Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Park Tae Joon - Người đàn ông của thép - Phần 2
Update Date: 02/04/2010

Biết bao nông dân Triều Tiên của những năm 1920 đã mất đi ruộng đồng cày cấy. Họ mất cả “giấc mơ kết thúc công việc một ngày và trở về trong ánh trời chiều” như nhà thơ Kim So Wol1 đã hát lên một cách bi thương. Nhưng họ không thể sống mà phiêu bạt lang thang khất thực khắp nơi. Vì kế sinh nhai, chỉ còn cách cuối cùng, họ đành phải tha hương đến những nơi nào đó. Mãn Châu, Liên Hải Châu, Siberia, Hawaii, Mexico... con đường lưu lạc rất xa và đoàn người nối tiếp nhau thành từng chuỗi.

Ở vùng đất cực Nam bờ biển Đông Hải có xã Jang-am thuộc quận Dong-lae tỉnh Kyeong-nam (nay là ấp Jang-am, quận Gi-Jang, thành phố Busan) vốn nổi tiếng là đất có đặc sản rong biển. Khoảng thời gian khi phong trào 1 tháng Ba2 lắng xuống, ngư trường đánh bắt cá cơm cộng đồng lý3 Im-rang của xã Jang-am và bãi đá trồng rong biển lần lượt rơi vào quyền sở hữu của người Nhật.

Ngày 29 tháng Chín âm lịch năm 1927, tại cái làng chài khốn khó đó có một đứa trẻ được sinh ra đời. Đó là một bé trai. Park Bong Kwan và Kim So Soon, đôi vợ chồng trẻ bình thường đã đặt tên cho đứa con đầu lòng mà họ hạ sinh vào năm con Thỏ là Tae Joon (Thái Tuấn). Người chồng từng học chữ Hán giải thích với vợ rằng tên đó nghĩa là “sẽ thành đạt lớn trong tương lai”. Còn người mẹ trẻ cũng kể cho họ hàng nghe về điềm báo mộng.

“Một đêm tối đầu tháng Giêng năm nay tôi nằm mơ thấy núi Dal-um biến thành một con rồng lớn, rồi con rồng hực lên. Sau đó thì tôi có thai kỳ.”

 Tuy có lời rằng “muốn trở thành một nhân vật lớn thì dù chỉ là tinh khí của bờ thửa cũng phải nhận lấy mà sinh ra”, nhưng thai mộng của một nhân vật ưu việt thường tránh sao khỏi sự tô vẽ nhằm làm tăng thêm màu huyền bí cho cuộc đời người đó. Nhưng mẹ của Park Tae Joon là một người phụ nữ bình thường đến nhường ấy, bà đâu hề tô vẽ mộng thai cho đứa con trai đầu lòng.

Từ năm 1927 đến năm 1933, thời kỳ Park Tae Joon ra đời và đi những bước dần dần trở nên cứng cáp hơn, lý Im-rang vẫn là vùng đất xa lánh với văn minh. Nếu mượn cách thể hiện của sử gia Eric Hosbawm1 rằng cho đến những năm 1950 và 1960, nhiều nơi trên thế giới vẫn dừng lại ở thời kỳ Trung cổ thì thời thơ ấu của Park Tae Joon thuộc về thời Trung cổ hơn là Cận đại.

Những mái nhà lợp cỏ trải dài lô xô dọc theo bờ cát trắng, phía trước là biển cả bao la, dòng suối trong chảy xuống từ núi Dal-um lượn theo các gò đất trong làng rồi ngầm tuôn ra biển, mấy con chó vàng lăn tròn trên bãi cát trắng... Đó là khung cảnh của lý Im-rang. Điện cũng không mà nước máy cũng không. Nhà của Park Tae Joon cứ ra khỏi cửa đã là bãi cát trắng, là bờ biển. Ở làng chài này, cái có nhiều đến dư dả thì chỉ có cái nghèo và tiếng sóng biển. Người lớn hay con nít, suốt bốn mùa, dù chỉ là một ngày được ăn no bụng cũng không có, tiếng sóng biển chưa bao giờ bình yên. Ở nơi mà chú rể rước dâu ngồi trên lưng lừa hay ngựa nhỏ, trẻ con cũng không thể thấy được chiếc xe hơi.

 Thế nhưng thế giới đang bị cuốn vào vòng xoáy của những biến động lớn. Khi Park Tae Joon đã bước đi vững và chuẩn bị đến sinh nhật lần thứ hai của mình, chủ nghĩa tư bản công nghiệp thế giới nhanh chóng lung lay. Ngày 24 tháng Mười năm 1929, Phố Wall ở New York (Mỹ) đã đánh dấu sự kiện “ngày thứ Năm đen tối”, nền kinh tế thế giới chìm vào cuộc đại khủng hoảng chưa từng thấy. Cuộc đại khủng hoảng đã tạo ra hoàn cảnh chính trị - kinh tế - xã hội khiến cho chủ nghĩa phát-xít trở nên hung hăng.

Dẫu sao, thế giới của tuổi thơ cũng có cái độc đáo khác hẳn với thế giới của tuổi trưởng thành. Đó là bãi cát trắng chói chang, tiếng sóng biển, những con mòng biển, là biển cả bao la, dòng suối trong veo, là bố mẹ và họ hàng thân thuộc, những người hàng xóm cùng những đứa bạn nối khố... Thế giới ấy đã hình thành nên thời thơ ấu của Park Tae Joon. Đứa trẻ Park Tae Joon chưa thể cảm nhận được, nhưng từ lý Im-rang đang hình thành một mao mạch có thể dẫn đến trái tim thế giới. Đó là con đường mới trắng xóa nối đến Busan.

Những ngư dân lý Im-rang đã chọn ra Park Bong Jool, bác ruột của Park Tae Joon, làm đại diện để trao đổi với người Nhật Bản, vốn đã giành lấy quyền khai thác hải sản đối với ngư trường công cộng và bãi đá trồng rong biển. Đầu tiên, người bác này không biết tiếng Nhật nên phải trao đổi bằng văn bản Hán tự.

Vào nửa đầu thập niên 30, người Nhật Bản thường hay lui tới bãi biển lý Im-rang. Trong đó có hai người tên là Sakara và Someya. Sakara là đại diện chi nhánh công ty Sakarakumi thuộc công ty xây dựng Hajamakumi, còn Someya là một trí thức có phẩm chất điềm tĩnh và rộng lượng từng tốt nghiệp trường Đại học Waseda. Hai người này đã có những cảm tình tốt đẹp đối với anh em nhà họ Park. Lúc trở về nước Sakara định rằng sẽ dành cho Park Bong Jool một việc làm và thăm dò ý tứ của ông. Park Bong Jool quả quyết khăn gói lên đường. Lại thêm một lưu dân nữa vì kế sinh nhai mà phải rời xa “làng chài của thời Trung cổ”. Dẫu vậy, con đường phía trước của người ấy đã có bến đỗ rõ ràng. Một vài tháng sau, người lưu dân đó đã gửi thư về cho em trai. “Someya nói rằng muốn làm việc cùng em.” Đến lượt Park Bong Kwan, bố của Park Tae Joon, quyết tâm lên đường. Ông để lại vợ và con trai chốn quê nhà rồi một mình vượt Huyền Hải Than1. Nước Nhật công nghiệp hóa đang vùng vẫy vượt qua cú đánh mạnh của cuộc đại khủng hoảng như một lỗ đen vũ trụ hút kiệt nguồn lực lao động giá rẻ của Triều Tiên. Nay nó chừa sót lại một đứa trẻ thông minh sống ở “làng chài thời Trung cổ” cũng chỉ là vấn đề thời gian.

Other News