Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Nhà thơ Lê Giang - “Nào phải tôi duyên mà ông bà mình duyên”
Update Date: 09/25/2009

Gần 80 tuổi rồi vẫn viết lách ngon lành, vẫn đều đặn miệt mài trên trang giấy. Thường là viết sau mỗi chuyến băng đồng lội ruộng đi tìm câu hò, điệu lý; nhưng nếu chỉ ngồi ở cái bàn gần cửa sổ trên căn hộ chung cư lầu 6 thì cũng có khối chuyện để viết. Còn khóc ngon lành là tập sách mới nhất của bà.

Vài con kỳ nhông bí hiểm, bầy sáo đen huyên náo, gia đình sáo đá dễ thương... Và, mỗi thứ một chút nhưng gần đủ các loại rau mọc quanh nhà. Ðó là những mẩu thiên nhiên tươi đẹp làm nền cho những trang tản văn của nhà thơ Lê Giang. Song điều thú vị hơn cả là giữa những câu chuyện đời thường chốc chốc lại gặp những câu ca dao, hò, vè... như được "gắp" những miếng đặc sản đồng quê tươi ngon, giòn rụm...
 

* Thưa nhà thơ, thường thì không ai thích khóc và ai cũng muốn được ngon lành, nhưng có lẽ không phải... khóc ngon lành?

- (Cười) Nói thiệt là xưa nay nếu có chuyện gì buồn bực thì tôi tìm cách làm cho tiêu tan đi. Tôi không thích viết những chuyện buồn bực mà ham viết những gì vui thiệt bụng. Nói vậy chứ lâu lâu cũng có "móc ngoéo" chút chút...Còn chuyện khóc ngon lành là vầy: xưa nay mình cũng khóc nhiều rồi, nhưng phần nhiều là khóc... không ngon.

Còn bây giờ thì "khóc ngon lành" rồi, khóc không phải là chảy nước mắt đâu mà khóc là nói. Tôi có viết rồi đó: "... Bất chợt mà nước mắt cứ tuôn, càng tuôn càng thấy tự nhiên mà yêu thương, tự nhiên mà yêu đời yêu người hơn. Xin ai đừng dỗ dành kẻ biết khóc ngon lành"...

* Trang viết nào cũng đầy ắp yêu thương đời thường, và hình như hầu hết là những chuyện buồn vui của gia đình?

- Ðúng vậy. Tôi viết vì tôi yêu đời tôi chứ không đặt những chuyện lớn lao gì cả. Nhiều người cho rằng chỉ có những người nổi tiếng, danh giá mới viết hồi ký, nói xin lỗi, ông nông dân cũng có thể viết hồi ký chứ. Họ viết cho mình chứ có khoe khoang gì cho ai đâu. Tôi cũng vậy thôi. Chuyện nhà có biết bao điều để viết. Ví dụ như chuyện vợ chồng con trai tôi, chồng là nhạc sĩ, vợ là giáo viên cấp III nhưng đã hi sinh công việc, bán nhà thành phố, lấy tiền lo cho con đi du học, rồi bôn ba ra tuốt Phan Thiết mở quán hủ tiếu. Ðó, tôi có viết trong tản văn Hủ tiếu nàng dâu đó...

* Sau gần 20 năm cùng chồng là nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đi điền dã, sưu tầm ca dao, hò, vè, lý... bây giờ bà có còn đi không?

- Vẫn còn. Nhưng không phải đi sưu tầm mà đi thăm những người hát dân ca, thắp nén nhang trên bàn thờ... Bởi những người xưa giờ mất hết rồi. Tới đây dây vắn gàu thưa/ Hỏi người cố cựu giếng xưa ai đào?; người cố cựu không còn thì chúng tôi biết tìm, hỏi ai?

Nghĩ cũng may là hồi đó chúng tôi đã làm công việc này rất nhiệt tình, hiệu quả. Bây giờ mỗi lần ra chợ, nhìn tôi khỏe khoắn, nói chuyện ngẫu hứng ca dao, hò vè, nhiều em khen tôi "già mà duyên quá". Tôi nói thiệt, nào phải tôi duyên mà ông bà mình duyên.

* Nếu mượn ca dao để đúc kết cuộc đời, nhà thơ sẽ chọn câu nào?

- Ca dao thì hằng hà sa số, mỗi tình mỗi cảnh có khác nhau. Với riêng tôi, bây giờ sống cảnh hai vợ chồng già thì hay ngâm nga câu này: Anh với em như thể cây cau/ Anh một bẹ, em một bẹ, nương nhau suốt đời...

“Mới lọt lòng mẹ mà không cất tiếng khóc chào đời thì bà mụ đét vào đít mấy phát liền ngoan ngoãn khóc tu toa ngay; rồi biết tủi thân khóc tức tưởi, lại giật mình khóc ré, khi nhõng nhẽo lại khóc nhè; bị sặc nước, nghẹn sữa thì khóc ngất; lúc bất ngờ bị kiến, ve, mò cắn hay bị ngắt lén một cái bỗng khóc điếng, khóc giật ngược mà ông bà cha mẹ không biết nguyên nhân.

Còn khó chịu trong mình thì khóc dai nhề nhệ hoài. Thèm sữa mẹ mà buồn ngủ thì khóc mùi, khóc mướt dỗ hoài không nín...

Trời đất, còn có kiểu khóc nức nở tủi thân, lại khóc ấm ức không bày tỏ nổi, cho nên chuyển thành khóc dai, vừa nói vừa khóc thành kiểu khóc bù lu bù loa. Rắc rối nhất là khóc thút thít, khóc như mưa bấc, khóc ròng, khóc như ri, khóc no nê dầm dề... Ghét và khó thương nhất là khóc dối và khóc mướn. Tôi tôn vinh kiểu khóc ngon lành...”.

(Trích Còn khóc ngon lành, NXB Trẻ 2009)

Việt Quê
Nguồn: Tuổi Trẻ, 25/9/2009
Other News