Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Tự bạch về Ngọc trong đá
Update Date: 01/08/2010

Theo đề nghị của Nhà xuất bản Trẻ nhân dịp tái bản lần thứ 7 cuốn sách Ngọc trong đá vào Ngày sinh viên học sinh 9-1, tác giả Nguyễn Ðông Thức nên công bố những điều chưa từng được tiết lộ về cuốn sách, 24 năm sau khi nó ra đời.

Nhà văn Ðoàn Thạch Biền nhận nhiệm vụ "bóc tách" những bí ẩn này. Tuổi Trẻ trích đăng cuộc trò chuyện giữa hai nhà văn.

* Truyện ngắn đầu tay của anh được nhà văn Lê Văn Thảo chọn đăng trên báo Văn Nghệ TP.HCM năm 1978. Ngọc trong đá xuất bản năm 1986. Tại sao đến sau tám năm anh mới có truyện dài đầu tay?

 

- Vì lúc đó tôi tự coi mình là một người viết nghiệp dư, sợ không dám viết truyện dài. Cuối năm 1978 tôi đi bộ đội, làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Vì ở bộ đội khá rảnh (tôi làm thủ kho quân khí ở Kampong Cham), nhớ nhiều về thời gian ở thanh niên xung phong (TNXP) trước đó, tôi đã thử viết vài chương đầu của Ngọc trong đá(lúc đó chưa đặt tựa), nhưng rồi thiếu tự tin nên... bỏ đó. Mãi đến lúc hoàn thành nghĩa vụ quân sự, về lại Tuổi Trẻ, được một người khuyến khích tôi mới liều mạng viết tiếp cho xong.

* Người đó là ai?

- Ðó là Kim Hạnh, thủ trưởng trực tiếp của tôi khi ấy (*). Kim Hạnh đã khuyến khích, góp ý và biên tập bản thảo cho tôi. Một lần nữa xin cảm ơn thủ trưởng.

* Thì ra đứng sau thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng của một... thủ trưởng. Trong truyện còn có bóng dáng của ai nữa? Anh chính là Mạnh? Còn Giáng Hương là ai? Một trong những cô bồ của anh ở TNXP?

- Ba năm ở TNXP tôi không hề có một ngày đào kênh, chỉ là lính văn phòng, vì thế tôi không thể nào là Mạnh được. Mạnh là hình tượng khái quát từ nhiều đồng đội của tôi. Thật sự từng có một cô Giáng Hương trong cùng đại đội 3 TNXP của tôi.

Cô rất đẹp, dễ thương, được nhiều chàng trai trong đại đội trồng cây bã đậu - vì trong doanh trại chỉ có loại cây này, không có cây si - trong đó có tôi (nay có thể cô cũng đã là một... bà ngoại, xin nhận cho lời thú nhận muộn màng này). Rất tiếc là mọi người cùng thất bại vì cô đã rời TNXP rất sớm, và từ bấy đến nay tôi chưa từng gặp lại. Tôi lấy tên cô đặt cho nhân vật chính như một kỷ niệm, còn Giáng Hương trong truyện thì cũng như Mạnh, chỉ là sự khái quát của nhiều nhân vật.
 
 Nhưng ít ra cũng phải có một nhân vật, hoặc một câu chuyện nào đó là nguyên nhân giúp anh hình thành cảm hứng, tứ truyện?
- TNXP lúc đó là cả một xã hội Sài Gòn đầy biến động thu nhỏ, sau năm 1975. Rất nhiều thiên anh hùng ca, do đó cảm hứng để viết về con người và sự việc luôn đầy ắp. Nhưng có thể do xuất thân nên tôi đã "mặn" về những hoàn cảnh lý lịch phức tạp, là SVHS tiểu tư sản bước đầu đi vào cách mạng. Cảm hứng của tôi lấy từ chính những người có hoàn cảnh như vậy.

Trong đó có Oanh, một nhân vật thứ chính nhưng rất thành công vì rất thật?

- Vâng, đó là một câu chuyện thật, trừ cái chết của cô ấy. Ngoài đời Oanh chịu không nổi sự rút lui của đồng chí - người yêu (do anh - cũng là một người bạn của tôi - là một cán bộ chính trị, và "tổ chức" không đồng ý cho anh yêu con một sĩ quan chế độ cũ) nên cô đã đào ngũ.

Lúc đó ở TNXP có một số chuyện tình ngang trái tương tự, nhưng khi với nữ là cán bộ thì họ sẵn sàng vượt qua tất cả để giữ hạnh phúc của mình. Ðó là hai cặp Võ Thị Bạch Tuyết - Thiều Hoành Chí (tôi đã viết trong truyện Trăm sông về biển) và Nguyễn Thị Tiếng Thu - Nguyễn Nhật Ánh (sao anh Ánh không tự viết chuyện tình quá hay của mình nhỉ?). Thực tế ấy cho tôi có riêng một kết luận đến tận bây giờ: Trong tình yêu, nữ luôn quyết liệt hơn nam.

Trở lại với thành công của nhân vật Oanh, tôi nghĩ còn nhờ sự đóng góp của diễn viên Việt Trinh trong phim Ngọc trong đá(đạo diễn Cảnh Ðôn, Hãng phim Trẻ). Ðó là vai diễn lớn đầu tiên của cô, và qua vai này người đọc lại càng thích nhân vật trong sách hơn. Ðó là tác động qua lại giữa sách và phim.

* Thời gian đó tôi đã nghe nói có một số trục trặc, đổi đạo diễn mấy lần, thậm chí hình như Ngọc trong đákhông được cho quay?

 

- Vâng. Ðã có thay đổi đạo diễn và Cảnh Ðôn là người thứ ba. Ðã có một ông thứ trưởng Bộ Văn hóa phụ trách nghệ thuật mời tôi đến văn phòng 2 ở TP.HCM để thuyết phục sửa kịch bản (do tôi quen thân với một người cháu của ông), không để cô Oanh chết.

Lý do: Với lý lịch đó, ông nghĩ không nên để cô chết một cách anh hùng như vậy, sẽ gây nhiều cảm xúc thương tiếc trái chiều cho người xem, không có lợi. Ông còn có một ý, đại khái không tin có nhân vật này, con một trung tá chế độ cũ mà lại chấp nhận đi TNXP, ra biên giới và anh dũng hi sinh. Tôi dứt khoát không đồng ý. Phim đã lần chần suốt mấy năm, chỉ khi ông ta nghỉ mới được quay.

* Xin cảm ơn anh.

 ÐOÀN THẠCH BIỀN thực hiện
(Nguồn: Tuổi Trẻ)

(*) Lúc đó (1982), chị Vũ Kim Hạnh là trưởng ban văn xã báo Tuổi Trẻ, sau lên làm tổng biên tập. Nguyễn Ðông Thức đi bộ đội về làm phóng viên.

 

Other News