Ngày 8 tháng 11 năm 2005, hai trận động đất khoảng 5,1 độ Richter (theo thông tin của báo chí) xảy ra ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, tuy không gây ra thiệt hại gì nhưng cũng làm cho cư dân trong vùng một phen hoảng loạn.
Vì trước đó đúng một tháng, ngày 8 tháng 10 năm 2005, một trận động đất khủng khiếp đã xảy ra tại Pakistan, làm cho 87.000 người chết. Và hàng năm, qua các thông tin, chúng ta thường nghe nói nhiều về những thiệt hại do động đất gây ra. Vậy thì động đất là gì?
Có thể vào một buổi sáng đẹp trời nào đó, bạn thức dậy lười nhác vươn vai, nửa mê nửa tỉnh. Mặt trời dang dần lên cao, bầu trời trong xanh, báo hiệu một ngày thật đẹp... Thế rồi bỗng nhiên nó bắt đầu:
Trước tiên là cái gường của bạn đang nằm rung chuyển. Rồi một hai đồ vật trên giá sách của bạn rơi xuống. Và sau đó là các thứ chuyển động ầm ầm... Những thứ mà trước đây là đồng minh thân thiết của bạn như: tivi, dàn nghe nhạc, kệ sách... bây giờ trở thành kẻ thù của bạn, sẵn sàng nện vào người bạn những cú trời giáng... Bạn đang trải qua một trận động đất!
Động đất là do sự chuyển động của bề mặt trái đất. Bề mặt trái đất là một lớp vỏ đông cứng và co lại trong quá trình hình thành. Nhưng bên trong lớp vỏ đó là một khối nham thạch lỏng nóng chảy và không ngừng bị dồn nén. Và rồi một lúc nào đó nó cựa mình, ép vào một phần mềm nào đó của vỏ trái đất, tạo nên một chấn động, thế là động đất xảy ra. Tâm của chấn động này rất mạnh, làm nhà cửa sụp đổ, đất đai sụt lở... Nếu ở ngoài biển thì tạo nên những cơn sóng thần có sức tàn phá khủng khiếp (Điển hình là cơn sóng thần ở ngoài khơi vùng biển Indonesia ngày 26 tháng 12 năm 2004, làm cho khoảng 310.000 người chết và mất tích)
Khi động đất xảy ra, sóng địa chấn truyền ra chung quanh (giống như chúng ta ném một hòn đá xuống mặt nước hồ tĩnh lặng) càng xa càng yếu dần
Trong trận động đất năm 1962, thành phố Tabas của Iran đã hoàn toàn bị phá hủy, cuớp đi hơn 12.000 sinh mạng
Hai trận động đất xảy ra ở TP.HCM và các tỉnh lân cận năm 2005 do đứt gãy Côn Sơn dịch chuyển. Đứt gãy kiến tạo có thể hiểu là những hoạt động địa chấn tạo ra vết nứt lớn trong lòng đất, những vết nứt này tạo ra các va chạm có thể dẫn đến động đất.
Khu vực Châu Á không có thập niên nào là không xảy ra động đất, vì sự đụng độ và hút chìm nhau của các mảng kiến tạo này. Các nhà khoa học dự báo động đất mạnh ở khu vực Nam Á sẽ còn xảy ra, vì số liệu đo vận tốc va chạm của các mảng kiến tạo cho thấy khả năng xảy ra ngày một mạnh hơn. Việt Nam may mắn có một khoảng cách an toàn so với các cuộc “đụng độ” của các mảng kiến tạo. Tuy vẫn có động đất, nhưng các trận động đất ở Việt Nam xảy ra theo một cơ chế khác và mức độ hạn chế hơn nhiều. Tuy nhiên, không ai có thể tiên đoán trước được những chuyện chỉ có “trời mới biết”
Đo động đất bằng cách nào?
Để đo cường độ động đất, người ta dùng độ Richter. Độ Richter cho ta biết động đất mạnh hay yếu tại nơi xảy ra trong lòng đất. Độ Richter được các nhà nghiên cứu tính ra dựa trên số liệu ghi được tại các trạm động đất bằng máy ghi địa chấn.
Máy ghi địa chấn (được gắn chặt vào nền đất) gồm có: Một con lắc treo trên lò xo hoặc một sợi dây mảnh. Con lắc có gắn một ngòi bút để vẽ thành những đường gãy trên băng giấy chuyển động. Khi mặt đất dao động, toàn bộ máy và băng giấy rung cùng với mặt đất, còn con lắc với ngòi bút thì đứng im theo quán tính. Trên mặt băng giấy xuất hiện kiểu đường vẽ gợn sóng phản ảnh độ dao động của mặt đất. Cuộn giấy có những đường gãy gấp khúc đó người ta gọi là “địa chấn đồ”
Chuẩn bị đối phó với động đất
Những tai họa do động đất thì khó mà lường được. Tốt nhất là các bạn phải biết cách chuẩn bị và tiên liệu mọi thứ, để có thể thoát ra ngoài mà không bị thương tích trầm trọng.
Nếu các bạn và gia đình ở trong vùng thường xuyên bị động đất, hãy thực tập báo động ít nhất là hai lần một năm. Làm thế nào để mọi người trong gia đình, nhất là trẻ em, đều biết mình phải làm gì khi xảy ra động đất.
Quan sát những động vật hoang dã và các con vật nuôi. Chúng thường có những hành vi rất khác thường trước khi xảy ra động đất. Chúng chạy cuống cuồng lồng lộn hay tỏ ra bức bối khó chịu...
Khi được thông báo sắp có động đất, hãy thả các đàn gia súc, vật nuôi, khóa van các bình ga, cúp cầu dao điện, tắt nhang đèn nơi thờ cúng... đem theo một ít vật dụng cần thiết và di tản ngay ra khỏi nhà.
Hãy thường xuyên tự đặt câu hỏi: Nếu động đất xảy ra ngay bây giờ thì tôi sẽ làm gì? Việc này sẽ làm cho bạn không bị động khi tai họa ập tới.
* Bạn phải biết thông thạo phương pháp “núp - che - giữ”. Thí dụ: Núp dưới một cái bàn hay một vật chắc chắn để che chỡ bản thân. Bảo vệ đôi mắt của bạn bằng cách úp mặt vào cánh tay và cứ giữ như thế cho đến khi an toàn.
* Coi chừng các vật có thể rơi trên đầu của các bạn như: những bức tường đổ sụp, kính vỡ và các vật khác khi mặt đất rung chuyển. Nó không chỉ làm bạn bị thương mà còn có thể giết chết bạn
* Quan sát chung quanh xem những thứ nào có thể rơi xuống. Thứ nào có thể dịch chuyển. Tự đặt câu hỏi xem việc gì sẽ xảy ra với những vật đó, nếu có động đất.
* Buộc chặt tivi, dàn nghe nhạc xuống đất hay vào tường. Di dời những bức tranh nặng, những tấm gương lớn, những đèn treo... ra khỏi khu vực gường của bạn và những nơi có người thường ngồi.
* Khi động đất, đừng ở trong nhà bếp, vì đó là khu vực nguy hiểm
* Ngắn gọn là hãy mang đi chỗ khác những vật có thể rơi trên đầu bạn
* Nếu đang ở trên lầu thì đừng chạy xuống tầng dưới hoặc lao ra ngoài khi tòa nhà đang rung chuyển, vì đó là thời điểm rất nguy hiểm
* Trước và sau một sự chấn động, hãy sửa chữa và gia cố lại căn nhà của bạn. Nối hay băng kín lại các đường dây điện và ống dẫn ga nếu bị đứt, hở... vì nó là đầu mối của các trận hỏa hoạn.
* Kho chứa thuốc diệt cỏ, diệt côn trùng, hóa chất độc hại và những sản phẩm dễ cháy... phải cách xa nhà và được đóng cửa cẩn thận
* Để thức ăn và nước uống trong tầm tay, và phải chuẩn bị dự trữ cho bạn và người thân đủ dùng ít nhất là 72 giờ. Đó là thời gian bạn có thể phải chờ cho đến khi có người đến cứu
* Thảo luận với những người trong gia đình để phác thảo một kế hoạch dự kiến. Giải thích với con cái của bạn về kế hoạch đối phó khi tai nạn ập tới và trả lời tất cả những câu hỏi của chúng.
* In cho mỗi người một bản kế hoạch
* Dạy cho các em cách gọi cảnh sát 113, cứu hỏa 114, cấp cứu 115
* Dạy cho mọi thành viên trong gia đình khi nào và làm thế nào để tắt khí ga, điện và nước
* Điều quan trọng là bạn phải dạy cho mọi người trong gia đình, nhất là trẻ em, biết các khu vực an toàn. (Thí dụ: dưới một cái bàn chắc chắn ở trong một góc tường) và hai khu vực gia đình dự kiến sẽ tập trung sau khi cơn chấn động qua đi. Một là sân nhà của bạn nếu nhà bạn không có vấn đề. Hai là một điểm khác xa nhà nếu nhà bạn bị sập hay đang bốc cháy (Thí dụ: công viên khu phố)
* Phân công cụ thể từng người, ai sẽ mang gì khi buộc phải đi sơ tán. Và hãy lưu ý, đường và phương tiện giao thông có thể bị phá vỡ. Do đó, đôi khi bạn và gia đình buộc phải đi bộ, cho nên không thể mang theo những vật nặng.
* Mang theo một ít thức ăn, nước uống và giày tốt
* Định vị được các sở cứu hỏa, sở cảnh sát, trung tâm cấp cứu gần nhất
Đồ dự phòng
Các bạn cần phải chuẩn bị một túi đựng đồ dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp, trong đó đựng một ít đồ cứu thương và thực phẩm (đồ hộp), vài bình nước, đèn pin... Túi phải nhẹ, có thể mang theo được.
Các bạn cũng cần có một thùng đựng đồ dự phòng khác, lớn hơn và chắc chắn hơn. Trong đó đựng:
Nước: Đủ để cho mọi người (và vật cưng) dùng trong 72 giờ (mỗi người cần khoảng 4 lít/ngày). Đồng thời, các bạn cũng phải chuẩn bị thuốc lọc nước hoặc bơm lọc nước, dự phòng khi phải sử dụng các nguồn nước khác
Thực phẩm: Loại thức ăn có thể để lâu mà không hư thối, tốt nhất là đồ hộp hay đồ khô, đủ để cho mọi người trong gia đình (và vật cưng) dùng trong 72 giờ
Lưu ý: Nước và thực phẩm cần phải cất giữ nơi mát mẻ và thỉnh thoảng phải thay thế để không bị hỏng vì quá hạn sử dụng
Hộp cứu thương và sổ tay hướng dẫn: nên có mỗi loại 2 cái, một để ở nhà và một để trong xe của bạn.
Dụng cụ cần thiết: các bạn phải chuẩn bị sẵn, vì nếu không, khi tai họa ập đến, các bạn sẽ lúng túng, không biết mình đã để nó ở đâu?
Những dụng cụ cần thiết bao gồm:
* Bình chữa cháy
* Cờ-lê để khóa bình ga và ống nước
* Dao kềm đa năng
* Hộp quẹt, đèn cầy
* Đèn pin với bóng và pin dự phòng
* Máy thu thanh (radio) và pin dự phòng
* Còi cấp cứu
* Đồ khui hộp hay mở nút chai
* Lò nấu dã ngoại hay than củi để nấu nướng (chỉ sử dụng khi khu vực của các bạn không bị rò rỉ ống dẫn ga hoặc không sử dụng ga, và phải nấu ở ngoài trời)
* Túi nylon đựng giấy vệ sinh
* Một cái xẻng dùng để dọn dẹp
* Thuốc tẩy uế và bàn chải
* Băng keo to bản và dây nylon, dự phòng để sửa chữa ống dẫn nước
* Số điện thoại của Cảnh sát, Cứu hỏa, Cấp cứu
Quần áo - Mùng mền - Lều bạt: Nếu tai nạn đủ xấu, thì các phòng trọ hay khách sạn sẽ không còn chỗ. Bạn và gia đình có thể phải ở ngoài trời (hay trong xe hơi của mình). Các bạn đóng gói áo quần, mùng mền, áo mưa, túi ngủ, giày đế cao su, găng tay... vào trong một túi
Giấy tờ quan trọng: sao chép mỗi thứ một bản, cất trong một hộp an toàn chống cháy và chống nước, chìa khóa thì lúc nào các bạn cũng mang theo bên mình.
Trong khi động đất
* Nếu bạn đang ở trong nhà, hãy cứ ở đó, chui xuống một cái bàn, dùng tay và lưng hơi nâng nó lên và kéo rê tới sát góc tường hoặc cửa ra vào.
* Nếu bạn đang ở trong lớp học nên núp vào những gầm bàn hoặc lấy cặp che lên đầu để đề phòng khi có vật rơi vào đầu.
* Nếu các bạn đang ở ngoài, hãy tránh xa các cao ốc, đường điện cao thế, trụ điện, ống khói... và tất cả những thứ có thể ngã đổ trên người của bạn.
* Ở nơi đông người, không nên xô đẩy nhau để chạy, đã có nhiều người bị thương hoặc chết không phải do động đất mà do chen lấn, xô đẩy.
* Nếu đang lái xe thì nhanh chóng và cẩn thận lái xe ra khỏi con đường, càng xa càng tốt, rồi dừng lại, ngồi ở trong xe, chờ cơn chấn động qua đi.
* Không đậu xe trên hoặc dưới một cây cầu, dưới một cây cao, dưới đường dây điện, trụ điện, bảng quảng cáo lớn...
* Nếu bạn đang ở vùng núi, hãy coi chừng đá rơi, đất chuồi, cây đổ và những thứ khác do động đất mà đổ trượt xuống.
*Nếu bạn đã khóa ống dẫn khí đốt thì đừng tự mở lại, đó là chuyện của công ty cung cấp khí đốt, họ biết phải làm thế nào để được an toàn
* Không sử dụng diêm, bật lửa, lò nấu nướng, thiết bị điện hoặc bất kỳ một trang thiết bị nào cho đến khi bạn biết chắc chắn không có sự rò rỉ khí đốt. Nó có thể là nguyên nhân của một vụ cháy nổ
* Không sử dụng điện thoại ngoại trừ cần phải gọi cấp cứu hay chửa cháy. Hãy để dành đường dây của bạn cho những trường hợp khẩn cấp. Nếu đường dây điện thoại không gọi được, hãy cho người chạy đi kêu gọi sự giúp đỡ.
* Đừng đòi hỏi lính cứu hỏa, cảnh sát, nhân viên y tế phải lo cho bạn, vì có thể họ không có ở đó hoặc còn rất nhiều việc khác phải làm.
Sau khi động đất
* Nếu đang ở trong nhà, hãy rời khỏi nhà ngay, vì có thể còn những dư chấn
* Mang một đôi giày có đế tốt để tránh gây thương tích từ những mảnh vỡ, đinh nhọn, dằm cây...
* Tự kiểm tra và chữa trị các vết thương của chính mình nếu có thể.
* Cấp cứu, di tản các nạn nhân và những người chung quanh, ưu tiên cho trẻ em và những người già yếu, tàn tật.
* Nếu ngửi thấy mùi khí ga, mùi xăng dầu hay mùi các hóa chất, hãy tránh xa khu vực đó ngay
* Cẩn thận khi mở cửa nhà kho hay tủ đựng đồ, vì có thể đồ đạc sẽ đổ ụp xuống ngay trên đầu của bạn.
* Kiểm tra những vết rạn nứt của căn nhà, đồng thời kiểm tra ống dẫn ga, đường dây điện, ống nước... nếu cần thì chính bạn hay nhờ người khác gia cố hay sửa chữa ngay
* Lắng nghe tin tức từ radio, truyền hình để biết những thông tin hay những hướng dẫn cần thiết.
* Kiểm tra những nhà hàng xóm láng giềng của bạn, có thể họ đang cần sự giúp đỡ, nhất những trẻ em, người già và người tàn tật
* Không lái xe đi đâu, trừ trường hợp khẩn cấp, để đường phố thông thoáng, ưu tiên cho các loại xe cấp cứu, chữa cháy...
* Chỉ vào nhà khi những người có thẩm quyền cho biết là đã an toàn
Những đầu mối nguy hiểm
Lửa: Dập tắt ngay lập tức các ngọn lửa ở nhà của bạn hay của láng giềng. Gọi thêm người hỗ trợ hay lính cứu hỏa
Khí Ga: Nếu bạn nghe tiếng xì hay ngửi thấy mùi ga, hãy mở các cửa sổ và nhanh chóng rời khỏi nhà ngay. Khóa ngay van chính ở bên ngoài nhà bạn hay bên nhà hàng xóm. Gọi cho công ty cung cấp khí đốt. Nếu bạn đã khóa van, thì việc mở van trở lại và việc của nhân viên công ty khí đốt, đừng tự mình mở van. Cho nên bạn chỉ đóng van khi thật sự cần thiết mà thôi. (Ở đây chúng tôi muốn nói đến những ống dẫn ga chung trong các thành phố lớn)
Khi mà bạn nghi ngờ là ống dẫn khí bị rò rỉ thì đừng bao giờ khởi động một nguồn lửa nào (diêm quẹt, lò nấu, bật công tắc điện, gọi điện thoại di động... )
Dây điện hư: Nếu các bạn thấy những tia lửa hay dây điện bị đứt, sờn, tróc vỏ hoặc ngửi thấy mùi khét của cao su. Hãy cúp cầu dao điện chính và gọi thợ điện.
Nước nhiểm bẩn: Nếu bạn nghi ngờ nguồn nước của nhà bạn bị nhiểm bẩn thì đừng sử dụng và gọi ngay cho công ty cấp nước
Các vật rơi: Hãy coi chừng các vật nặng đang chông chênh ở trên cao, nhất là khi các bạn mở cửa nhà, nhà kho, tủ đựng chén bát... một rung động nhẹ cũng đủ làm nó rơi xuống đầu bạn.
Thức ăn và nước uống: Đừng sử dụng những thức ăn vương vãi. Nếu bị cúp điện, hãy lên kế hoạch sử dụng những thức ăn mau hư hay thức ăn trong tủ lạnh trước. Đồ khô hay đồ hộp để dành lại sau.