Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Phỏng vấn tác giả 2 quyển sách được yêu thích: Cô đơn trên mạng và Tình nhân - Trên mạng có cô đơn
Update Date: 01/31/2008

Tác giả Janusz Leon Wisniewski và hai tác phẩm của ông
 
Tiến sĩ tin học và hóa học Janusz Leon Wisniewski cất tiếng chào đời tại pernika-Toruniu (Ba Lan), hiện sinh sống tại Frankfurt am Main (Đức) bằng nghề nghiên cứu tế bào sinh vật học. Ông nói thạo cả tiếng Đức lẫn tiếng Anh vì làm việc cho một hãng của Hoa Kỳ, nơi ngôn ngữ Anh được dùng làm chính thức trong giao tiếp và đã có cuộc trình làng rất thành công với tiểu thuyết Cô đơn trên mạng.
 
Cuốn sách lập tức trở thành hiện tượng văn học thế giới và được người đọc Việt Nam yêu thích nhờ bản dịch của Nguyễn Thị Thanh Thư (được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2006 về tác phẩm dịch). Lần đầu tiên, hàng triệu con người được giảng giải cặn kẽ về ưu thế khi giao tiếp với nhau trong ICQ. (Nên nhớ, ICQ - đọc đầy đủ theo tiếng Anh: I Seek You - là một trong những tiện ích web phổ dụng nhất. Lý do khiến công cụ trò chuyện này được ưa chuộng là khả năng tìm bạn bè và đồng nghiệp trực tuyến, đồng thời báo cho bạn biết khi nào họ sẵn sàng tiếp chuyện bạn. Không giống những công cụ trò chuyện khác - như chat chẳng hạn - chỉ thu hút giới trẻ, ICQ được xem là phương tiện truyền thông tiện lợi và phổ dụng nhất cho giới kinh doanh)...

      Cách đây không lâu, nhà văn Janusz Leon Wisniewski đã xuất bản hai tiểu thuyết mới Số phận luân hồiNgười tình, tiếp tục khai thác đề tài về các mối quan hệ trong thế giới ảo với những cái được, cái mất của chúng. Trong chuyến thăm Nga gần đây, nhà văn đã trả lời phỏng vấn của một số báo chí. Xin trích giới thiệu cùng độc giả.  

      - Những người đã đọc Cô đơn trên mạng
khi gặp ông thường nêu câu hỏi gì?
      - Do đâu mà tác giả am hiểu phụ nữ như thế. 

      - Do đâu vậy? 
      - Do tôi thích trò chuyện với phụ nữ. 

      -
Tức là, khi viết Cô đơn trên mạng,
ông dành nhiều thời gian cho việc giao tiếp với phụ nữ? 
      - Ồ không, không phải thế đâu. Tôi cộng tác với một tạp chí chuyên dành cho phụ nữ ở Ba Lan. Hàng tháng, tôi đăng phóng sự ở đó, mà bà tổng biên tập tạp chí lại là một cốt cán của phong trào nữ quyền. Tôi bảo, tôi là đàn ông, nhưng cũng theo phong trào nữ quyền đây! Đến khi bà ấy hỏi “vậy thì chúng ta có gì khác nhau”, tôi đáp: “Chỉ có một sự khác biệt – tôi không hề giống bác sĩ phụ khoa”.

      -
Tôi cho rằng, chắc là những người theo trường phái nữ quyền sẽ không thích sách của ông – quá ư là lãng mạn, quá ư là tình cảm. 
      - Bản thân tôi cũng có nghĩ về điều đó. Nhưng, hình như chính những người theo phong trào nữ quyền cũng gần gũi với chính cái khởi nguyên nữ tính đó. Thậm chí còn rất gần gũi nữa!
 
- Ông có hay giao tiếp với những người quen bằng ICQ hay không? 
      - Tôi chưa bao giờ ngồi chat trên mạng, nhưng lại thường xuyên giao tiếp thông qua ICQ. Ở đó có thể lựa chọn người để mà trò chuyện. Câu chuyện của các nhân vật trong Cô đơn trên mạng là chuyện thật hoàn toàn. Tôi biết người phụ nữ đó. Thỉnh thoảng chúng tôi có giao tiếp với nhau. Cô ấy đã ly dị chồng. 

      -
Nhưng cớ sao, khi các nhân vật của ông đã tìm thấy nhau trên mạng, mà sau đó, họ vẫn cứ cô đơn? 
      - Các nhân vật vẫn cứ cô đơn, bởi vì nhân vật nữ đã quyết định như thế. Cô ấy lâm vào tình thế khó xử của một mối tình tay ba. Còn anh ấy thì coi mối tình của cô là mối tình trọn đời, đồng thời lại là bi kịch lớn. Bởi vì anh ấy là con người siêu nhạy cảm, cho nên đành phải tuân thủ quyết định của cô ấy, và không muốn xúc phạm đến người đàn ông mà cô ấy đang sống chung. 

      -
Thật lạ lùng, khi giữa hai con người ấy đã nảy sinh một cuộc tình trên đại thể. Bởi vì phần lớn câu chuyện, khi con người giao tiếp với nhau thông qua internet, họ cứ tưởng rằng đã rất gần gũi với nhau, thế nhưng sau đó gặp nhau, họ đều có cảm giác rằng chỉ thấy trước mặt một con người hoàn toàn khác, hoàn toàn xa lạ.
      - Tôi cũng luôn luôn nghĩ về điều đó. Đã có những cuộc điều tra xã hội học cho thấy 78% trường hợp trong cuộc sống đã diễn ra đúng như thế. Từ một phương diện khác, trong các lý do thúc đẩy người ta đi kết bạn trên mạng, thì những thông số về thể chất không hề có một ý nghĩa gì. Một người còn trẻ ngồi xe lăn và một người có vẻ đẹp như siêu nhân sẽ có cơ hội ngang nhau trên mạng. Ngoài ra, một người đàn ông khi đến một sàn khiêu vũ, một tiệm ăn nhẹ, một quán rượu mà muốn làm quen với ai thì việc đầu tiên là để ý đến người phụ nữ nào có vẻ hấp dẫn, chứ người phụ nữ kém hấp dẫn không có cơ hội tự kể về mình. Thực tế đó thường được người ta gọi là “hội chứng quán bar”. Trên mạng internet thì cái “hội chứng quán bar” ấy không hề tồn tại. Nhân đây cũng phải nói là kết quả điều tra xã hội học cho thấy có đến 90% đàn ông đinh ninh rằng mình đang lên mạng làm quen với một người phụ nữ cực kỳ hấp dẫn. Thậm chí, các nhà điều tra còn rút ra một nhận xét là tất cả các anh chàng khi ngồi trước màn hình computer để vào mạng đều có một phản xạ hết sức độc đáo: Họ làm như đang ngồi trên bãi biển vậy, cũng duỗi người, ưỡn thẳng bụng. Đó là sự thực. Internet có cái tốt là ở chỗ đó – những người đàn ông và những người đàn bà không được hấp dẫn cho lắm vẫn có thể gặp gỡ, trò chuyện với nhau. Còn nếu như sau đó họ có gặp nhau trong đời thực, thì chuyện người đàn bà ngực không được nở, hoặc người đàn ông đã sắp hói đầu ỏng bụng đã không còn quan trọng nữa. Tôi biết đích xác điều đó – sau khi xuất bản Cô đơn trên mạng, tôi nhận được 29.000 thư điện tử. Tôi biết có nhiều câu chuyện cùng khẳng định điều đó. Nhưng cũng có những trường hợp người ta không muốn gặp nhau trong đời thực – họ chỉ muốn đi cho đến cùng – con đường của nỗi tương tư.

      
 -
Nếu như loại bỏ ICQ khỏi cuốn sách, tác phẩm của ông sẽ thành một cuốn tiểu thuyết truyền thống, kiểu mối tình qua những bức thư… 
      - Hoàn toàn đúng. Những bức thư đó có thể chuyển phát bằng những chiếc xe tay cổ lỗ. Nhưng internet bảo đảm được một điều mà những chiếc xe tay không đảm bảo nổi – tất cả đều diễn ra tức thì. Một bức thư thông thường phải mất hai ba ngày để chuyển đến địa chỉ. Trong khoảng thời gian đó, nhân vật nữ có thể không khóc, không hồi hộp nữa, mà cũng có thể đã chuyển sang yêu người khác. Tôi có những người bạn quen, do những hoàn cảnh khác nhau, bắt buộc phải rời khỏi Ba Lan, và họ phải quy định với “một nửa của mình” để thường xuyên gặp nhau vào một giờ nhất định trước màn hình computer. Họ đặt sẵn camera, họ nhìn thấy nhau, họ cùng đặt sẵn một thực đơn, một loại rượu vang như nhau, thậm chí còn cởi hết cả quần áo ra nữa. Bằng cách đó, nhiều cặp vợ chồng đã được duy trì, bất chấp khoảng cách và thời gian chia ly. Đương nhiên, đấy chỉ là trò ảo, nhưng dẫu sao trò ảo đó cũng duy trì được các mối quan hệ con người. Đã có những công trình nghiên cứu đặc biệt chứng minh được rằng thành phần hóa học của máu trong não bộ của hai người trong lúc đó giống hệt nhau. Tôi vốn là nhà hóa học, tôi biết điều đó.  

      
-
Nhưng ở đây còn có một thái cực khác: Nếu như con người bắt đầu sống với cuộc sống trên mạng, người đó sẽ tự động rớt khỏi cuộc sống thực tế vây bọc quanh mình. 
      - Tôi không đồng ý với ý kiến đó. Nếu như tôi tu một cốc bia hơi, điều đó không có nghĩa tôi là một con ma men. 

    
  - Ông nhận xét thế nào về bộ phim dựng theo tiểu thuyết Cô đơn trên mạng,
trong đó ông trình làng với tư cách một diễn viên phụ người Đức?
      - Bộ phim đã gây thất vọng lớn cho nhiều người đang hâm mộ tôi. Họ mong đợi một sự chuyển thể chính xác - ở cả cấp độ cảm xúc lẫn cấp độ cốt truyện. Nhưng trên thực tế đã không thể nhét cả một pho tiểu thuyết dày với vô số nhân vật vào hai giờ đồng hồ chiếu phim. Trong phim, âm nhạc thật là tuyệt vời, các diễn viên diễn rất cừ, đạo diễn rất tài và quay phim vào hạng tốt nhất, nhưng về tổng thể lại là một bộ phim không thành công.

      
-
Tuyển tập truyện ngắn mới nhất của ông – Người tình (được NXB Trẻ mua tác quyền, xuất bản với tựa mới là Tình Nhân vào đầu năm 2008)– tiếp tục khai thác đề tài cô đơn?
      - Tập đó gồm sáu truyện ngắn, liên kết bởi một đề tài chung: Kinh nguyệt, từ thời thiếu nữ đến chu kỳ giữa hai lần kinh nguyệt. Một truyện ngắn trong tập có nhan đề như thế, nhưng các nhà xuất bản ở Ba Lan – một đất nước theo Kito giáo - đã từ chối đặt tên đó cho cuốn sách. Ở Nga cũng vậy. Nhan đề nguyên tác chỉ được khai sinh ở Croatia. Tôi cũng lấy làm ngạc nhiên là ở Việt Nam, người ta cũng quan tâm tới cuốn sách này.
 
Thanh Chi giới thiệu và dịch
(Theo nguoidaibieu.com.vn)
Other News