Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Cửa mật - Trích đọc kỳ 3
Update Date: 12/19/2011

Pierre giật mình tỉnh giấc. Anh đâu có nằm mơ: còi hụ chát chúa dưới cửa sổ phòng anh đến từ xe chữa lửa. Anh vội vàng bước nhanh ra ban công, vừa kịp thấy mấy cánh cửa chiếc xe màu đỏ đó đóng lại theo sau cái cáng thương rồi vụt chạy như tên bắn. Tạ ơn Trời, anh tự nhủ, khách sạn không bị cháy. Chắc ai đó đi lặn mà không tuân theo ngưỡng hạ áp, hay ai đó đi tắm bị sốc nhiệt.

Anh liếc nhìn đồng hồ, buột miệng chưởi thề. 7 giờ 55! Hôm qua anh đã lập trình giờ báo thức là 7 giờ 15 trên điện thoại di động. Than ôi! khi chuông reo – thật ra đó là giọng của Freddy Mercury hò hét bài We are the champions[1]– anh quờ quạng bấm nhằm phím đỏ rồi úp mặt vào gối, hai bàn tay luồn dưới gối, nằm thế ngủ nướng. Không có tiếng còi hụ thì anh còn ngáy nữa. Và suýt nữa thì bỏ mất cuộc hẹn lúc 8 giờ 15.

Bây giờ thì anh chỉ còn chút thì giờ để tắm vòi hoa sen, cạo râu, xỏ quần hiệu Dockers màu be. Rồi ba chân bốn cẳng chạy xuống phòng ăn, dùng bữa sáng. Pierre ghét làm việc bụng đói.

Anh bật TV ở kênh LCI cùng lúc bước nhanh vào phòng tắm. Khi anh đi ngủ lúc hai giờ sáng thì Internet vẫn còn bị tê liệt. Nhưng bây giờ anh đâu có thì giờ đi kiểm tra trên máy tính của mình để biết mọi sự đã ổn chưa. Làm chuyện kiểm tra đó, hoặc đi uống cà phê.

Đứng dưới vòi hoa sen anh nghe tiếng cô xướng ngôn viên vọng đến một cách đứt quãng. Cô loan báo hàng loạt sự cố xảy ra ở đại lục Bắc Mỹ. Những hệ thống điều hòa không khí ở thành phố New Orleans đột nhiên bị hỏng. Nhiều hãng hàng không trong đó có Air Canada và Continental, đã có những chuyến bay bị trễ do sự rối loạn chức năng ở các trung tâm giữ chỗ của hãng mình gây ra. Những quầy check-in ở các phi trường Boston và La Guardia bị đóng cửa. Nhưng chắc là chẳng có tin gì mới về Internet.

Pierre nhét tấm thẻ từ vào túi sau quần jean, chụp lấy điện thoại di động và đi ra hành lang chẳng buồn tắt TV. Anh vừa mới bấm xong mật số PIN thì một tiếng bíp vang lên, báo hiệu có tin nhắn SMS[2]. Anh định đọc thì lại nghe chuông reo sau lưng mình. Nó phát ra từ máy điện thoại trong phòng anh. Ai mà có thể muốn gọi anh ở đây vào giờ này? Tất cả đồng nghiệp anh đều có số di động của anh mà. Vợ anh cũng vậy, luôn gọi anh ở máy Nokia khi anh đi xa. Bực tức, anh mở lại cửa phòng và tiến về cái bàn đầu giường.

- A lô!

- A lô? Phải anh không, Pierre?

Anh nhận ra giọng nói của Clara.

- Ừ, chào em! Bình thường chứ? Em may lắm đó, anh sắp sửa xuống dưới nhà ăn sáng, và anh đang bị trễ đây. Chút xíu nữa thì cái điện thoại này reo mà không ai bắt máy đó. Hơn nữa, tại sao em không gọi vào máy di động của anh như thường lệ?

- Em đã thử nhiều lần, không thể vào mạng được! Em chẳng biết chuyện gì xảy ra. Ở Marseille từ tối hôm qua các điện thoại di động đều chết cứng mất rồi.

- Vậy à?

Di động của anh có vẻ còn chạy, vì có tin SMS đang chờ mà.

- Vâng... Nhưng không phải chuyện này mà em gọi anh. Máy tính của mình đang còn gặp vấn đề. Gaétan phải sửa soạn một bài thuyết trình cho ngày mai, nó phải tìm trên Internet các tấm ảnh chụp thắng cảnh Mont-Saint-Michel, nhưng không thể nào nối mạng được. Anh có biết ta có thể làm cách nào để sửa chữa không? Em chán ngấy mấy thứ máy tính này quá! Lần cuối cùng...

Pierre biết sẽ là vô ích nếu hy vọng chận được vợ mình một khi nàng đã bắt đầu mở miệng. Anh chờ đến khi nàng ngừng một chút lấy hơi để thở mới xen vào:

- Em để anh nói nghe... Vấn đề không đến từ máy tính đâu. Vả lại, đáng lẽ em phải biết nếu em xem tin tức trên TV. Hay đơn giản là gọi điện cho hàng xóm.

Pierre giải thích cho vợ hiểu là Internet đã tịt nặng từ hôm qua. Hệ thống đã bị đặt trong tình trạng HS[3] từ giữa buổi chiều. Khó mà nói được cho chính xác những cái bất thường này bắt đầu từ mấy giờ, nhưng các nhà báo Mỹ tin là chúng được khởi phát trùng ngày giờ với sự sát hại ngày 11 tháng 9-2001: 8 giờ 46 phút, giờ New York, lúc chiếc Boeing 747 đầu tiên đâm vào tòa tháp phía Bắc của World Trade Center. Rất có thể! Hơn nữa, nhiều đòn tấn công của tin tặc đã được tiến hành song song hay nối tiếp nhau.

- Em đâu có thì giờ mà xem tin tức, Clara đáp trả. Em chẳng có được một phút rảnh rỗi. Điều mà em biết, đó là cái máy tính của chúng ta không hề hoạt động! Mỗi khi có một virus, y như rằng chúng ta lãnh đủ.

Pierre thở dài, đưa tay vuốt đầu tóc còn ẩm ướt. Anh cố gắng kiềm chế nỗi bực dọc. Lần nào cũng như thế cả. Mỗi sự cố làm rối loạn hệ thống máy tính gia đình thì vợ chồng sinh ra cãi vã. Clara trách móc chồng cứ tối nào – thay vì thảo luận với nàng – cũng tìm cách cài đặt thêm phần mềm mới. “Vô dụng”. Lại “ngăn trở những cái khác hoạt động”, hiểu ngầm là cái phần mềm nàng sử dụng để xem hình ảnh bạn bè nàng.

Trong khi Clara tiếp tục lải nhải, Pierre nhìn những hình ảnh và phụ đề chạy trên kênh LCI. Người xướng ngôn nói về những phản ứng dây chuyền ở châu Âu. Những chuyến bay ở các phi trường Orly và Roissy[4] đều bị trễ. Các chuyến tàu lửa Eurostar thì bị chận lại, không được khởi hành từ Luân Đôn.

Tất cả những sự cố này – bây giờ anh hiểu ra – đều liên hệ, một cách trực tiếp hay gián tiếp, đến sự cắt đứt hay đến sự giảm tốc độ của việc nối mạng Internet. Tất nhiên là thế rồi.

Về phần Clara, nàng ở trên một hành tinh khác.

- Được rồi, không sao, để tính sau, nàng thét lên...Em đưa con đến trạm xe bus rồi đi gặp Sylvie. Cô ấy mới phát hiện các áo sơ mi nữ đang bán hạ giá ở Saint-Charles. Ngoài ra, em còn chưa mua xong vật dụng năm học mới cho Garance, rồi bọn em chiều nay đi...

Một buổi mua sắm. Thế là chấm dứt ở đây được rồi. Anh chụp lấy cơ hội:

- Em yêu, nghe này, ta gọi lại chút xíu nữa nghe? Các cuộc hội thảo sẽ bắt đầu trong mười phút nữa, anh phải xuống đó.

- Vâng... Nhưng anh thấy con gái mình bắt đầu điệu đàng biết bao! Nó đáng yêu lắm. Sáng hôm qua, trước khi đi học nó đã thay đổi áo quần hai lần... nó mặc quần jean trước rồi nó thấy cái áo sơ mi có hoa không hợp...

- Clara, anh phải đi đây!

- Vâng, anh yêu... Em gọi anh sau. Hôn anh.

- Hôn em.

Pierre đặt mạnh cái điện thoại xuống bàn đầu giường. Clara không những làm hỏng bữa ăn sáng của anh mà còn đụng ngay đến vấn đề từng gây cho anh bực dọc nhất từ mấy tháng nay: giáo dục hai đứa con gái, Garance và Sixtine. Mới mười tuổi đầu mà hai chị em sinh đôi này đã tưởng mình là ca sĩ Britney Spears không bằng. Quần jean trễ cạp, dây cột lòng thòng, áo sơ mi chẽn bó sát người, phần trên hợp với phần dưới hay cố ý cọc cạch, còn tùy mà, nhưng bao giờ cũng sau vài cuộc “buôn chuyện” dài dòng vô bổ và vài vòng ra vào các cửa hiệu áo quần. Cách đây một hay hai năm anh còn làm được chuyện là kéo mọi người cùng đi chơi bằng xe đạp ở mấy vùng biển đá, nhưng hiện nay thì đành chịu. Chiều thứ bảy hai cô nương nhắm hướng Bonneveine, một trung tâm thương mại ở Marseille, mà trực chỉ, cùng với bà mẹ. Và bộ ba này đâu có bằng lòng với các tiệm Zara hay H&M. Một hôm Clara về nhà với bộ quần áo “hấp dẫn” cho Garance mua ở tiệm Marie-Puce. Giá mua: 300 euro trả bằng thẻ tín dụng Visa Premier trên tài khoản chung của hai vợ chồng. Buổi tối, mặt đối mặt, Pierre bảo vợ lưu ý là tiền lương anh tự trả cho mình ở công ty nhỏ của anh đã không tăng từ năm năm nay, trong khi những chi tiêu gia đình cứ tăng đều đều từ 5 đến 10 % mỗi năm, chưa kể các thứ thuế địa phương, tiền trả các buổi chữa trị tâm lý cho vợ, tiền học trường chuyên dành cho con nít phát triển sớm, nơi đã phải gởi Gaétan đến “vì đứa bé này chán học và ta không nên làm hỏng một tài năng như thế”. Ngược lại, khi Pierre muốn lắp đặt ADSL[5] và kết nối hai máy tính bằng Wifi, Clara lại làm mình làm mẩy, cho rằng việc này sẽ còn mang thêm virus vào nhà.

“Đời là thế, anh tự nói với chính mình, cũng đành theo số má thôi! Người đàn bà mà ta cưới hồi hai mươi lăm tuổi không thể cùng là người đàn bà lúc bốn mươi...”

Khi đến phòng ăn khách sạn Overlord, Pierre biết mình chỉ còn vừa đủ năm phút để uống vội một tách cà phê. Những đại biểu sắp nhanh chóng vào ngồi đầy cái hội trường lớn. Bây giờ đã quá trễ để anh bắt đầu cho thử máy móc ở phòng điều khiển, nhưng Bernard, trưởng nhóm kỹ thuật, chắc chắn là đã lo liệu việc này. Mặc dù... Từ ngày đầu tiên của đại hội, thứ bảy trước, Pierre đã thấy các nhân viên kỹ thuật của mình thường có giờ giấc lộn xộn, ngược lại với các nữ đại biểu, họ lúc nào cũng đúng giờ. Ở tầm mức cao, tính đúng giờ, đúng hẹn là sự lịch thiệp của các nữ hoàng, anh tự nhủ. Vậy mà sáng nay, về chuyện đúng giờ, anh lại không vương giả chút nào, còn thua mấy tên nhân viên của mình. Và anh thấy hối hận. Tổ chức Women’s Annual Congress là một trong những khách hàng lớn của S3E (Sonorisation, Éclairage, Équipement informatique et Électronique[6]). Đây là không phải lúc để mất thị trường này.

Anh ngồi xuống chiếc bàn trống đầu tiên và tìm cách gọi các nhân viên phục vụ đang bận tíu tít. Hai tên hiến binh mặc quân phục đang đứng nói chuyện ở cửa ra vào với viên giám đốc khách sạn. Ngoài sân hiên, không còn bàn trống, và bên trong người ta chen chúc nhau.

“Tương phản nhau quá!” Pierre tự nhủ, mắt nhìn về phía bãi biển.

Vì biển sáng nay thấy lặng và sáng như một cái hồ trên núi. Gió khá nóng hôm qua đã ngừng thổi trong đêm. Vài vết màu xanh nhạt xuất hiện trên mặt nước khiến ta đoán là có những dải cát trắng rộng lớn ngoài xa. Nước chỉ cần trong thêm chút nữa thì từ sân hiên người ta hẳn là thấy ra những con cá hồng quẫy vây hay tắm nắng dưới những tia mặt trời đầu tiên.

Nhưng chẳng ai sẽ nhìn chúng cả. Ở cuối bến nổi bằng gỗ tếch chìa thẳng ra trên mặt nước, những cái bàn nằm chỗ tốt nhất bị mấy đám đàn bà chiếm cứ, họ còn kéo thêm ghế vào ngồi cho đông. Trời nóng nhưng không chị nào mặc áo đầm mỏng. Phần lớn các chị mặc đồ veste bộ với quần dài thuần màu đen hay có sọc nhỏ, vải prince-de galles[7], hay áo may bó sát người, nói chung quá nóng vào mùa này. Những chị thoải mái nhất thì mặc quần jean và áo sơ mi không ống tay để lộ những đôi vai rám nắng. Pierre có cảm tưởng mấy chị này quan sát lẫn nhau như những con thú cùng giống, hất hàm hay vẫy tay chào nhau để tránh đến gần nhau. Phần lớn họ có vẻ lo ngại, các xắc tay bóng nhoáng màu đen hay sáng rực, đặt dưới đất kẹp giữa hai chân. Một phản xạ của mấy chị thị dân ngay ngáy lo mất trộm. Pierre nhận ra, từ xa, phong thái “nữ doanh nhân đi nghỉ mát về” còn bị stress ngay cả trước khi bắt đầu làm việc lại. Loại đàn bà làm anh khó chịu.

Vài chị đứng đây, đứng đó, tay cầm tờ báo, nhíu mày. Các chị khác thì gõ lên sổ nhật ký điện tử của mình. Đối diện với bầy business women[8] này, trong đó có thêm, theo anh thấy, vài nữ diễn viên và ngôi sao truyền hình, Pierre cảm thấy nhỏ nhoi, tầm thường, lạc điệu. Đồ tỉnh lẻ, như dân Paris hay bĩu môi. Nhưng xét cho cùng, đó là cái phận quèn của anh mà: chỉ là một tên cung cấp trang thiết bị cho hội nghị, không hơn không kém, giữa những tên cung cấp khác... ngay cả khi có sự thông cảm lẫn nhau giữa anh và nhân vật thứ hai của Women’s Congress, người đàn bà Pháp độc nhất trong ban chấp hành hội, tên là Christelle Loric. Chính nhờ bà này “đẩy” mà từ ba năm nay anh nhận được thị trường béo bở này.

Pierre tìm cách nhận diện các khuôn mặt có tiếng giữa đám đàn bà. Anh đọc trên tờ Le Figaro do khách sạn đưa tận phòng là Hillary Clinton[9] sẽ đến dự. Có cả Ségolène Royal[10] nữa, cũng như vài tổng giám đốc lớn như Indra K. Nooyi, điều hành công ty Pepsi-Cola ở Ấn Độ. Đây là lần thứ ba anh phụ trách bộ phận hậu cần điện tử cho Đại hội, và anh nhanh chóng nhận ra rằng sự tập hợp này, mà thoạt đầu anh thấy nó như một cuộc trình diễn cho vui của đám đàn bà đang cần sự chú ý của giới truyền thông, là một định chế. Điểm hẹn không thể không đến của những người phát ngôn cho sự nghiệp phụ nữ trên thế giới. Một loại gặp gỡ thượng đỉnh toàn cầu của Nữ giới, với chữ N lớn. Những bài diễn văn lịch sử đã được đọc lên ở đây, nói về thân phận đàn bà ở các nước Hồi giáo, cuộc đấu tranh cho bình đẳng lương bổng hay là những hậu quả của một chiến thắng phụ nữ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Pierre nhớ lại hình ảnh của Benazir Bhutto[11] hay Ingrid Betancourt[12] chụp trước viện bảo tàng Cuộc Đổ Bộ. Vài người đàn ông được WAC mời đến nghe diễn từ hay làm diễn giả nhưng ta thấy họ chỉ xuất hiện lúc gần cuối đại hội. Thậm chí những nhà báo nữ cũng mặc váy lót – hay nói cho đúng hơn, theo như anh thấy trước mắt, bộ veste với quần dài theo thông lệ.

Tổ chức WAC là thị trường bự nhất, bỏ xa các thị trường khác, mà công ty S3E, mới có bảy năm hiện hữu, đã giành được. Nhưng nhờ có cái tiếng làm cho WAC này mà S3E ngày càng nhận thêm hợp đồng ở Paris đến mức Pierre đã nghĩ đến chuyện rời bỏ Marseille. Clara đã la làng khi nghe đến chuyện “lên lại” Paris, quên mất là mình đã bị trầm cảm khi phải “xuống” Marseille vài năm trước đó. Nhưng Clara thì lúc nào cũng đồng bóng như vậy mà!

Một tên bồi mặt không cạo râu, cuối cùng cũng đến gần anh.

- Cà phê, thưa ông? Hay ông muốn dùng thứ khác?

Giọng khô khốc.

- Không, tôi đã bị trễ... tôi đang vội.

- Ông không phải duy nhất mà.

Tên bồi bàn đưa tay lấy tách của Pierre, rót cà phê vào, đặt lên bàn nhưng quên để lại trên dĩa lót. Nước cà phê tràn ra ngoài tách làm bẩn khăn trải bàn. “Một tên làm phụ thêm đến từ Paris”, Pierre nghĩ thầm, tin rằng những bồi bếp ở tỉnh thì bao giờ cũng dễ thương hơn những đồng nghiệp Paris của họ. Nhưng xem nào, hình như hắn đang xin lỗi.

- Cám ơn, anh ân cần lắm, Pierre nói khi bỏ một cục đường vào tách.

Nhưng nói tôi nghe chuyện gì xảy ra ở khách sạn hôm nay vậy? Hồi nãy, tôi thấy người ta khiêng một người bị thương trên cáng...

Tên bồi đang bỏ đi liền quay gót trở lại.

- Ông không biết à? Phòng 112. Một cô người Thụy Điển bị khó ở chiều hôm qua. Bác sĩ đã đến khẩn cấp tối qua. Ông ta cho là dị ứng nên không đưa vào bệnh viện. Chẩn bệnh sai mà, theo ý tôi. Đúng hơn, tôi muốn nói là...

- Rồi sao nữa?

- Sáng nay người ta thấy cô đã hôn mê sâu, đang ở trong tình trạng nguy kịch, có vẻ thế. Đó là một quản đốc viện bảo tàng. Một cô nàng trẻ đẹp, tôi bảo đảm với ông đó! Nhưng mà hơi kỳ quặc: trưa hôm qua cô ta hỏi tôi trà Darjeeling... rồi khi tôi mang trà đến, cô ta lại bảo rằng cô đã gọi một double-crème[13] mà! Đâu thua bà chằng! Thế mà tôi cứ tưởng năm nay dễ chịu lắm. Họ đến ít đông hơn thường lệ, mấy bà superwomen[14] này.

Pierre không nhìn tên bồi rời đi. Anh đã cầm lấy cái điện thoại di động để đọc tin nhắn đến hồi nãy, khi anh ra khỏi phòng. Do Franck gửi đến, Franck là một đồng nghiệp cũ, được đào tạo bài bản ngành tin học như anh, đang làm cho một PME[15] ở Aix-en-Provence, và ngày thứ bảy thường chơi bóng rugby với anh.

MUỐN GỬI FAX CHO MÀY. SỐ FAX?

Hắn hẳn là muốn điện thoại cho mình mà không được đây. Khi các hệ thống phủ sóng bị giới hạn thì đôi khi các tin nhắn SMS vẫn đến được mà. Pierre ấn phím “gọi lại”, đề phòng trường hợp hệ thống hoạt động lại, để thử liên lạc thẳng với Franck. Tiếng bip-bip đứt quãng, đường dây bị bận. Anh để máy di động trên khăn bàn trắng và thấy thông báo của hãng điện thoại hiện trên màn hình:

Hệ thống bị tắc nghẽn.

Anh thử gửi tin nhắn, may quá, nó chạy lần này. Franck sẽ có câu trả lời của anh, càng tốt chứ sao. Số fax của khách sạn được in ở cuối trang thực đơn nằm chình ình trên bàn.

Pierre chen lách một cách khó khăn ra khỏi đám người tụ tập như cơn lốc xoáy trước phòng lễ tân Overlord và tiến về hội trường mang tên Eisenhower[16] nằm ở khu nhà sau. Anh rảo bước nhanh hơn. Các nhân viên kỹ thuật chắc sốt ruột vì sự vắng mặt của anh. Nhưng họ chắc cũng mang cùng nỗi lo âu như anh. Internet bị tê liệt. Sự cố tê liệt này lạ lùng quá. Lại khác dạng thông thường nữa. Nó gây cho anh những mối bận tâm kỹ thuật, nhất là sự can thiệp vào hệ số song công[17]. Anh đã làm việc với Bernard tới hai giờ khuya để hoàn chỉnh các giải pháp. Khiến đầu anh ê ẩm. Nhưng Franck... liệu hắn có thể có cái gì khẩn cấp đến nỗi phải nói chuyện với anh?

Bất ngờ một hình ảnh ngay lối vào hành lang dẫn đến hội trường làm anh đứng phắt lại. Trước mắt anh, những tấm ảnh của các đại biểu lần lượt xuất hiện trên một trong những màn hình được lắp đặt cho hội nghị. Toàn đàn bà không à, chắc chắn vậy rồi. Năm giây cho mỗi người. Chính anh là người đã điều chỉnh phần mềm mà. Nhưng anh đã không để mắt kiểm tra kỹ thuật toàn bộ hình ảnh. Thế rồi ngay đó, trên hàng chữ sáng, đỏ, Welcome to WAC[18], chung cho tất cả hình ảnh, vừa hiện ra khuôn mặt mà anh quen biết. Từ lâu lắm rồi. Trước khi tiểu sử của nàng được đăng trên các trang “Tài chánh” của tờ Wall Street Journal rất lâu. Tuy nhiên anh đã không thấy tên nàng trong tờ chương trình. Anh bước đến gần để đọc hàng chữ dưới bức ảnh.

Emma Shannon, khách mời danh dự

- Emma! Thật không ngờ! Anh lẩm bẩm, bất giác hé miệng mỉm cười.

Anh đã quen biết người đàn bà Mỹ này mười hai hay mười ba năm trước, khi anh tìm được công việc đầu tiên ở hãng Supra Data, thời mà anh còn làm việc ở Paris. Rất lâu trước khi anh xuống La Canebière[19]. Đó là một người đàn bà tóc nâu, gầy và cao, mang dòng máu Pháp qua bà mẹ, và ông bố làm việc trong ngành ngoại giao Mỹ. Nàng xinh đẹp, nhưng không đến nỗi làm người ta ngã ngửa, đúng hơn thuộc loại càng nhìn ta càng thấy đẹp ra. Chắc là nhờ mái tóc mềm, để dài ngang lưng. Răng nàng trắng và ngay hàng thẳng lối không chê được như người ta biết làm thế ở Hollywood, nhưng đủ nhọn, than ôi, để làm xước sàn gỗ. Emma Shannon đã lớn lên ở năm hay sáu nước khác nhau, học hành ở những trường trung học tốt nhất, rồi nàng tốt nghiệp đại học Harvard trước khi đến học tiếp ở Sciences-Po Paris[20], chắc là để ghi thêm một hàng độc đáo trên bản CV[21] của mình. Ở hãng Supra Data, nơi Emma trụ lại ba năm, nàng có tiếng là làm ăn hiệu quả trong công tác thương mại, nhưng ít mềm dẻo, không chịu được những cuộc họp bắt đầu trễ. Và nàng không ngớt than phiền về cung cách làm việc của người Pháp. Vả lại nàng đã quay ngay về sống ở Mỹ khi bắt được cơ hội đầu tiên. Vào thời kỳ nàng và Pierre cùng là đồng nghiệp, hai người đôi khi đi chung đến gặp khách hàng và ăn tối chung năm hay sáu lần, không hơn thế. Cái nhịp quan hệ bình thường của một tình bạn bề ngoài.

Nhưng cú siêu đẳng của Emma, thì anh chỉ khám phá ra hai hay ba năm sau đó. Cô Shannon trở thành người tình của Dan Barett, người sáng lập ra hãng Controlware – ngay từ hồi đó đã là một tay quyền lực nhất trên hành tinh tin học. Thực ra, chuyện tình của hai người đã bắt đầu ngay từ giảng đường đại học Harvard vào những năm cuối 1980 và gián đoạn khi Emma đi Pháp. Nhưng khi nàng trở về Mỹ, cuộc tình hồi sinh, mà lại ảo hơn là thực lần này. Ở trong hai thành phố cách nhau hàng ngàn cây số, hai người tình chọn đi xem cùng một phim cùng giờ giấc rồi điện thoại cho nhau sau đó để trao đổi cảm tưởng của mình. Mỗi người lắp đặt webcam trong căn hộ của mình để có thể đối diện nhau, khi thì ăn sáng, khi thì đi tắm, bằng truyền hình trực tiếp. Thư điện tử, MMS[22], tin nhắn SMS nối tiếp nhau ngày, đêm, khi trên giường, khi trên máy bay. Hơn nữa, trong cuốn tự truyện Những bộ nhớ của tôi (khả biến)[23], Barett gợi lại nhưng không nêu tên mối quan hệ của mình với Emma. Đặc biệt, ông đã kể lại chuyện tuy ở Boston nhưng lại kết bạn tình với người đàn bà ở San Francisco, ông đã áp dụng các hệ thống số để sống với nàng từ xa.

Cái dây rốn kỹ thuật này chắc là trở nên không đủ, bởi vì hai anh, chị tiên phong cho cuộc sống chung ảo này lại chia tay thêm một lần nữa vào năm 1999, “do không cùng có chung những ưu tiên trong cuộc sống” (chi tiết này không có trong sách của Barett nhưng xuất hiện trên một mạng Internet không được phép). Ngay sau đó ông chủ của Controlware lập gia đình với Amelia Gender, nhưng tin đồn quả quyết rằng ông đã cho ghi vào trong hôn ước một điều khoản cho ông cái quyền mỗi năm được sống một “cuối tuần lớn” với Shannon. Bảy mươi hai giờ “động não ráo riết” để cho, một cách chính thức, hai nhân vật tìm gặp lại nhau để suy nghĩ về tương lai của thế giới, của những kỹ thuật, của con người, v.v...

Pierre đọc trên tờ chương trình, Emma từ nay là CEO and co-founder[24] (chủ tịch và đồng sáng lập) của Berkings & Shannon. Tên của công ty này hoàn toàn xa lạ với anh. Rồi một ý tưởng hiện ra một khoảnh khắc trong đầu anh, rằng Emma đâu có danh tiếng gì to tát để biện minh cho sự có mặt của nàng ở đây, giữa những executive women[25] tầm cỡ thượng hạng, nàng được mời đến nhờ mối quan hệ với Dan hơn là nhờ tài cán của riêng nàng. Suy nghĩ kiểu này chắc sẽ làm nàng công chúa Shannon giận tím mặt. Tấm ảnh, ngược lại, phản ánh đúng chân dung nàng mà anh còn giữ trong trí nhớ. Emma đã không thay đổi nhiều lắm trong mười hai năm qua. Pierre tự nhủ gặp lại nàng thì cũng vui thôi.

Trong phòng điều khiển máy móc của hội trường, mọi sự có vẻ hoạt động bình thường. Năm nhân viên kỹ thuật đang ở vị trí của mình. Pierre đi kiểm tra để các mi-crô và máy tính hoạt động tốt ở các phòng họp phụ, nơi các hội thảo nhóm – workshops, như mấy quý bà này nói – bắt đầu lúc 10 giờ như đã định. Rồi anh trở lại sân hiên: nữ tổng thống nước Chi lê, Michelle Bachelet, sẽ nói chuyện ở đây trong buổi ăn trưa. Hai kỹ thuật viên đang hối hả lắp đặt các màn hình chuyển tiếp và mấy cái loa to đùng.

Anh bỗng nghĩ đến lại lá thư fax của Franck. Nó có đưa ra lời giải thích nào về việc Internet bị tê liệt không? Từ ngày bắt đầu làm việc trong lãnh vực tin học, Pierre đã thấy đủ thứ chuyện thượng vàng hạ cám, nào sự cố, nào virus, nào bug... Thông thường, anh hiểu khá nhanh các nguyên nhân. Hay là anh nhờ một tên bạn, cựu thành viên của nhóm Doomsday[26], nói cho biết rõ. Doomsday hồi đó là một băng bạn thân, trong những năm 1980, vui đùa bằng cách trộm các chương trình tin học. Chẳng có gì độc hại lắm đâu, chỉ là những sự đột nhập nhỏ nhặt và thú vị, chính là để chứng tỏ mình giỏi hơn thôi. Mỗi khi có ai giới thiệu anh là một cựu tin tặc, Pierre phản đối quyết liệt. Cũng như anh, phần lớn những tên bạn thân tin tặc đó đã quay về chính đạo. Họ đã tìm được việc làm lương cao ở các bộ phận nghiên cứu thuộc các công ty sản xuất phần mềm chống virus.

Anh nhớ lại virus Slammer vào năm 2003 đã tấn công ngay trung tâm hệ thống Internet và thâm nhập, bên cạnh các nạn nhân khác, nhà máy nguyên tử Davis-Bess ở bang Ohio, Mỹ. Và chính một trong những tên bạn ngày xưa đó đã tìm ra đầu tiên miếng đánh trả. Ngày nay Internet được bảo vệ nghiêm nhặt. Hệ thống được ghép đầy những bộ phận dò bắt đủ sức báo động đến các chuyên viên mỗi khi có cái gì bất thường xuất hiện, ví dụ như giao lượng nhiều (hay ít) bất thường trên một mạng hay một nhóm đang “chat”. Trên nguyên tắc, phải cần gần hai giờ để các chuyên viên nhận diện triệu chứng mới và kích hoạt các phương tiện phòng chống. Một cuộc tấn công, theo những tên sành sỏi trong nghề, chỉ có thể gây thiệt hại lớn nếu nó vừa ào ạt, vừa được lan truyền rất nhanh. Dưới mười phút, nói cho chính xác. Về mặt lý thuyết, tình thế giả định này là bất khả. Về mặt lý thuyết... Pierre quá rành tin học để không biết là trong lãnh vực này những định đề thường bị thực tế bác bỏ.

Nhưng sự cố tê liệt xảy ra ngày hôm nay thì sao? Điều đáng lo ngại, ngoài chuyện thời gian kéo dài, là chưa ai tìm ra được nguồn gốc. Và việc các hệ thống điện thoại di động bị tắc nghẽn cũng gây khó khăn cho sự trao đổi giữa các chuyên viên.

Anh đi đến quầy lễ tân. Thực vậy, một thư fax đang chờ anh. Trong khi nhân viên lễ tân rời quầy đi lấy nó, anh đưa mắt nhìn lên màn hình TV treo sau quầy; trên đài TF1, bản tin ngắn đặc biệt lại dài dòng với hình ảnh dòng người sắp hàng trước quầy check-in ở các phi trường Nice và Orly. Một quan chức SNCF[27] đọc như thuộc lòng trước mi-crô bản tuyên bố khuyên khách hàng ngừng đặt chỗ trên trang mạng sncf.com. Tiếp theo, người ta nghe cái giọng như dế gáy của phóng viên thường trú của đài ở Seoul nói qua điện thoại, cho biết là khắp Hàn Quốc hệ thống di động và Internet đều bị tê liệt từ vài giờ nay, và ở nước đó, sự cố đã biến thành nỗi kinh hoàng tập thể.

Thực vậy, thư fax của Franck liên quan đến việc Internet ngưng trệ. Đó là một bài báo bằng tiếng Anh, viết cho ấn bản trực tuyến của zdnet, một tờ báo chuyên ngành, mà chính Franck đã nhận được qua fax. Pierre bắt đầu đọc nó khi đi bộ lên cầu thang, vì lần này các thang máy đều ngừng chạy.

Một cuộc tấn công ồ ạt làm tê liệt cột sống Internet

David Blast và Terry McGuire

Zdnet.com

Washington, thứ ba 11 tháng 9-2007, 11 giờ 30.

Một cuộc tấn công ồ ạt được sửa soạn và phối hợp công phu, bắn trúng tim hệ thống Internet từ 8 giờ 46 phút. FBI[28] xác nhận chắc chắn đây là cái mà các chuyên viên gọi là một sự từ chối dịch vụ được phân tán (distributed denial of service). Kiểu tấn công này gây ra hiện tượng các dữ liệu chạy dồn dập trong các hệ thống cho đến khi chúng bị nghẹt ứ. Biết cuộc tấn công này từ đâu ra không? David Wray, phát ngôn viên của Trung tâm quốc gia bảo vệ các cơ sở hạ tầng, trả lời rằng còn quá sớm để biết được nguồn gốc và những tác nhân của hành động nguy hại này. FBI xác nhận rằng mười trên mười hai máy chủ sơ cấp bỗng dưng ngừng hoạt động, tất cả cùng một lúc, ngày thứ ba, lúc 8 giờ 46 phút. Cuộc tấn công còn tái diễn một giờ sau đó và đã làm tê liệt máy chủ thứ mười một. Những máy tính này, được gọi là máy chủ sơ cấp (hay root server, máy chủ gốc), lập thành bộ phận đầu não thực sự của Internet. Thực vậy, khi người sử dụng Internet gởi một thư điện tử hay truy cập vào một trang mạng, cái địa chỉ mà họ đánh vào (ví dụ như www.cnn.com) phải được phiên sang một con số. Con số này thì gồm bốn lốc, mỗi lốc có ba ký hiệu đi từ 000 đến 255 (ví dụ như 234.020.123.143) và được gọi là địa chỉ IP, đây mới là địa chỉ thực sự của trang mạng. Nó được lưu trữ trong các máy chủ sơ cấp đáng chú ý này, nằm rải rác khắp thế giới. Như thế các máy chủ hoạt động như những niên bạ khổng lồ mà hàng triệu người vào tham khảo hàng ngày.

Một cuộc tấn công trước đó, nhắm vào các máy chủ sơ cấp đã xảy ra vào tháng mười hai năm 2000. Amazon, eBay, Yahoo và các tên tuổi lớn trong lãnh vực thương mại điện tử đã bị phong tỏa nhiều giờ liền. Nhưng vào thời đó chỉ có tám máy chủ bị virus thâm nhập và hệ thống toàn cầu chỉ đơn giản là bị chạy chậm lại.

Sự từ chối dịch vụ là một phần của những mũi tấn công đột ngột vào Internet, nhưng cuộc tấn công ngày hôm nay hình như rộng khắp và bạo liệt chưa từng thấy. Người ta lo ngại rằng cả mười ba máy chủ đều cùng bị chặn, trước khi có thể sửa chữa kịp. “Sự phong tỏa tuyệt đối chỉ là vấn đề vài giờ thôi, có lẽ vài phút, theo lời tuyên bố của Louis Touton, phó chủ tịch của Internet Software Consortium. Đó là một cuộc tấn công ồ ạt nhất mà chúng ta biết được trong lịch sử Internet.” Nhiều vị trách nhiệm của những máy chủ sơ cấp mà chúng tôi liên lạc được xác nhận lời tuyên bố trên nhưng yêu cầu giấu tên. Một người trong số họ đã dùng từ “sóng thần tin học[29]”.

Tới tầng của mình, Pierre buột miệng chưởi thề. Anh đã hiểu cái gì giấu đằng sau vài từ kỹ thuật dùng trong bài báo: đây chính là một cuộc động đất tin học, một cơn sóng thần loại mới. Internet là mục tiêu của một virus hủy diệt. Một con sâu bọ hung hãn và dai dẳng hơn cả Blaster, Slammer, SoBig và tất cả dòng vô tính của chúng được lưu thông trong mấy năm gần đây.

Quá trình tấn công thì đơn giản. Một virus cách mạng, kín đáo trong cách tiếp cận, đủ sức tự kích hoạt vào ngày, giờ tự chọn, đã được phân tán – chắc là qua thư điện tử – trong hàng triệu máy tính. Con virus này đã biến tất cả bộ máy tính này thành ma quỷ, thành nô lệ tuân lệnh một cách mù quáng. Và tất cả đám ma quỷ này, vào một khoảnh khắc định trước và đồng thời, gửi những đòi hỏi đến những máy chủ trung tâm của Internet, gửi nhiều đến nỗi chúng làm tê liệt cả hệ thống.

Tuy nhiên, một sự cố tê liệt như thế có vẻ khó tin. Bởi vì, ngoài mười ba máy chủ DNS sơ cấp mà bài báo nói đến, còn có hàng ngàn máy chủ gọi là “gương” được dùng như thể là những niên bạ trung gian; khi một người sử dụng Internet tìm kiếm một trang mạng, lời yêu cầu của họ không đi thẳng đến máy chủ sơ cấp mà đến một trong những máy chủ “gương” để được xử lý. Nhưng sự thể có vẻ không tin được là mấy máy chủ “gương” này cũng đều bị tê liệt hàng loạt. Ngoài ra, Pierre tin rằng chuyện mười ba máy chủ đáng chú ý trên đều bị khuất phục cùng lúc là điều gần như bất khả. Chúng, tất cả, đều được trang bị với những hệ thống an ninh đủ sức báo động ngay khi mức độ trọng tải lên quá cao, ít nhiều giống như một con sông dâng nước đe dọa tràn bờ. Nếu các tín hiệu báo động này không hoạt động, có phải điều này có nghĩa là chúng đã bị vô hiệu hóa bởi ai đó làm việc ngay bên trong các phòng chứa các máy chủ này không?

Một giả thuyết khó mà nuốt cho trôi. Phần lớn những máy chủ, trong thực tế, là do các trường đại học nắm giữ. Về mặt nguyên tắc, một tin tặc không tấn công vào những tổ chức kiểu này. Cộng đồng tin tặc sẵn lòng chọn lựa những tập đoàn công nghiệp lớn, những doanh nghiệp độc quyền, hay Dan Barett, nhưng không bao giờ tấn công các cơ sở giáo dục hay các hội đoàn phi lợi nhuận. Một kỷ luật không chính thức được tôn trọng trong lòng cộng đồng, một quy tắc về hạnh kiểm tốt của quý ông tin tặc. Họ nghe Bob Dylan hát Khi ta chọn sống ngoài vòng luật lệ, thì cũng phải chọn làm người lương thiện. Họ ngưỡng mộ Legion of Doom và Chaos Computer Club, nhưng thực ra họ tìm cách phá hủy thế giới thì ít hơn là tìm cách chỉ ra cách nào để thế giới vận hành tốt hơn. Phải chăng cái hiệp ước ngầm giữa các hiệp sĩ tin học đã bị hủy bỏ?

Pierre có trực cảm là anh đang chứng kiến một cuộc tấn công không những mang tầm cỡ khác hẳn những cuộc đụng độ tin học lẻ tẻ, nhỏ nhoi mà thế giới từng biết đến nay, mà nó còn nhắm đến mục tiêu rất khác nữa.

Phía dưới trang thứ hai Franck viết vội vài chữ. Dưới ánh sáng được làm dịu trong hành lang, Pierre thấy khó nhận ra nét chữ li ti của tên bạn mình. Anh đi vào phòng và để lá thư fax dưới ngọn đèn halôgen trên bàn giấy. Lúc đó anh mới đọc được rõ rệt:

“Pierre, lần này chính là Đại Số Dách[30].” Đại Số Dách được gạch đít ba lần.

Pierre ngồi phịch xuống giường, đầu như phát điên. Không thể nào như thế được! Tay Franck này cường điệu quá đi.

Đại Số Dách. Con virus tột cùng. Không ai trên đời này có thể chống đỡ nó được. Nó sẽ làm tan tành các hệ thống. Làm tê liệt các máy móc, các trang thiết bị hiện đại. Các máy chủ của các doanh nghiệp, các đài kiểm soát không lưu, các tổng đài điện thoại, các sở chỉ huy an ninh, các nhà máy nguyên tử, v.v... và Pierre cũng biết đoạn tiếp theo. Đại Số Dách, đó là bệnh dịch hạch số, là bệnh thổ tả của xã hội điện tử. Bệnh truyền nhiễm ảo không ai biết thuốc giải độc.

Đó là cơn mộng dữ lâu đời của những ai trong nghề tin học. Cơn mộng dữ này giờ đây đang thành hiện thực.


[1] Chúng ta là những nhà vô địch.

 

[2] Viết tắt của Short Message Services (Dịch vụ thông báo ngắn).

 

[3] Viết tắt của Hors Service (Không sử dụng được).

 

[4] Tên hai phi trường quốc tế ở Paris.

 

[5] Viết tắt của Asymmetric Digital Subscriber Line (Đường dây thuê bao số bất đối xứng).

 

[6] Trang âm, Chiếu sáng, Thiết bị tin học và Kỹ thuật điện tử.

 

[7] Một loại vải trước làm ở nước Anh, có mô típ bằng đường thẳng cắt nhau, với nhiều sắc độ khác nhau nhưng cùng một màu.

 

[8] Nữ doanh nhân.

 

[9] Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ, hiện là Bộ trưởng ngoại giao Mỹ.

 

[10] Nữ chính trị gia Pháp, cựu ứng cử viên tổng thống Pháp.

 

[11] (1953-2007): Cựu nữ thủ tướng nước Pakistan. Bị ám sát vào tháng 12-2007.

 

[12] Nữ chính trị gia nước Colombie, sinh năm 1961, bị bắt làm con tin sáu năm (2002-2008).

 

[13] Double-crème: phó mát (fromage) có chất béo trên 60%.

 

[14] “siêu phụ nữ”

 

[15] PME: viết tắt của Petites et Moyennes Entreprises (các doanh nghiệp nhỏ và vừa).

 

[16] (1890-1969): Tư lệnh quân Đồng minh trong cuộc đổ bộ 6-6-1944 ở Normandie. Sau này là Tổng thống Mỹ (1952-1960).

 

[17] Có thể vừa nhận vừa gửi tin.

 

[18] “Chào mừng bạn đến Đại hội Phụ nữ Thường niên”

 

[19] Tên một đại lộ trung tâm của thành phố Marseille, Pháp.

 

[20] Tên đầy đủ là Institut des Sciences Politiques (Học viện Khoa học Chính trị) ở Paris.

 

[21] Viết tắt của Curriculum Vitae, bản ghi tóm tắt (thường hai hay ba trang) quá trình học vấn, đào tạo và kinh nghiệm làm việc, cần thiết khi đi xin việc làm.

 

[22] Manufacturing Message Services: Dịch vụ thông báo sản xuất.

 

[23] Bộ nhớ khả biến (thuật ngữ tin học) cho phép người sử dụng đọc hay sửa đổi tùy ý nội dung chứa đựng trong nó.

 

[24] Tiếng Anh và in nghiêng. CEO là viết tắt của Chief Executive Officer, hay Tổng giám đốc, chứ không hẳn là chủ tịch như tác giả viết trong ngoặc.

 

[25] Phụ nữ lãnh đạo ở các cơ quan công quyền hay các doanh nghiệp...

 

[26] Ngày tận thế.

 

[27] Viết tắt của Société Nationale des Chemins de Fer (Hãng xe lửa quốc gia, Pháp).

 

[28] Viết tắt của Federal Bureau of Investigation: Cục Điều tra Liên bang (Công an nước Mỹ)

 

[29] Nguyên văn: “tsunami informatique”.

 

[30] Nguyên văn in nghiêng: Big One.

 

Other News