Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Một ngọn lửa đáng giá...
Update Date: 06/29/2007

Vũ trường, hộp đêm, rượu bia, ma túy, những “telki” (*) trơ trẽn, những sếp tập đoàn đa quốc gia bóc lột và hợm hĩnh...

Một thế giới ứ đặc chán chường trong Vô hồn, nơi những dòng độc thoại chảy miên man của nhân vật chính không tên cũng ngổn ngang và mệt mỏi. Hình như chẳng có một niềm tin nào, cho dù là niềm tin vào người mình tin yêu nhất. Hình như chẳng còn một lẽ sống nào, cho dù là lẽ sống đơn giản nhất. Những con người xác ướp, những bóng ma vật vờ, thủ đoạn kiếm tiền ban ngày, thác loạn đốt tiền về đêm. Cuộc sống vô hồn trôi.

Thế hệ trung lưu của nước Nga, những con người sinh ra sau những năm đầu thập niên 1970, khi “cuộc sống đã dễ thở hơn” được Sergei Minaev mô tả như những con người bị truyền thông và quảng cáo mã hóa. “Họ phá hủy những thánh đường nhưng chưa tìm được chúa trời của mình”. Đánh mất linh hồn trong cuộc tiếp nhận chủ nghĩa tư bản mù quáng, họ sống vật vờ trong khói cocain và buông trôi luôn những tháng năm tuổi trẻ của mình.

Sergei Minaev đã viết về một thế hệ trung lưu như thế của nước Nga hiện đại. Bằng những mô tả chi tiết nhất về vòng tuần hoàn cuộc sống của họ, gói gọn trong thế giới của tập đoàn, hội họp, những áp phe móc nối từ hộp đêm, những cuộc chat vô bổ trong “thùng rác Internet” và những đêm thác loạn... Nhưng hình như không chỉ vậy. Đâu đó vẫn còn le lói một đốm lửa, những khoảnh khắc thức tỉnh của một con người.

Đó là khi nhân vật - người hùng không tên - bật khóc chỉ vì một lời ra giá trơ trẽn của một telki qua đường. Khi nỗi ghen tuông vu vơ bùng cháy thành cơn tỉnh thức, đớn đau và hối hận. Người hùng tự vấn chính mình, từ một quá khứ của những Pavel Korchagin sao lại biến thành các nô dịch thời nay?

Chưa hoàn toàn là “xác ướp”, nhân vật cố nhận chân giá trị những vấn đề lớn nhất ở mỗi con người: tình yêu, tình bạn, danh dự, nghĩa vụ, sự phản bội, các nguyên tắc sống... Nhân vật xoay xở để thay đổi cuộc sống không hồn quanh mình, nhưng lại bị chính sự vô hồn đó làm cho khô cứng, cho tới khi anh ta bị đặt trước một quyết định.

Phút giây đối mặt với quyết định đó là lúc một ngọn lửa có thể được nhen lên. Tác giả Sergei Minaev trong một lần trao đổi với Tuổi Trẻ, từng nói: “Vẫn còn một ngọn lửa. Vấn đề là mở mắt và tìm kiếm. Đôi khi rất khó, nhưng hãy tin tôi đi, ngọn lửa đó rất đáng giá”.

Vô hồn - chuyện về một người không chân chính có lẽ vì thế trở thành best-seller, khi đề cập đến vấn đề thời sự nhất của một xã hội chuyển đổi. Riêng xã hội Nga, với bề dày văn hóa, cuộc chuyển đổi càng khắc nghiệt hơn, đau đớn hơn. Ngôn ngữ của Vô hồn hiện đại, nhiều tiếng lóng của giới ăn chơi, đôi khi dung tục và giễu cợt cay độc, như chính tác giả từng nhìn nhận, bởi đó “không phải là nước Nga của Turgenev”. Một cửa sổ để nhìn thấu tâm hồn của giới trẻ thời thượng Nga thập niên 1980 và 1990.

PHAN XUÂN LOAN
(Theo Tuổi Trẻ, 29/6/2007)
(*) Telki: từ tác giả gọi các cô gái ăn chơi trong vũ trường.
 
 
Sergey Minaev sinh ngày 25-1-1975, là một tên tuổi hoàn toàn mới trên văn đàn Nga
Theo nhà phê bình Dmitri Bavilski, “đã lâu rồi văn học hiện đại Nga chưa có một nhân vật được thấu hiểu sâu sắc đến như thế”. Giám đốc sáng tạo của chuỗi nhà sách Bookery thì nhận định “Vô hồn đã mang trở lại cho giới trẻ Nga tình yêu văn học”. Nhiều nhà phê bình văn học đã so sánh Vô hồn với tác phẩm Người anh hùng thời đại của Mikhail Lermontov
Other News