Rồi, với một tiếng khụt khịt vừa dài vừa rõ to, dường như ngụ ý rằng đã quyết định, cô nói: “Tôi sẽ nhận việc đó.” “Thật cứ như thể,” sau này bà Banks nói với chồng, “cô ta đang ban vinh dự cho chúng ta vậy.” - MARY POPPINS
“Xin chào, tôi là Alexis ở Hội Phụ huynh. Tôi chỉ gọi để kiểm tra tình hình những chỉ dẫn về đồng phục mà chúng tôi đã gửi đến...” Người phụ nữ tóc vàng làm tình nguyện ngồi sau bàn tiếp tân giơ một ngón tay có đeo nhẫn lên, ra hiệu cho tôi đợi trong khi bà tiếp tục nói chuyện điện thoại. “Vâng, năm nay chúng tôi thực sự mong muốn các cháu gái nhà bà mặc váy dài hơn, ít nhất là hai mươi inch. Chúng tôi vẫn liên tục nhận được các lời phàn nàn của các bà mẹ ở trường nam sinh khu vực lân cận... Tuyệt. Rất vui khi được nghe điều đó. Tạm biệt.” Với điệu bộ khoa trương, bà gạch chữ “Spence” khỏi danh sách có ba mục.
Bà quay sang tôi. “Xin lỗi đã để cô phải đợi. Năm học mới sắp đến làm chúng tôi loạn hết cả lên.” Bà vẽ một vòng tròn lớn quanh mục thứ hai trên danh sách: giấy vệ sinh. “Tôi giúp được gì cho cô?”
“Tôi đến để đăng quảng cáo xin làm vú em, nhưng hình như bảng thông báo bị chuyển đi chỗ khác,” tôi nói, hơi bối rối vì tôi đã đăng quảng cáo ở đây từ hồi mười ba tuổi.
“Khi sơn sảnh ngoài chúng tôi đã phải tháo nó xuống, nhưng rồi chẳng có thời gian mà chuyển lại chỗ cũ. Đây, để tôi chỉ cho cô.” Bà dẫn tôi tới phòng trung tâm, nơi các bà mẹ ngồi tại các bàn đồ của hãng Knoll, hỏi thông tin về các trường tư. Trước mặt tôi là một dãy đủ thể loại của khu Upper East Side – một nửa phụ nữ ngồi đó vận vest Chanel và đi giày Manolo Blahnik, một nửa mặc áo khoác sáu trăm đô, trông như thể họ có thể được yêu cầu dựng một cái lều hiệu Aqua Scutum bất cứ lúc nào.
Alexis chỉ cái bảng thông báo, treo vào chỗ một bức tranh của Mary Cassatt đang được đặt dựa vào tường. “Lúc này nó hơi lộn xộn chút đỉnh,” bà nói khi một phụ nữ khác đang cắm hoa cạnh đó nhìn lên. “Nhưng đừng lo. Rất nhiều cô gái đáng yêu đến đây tìm việc làm, vì vậy cô sẽ tìm được thôi, không có vấn đề gì đâu.” Bà ta giơ tay lên sờ vào chuỗi ngọc trai đang đeo. “Cô có con trai ở Buckley phải không nhỉ? Trông cô quen quá đi mất. Tôi là Alexis...”
“Xin chào,” tôi nói. “Tôi là Nan. Thực ra tôi trông các bé gái nhà Gleason. Tôi nghĩ họ là hàng xóm của bà.”
Bà ta nhướng mày lên nhìn tôi vẻ soi mói. “Ồ... Ồ, vú em, phải rồi,” bà tự khẳng định, rồi quay lại bàn mình.
Tôi lờ đi những lời buôn chuyện ồn ào nhiễu sự của đám phụ nữ phía sau mình và đọc những quảng cáo được các vú em tìm việc dán lên.
Người trông trẻ cần trẻ em
rất thích trẻ con
việc hút bụi
Tôi chông con bạn
Nhiều năm kinh ngiệm
Hãy gọi tôi
Bảng thông báo chi chít những mẩu như thế, hơi có cảm giác tội lỗi, cuối cùng tôi đính chồng quảng cáo của tôi lên một tờ giấy màu hồng có vẽ hoa lá ở rìa bằng bút chì, nhưng mất vài phút để đảm bảo rằng mình chỉ che mất mấy bông hoa cúc chứ không phải thông tin quan trọng.
Tôi ước giá mà mình có thể nói với những phụ nữ này bí quyết thành công trong việc quảng cáo vú em không phải là trang trí mà là chính tả – tất cả đều nằm ở dấu chấm than. Trong khi đó, quảng cáo của tôi là một tấm card nhỏ xíu chiều rộng ba inch chiều dài năm inch, chẳng hề có một cái mặt cười nào, tôi tự do rắc các dấu chấm than lên quảng cáo của mình, mỗi phẩm chất đáng khát khao đều kết thúc bằng sự hứa hẹn một nụ cười rạng rỡ và sự quả quyết không gì thay đổi.
Vú em sẵn sàng Nhận việc!
Nguyên nữ sinh trường Chapin có thể làm việc
các ngày trong tuần bán thời gian!
Thư giới thiệu xuất sắc!
Học chuyên về Phát triển Trẻ em tại NYU!
Thứ duy nhất tôi không có là một cái dù giúp tôi bay lên được.
Tôi kiểm tra chính tả lần cuối, kéo túi lại, tạm biệt Alexis, và bước xuống những bậc cầu thang bằng đá cẩm thạch đi ra ngoài trong tiết trời oi ả.
Khi tôi bước dọc Park Avenue, mặt trời tháng Tám chưa lên cao nên đoàn xe đẩy trẻ em vẫn đi hết tốc lực. Tôi băng qua đám em bé nóng nực, trông khó chịu một cách cam chịu trong chiếc ghế nhầy nhụa của chúng. Chúng bị nóng đến độ chả buồn bám lấy người bạn đồng hành mọi khi nữa – chăn và gấu bông bị nhét vào túi của xe nôi. Tôi cười khúc khích khi thấy một bé đẩy một hộp nước hoa quả đi không chịu uống, tay khua khua, đầu lắc lắc như thể nói: “Tôi chẳng lòng dạ nào mà uống nước quả nước kiếc lúc này cả.”
Đứng đợi ở chỗ đèn đỏ, tôi nhìn lên một cửa sổ bằng gương lớn cực bắt mắt trên Park Avenue. Từ góc độ mật độ dân số thì đây là vùng Trung Tây của Manhattan. Cao vút phía trên tôi là các phòng – phòng và phòng và phòng. Và chúng trống không. Có phòng vệ sinh nữ, phòng thay đồ, phòng đàn, phòng khách và, đâu đó phía trên tôi, nhưng tôi sẽ không nói chính xác ở chỗ nào, một con thỏ tên là Arthur có một căn phòng mười sáu feet vuông cho riêng mình nó.
Tôi băng qua phố 72, đi dưới mái hiên màu xanh của biệt thự Polo, và rẽ vào Công viên Trung tâm. Dừng lại trước sân chơi, nơi vài đứa trẻ lì lợm dù trời nóng vẫn đang nghịch thật lực, tôi lấy trong ba-lô ra một chai nước nhỏ – thì đúng lúc đó có một thứ đập vào chân mình. Tôi nhìn xuống và giữ cân bằng cái vật làm tôi khó chịu, một cái vòng bằng gỗ kiểu cũ.
“Này, cái đó của cháu!” Một thằng nhỏ chừng bốn tuổi lao xuống dốc từ nơi tôi thấy nó đang chụp ảnh chân dung với bố mẹ. Cái mũ lính thủy của nó rơi xuống bãi cỏ nham nhở khi nó chạy.
“Cái vòng đó của cháu,” nó tuyên bố.
“Cháu có chắc không?” tôi hỏi. Nó có vẻ bối rối. “Nhỡ là bánh xe ngựa thì sao.” Tôi cầm ngang một bên. “Hay là hào quang thì sao?” Tôi giơ lên trên cái đầu vàng hoe của nó. “Hoặc là một cái bánh pizza cỡ lớn?” Tôi chìa ra cho nó, ra hiệu nó có thể cầm lấy. Nó mỉm cười rạng rỡ với tôi khi chộp lấy cái vòng.
“Mày, cái vòng ngốc!” Nó kéo cái vòng lên dốc, đi qua bà mẹ khi bà đi xuống nhặt mũ.
“Tôi xin lỗi,” bà nói, phủi bụi trên vành mũ khi tiến lại chỗ tôi. “Tôi hy vọng cháu không làm cô phiền lòng.” Bà giơ tay lên để che ánh nắng chói vào đôi mắt màu xanh nhạt của mình.
“Không, không có gì đâu.”
“Ồ, nhưng váy của cô...” bà liếc xuống.
“Không sao đâu,” tôi bật cười, phủi vệt bẩn mà chiếc vòng làm dính lên váy. “Tôi làm việc với trẻ con, vì vậy tôi quen với việc va chạm rồi.”
“Ồ thật á?” Bà xoay người để lưng xây lại với chồng và một phụ nữ tóc vàng đứng cạnh tay thợ chụp ảnh cầm hộp nước hoa quả cho thằng bé. Vú em của nó, tôi nghĩ vậy. “Quanh đây à?”
“Thực ra, hè này gia đình đến London, nên...”
“Bố con anh xong rồi đây!” ông bố sốt ruột gọi.
“Em đến đây!” bà vui vẻ đáp lại. Bà quay sang tôi, nghiêng khuôn mặt thanh tú khỏi ông chồng. Bà hạ giọng. “Vâng, thực sự chúng tôi cũng đang tìm người giúp đỡ bán thời gian.”
“Thật á? Được làm bán thời gian thì tuyệt quá, vì học kỳ này tôi phải học nguyên một khóa học...”
“Cách nào tiện nhất để liên lạc được với cô đây?”
Tôi thọc tay vào ba-lô lấy cây bút và một mẩu giấy rồi viết vội thông tin của mình ra. “Đây ạ.” Tôi đưa tờ giấy cho bà và bà kín đáo nhét vào túi áo, rồi chỉnh cái băng buộc đầu trên mái tóc dài đen óng của mình.
“Tuyệt.” Bà mỉm cười duyên dáng. “Vâng, rất vui được gặp cô. Tôi sẽ liên lạc lại sau.” Bà bước vài bước lên dốc rồi quay lại. “Ồ tôi ngớ ngẩn quá – tôi là bà X.”
Tôi mỉm cười đáp lại bà trước khi bà quay lại vị trí của mình chỗ phông màn chụp ảnh. Mặt trời rọi qua kẽ lá, tạo nên những đốm nắng trên ba con người. Chồng bà, vận bộ vest may bằng vải sọc mềm trắng, đứng nghiêm chỉnh ở giữa, tay đặt lên đầu thằng bé, khi bà bước tới đứng cạnh họ.
Bà tóc vàng cầm một cái lược bước tới và thằng bé vẫy tay với tôi, làm bà ta quay lại nhìn theo mắt nó. Khi bà ta nheo mắt lại để nhìn tôi cho rõ hơn, tôi quay người bước tiếp qua công viên.
â
Bà nội đón tôi ngay ngưỡng cửa trong bộ đồ vải lanh kiểu Mao kèm chuỗi ngọc trai. “Cháu đấy à! Vào đi, bà mới tập xong bài thái cực quyền.” Bà hôn tôi hai bên má và còn ôm chầm thêm một cái cho chắc. “Sao mà ướt đẫm thế này. Cháu đi tắm đi nhé.” Trên đời này không gì bằng đón nhận những chăm sóc nhiệt thành của bà nội.
“Chắc chỉ cần khăn tắm ướt thôi ạ.”
“Nào ta biết cháu cần gì mà.” Bà nắm lấy tay tôi, những ngón tay đan vào tay tôi, dẫn tôi vào phòng thay rửa dành cho khách. Tôi lúc nào cũng sửng sốt trước cảnh ngọn đèn chùm pha lê kiểu cổ hắt những vệt sáng lấp lánh trên mặt vải màu hồng đào ấm áp. Nhưng thứ tôi thích nhất trong đó là bốn em bé búp bê giấy Pháp lồng khung. Hồi còn bé tôi vẫn mở tiệc tiếp tân trên sàn dưới bồn rửa, còn bà nội mang đến trà hảo hạng và gợi ý đề tài cho tôi trò chuyện cả ngày với những vị khách Pháp đáng mến.
Bà đặt hai bàn tay tôi dưới vòi nước và vặn cho nước lạnh chảy tràn trên cổ tay tôi. “Chỗ này là huyệt để truyền nhiệt,” bà nói trong lúc ngồi xuống nắp bồn cầu, chân bắt chéo. Bà nói đúng, người tôi nguội xuống ngay lập tức.
“Cháu ăn chưa?” bà hỏi.
“Cháu ăn sáng rồi.”
“Còn ăn trưa?”
“Mới có mười một giờ mà bà.”
“Thật hả? Bà đã dậy từ bốn giờ sáng. May mà có châu Âu không thì chẳng có ai mà nói chuyện trước tám giờ.”
Tôi cười. “Bà thế nào ạ?”
“Bà đã lên bảy hai được hai tháng rồi, thế đấy.” Bà chụm các ngón chân như một vũ công và hơi kéo vạt quần lên. “Kiểu này gọi là Sappho – bà vừa làm ở chỗ Arden sáng nay – cháu thấy thế nào? Có rợ quá không?” Bà ngọ nguậy mấy ngón chân hồng hào.
“Tuyệt diệu, quyến rũ lắm. Nhưng mà nhé, dù cháu hết sức muốn ngồi đây cả ngày hôm nay nhưng cháu cũng phải lê vào trung tâm thôi, để còn hiến tế cho các vị thần Học vị.” Tôi đóng vòi nước và vung vẩy tay hết sức điệu bộ trên bồn rửa.
Bà đưa khăn cho tôi. “Cháu biết không, bà nhớ mình chưa bao giờ có cuộc trao đổi nào như cháu vẫn kể hồi bà học ở Vassar.” Bà đang nhắc đến chuỗi bất tận những cuộc hội đàm tay đôi của tôi với ban giám hiệu ở đại học New York.
Tôi đi theo bà vào bếp. “Hôm nay cháu chuẩn bị kỹ càng rồi. Cháu đã nhét vào cặp cả thẻ an sinh xã hội, bằng lái xe, hộ chiếu, phô tô giấy chứng sinh, tất tần tật thư từ của trường gửi, và cả thư nhận học nữa. Lần này sẽ không ai nói được là cháu không học ở đó, cháu chưa học xong kỳ vừa rồi, chưa đóng học phí năm ngoái, chưa nộp đủ lệ phí thư viện, không có đủ số chứng minh, số thẻ an sinh, giấy tờ về địa chỉ, không nộp đúng mẫu giấy tờ, hoặc là không hề tồn tại nữa.”
“Chậc, chậc.” Bà mở tủ lạnh. “Bourbon nhé?”
“Nước cam là được rồi ạ.”
“Đúng là trẻ con.” Bà đảo tròn mắt và chỉ cho tôi cái máy điều hòa cũ đang nằm trên sàn. “Cháu đợi chút bà gọi người gác cổng mang giúp.”
“Không cần đâu bà, cháu mang được,” tôi nói một cách anh hùng, cố nhấc bổng cái máy lên trước khi buông cho nó giáng trở lại xuống sàn. “Hờ, thôi được rồi, cháu sẽ gọi Josh rồi quay lại lấy sau vậy.”
“Joshua ấy à?” bà hỏi, một bên mày nhướng lên. “Thằng nhóc tóc xanh bé bỏng bạn cháu ấy à? Nhúng vào nước nó cũng chỉ nặng có ba ký.”
“Ôi, nhưng trừ khi muốn ba cháu lại trật xương sống lần nữa, thì toàn bộ kho dự trữ con giai của cháu chỉ còn thế thôi ạ.”
“Sáng nào bà cũng đọc kinh cho cháu, con gái ạ,” bà nói, với lấy một cái cốc khác. “Đợi chút. Bà làm cho cháu một miếng Eggs Benedict.”
Tôi liếc cái đồng hồ Nelson cũ kỹ trên tường. “Giá mà có thời gian, nhưng cháu phải đi thôi nếu không quầy đăng ký sẽ mọc ra một hàng dài cả dãy phố.”
Bà hôn lên hai má tôi. “Thôi được, vậy thì mang cậu Joshua ấy đến lúc bảy giờ và bà sẽ cho cả hai ăn uống thật tử tế nhé – cháu sắp teo nhỏ đến mất tích rồi!”
â
Josh rên lên và chầm chậm trở người nằm ngửa sau khi đã gần như ngã lăn bất tỉnh lúc thả được cái điều hòa trước cửa nhà tôi.
“Cậu nói điêu,” cậu ta càm ràm. “Cậu bảo nó ở trên tầng ba.”
“Thì sao?” tôi hỏi, vung vẩy hai tay trong lúc tựa người vào bậc thang trên cùng.
Cậu ta nhổm đầu dậy khỏi sàn. “Nan, đấy là sáu lượt thang đấy. Mỗi tầng hai lượt, nghĩa là, về thực tế, đây có thể coi như tầng sáu.”
“Cậu đã giúp tớ dọn khỏi ký túc...”
“Ừ phải, tại sao chứ? À đúng rồi, vì nó có một cái gọi là thang máy.”
“Rồi, tin mừng là tớ sẽ không bao giờ dọn khỏi đây nữa, không bao giờ. Đây là chặng cuối. Cậu có thể lên đây thăm tớ cả khi chúng ta đã về nghỉ hưu.” Tôi quệt mồ hôi trên trán.
“Không có đâu. Lúc ấy tớ đã đóng đô trước cửa nhà cậu với những sợi tóc xanh còn lại.” Đầu cậu ta rơi lại xuống sàn.
“Dậy đi.” Tôi nhỏm dậy bám vào thanh vịn cầu thang. “Bia lạnh đang chờ.” Tôi mở cả ba ổ khóa và mở cửa. Căn hộ không khác gì một cái xe để cả ngày ngoài nắng và chúng tôi phải lùi lại để tránh luồng khí thiêu người phả ra sảnh.
“Chắc là sáng nay Charlene đóng cửa trước khi đi,” tôi nói.
“Và để lò sưởi,” cậu ta thêm, đi theo tôi vào lối đi tí xíu kiêm luôn vai trò bếp.
“Chào mừng đến với nhà kho trang bị tận răng của chúng tôi. Tớ nướng cho cậu một cái bánh vừng vòng nhé?” Tôi thả chìa khóa xuống bên mặt bếp hai vòng.
“Cậu trả bao nhiêu cho chỗ này?” cậu ta hỏi.
“Cậu không muốn nghe đâu,” tôi nói, trong lúc cả hai cùng gò lưng đẩy cái máy điều hòa qua phòng.
“Thế còn cô bạn cùng phòng sếch xy đâu rồi?” cậu ta hỏi.
“Josh, không phải tiếp viên hàng không nào cũng sếch xy. Nhiều người chỉ muốn chỉ đạo người ta.”
“Cô ấy à?” Cậu ta dừng lại.
“Đừng có dừng.” Chúng tôi đẩy tiếp. “Không, cô ấy khá sếch xy, nhưng tớ không thích cậu tự động cho rằng cô ấy phải sếch xy. Cô ấy bay đi Pháp hay Tây Ban Nha hay cái khỉ gì đó sáng nay rồi.” Tôi thở phì phì trong lúc cả hai đẩy vòng qua chỗ ngoặt tới đầu kia căn phòng hình chữ L, đầu của tôi.
“Chào George!” Josh kêu lên khi nhìn thấy con mèo của tôi, đang nằm xoải cả bốn chân trên sàn gỗ ấm áp một cách tuyệt vọng. Nó ngẩng cái đầu xù lông xám lên và kêu meo meo thảm thương. Josh đứng thẳng dậy và lấy vạt áo phông Mr. Bubble lau trán. “Cậu định để cái cục nợ này ở đâu?”
Tôi chỉ lên trên cửa sổ.
“Cái gì? Cậu thành bà già khùng rồi!”
“Đấy là mẹo tớ học được trên tờ Avenue, ‘để không làm vướng tầm nhìn’. Những người không có được hệ thống sưởi trung tâm làm bất cứ điều gì để giấu điều đó, bạn hiền ạ,” tôi giải thích trong lúc đá đôi dép khỏi chân.
“Có cái gì mà nhìn chứ?”
“Nếu áp mặt vào cửa sổ và nhìn sang bên trái cậu sẽ thấy con sông.”
“Hê, đúng thế này.” Cậu ta rời khỏi cửa sổ. “Này nhé – toàn bộ vở Josh-bê-cỗ-máy-nặng-như-tạ-lên-trên-tấm-kính này, không có đâu, Nan. Tớ đi uống bia đây. Đi thôi, George.”
Cậu ta quay trở lại “bếp” và George chồm dậy chạy theo. Tôi lợi dụng lúc này để chộp một cái áo hai dây sạch trong thùng đang mở thay cái áo đã ướt đẫm. Khi hụp người sau đống thùng để thay áo tôi thoáng thấy đèn đỏ từ máy trả lời tự động đang lập lòe như điên trên sàn. Chữ “bộ nhớ đầy” giương mắt đỏ lòe nhìn tôi.
“Lại chạy số 900 đó à?” Josh thò tay vào trên cái thùng đưa tôi một lon Corona.
“Đại khái thế. Tớ lại dán tờ rơi tìm việc sáng nay và các bà mẹ lúc nào cũng sốt ruột.” Tôi nuốt ực một ngụm và tuột xuống giữa đống hộp, bấm nút chạy.
Một giọng đàn bà vang khắp phòng: “Chào cô, tôi là Mimi Van Owen. Tôi đọc quảng cáo của cô ở Hội. Tôi đang tìm người trông giúp con trai tôi. Theo giờ thôi, cô biết đấy. Có thể khoảng hai, ba, bốn ngày một tuần, làm nửa ngày hoặc hơn và vài đêm hoặc cuối tuần nữa, hay cả hai cũng được. Bất cứ lúc nào cô rảnh. Nhưng tôi muốn cô hiểu rằng tôi rất quan tâm.”
“Cái đó thì thấy rõ rồi, Mimi,” Josh nói, chui xuống bên cạnh tôi.
“ChàocôtôilàAnnSmithtôimuốntìmmộtngườitrông contrainămtuổinókhôngquấyđâuthậtđấyvànhàchúng
tôirấtthoảimái...”
“Oái.” Josh đưa vội hai tay lên che tai và tôi tua sang tin sau.
“Chào cô. Tôi là Betty Potter. Tôi đọc thấy quảng cáo của cô ở Hội Phụ huynh. Tôi có một con gái năm tuổi, Stanton, một con trai ba tuổi, Tinford, một em bé mười tháng, Jace, và tôi muốn tìm một người giúp việc, bởi tôi lại đang có thai. Cô không nói đến mức lương trong quảng cáo, nhưng tôi trước giờ vẫn trả sáu.”
“Sáu đô la Mỹ ấy hả?” Tôi hỏi cái điện thoại, không tin nổi.
“Betty thân mến, tôi biết một ả dặt dẹo ở Công viên Quảng trường Washington chỉ lấy hai lăm xu thôi.” Josh tợp một ngụm bia.
“Chào, tôi là bà X. Chúng ta vừa gặp trong công viên sáng nay. Khi nào được thì cô gọi cho tôi nhé. Tôi muốn nói chuyện thêm một chút về loại công việc cô đang cần. Nhà tôi đã có một cô – Caitlin – nhưng cô ta đang muốn bớt giờ và cô đã khiến con trai tôi là Grayer rất thích. Chờ cô gọi lại. Bye.”
“Bà này có vẻ bình thường đấy. Gọi đi.”
“Cậu nghĩ thế à?” tôi hỏi và điện thoại reng, làm cả hai đều nhảy dựng. Tôi cầm ống nghe lên. “Xin chào,” tôi tức khắc chuyển sang giọng vú em, cố gắng truyền đạt ấn tượng cao nhất về tinh thần trách nhiệm trong hai chữ.
“Chào con,” mẹ tôi bắt chước giọng trầm ngọt ngào của tôi, “chiến dịch điều hòa ra sao rồi?”
“Mẹ,” tôi thở phào. “Ổn cả..”
“Đợi chút đã.” Tôi nghe thấy tiếng sột soạt. “Mẹ cứ phải xua Sophie đi hoài – nó nhất định chỉ ngồi ngay trước mũi cái máy điều hòa.” Tôi mỉm cười khi hình dung con chó tai rủ springer mười bốn tuổi, tai bay phần phật đằng sau như là Nam tước Đỏ1 . “Tránh ra, Soph... và bây giờ thì nó ngồi cả lên tập hồ sơ chuẩn bị xin tài trợ.”
Tôi nhấp một ngụm bia. “Vụ đó thế nào rồi mẹ?”
“Ồi, tệ hại lắm – kể cho mẹ cái gì vui vui đi.” Từ khi đảng Cộng hòa lên, Hiệp đoàn Nhà an toàn cho Phụ nữ của mẹ tôi nhận được thậm chí còn ít hơn trước.
“Con có một vài tin nhắn thú vị từ các bà mẹ khốn khổ,” tôi ướm.
“Mẹ cứ nghĩ mình đã bàn dứt điểm chuyện này rồi.” Mẹ đã chuyển về giọng luật sư. “Nan, con nhận những việc như thế rồi chỉ mấy ngày sau là con tỉnh giấc lúc ba giờ sáng vì không nhớ ra cô công chúa hôm nay học tap dance1 hay là buổi ca nhạc ngẫu hứng với đức Đạt Lai Lạt Ma...”
“Mẹ ơi, mẹ ơiiiiiiiiiiii – con còn chưa phỏng vấn mà. Chưa kể, con sẽ không làm nhiều như mọi khi đâu, vì năm nay còn phải viết khóa luận.”
“Thì đấy! Chính là thế đấy. Con phải viết khóa luận, cũng như năm ngoái con phải đi thực tập và năm trước nữa con phải đi điền dã. Mẹ không hiểu tại sao con còn không nghĩ đến kiếm việc trong trường. Con có thể hỏi giáo sư hướng dẫn khóa luận xem có cần trợ lý không. Hoặc con có thể làm việc ở thư viện của trường!”
“Mẹ con mình nói chuyện này một nghìn lần rồi.” Tôi đảo mắt với Josh. “Những việc đó khó tranh lắm – tiến sĩ Clarkson có một sinh viên cao học nhận học bổng toàn phần làm trợ lý rồi. Thêm nữa mấy việc đó chỉ có sáu đô la một giờ – chưa kể thuế. Mẹ ơi, không có việc gì ăn mặc đầy đủ mà lại được ngần này tiền đâu, khi con còn chưa có bằng!” Josh lắc mông trong một điệu shimmy và giả vờ lột một cái áo lót tưởng tượng.
Mẹ tôi đã gặp may nhờ một công việc trợ lý phòng thí nghiệm mà mẹ giữ được suốt bốn năm sinh viên. Tuy nhiên, đấy là cái thời mà tiền nhà quanh vùng Columbia cũng chỉ bằng tiền tôi trả điện nước bây giờ. “Con có cần đọc lại diễn văn Nhà Đất từ đầu không hả mẹ?”
“Thế thì, vì Chúa, hãy làm một cô trang điểm ở Bloomingdale đi. Chỉ cần quẹt thẻ khi đến, trông xinh xẻo, cười tươi, và nhận tiền lương là xong.” Mẹ không thể tưởng tượng có ai sẽ bật dậy lúc ba giờ sáng vã mồ hôi lạnh, lo lắng không biết chuyến hàng sữa rửa mặt không dầu sắp tới có thiếu Quần tã mặc đêm hay không.
“Mẹ ơi!!! Con thích làm việc với trẻ con mà. Ở đây nóng lắm, con không có đầu óc tranh cãi đâu.”
“Con hứa với mẹ con sẽ nghĩ về chuyện đó lần này trước khi nhận việc đi. Mẹ không muốn con tốt nghiệp nhờ uống Valium an thần chỉ vì bà nào đó quá nhiều tiền không biết làm gì quẳng lại đứa trẻ trong tay con để cao chạy xa bay đến Cannes đâu.”
Và tôi quả có nghĩ về chuyện đó, trong lúc cùng với Josh nghe lại từ đầu tất cả các tin nhắn và đoán xem bà mẹ nào ít có khả năng làm điều ấy nhất.
â
Ngày thứ Hai tiếp theo trên đường đến gặp bà X, tôi ghé qua cửa hàng văn phòng phẩm yêu thích để tích trữ thêm giấy nhắc việc. Hôm nay cuốn sổ Falifax của tôi chỉ dán hai tờ: một tờ màu hồng bé xíu thúc giục tôi “MUA THÊM GIẤY nhắc việc” và một tờ xanh nhắc nhở “Cà phê, bà X, 11.15”. Tôi bóc tờ hồng quẳng vào sọt rác trong lúc tiếp tục cuốc bộ tới La Pâtisserie Goưt du Mois, cửa hàng điểm hẹn. Trong lúc băng qua công viên tôi đi ngang các bà đỏm dáng vận quần áo mùa thu, ai cũng cầm những tờ giấy có nhãn tên trong bàn tay lấp lánh đá quý. Mỗi người đều kèm theo một bà ngắn hơn, đen hơn, đang hăng hái gật gù với họ.
“Baaa-lêêê! Bà-có-hiểu-không!” người đang đứng cạnh tôi thô lỗ quát lên với bà bạn đường đang gật lấy gật để trong lúc chúng tôi chờ đèn xanh. “Vào thứ Hai Josephina học Baaaa-lêêêê!”
Tôi mỉm cười thông cảm với người đàn bà vận đồng phục để tỏ tình hữu ái. Không có gì phải đùa, quá trình đào tạo lúc nào cũng hết sức củ chuối. Còn có thể củ chuối hơn nữa, tùy xem người ta làm việc cho ai.
Về căn bản có ba dạng nghề vú em. Loại A, tôi đem lại “giờ đôi lứa”, vài tối mỗi tuần, cho những người làm việc cả ngày và chăm sóc con cái gần hết các tối. Loại B, tôi đem lại “giờ tỉnh trí” vài buổi chiều mỗi tuần cho bà mẹ nào làm mẹ hầu hết các ngày và đêm trong tuần. Loại C, tôi được chọn vào một tập hợp đông đảo đem lại “giờ cho tôi” hai tư trên bảy cho một người không đi làm cũng không trông con. Còn cả ngày bà ta làm gì thì đó là một điều bí ẩn.
“Trung tâm môi giới nói cô biết nấu ăn. Cô biết không? Nấu ăn ấy?” một bà mẹ mặc Pucci từ đầu đến chân đang thẩm vấn ở ngã tư tiếp theo.
Bởi bản thân mình cũng phải làm việc kiếm ăn, người mẹ Loại A sẽ coi tôi là một người chuyên nghiệp và đối xử với tôi tôn trọng. Bà sẽ hiểu tôi đến đây là để làm việc và, sau khi giới thiệu căn nhà một cách kỹ lưỡng, sẽ trao cho tôi danh sách đầy đủ những số điện thoại khẩn cấp và lượn mất. Đây là sự đào tạo tốt nhất một vú em có thể mơ tới. Đứa bé sẽ khóc nhiều nhất là mười lăm phút, và chưa mấy chốc thì cả hai đã chụm đầu vào nhau nặn sáp Play-Doh.
Các bà mẹ Loại B có thể không đi làm ngoài, nhưng cũng đã bỏ khá đủ thời gian với đứa trẻ để hiểu được những đòi hỏi của công việc và, sau một buổi chiều trong căn hộ làm quen với nhau, tới ngày tiếp lũ trẻ đã hoàn toàn là của tôi.
“Còn đây là số của hiệu giặt khô và cửa hàng hoa và nhà hàng đặt tiệc.”
“Thế còn bác sĩ của lũ trẻ?” người đàn bà Mexico đứng cạnh tôi hỏi nhỏ nhẹ.
“À. Tôi sẽ lấy số cho cô tuần sau.”
Chỉ cần nói rằng độ bất bình thường tăng lên rõ rệt khi dịch chuyển trên thang từ A đến C. Điều duy nhất có thể yên trí khi nhận đào tạo của một người mẹ Loại C là cảm giác mất tự tin và thái độ lảng tránh của bà ta sẽ bắt tất cả mọi người phải đi vòng con đường xa nhất để tiến đến hòa hợp.
Tôi đẩy cánh cửa kính của cửa hàng pâtisserie – rất nặng – và nhìn thấy bà X đã ngồi đó, cũng một bản danh sách bà đang duyệt lại. Bà đứng dậy, và tôi nhìn thấy một chiếc váy ngang gối màu hoa oải hương, tuyệt đối hợp với chiếc áo len nhẹ thắt qua vai bà. Không có chiếc áo trắng trẻ trung hôm trước, trông bà già hơn lúc tôi gặp trong công viên. Bất chấp kiểu tóc đuôi gà nhí nhảnh, tôi đoán bà đã qua bốn mươi tuổi. “Chào Nanny, cám ơn cô đã đồng ý gặp tôi nhanh thế này. Cô uống cà phê nhé?”
“Tôi rất thích ạ, cám ơn bà,” tôi nói, chọn chỗ ngồi quay lưng vào bức tường ốp gỗ và vuốt tấm khăn ăn thêu kiểu Damask trên lòng.
“Anh bồi, cho một tách café au lait nữa và cho xin một rổ bánh mì.”
“Ôi, không cần phải thế đâu ạ,” tôi nói.
“Ồ không, thế là tốt nhất. Như thế cô có thể lấy thứ gì cô muốn.” Người phục vụ mang đến một rổ hiệu Pierre Deux chất đầy bánh đến tận nóc và vài lọ mứt nho nhỏ. Tôi tự lấy một chiếc brioche.
“Bánh ở nơi này ngon nhất thành phố,” bà nói trong lúc chọn một chiếc sừng bò. “Tiện thể, tôi muốn Grayer tránh xa những thức ăn bằng bột tinh chế.”
“Tất nhiên ạ,” tôi lẩm bẩm, bánh đầy mồm.
“Kỳ nghỉ cuối tuần vui vẻ chứ?”
Tôi nuốt đánh ực. “Sarah – bạn thân của tôi ở trường Chapin – tổ chức liên hoan tiễn chân tối hôm qua trước khi mọi người quay lại trường. Giờ chỉ còn tôi và nhóm California – còn được rong chơi đến tận tháng Mười! Grayer sau này nhớ đi học ở Stanford,” tôi cười.
Bà cười mỉm.
“Thế tại sao cô lại chuyển khỏi Brown?” bà hỏi, dứt một sừng khỏi chiếc bánh trên tay.
“Ở NYU, chương trình nghiên cứu sự phát triển của trẻ em mạnh hơn,” tôi nói, cố gắng đề cập vấn đề một cách nhẹ nhàng, đề phòng đang phải tiếp chuyện một cựu học sinh Brown kiên định, và quyết định không nhắc đến sự hiện diện của chất thải rắn trong phòng đợi ngay cạnh phòng tôi, hoặc vô số những sự tích hay ho khác tôi đã tích lũy.
“Ngày xưa tôi rất muốn đi học ở Brown,” bà nói.
“Thế ạ?”
“Nhưng tôi đã nhận được học bổng của đại học Connecticut.” Bà bỏ cái bánh xuống và đưa tay nghịch viên kim cương hình tim đung đưa đầu sợi dây chuyền.
“Tốt quá mà,” tôi nói, cố hình dung cái thời mà bà còn cần phải nhận học bổng để làm bất kỳ việc gì.
“À, tôi vốn là người Connecticut, cho nên...”
“Ồ! Connecticut là một nơi rất xinh đẹp,” tôi nói.
Bà liếc xuống đĩa. “Thực ra, tôi ở New London thế nên... Vậy là sau khi tốt nghiệp tôi chuyển tới đây điều hành Gagosian – cái gallery hội họa ấy.” Bà lại mỉm cười.
“Thật ư? Chắc phải hết sức thú vị!”
“Rất thú vị,” bà nói và gật đầu, “nhưng thực tình rất khó khi đã có con – cô phải sống với nó hai tư giờ một ngày, tiệc tùng, đi xa, rất nhiều chuyện trò tán tỉnh, nhiều cuộc chơi thâu đêm...”
Một người phụ nữ đeo kính râm Jackie O va phải bàn chúng tôi khi đi qua, làm mấy cái chén sứ lúc lắc một cách nguy hiểm trên mặt đá.
“Binky à?” bà X hỏi, giơ tay chạm vào tay người kia trong lúc tôi giữ lấy mấy cái cốc.
“Ôi trời. Chào cậu, mình còn không nhìn thấy cậu,” người kia nói, kéo đôi kính trễ xuống. Đôi mắt bà ta sưng phồng và còn ướt vì khóc. “Mình xin lỗi không đến dự sinh nhật Grayer được. Consuela nói bữa tiệc tuyệt diệu lắm.”
“Mình đã định gọi điện,” bà X nói. “Mình có giúp gì được không?”
“Không, trừ khi cậu quen một tay mặt rô.” Bà ta lôi khăn tay từ trong ví hiệu Tod ra và hỉ mũi. “Ông luật sư Gina Zuckerman giới thiệu chẳng giúp được gì. Hóa ra là mọi của cải trong nhà đều đứng tên công ty của Mark. Lão ấy sẽ được cả căn hộ, cả cái thuyền, cả nhà ở East Hampton nữa. Còn tớ sẽ được bốn trăm nghìn – tất cả đấy.” Bà X nuốt nước bọt và Binky nói tiếp trong nước mắt. “Và mình sẽ phải trình ra hóa đơn hợp lệ cho từng xu trợ cấp nuôi con. Mình nói thật đấy. Chẳng lẽ giờ mình phải đi dưỡng da ở Baby Gap à?”
“Thật kinh khủng.”
“Rồi thằng quan tòa láo xược còn dám bảo mình hãy đi làm lại đi chứ! Hắn ta đâu có biết làm mẹ là như thế nào.”
“Họ chẳng ai biết cả,” bà X nói, gõ gõ vào tờ danh sách để khẳng định thêm, trong lúc tôi dồn hết chú ý vào cái bánh brioche.
“Nếu mình biết lão ta sẽ làm dữ đến thế, mình chẳng thà ngoảnh mặt...” giọng Binky vỡ ra và đôi môi bóng mím chặt lại để bà ta hắng giọng. “Thôi, mình phải đi đây – Consuela lại ‘có hẹn’ đi lắp xương hông giả.” Giọng bà ta đầy ác ý. “Mình thề đấy – tháng này đã ba lần rồi. Mình thật sự đang hết kiên nhẫn với cô ta. Dù sao thì gặp cậu cũng vui lắm.” Bà ta đẩy lại cái kính râm về chỗ và, gửi lại một nụ hôn gió, biến mất sau đám đông đang chờ xếp bàn.
“Giờ...” Bà X nhìn theo bà ta, mặt cau lại trong phút chốc trước khi quay lại với tôi. “Giờ trước hết hãy điểm qua lịch của tuần. Tôi đã đánh lại hết cho cô, để cô có thể xem lại sau. Bây giờ chúng ta sẽ đi qua trường, để Grayer nhìn thấy tôi với cô đi cùng nhau và hiểu rằng tôi gửi gắm nó cho cô. Như thế nó sẽ bớt căng thẳng. Nó có một buổi chơi nhóm lúc một giờ rưỡi, như thế vừa đủ thời gian cho cả hai ăn trưa trong công viên mà không làm nó ngợp. Rồi ngày mai cả cô và Caitlin sẽ ở với nó cả chiều, như thế cô có thể hình dung được thời biểu của nó và nó có thể thấy hai người phân bổ quyền hạn thế nào. Tôi sẽ rất cảm ơn nếu tạm thời cô không bàn luận với Caitlin về chuyện chuyển việc.”
“Tất nhiên rồi,” tôi nói, cố gắng hấp thụ tất cả một lúc, miếng brioche, bài hướng dẫn, Binky. “Cảm ơn đã đãi tôi ăn sáng.”
“Ôi, không phải lo.” Bà ta đứng lên, rút ra một cặp tài liệu xanh có nhãn “Nanny” từ trong cái túi Hermes và đẩy qua bàn. “Tôi rất mừng là thứ Ba và thứ Năm lại không trùng với lịch học của cô. Tôi nghĩ Grayer sẽ rất thích có một người trẻ trung và vui vẻ để chơi cùng – tôi nghĩ nó đã chán bà mẹ già buồn tẻ này rồi!”
“Grayer có vẻ rất đáng yêu,” tôi nói, nhớ lại thằng bé cười khúc khích trong công viên.
“Ồ, nó cũng có vài vấn đề, trẻ con nào cũng thế, tôi đoán thế.”
Tôi cầm túi, nhìn xuống và lần đầu tiên nhận ra đôi giày cao gót lụa màu hoa oải hương. “Ôi trời, giày đẹp quá! Prada phải không ạ?” tôi hỏi, khi nhận ra khóa giày bằng bạc.
“Ôi, cám ơn.” Bà xoay xoay gót. “Đúng rồi đấy. Cô thích lắm à?” Tôi gật đầu. “Cô có nghĩ chúng... lòe loẹt quá không?”
“Không, không hề,” tôi nói trong lúc theo bà ra khỏi quán.
“Bạn thân của tôi vừa sinh con và chân bị tăng lên một số. Cô ấy cho tôi chọn cái gì tôi thích, nhưng... tôi cũng không rõ.” Bà ta nhìn xuống đôi giày một cách sợ hãi khi cả hai đang chờ đèn. “Tôi nghĩ mình chỉ quen đi giày bệt thôi.”
“Không, đôi này đẹp lắm. Bà rất nên đi đôi này.”
Bà ta cười, mừng rỡ, trong lúc đẩy lên mũi đôi kính râm.
â
Bà Butters, cô giáo của Grayer, cười với tôi và bắt tay tôi. “Rất vui được gặp cô.” Bà ta nhìn xuống đầy trìu mến. “Cô sẽ thích Grayer, cháu nó là một cậu bé rất đặc biệt.” Bà ta vỗ nhẹ vào chiếc váy yếm nhung, cái váy quấn gọn quanh áo sơ mi tay bồng. Đôi má phính có lúm đồng tiền và đôi tay mập mạp, trông bà cũng như một đứa bé bốn tuổi.
“Chào Grayer!” tôi nói và cười với chỏm đầu tóc vàng. Cậu bé đang mặc áo sơ mi ngắn tay cổ bẻ, một vạt áo bỏ ra ngoài, mang dấu vết một buổi sáng hoạt động tích cực: sơn ngón tay, cái gì đó trông như hồ, và một sợi mì ống vắt vẻo. “Hôm nay đi học thế nào?”
“Grayer, con có nhớ cô Nanny không? Hai người sẽ cùng ăn trưa ở sân chơi nhé,” bà mẹ hỏi dò.
Nó ôm chầm lấy chân mẹ và giương mắt nhìn tôi. “Cút đi.”
“Con yêu, mẹ con mình có thể cùng ăn bim bim, nhưng mẹ có hẹn rồi. Hai người chơi với nhau sẽ vui lắm! Bây giờ nhảy vào xe đẩy đi và cô Nanny sẽ cho con ăn bim bim nhé.”
Trên đường ra sân chơi cả cậu bé và tôi cùng lắng nghe chăm chú bản danh mục dài Những gì Grayer Thích và Không Thích: “Nó rất thích cầu trượt, nhưng ghét chơi đu leo. Đừng để nó nhặt cái gì trên mặt đất – nó hay làm thế lắm. Và chú ý đừng để nó đến gần vòi nước uống dưới đồng hồ.”
“Ừm, thế nếu cậu bé cần đi vệ sinh thì sao? Cho cậu đi ở đâu?” tôi hỏi trong lúc cả ba đi qua dưới cổng chào gỗ bụi bặm vào sân chơi phố Sáu mươi sáu.
“Ôi, đâu cũng được.”
Tôi còn đang muốn hỏi rõ thêm một chút chuyện xi xi thì điện thoại của bà reo.
“Thế đấy, mẹ phải đi rồi,” bà nói, đóng nắp cái Startac. Bà rời đi, nhưng cứ như bài tập chạy ở sân bóng rổ: mỗi lần bà đi được thêm độ vài bước, Grayer lại khóc ré lên và bà vội vàng trở lại, nghiêm giọng, “Con phải ngoan nào.” Chỉ tới lúc Grayer đã khóc lóc inh ỏi, bà ta mới nhìn đồng hồ và để lại một câu “Mẹ bị muộn bây giờ” rồi biến mất.
Chúng tôi ngồi xuống băng ghế duy nhất còn trống trong bóng râm, trong lúc cậu nhóc khụt khịt mũi, và ăn bánh xăng đuých, trong có kẹp một thứ rau gì đó và món, tôi nghĩ, không phải xúc xích. Khi cậu bé đưa tay áo quệt mũi tôi mới nhận ra, lủng lẳng bên dưới vạt áo bị tuột, một thứ gì đó trông như là tấm danh thiếp gài vào con đỉa quần.
Tôi thò tay ra. “Grayer, cái gì...”
“Ê!” Cậu bé hất mạnh tay tôi. “Đấy là card của cháu!” Tấm card đã bẩn và gập lại và có vẻ đã bị quăng quật khá lâu rồi, nhưng tôi có thể nhận ra tên ông X đã phai.
“Card của ai thế, Grayer?”
“Cô biết mà.” Nó đập vào trán, cáu kỉnh vì sự ngu ngốc của tôi. “Của cháu. Hừ. Cho cháu lên xích đu!”
Đến khi chúng tôi ăn xong và tôi đã đẩy cho cậu bay vài vòng thì đã tới lúc đi tới nhà bạn chơi nhóm của cậu. Tôi vẫy tay trong lúc cậu bé chạy vào căn hộ kia. “Được rồi, chào cháu, Grayer! Mai gặp lại nhé!” Cậu bé dừng phắt lại, quay người, thè lưỡi ra với tôi và chạy mất. “Chơi vui nhé!” Tôi cười với cô vú em kia như bảo: “Chuyện đấy à? Chỉ là trò le lưỡi quen thuộc của chúng tôi thôi mà!”
Khi đã xuống đến tàu điện đến trường tôi rút cặp tài liệu xanh ra, trong đó gài cả phong bì tiền lương của tôi.