Bài học tôi học được đầu tiên, đó là sự tự tin.
Cậu bé 10 tuổi - nhân vật chính trong truyện, bề ngoài không có gì nổi bật. Như bao đứa trẻ 10 tuổi khác, nó cũng có những trăn trở, suy nghĩ và hành động rất “trẻ con”. Cậu bé đau khổ khi bị bạn bè trêu chiếc răng khểnh của mình: “Từ đó, tôi không dám cười nữa. Tôi rất đau khổ. Tôi ghét những đứa có hàm răng đều. Chúng còn chỉ vào mặt tôi nói: ‘Đó là vì mày không chịu đánh răng. Những người đánh răng, răng mòn đều’”.
Khi đọc đến đây tôi tự hỏi, không biết trong chúng ta, có ai không đau khổ vì những khiếm khuyết của mình không nhỉ? Có chứ, người lớn luôn thế. Càng lớn, người ta càng muốn mình thật đẹp trong mắt mọi người. Đôi khi chỉ vì một điều gì đó không trọn vẹn trên cơ thể, mà con người ta mất đi niềm tin, niềm tin vào cuộc sống và vào chính bản thân mình. Tôi thích cái cách mà bố cậu bé động viên cậu. “Khi cười, khuôn mặt con sẽ rạng rỡ”, và cái câu nói mà ai trong chúng ta có lẽ cũng biết, nhưng đôi khi cứ thích quên đi, “Mỗi đứa trẻ có một điều kỳ lạ riêng. Có người có một đôi mắt rất kỳ lạ. Có người có một cái mũi kỳ lạ. Có người lại là một ngón tay. Con hãy quan sát đi rồi con sẽ thấy. Con sẽ biết rất nhiều điều bí mật về những người xung quanh mình”.
Tôi thích cái cách cậu bé xòe bàn tay ra đếm, để nhận thấy rằng mình có đầy đủ 10 ngón tay, và nhận ra sự quý giá của sự đầy đủ - đầy đủ trên chính cơ thể mình. Người lớn có bao giờ nhận thấy sự đầy đủ đó không? Người lớn có bao giờ thấy yêu cơ thể mình hơn, chỉ vì mình có đầy đủ hơn rất nhiều người khác không? Một đứa trẻ 10 tuổi nói rằng: “Lần đầu tiên tôi thấy một niềm vui từ thân thể mình, và tôi cũng hiểu nỗi buồn của những người không còn đầy đủ thân thể”. Có bao giờ, trong cái cuộc sống bận rộn, hối hả, bon chen, người lớn nghĩ đến điều này không nhỉ? Mỗi con người là sản phẩm của tạo hóa. Tại sao người lớn lại không yêu thương và tin tưởng vào chính mình?
Bài học thứ hai tôi học được là sự quan tâm chia sẻ.
Cái cách cậu bé quan tâm đến ông Tư bị cụt hết cả tay chân, đến cô giáo Hà luôn phải che giấu cơ thể nhỏ bé, lùn tịt của mình bằng đôi guốc cao, đến cô Hồng - vợ chú Hùng, khi cô mất em bé, và cả thằng cháu ông ăn xin kiêu ngạo và xa cách nữa. Cái cách quan tâm ngây thơ, trẻ con mà ấm áp của cậu bé làm nhiều người lớn phải suy nghĩ: “Tôi vẫn còn nhớ mẹ thường hay nói khi một ai đó buồn, họ cần rất nhiều người để chia sẻ. Nỗi buồn chỉ vơi đi bằng tình thương chứ không có một phương thuốc nào hết. Khi chia sẻ một nỗi buồn, chúng ta sẽ không buồn hơn, nhưng người khác lại vui hơn. Và đừng bao giờ quay lưng lại với một con người như vậy. Họ cần những khuôn mặt hơn là những viên thuốc. Họ cần những bàn tay, những tô cháo, những quả ổi hái để đầu giường. Họ cần mỗi buổi tối ghé lại ngồi với họ trong im lặng. Họ cần chúng ta dẫn họ lên đồi cuốc một mảnh vườn, và thỉnh thoảng hỏi có thích ăn bắp rang không...”.
Bài học tiếp theo tôi học được, đó là sự yêu thương.
Con người ta không thể sống mà không biết yêu thương, không có những người bạn, những người thân yêu xung quanh mình. Với cậu bé, đó là bố, mẹ, là chú Hùng hàng xóm, là ông Tư, thằng Tí bạn thân, là bà xơ ở nhà thờ... Để rồi mỗi khi một ai đó thân thương ra đi, chúng ta sẽ khóc, sẽ cảm thấy trống vắng. “Bố tôi vẫn nói, khi một người thương yêu của ta ra đi, cũng giống như chúng ta cắt lìa từng khoảng trời trong trái tim mình. Đó là một khoảng trời rất rộng mà ta hít thở từng ngày”. Cả cái cách nói về nỗi nhớ của cậu bé cũng làm người lớn phải suy nghĩ: “Tôi nhớ lời bố nói, khi nhìn theo bóng một con người mà ta không thể quên được, ta sẽ thấy nỗi nhớ của mình”.
Chúng ta luôn được dạy rằng, nếu làm việc gì không đúng thì phải xin lỗi. Nếu không lỗi lầm sẽ đi theo chúng ta mãi, ám ảnh, day dứt. Vậy nhưng, trong nhịp sống hối hả ngày nay, có mấy người dừng lại để đếm lỗi của mình không? Đôi khi chúng ta thờ ơ quá, mà đi qua mất lúc nào không biết. Để rồi khi nghĩ lại, sẽ thấy một sự trăn trở, day dứt mãi không thôi. Và một bài học nữa, người ta có thể học được từ cậu bé, đó là biết nhận lỗi.
“Tôi về nhà. Vừa thấy tôi, bố đã hỏi:
- Con làm sao vậy?
- Con đã lỡ đòi lại món quà mà con đã cho.
- Người đó có lỗi với con lắm à?
- Không, bố à. Chẳng có lỗi gì.
- Thế thì con phải xin lỗi họ thôi.
- Con sẽ không bao giờ xin lỗi nó.
- Nếu vậy, bố sẽ rất xấu hổ vì con. Và con cũng sẽ rất xấu hổ khi gặp lại nó”.
Cậu bé đã không kịp xin lỗi người bạn của mình. Nhưng cậu bé nhận được một bài học vô cùng quý giá về những lỗi lầm. Để sau này, khi lớn lên, sẽ không mắc phải nữa. Và những người lớn, có bao giờ nghĩ như thế không?
Còn nhiều những bài học giản dị khác có thể học được từ cậu bé 10 tuổi này. Những bài học vẫn dùng để dạy trẻ con, nay lại đem ra để dạy cho người lớn. Nhắm mắt mở cửa sổ để tận hưởng được cả cái mùi vị, cái không khí của cuộc sống này. Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Người ta vẫn thường thấy cả thế giới bằng đôi mắt. Nhưng với tác giả Nguyễn Ngọc Thuần, thế giới tràn vào bằng mọi giác quan. Chỉ cần một chút để ý, một chút lắng nghe, một chút quan tâm, một chút chia sẻ... Mỗi thứ chỉ một chút thôi, và chúng ta sẽ thấy cả thế giới.