Nếu cha tôi không chăm chút cuốn sách đó như thế, nếu mẹ tôi không cất giữ cẩn thận để đưa ra khi có dịp, thì biết đâu, những lời tâm huyết của cha tôi gửi gắm ở lời “Đề tựa” sẽ không bao giờ hiện hữu với đời
Nếu như với nhiều người, sách là một phần của cuộc sống, thì với nhà văn, sách chính là phần cốt lõi của cuộc sống. Trên giá sách của nhà văn, người ta có thể thấy những cuốn sách là đứa con tinh thần của người viết; người ta có thể thấy những cuốn sách là bầu bạn, người dẫn đường của nhà văn trong một quãng đời hay thậm chí là xuyên suốt cuộc đời; người ta cũng có thể thấy, ở đó, những cuốn sách là kỷ niệm của người thân, bạn bè, trong đó đáng chú ý nhất là những tác phẩm của đồng nghiệp gửi gắm, biểu lộ tình cảm, nỗi niềm qua những lời đề tặng nhiều hàm ý...
Trước hết, đó là những cuốn sách của chính tác giả. Cha tôi có tác phẩm đầu tiên được in ra dưới chế độ mới là vở kịch Bắc Sơn, do Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam xuất bản tháng 7/1946. Đây cũng là tác phẩm sớm nhất của cha tôi còn lưu giữ được (Trước Cách mạng, ông đã xuất bản tiểu thuyết Đêm hội Long Trì và một số truyện thiếu nhi, nhưng rất tiếc những cuốn đó đã không còn). Cuốn Bắc Sơn của cha tôi để lại là một bản ông đề tặng vợ con: “Bản NGUYỄN HUY TƯỞNG tặng UYÊN, HIỀN, THỤC - Hà nội, 12-7-46 - Huy Tưởng”. (Uyên là tên mẹ tôi, còn Hiền, Thục là hai chị tôi, khi ấy một chị mới lên 4, một chị mới 2 tuổi). Có thể nói đây là một cuốn sách quý: ngoài phần kịch bản của Nguyễn Huy Tưởng, ấn phẩm còn đăng lời “Tựa” của Nguyễn Đình Thi, bản nhạc Bắc Sơn của Văn Cao, phụ bản màu của Trần Đình Thọ, phần “Phụ lục” trích đăng các ý kiến khen chê kịch bản cũng như vở diễn…
Ngoài những nội dung rất quý đó, bản cha tôi đề tặng vợ con là một trong số những ấn bản đặc biệt dành riêng cho người chơi sách, có đánh số và mang chữ ký của tác giả. Mùa thu năm 1946 là khoảng thời gian đầy ắp kỷ niệm với cha tôi. Trung tuần tháng 8, ông cùng các đồng chí lo tổ chức một năm ngày Cách mạng và Tết Độc lập đầu tiên với nhiều hoạt động tưng bừng ở Thủ đô. Sang tháng 9, ông lại có một niềm vui: Vở kịch Vũ Như Tô được xuất bản. Ông cho đóng bìa cứng một cuốn dành riêng cho mình. Bên trong, ở trang đầu sách, cha tôi dán lời “Đề tựa” do tự tay ông đánh máy. Đó chính là lời đề tựa với câu kết gan ruột: “Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm”, từng được cấu tứ ngay trong năm 1942 khi ông soạn xong vở kịch lần đầu. Cuốn sách đặc biệt ấy, cha tôi đã mang theo suốt những năm kháng chiến ở Việt Bắc cho đến khi về lại thủ đô. Sau này, khi cha tôi đã qua đời, vở kịch mới có dịp được tái bản. Mẹ tôi đã chuyển cuốn sách có lời “Đề tựa” đánh máy cho nhà xuất bản và nhờ đó nó mới chính thức được in cùng vở kịch.
Thi thoảng, tôi vẫn giật mình khi nghĩ, nếu cha tôi không chăm chút cuốn sách đó như thế, nếu mẹ tôi không cất giữ cẩn thận để đưa ra khi có dịp, thì biết đâu, những lời tâm huyết của cha tôi gửi gắm ở lời “Đề tựa” sẽ không bao giờ hiện hữu với đời. Nghĩa là, vở kịch Vũ Như Tô - tác phẩm được coi là quan trọng nhất của ông - sẽ mãi mãi thiếu đi cái phần cốt lõi giúp người đời hiểu đúng tác phẩm! Vẫn với thái độ trân trọng tất cả những gì đã viết ra, dù thích hay không thích, hài lòng hay không hài lòng, cha tôi đã lưu giữ tất cả các cuốn sách của mình, bất kể đẹp, xấu, dày, mỏng thế nào. Trong tủ sách gia đình tôi giờ đây vẫn có mặt hầu hết các tác phẩm in lần đầu của ông, từ kịch Những người ở lại, Anh Sơ đầu quân, Ký sự Cao Lạng… đến các truyện thiếu nhi trong tủ sách Kim Đồng ra trong kháng chiến, nhiều năm trước khi Nhà xuất bản Kim Đồng được thành lập, như Một ngày hè, Chiến sĩ ca nô...
Hòa bình lập lại, về lại Thủ đô, cha tôi cho đóng bìa cứng những cuốn sách đó cũng như những ấn phẩm mới của mình, khiến cho tất cả trông sang trọng hẳn lên, và quan trọng hơn, dễ thấy, dễ tìm. Nhờ đó, sau này, khi có dịp biên soạn các tuyển tập, toàn tập của cha mình, tôi có rất nhiều thuận lợi trong việc sưu tầm, tuyển chọn tác phẩm của ông...
Tiếp theo, tôi muốn được nói đến những cuốn sách tặng - những cuốn sách bạn bè, đồng nghiệp tặng cha tôi lúc sinh thời, và sau này, vẫn tiếp tục tặng mẹ con chúng tôi khi cha tôi đã qua đời. Tất nhiên, những cuốn sách ấy cũng không còn lại được tất cả. Đọc nhật ký của cha mình, tôi được biết đầu năm 1945, ông được nhà văn Đặng Thai Mai tặng một cuốn biên khảo về Lỗ Tấn, và mùa thu năm 1946, ông được nhà văn Nguyễn Tuân tặng một Chùa Đàn... Đó chỉ là một số cuốn cha tôi từng được tặng mà giờ đây không còn nữa. Cuốn sách cha tôi được tặng sớm nhất còn lại đến giờ là bộ Việt ngữ tinh nghĩa từ điển 2 tập của ông Long Điền. Ông tên thật là Nguyễn Văn Minh, còn gọi là Quảng Văn Thành, theo tên nhà xuất bản tư của ông. Có thể nói, ông Long Điền và cha tôi là hai người bạn vong niên từ thời trước Cách mạng ở Hải Phòng (ông hơn cha tôi đến hàng chục tuổi). Hồi kháng chiến chống Pháp, do vướng mẹ già, ông ở lại Hà Nội, sống bằng nghề sách. Với tình yêu tiếng Việt và cũng để bày tỏ tấm lòng hướng về kháng chiến, năm 1950 ông cho xuất bản cuốn Việt ngữ tinh nghĩa từ điển với lời đề tặng: “Kính tặng các Chiến Sỹ theo đuổi công cuộc xây đắp độc lập Quốc gia, tự do Dân tộc và thống nhất Việt ngữ”.
Hơn một tuần sau Tiếp quản Thủ đô, ông Long Điền đã tìm đến cha tôi để tặng bộ sách, đến lúc ấy có lẽ đã thành của hiếm. Giờ đây, sau hơn nửa thế kỷ, những lời đề tặng của tác giả vẫn còn đó, chân phương, nghiêm ngắn, không phai nhạt một chút nào, chứng tỏ người viết đã chuẩn bị mực viết rất cẩn thận và đặt bút viết cũng cẩn thận không kém: “Kính tặng ông Nguyễn Huy Tưởng với tấm lòng kính mến của người bạn cũ - Hà nội, 21.10.1954 - Long Điền”.
Trong số các bạn văn thân thiết của cha tôi, bác Nguyên Hồng là người hay tặng sách nhất. Bác tặng sách cha tôi, và sau khi người qua đời vẫn không quên tặng mẹ con chúng tôi, mỗi khi có sách ra... Những lần bác Nguyên Hồng đến tặng sách thực sự là những kỷ niệm vô giá với gia đình chúng tôi. Bác ngồi chơi thường là rất lâu, ôn lại những kỷ niệm với bố mẹ tôi, hỏi han chúng tôi chán chê rồi mới từ từ lấy trong chiếc cặp da căng phồng ra cuốn sách mới in. Bác nghĩ một lát, rồi chậm rãi viết, rồi bỗng buông bút ngước lên, nước mắt lưng tròng, đợi một chút cho qua cơn xúc động rồi mới lại viết tiếp, xong, bác khoát tay ký hai chữ “Nguyên Hồng” thật khoáng đạt. Đó là lần, chẳng hạn, bác đến tặng mẹ con chúng tôi cuốn Cơn bão đã đến với lời đề tặng tôi còn nhớ như in: “Tặng chị Nguyễn Huy Tưởng - Trân trọng - Nguyên Hồng - Hà nội 18-8-68 - Người bạn yêu quý nhất anh Nguyễn Huy Tưởng trung hậu”.