Năm 2006, bước vào tuổi 80, Trần Bạch Đằng mới cho in một tập sách riêng về mình. Như tên gọi của nó - “Cuộc đời và ký ức”, đây chưa hẳn đã là hồi ức về một đời người mà mới chỉ là những chấm phá của một chân dung, những phác thảo của một tự truyện bằng một vài kỷ niệm sâu sắc về một vài đoạn đời trên chặng đường dài tám thập kỷ của một con người lao động và chiến đấu không mệt mỏi.
Một tiểu sử tóm tắt của ông được viết ngoài lề của cuốn sách. Tên thật là Trương Gia Triều, còn có bút danh khác là Hưởng Triều, Nguyễn Trương Thiên Lý, tên thường gọi là Tư Ánh. Sinh ngày 15/7/1926 trong một gia đình nho học tại làng Thạnh Hưng (nay là Hoà Hưng), quận Giồng Riềng, tỉnh Rạch Giá, nay là Kiên Giang. Tham gia cách mạng từ thời còn học tiểu học, kết nạp Đảng từ năm 17 tuổi, những chức vụ ông từng đảm trách đều gắn liền với công tác tuyên huấn: từ công tác Đảng, Đoàn (Bí thư khu ủy, Thành ủy viên, Phó ban Tuyên huấn Trung ương, Phó ban Dân vận Trung ương, Bí thư Đoàn Thanh niên Cứu quốc Nam Bộ) đến chủ bút báo Nhân dân Miền Nam, Chủ nhiệm Tạp chí Việt - Xô; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, phụ trách thông tin - văn hoá kiêm Chủ tịch Hội đồng Văn học Nghệ thuật Giải phóng...
Tiểu sử ông Tư Ánh, một tiểu sử khiêm nhường về chức vụ, nhưng trọn vẹn cuộc đời có mặt tại những nơi đầu sóng ngọn gió nhất của cách mạng. Đó không chỉ là nơi hứng chịu hòn tên mũi đạn từ phía quân thù mà cả trên một mặt trận không có tiếng súng, nhưng không kém phần cam go và quyết liệt, đó là mặt trận văn hoá - tư tưởng. Nội dung cuốn sách cho biết, trừ bảy tháng lẻ hai ngày trong năm 1949 bị giặc Pháp bắt rồi đứng ra tổ chức cùng các bạn tù vượt ngục, Trần Bạch Đằng hoạt động với tư cách một nhà chính trị chuyên nghiệp hướng vào cuộc vận động quần chúng và bằng tư duy và ngòi bút của mình.
Và với tôi, người hoạt động trên lĩnh vực sử học, chưa bao giờ ông gia nhập hội, nhưng tôi và nhiều đồng nghiệp của mình vẫn coi ông là một trong những “cột cái” của sự nghiệp sử học đặc biệt của các vùng đất mới. Với tư cách một trong những người “cầm trịch” cho các hoạt động khoa học xã hội và nhân văn của thành phố Hồ Chí Minh, Trần Bạch Đằng cùng với giáo sư Trần Văn Giàu (nhà cách mạng đàn anh của mình - cây đại thụ trong giới sử học đương đại) và Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trở thành hạt nhân tập hợp và tạo nguồn lực cho nhiều công trình khoa học xã hội và nhân văn, trong đó các công trình sử học góp phần nâng cao nhận thức về một vùng đất giàu tiềm lực và năng động nhất nước.
Những nhà chính trị chuyên nghiệp, một khi đã rời chính trường, tham gia vào quá trình nhận thức lại quá khứ, thường mang lại cho một nền sử học - vốn đã bị khuôn định trong cái nguyên lý ”phục vụ chính trị” - có thêm niềm tự tin vào một nguyên lý quan trọng hơn: chính sự thực lịch sử mới là cái cần cho một nền chính trị lành mạnh.
Sử học về vùng đất phía Nam với công cuộc nam tiến của dân tộc, vai trò của các Chúa Nguyễn và triều đại nhà Nguyễn đối với sự nghiệp dựng nước, việc đánh giá lại không ít nhân vật lịch sử như Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn An Ninh… và đặc biệt là những đóng góp to lớn của nhân dân Nam Bộ trong những thử thách lịch sử thời hiện đại và đương đại của cách mạng Việt Nam luôn là đề tài hấp dẫn cho các nhà nghiên cứu lịch sử.
Trong tất cả những hoạt động sử học ấy, đều có bóng dáng của Trần Bạch Đằng, trong vai trò của một nhà thiết kế. Cũng cần nói thêm rằng, Trần Bạch Đằng còn là người từ rất sớm quan tâm đến việc giáo dục lịch sử cho giới trẻ. Ông không chỉ chủ biên những bộ chính sử đồ sộ về lịch sử Việt Nam, lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ, lịch sử các cuộc kháng chiến ở Nam Bộ v.v… mà cũng chính ông là người đưa ra ý tưởng và tổ chức cùng Nhà xuất bản Trẻ thực hiện bộ tranh truyện lịch sử đầu tiên cách đây cả chục năm…
Có lần ông nói với tôi rằng, “lịch sử không phải là cái ở phía sau lưng mình mà là cái đang diễn ra quanh mình và phía trước mắt mình; không phải là quá khứ mà chính là hiện tại; không phải là cái để chiêm ngưỡng mà là cái hành động". Và đúng là ông đã làm như điều ông nói. Cho đến thời gian gần đây, biết tin ông đã lâm trọng bệnh, nhưng lần nào đến thăm cũng nhận thấy ở ông một thể xác có phần héo mòn nhưng tinh thần dường như lại phấn chấn hơn khi đề cập tới những vấn đề của đời sống. Gặp ông, nói chuyện với ông lại thấy chính mình cũng bị lây truyền cái nhiệt tình sôi động của người cầm bút…
"Tài tình cho lắm..."
Đọc báo hàng ngày, vẫn thấy ông viết - tuy không còn thường xuyên như trước, nhưng đến tận những ngày gần đây, bút lực vẫn cường tráng như xưa! Ngỡ rằng, sẽ còn được đọc nhiều bài nữa… Vậy mà, hôm nay, trên nhiều tờ báo, tin ông qua đời đã là một sự thực.
Trong đoạn chót cuốn “Cuộc đời và ký ức”, Trần Bạch Đằng kể rằng, nguời vợ thân yêu của ông đã nguyện: nếu ông ra đi trước thì bà sẽ khắc tạc lên bia mộ của ông câu thơ “Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy” - một câu trích trong bài thơ đề bút của Phạm Quý Thích dành cho tác phẩm ”Truyện Kiều” của thi hào Nguyễn Du. Câu thơ nói về thân phận của nàng Thúy Kiều trong truyện cũng là của Nguyễn Du ngoài đời, của những con người “tài tình cho lắm”…
(Nguồn: vnn.vn, 17/04/2007)