Vấn đề “lập thân” của giới trẻ được đưa ra trong một vế của buổi tọa đàm về tủ sách Thu Giang Nguyễn Duy Cần do Nhà xuất bản Trẻ cùng Trung tâm văn hóa Pháp phối hợp tổ chức chiều 17/2 vừa qua
"... học nhiều và học thức không giống nhau.
Phần đông chúng ta thường nhận lầm việc ấy. Chúng ta thường đánh giá con người theo bằng cấp của họ, những bằng cấp ấy phần nhiều là những bằng cấp trí nhớ: kẻ nào nhớ giỏi thì thi đậu. Sự nhận xét sai lầm này gây không biết bao tai họa cho loài người hiện thời.
Tóm lại, người học thức không phải cần biết thật nhiều, mà cần phải thật biết những gì mình đã biết.
Biết, thì biết là mình biết, không biết thì biết là mình không biết, ấy mới thật là biết. Học thức là một vấn đề thuộc PHẨM, chứ không phải thuộc LƯỢNG."
(Trích trang 18 quyển Tôi Tự Học của Thu Giang Nguyễn Duy Cần)
Đây cũng là một trong những trích dẫn được những độc giả tâm đắc chia sẻ tại buổi tọa đàm. Độc giả Nguyễn Đình Thành, dịch giả cuốn “Nửa kia của Hitler” (tác giả Eric Emmanuel Schmitt, giải thưởng dịch thuật Hội nhà văn Hà Nội năm 2008) là một trong những người “đồng thanh tương ứng” với tác giả Nguyễn Duy Cần ở việc tự học. Anh cũng cho rằng, “lập thân” là việc một người trẻ cần làm trước khi “lập nghiệp”, có như vậy, việc lập nghiệp mới được bền lâu, có gốc rễ, bền vững chứ không phải làm giàu chộp giật. Nguyễn Đình Thành nói, những người làm sách, nếu thực sự quan tâm đến giới trẻ và sự phát triển của đất nước, cần chú ý hơn nữa tới dòng sách chia sẻ tri thức và các giá tri văn hóa, góp phần hướng dẫn người trẻ tự trau dồi, tự rèn luyện bản lĩnh ứng xử, xây dựng cho mình những giá trị tinh thần bất biến để có thể “ứng vạn biến” trong mọi tình huống của cuộc sống. Những cuốn sách như thế có độ bền vững hơn nhiều so với những cuốn cẩm nang làm giàu đang tràn ngập thị trường – những cuốn sách tự nó cũng là những giá trị, song nếu người đọc không có sẵn một nền tảng văn hóa tri thức sẽ không tránh khỏi tư duy “ăn xổi” trong mọi việc, nhất là “lập nghiệp”.
Sách của Thu Giang Nguyễn Duy Cần khuyến khích người ta “lập thân” trước khi “lập nghiệp” là như vậy.
Thật thú vị khi được ngồi trong khán phòng kín gần 200 chỗ, trong một đêm mùa đông cực lạnh của Hà Nội, nhận thấy phần lớn người tham dự là người trẻ! Ngay trên hàng ghế khách mời, ngoài hai diễn giả chính là họa sĩ Đỗ Biên Thùy, người dày công nghiên cứu và tâm huyết với việc phục hồi tủ sách, và TS Nguyễn Thụy Anh với vai trò người dẫn dắt cuộc tọa đàm, còn có sự tham gia của hai người trẻ – Nguyễn Hữu Đại sinh năm 1986 và Nguyễn Anh Vũ sinh năm 1989. Điều đáng nói hơn là cả hai khách mời đặc biệt ấy đều am tường nhiều khía cạnh kiến thức mà học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần đã trình bày trong các tác phẩm của mình, có thể say sưa nói về các giá trị học thuật, tư tưởng của Nguyễn Duy Cần với cách lập luận gãy gọn, khúc chiết. Nguyễn Hữu Đại nói về “cái dũng của thánh nhân”. Nguyễn Anh Vũ lại chia sẻ về dịch học... Những người trẻ sôi nổi đến nỗi, tinh thần của họ khiến nhiều vị khách đứng tuổi dưới cử tọa cũng nhiệt tình chia sẻ ý kiến. Ông Nguyễn Đức Thạc, 75 tuổi, cán bộ giảng dạy môn tâm lý học đã nghỉ hưu bày tỏ nỗi vui mừng của ông về tinh thần trẻ ấy. Ông cũng như nhiều người có mặt ở đây, vừa ngạc nhiên về số lượng các bạn trẻ quan tâm đến tủ sách Thu Giang Nguyễn Duy Cần, vừa cảm thấy một sự đồng cảm lớn lao giữa các thế hệ. Đó cũng là tinh thần mà cụ Nguyễn Duy Cần từng nói về những người đọc tương lai của các tác phẩm của mình - “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Sách của cụ viết ra không phải cho tất cả mọi người mà cần có được sự cộng hưởng từ phía độc giả, trên nền tri thức, phông văn hóa và trải nghiệm của họ. Các “thuật” mà cụ Cần nêu ra trong các cuốn sách cần được tiếp nhận và vận dụng trên cơ sở trải nghiệm chủ quan của con người – ông Nguyễn Đức Thạc nhấn mạnh.
Theo HỮU PHÚC - Văn nghệ quân đội