Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Dạo qua văn học Nhật Bản với "Vườn cúc mùa thu"
Update Date: 06/15/2007

Có thể thấy, trên nhiều giá sách văn học nước ngoài ta vẫn thường thấy văn học một số nước như Trung Quốc, Pháp, Mỹ. Rất ít tác phẩm văn học Nhật Bản. NXB Trẻ vừa ấn hành quyển “Vườn cúc mùa thu”, tập hợp 20 truyện ngắn  của các tác giả tên tuổi Nhật Bản qua từng thời kỳ, là một bức tranh sinh động về đời sống văn học.
 

Nền văn học  Nhật Bản rất đa dạng và phong phú; nổi bật là thể loại truyện ngắn. Truyện ngắn Nhật Bản đã thể hiện được hơi thở của cuộc sống thời đại, mang đến cho người xem nhiều cảm nhận khác nhau. Không chỉ dịch thuật tác phẩm, mà nhóm dịch gỉa còn cung cấp cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của cây bút tiêu biểu – những đại diện xuất sắc của nền văn học Nhật Bản để cảm nhận được những nét đặc sắc và những tâm tư, tình cảm của tác giả trước cuộc sống.

Các tác phẩm được chọn trong tuyển tập dàn trải trong  khoảng thời gian 200 năm, được sắp xếp theo trình tự thời gian để bạn đọc có thể theo dõi diễn tiến của nền văn học Nhật Bản. Độc giả có thể cảm nhận được từng phong cách qua cách chọn lựa đề tài , khai thác nhân vật và góc độ phản ánh cuộc sống của các cây bút tên tuổi. Những truyện ngắn của họ dù  dưới mức độ nào, cũng đều huớng đến chân – thiện  - mỹ, ước muốn vươn đến cuộc sống vì con người. Điều này thấy rõ qua truyện ngắn “Hẹn mùa hoa cúc” của Ueda Akinari (1734-1809), “Truyện chàng Hoichi cụt tay” của Koizumi Yakumo (1850-1904). Chịu ảnh hưởng nhiều bởi các tiểu thuyết gia Trung Quốc đời Minh  như La Quán Trung, Phùng Mộng Long … các nhà văn Nhật Bản đã khai thác yếu tố thần linh, ma quái trong truyện mình, nhưng ẩn sâu bên trong nhân vật là sự trọng tình, trọng nghĩa, sống chan hòa, yêu thương, san sẻ và giúp con người vượt qua những khốn khó của cuộc sống, tin tưởng vào cuộc sống tươi sáng ở tương lai.
 
Độc giả sẽ thích thú khi đọc giọng văn đầy cá tính của nhà văn Akutagawa Ryunosuke – một trong ba trụ cột của văn học hiện đại Nhật Bản. Cái nhìn của ông về cuộc đời rất sắc bén, tinh tế, đầy hoài nghi và luôn đặt ra những vấn đề  về thân phận con người. Giọng văn ông châm biếm, mỉa mai, nhưng tiềm ẩn tấm lòng của người yêu đời, yêu người và thâm thúy trong cách nhìn nhận, lý giải cuộc sống. Tác giả Yokmitsu Riighi được đánh giá cao về lối viết tả thực, gây ấn tượng và có sức truyền cảm, lay động lòng người… Có thể thấy để biết một cách đầy đủ về nền văn học có bề dày như Nhật Bản là điều không dễ. 12 tác giả với hơn 20 tác phẩm trong “Vườn cúc mùa thu”, tuy không thể bao quát và vừa lòng người đọc, nhưng diện mạo văn học Nhật Bản trong một giai đoạn khá dài.
 

Có thể nói, “Vườn cúc mùa thu” là tập truyện mở đầu, mà nhóm tác giả, do dịch giả Nguyễn Nam Trân chủ biên, tâm huyết, chọn dịch mang đến cho bạn đọc. Nhưng đây chưa là điểm dừng, nhóm dịch giả còn mong ước lớn hơn là sẽ giới thiệu tác phẩm của những cây bút tên tuổi khác như Nagai Kafu, Kawataba Yasunari, Shiba Ryotaro… Có thể nhờ đó, nền văn học Nhật Bản sẽ trở nên gần gũi với độc giả Việt Nam qua nhiều tác phẩm văn học dịch trong thời gian tới.

V.Trà

(Theo Hậu Giang, ngày 6/6/2007)

Other News