắng gượng tìm lối đi mới nhưng cũng không thoát được cái bóng của các nhà văn đi trước. Kết quả là không chỉ ở Việt Nam mà ngay tại quê hương của dòng văn học võ hiệp, các tác phẩm dạng này cũng dần lặng đi, đối với bạn đọc chỉ còn là những hoài niệm.


Sự phát triển của Internet đã tạo ra một sự thay đổi lớn đối với dòng sách võ hiệp. Bắt đầu xuất hiện cái gọi là “tân võ hiệp” với những tác phẩm pha trộn giữa thể loại văn chương thần ma, tiên thánh của thời kỳ Minh-Thanh với trào lưu linglei của giới nhà văn trẻ Trung Quốc hiện nay. Các tác phẩm dạng này có bối cảnh, nội dung  câu chuyện theo kiểu của những tác phẩm ngày xưa như Tây Du Ký, Phong Thần… nhưng diễn biến tâm lý nhân vật, mối quan hệ xã hội, chi tiết lại đậm chất “trung thực với bản thân” của linglei. Nhân vật chính, anh hùng không còn được xây dựng thuần túy mà sống theo bản năng, vượt lên lễ giáo. Tiêu biểu của dòng văn học này có Tru Tiên (Tiêu Đỉnh), Cực phẩm gia đinh (Vũ Nham)… Bên cạnh đó, các tác phẩm võ hiệp mới cũng lồng ghép cả các kiến thức khoa học hiện đại, những quan điểm mới về chính trị như trong Côn Luân, Thương Hải (Phượng Ca)…


Các tác phẩm trên đều đã xuất hiện tại Việt Nam theo nhiều hình thức, có cuốn được xuất bản, có tác phẩm chỉ truyền bá qua mạng theo dạng sách điện tử. Những tác phẩm võ hiệp kiểu mới này đã thu hút được không ít sự quan tâm của bạn đọc nhất là bạn đọc trẻ.


Văn chương của hoài niệm


Khác với các thể loại văn học khác, văn học võ hiệp luôn bị chối từ, không được xem là một thứ văn học “chính thống”. Với bạn đọc, ai đã trót yêu loại văn chương này thì sẽ khó lòng dứt ra nhưng với những ai không thích thì chỉ xem văn chương võ hiệp là một dạng giết thời gian rẻ tiền.

Cũng vì đọc loại văn này đòi hỏi người đọc sự yêu thích nên cũng dẫn theo sự cực đoan. Điều này đã từng xảy ra khi tái bản các bộ sách võ hiệp. Với bạn đọc thế hệ trước 1975, các bản dịch ngày đó nhất là bản dịch của dịch giả Hàn Giang Nhạn mới chuyển tải chất võ hiệp còn các bản dịch mới khô cứng, thiếu chất phóng khoáng của sách võ hiệp. Ngược lại, bạn đọc trẻ thuộc các thế hệ sau này lại thích các bản dịch mới, văn chương gọn gàng, mạnh mẽ hơn. Không có gì khó hiểu khi tại một số gia đình mê võ hiệp có đủ cả hai loại sách võ hiệp trước đây và bây giờ.


Tuy nhiên, hiện nay trong dòng sách võ hiệp tại thị trường trong nước đang diễn ra sự chen nhau giữa cựu võ hiệp và tân võ hiệp. Cựu có phần lép vế do thiếu tác phẩm mới nhưng tân cũng chưa thật sự chiếm ưu thế do thiếu tác phẩm xuất sắc. Vừa qua, trên thị trường sách xuất hiện đủ đại diện của cả tân lẫn cựu như với tân võ hiệp có Côn Luân (NXB Phụ Nữ) một tác phẩm được đánh giá xuất sắc của dòng văn học tân võ hiệp hiện nay. Bên cựu cũng không kém phần khi Youbooks (thuộc Vinabook) đang chuẩn bị cho ra mắt Thẩm Thăng Y, đây là tác phẩm được đánh giá là xuất sắc nhất của tác giả Hoàng Ưng, người từng chấp bút thay Cổ Long trong nhiều tác phẩm…


Sau một thời gian bị lên án là chạy theo thị hiếu dẫn đến thị trường sách bị mất cân bằng khi chỉ tập trung vào những loại sách dễ bán. Trong bối cảnh chuyên nghiệp hóa, những nhà làm sách trong nước đang dần tự đa dạng hóa sản phẩm của mình. Từ chỗ thị trường tràn ngập các loại sách văn học trữ tình, sách nổi loạn của tuổi trẻ… hiện nay các dạng văn học khác cũng đang dần xuất hiện, từ trinh thám hình sự, khoa học viễn tưởng đến võ hiệp, triết học… Sự đa dạng đó đã đem lại cho bạn đọc sự lựa chọn đa dạng và góp phần không nhỏ khuyến khích sự phát triển của văn hóa đọc ngày nay.


Tường Vy

Nguồn: Sài Gòn giải phóng

 
Other News