Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

J.K.ROWLING – CHIẾC VẠC SÔI KHÔNG BAO GIỜ TẮT LỬA
Update Date: 08/07/2017

Giống như “chiếc vạc sôi không bao giờ tắt lửa” (cụm từ dùng trong Harry Potter), sau thành công vang dội của Harry Potter, J.K.Rowling vẫn miệt mài sáng tác không ngừng nghỉ. Có những sáng tác còn phảng phất chất cổ tích, huyền bí của loạt truyện về cậu bé phù thuỷ. Nhưng có những tác phẩm mang màu sắc hoàn toàn mới, như Con chim khát tổ và Con tằm.

Con chim khát tổ

Kết quả hình ảnh cho con chim khát tổ review

Tác phẩm đào sâu những bí mật bị vùi lấp đằng sau ánh hào quang chói loá của ánh đèn showbiz. Ở nơi đó, cô người mẫu xinh đẹp Lula Landry đã nhảy lầu tự sát trong một đêm tuyết rơi lạnh giá mùa đông. Với những tay săn ảnh đã chờ mấy tiếng đồng hồ trong cái đêm cô chết để có được tấm ảnh Lula say xỉn với bạn trai nhưng lại từ bỏ khi tuyết rơi dày hơn, ấy hẳn là sự ân hận và thất vọng cả đời. Chỉ cần chụp cái khoảnh khắc nàng rơi từ ban công – họ giàu sụ cả đời. Kết luận của phía cảnh sát điều tra là Lula đã tự sát, nhưng anh trai nàng lại không tin vào điều đó. Bởi một người trẻ tuổi nhiệt huyết như em gái ông không có lí do gì để chết, nhưng lại có qúa nhiều tham vọng để sống. Hi vọng duy nhất của ông, như được Chúa trời dẫn dắt, chính là Comoran Strike, người bạn cũ của em trai qúa cố.

Con chim khát tổ vẽ nên bức tranh u ám về thế giới ngôi sao, nơi những con kền kền giới showbiz – tức cánh báo chí chầu chực từng phút giây để có thể rỉa ráy những bí mật đời tư của nghệ sĩ. Nơi đó cũng không tồn tại tình cảm chân thật: Tình yêu, tình thân và tình bạn đều có thể mua được, chỉ cần người ta trả một cái giá xứng đáng. Hẳn người đọc sẽ nhiều lần thắc mắc tại sao một nơi cạm bẫy và đáng sợ như thế, người ta vẫn chấp nhận dấn mình như những con thiêu thân lao vào biển lửa? Theo chân chàng thám tử Comoran Strike và cô trợ lý Robin Ellacott xinh đẹp, cái chết của Lula Landry là hạ màn cho một kiếp người, nhưng lại vén màn cho vở kịch showbiz đầy tăm tối. “Chính báo giới chết giẫm đã xô cô ta ra ngoài cửa sổ" - lời nói của một rapper được lặp lại xuyên suốt câu chuyện.

Con Tằm

Kết quả hình ảnh cho con tằm j.k.rowling

Vẫn theo chân bộ đôi thám tử Comoran Strike và trợ lý Robin Ellacott, lần này J.K.Rowling lại đưa bạn đọc đến một thế giới nghệ thuật mới, nơi mà chính bà cũng thuộc về một phần: giới văn chương. Owen Quine, một tiểu thuyết gia mất tích. Vợ ông tìm đến tay thám tử tư Cormoran Strike để tìm sự giúp đỡ. Có lẽ Quine chỉ đi đâu đó vài ngày mà không báo lại, nhưng điều đáng ngờ hơn là từ ngày ông ta mất tích, phân chó chất đầy hòm thư nhà vợ chồng họ. Phải đến khi người ta phát hiện ra xác ông Quine trong một tư thế kì lạ, mọi chuyện giờ đây mới dần dần được hé lộ. Nghi can số một của vụ án là bà Owen. Thế nhưng, Strike lại nảy sinh sự đồng cảm không ngờ với người đàn bà ấy. Anh không tin vào kết luận và bắt tay điều tra chân tướng vụ án. Tác phẩm xoay quanh một tác phẩm giả tưởng khác, có tên … do chính tay nạn nhân viết. Nguyên do đó là một bản thảo châm chọc sâu cay đến qúa nhiều cuộc sống của nhiều người ông ta quen. Vì lí do đó, có rất nhiều kẻ sẵn sàng bắt tác giả bản thảo phải im lặng mãi mãi.

Nhà văn sáng tác như tằm nhả tơ, tất cả đều đẹp đẽ vô cùng. Hay chăng một vụ án mạng chằng chịt những nghi ngờ, lớp lớp sự thật được che dấu bởi thủ đoạn tinh vi của hung thủ tựa như khi con tằm nhả tơ? Với con tằm, J.K.Rowling đã miêu tả một thế giới đằng sau văn chương. Nhưng những kẻ luôn sống vì sứ mệnh đẹp đẽ và cao qúi của văn chương, họ có thật sự xứng đáng với những gì mà ngòi bút mình đang rêu rao. Cái tôi của nhà văn là cần thiết, thế nhưng, nếu nó không được thể hiện trên những con chữ mà thay bằng cách suy nghĩ, ứng xử ngạo mạn, tự kiêu thì là điều thất bại. Những tay viết tự ru mình là thiên tài bị lãng quên, những biên tập viên nát rượu và chỉ chạy theo giá trị của đồng tiền, những kẻ bị coi là dở hơi và làng nhàng trong nghề viết,… tạo nên góc tối của thế giới văn chương và xuất bản. Cuốn sách đưa bạn đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, để đến khi trang sách cuối cùng được gấp lại, lời thơ Thomas Dekker được Rowling lấy làm lời đề tựa vang lên:

“Thi nhân nặng bước, trò bi thảm

Nguyệt quế quanh đầu tựa gai đinh”

Cả hai tác phẩm ược viết dưới bút danh Robert Galbraith, có lẽ J.K.Rowling lo sợ tác phẩm trinh thám đầu tay của mình bị cái bóng qúa lớn của Harry Potter che phủ, cũng nhưu những kì vọng và cường điệu quá mức từ phía độc giả. Hoặc phải chăng, nữ nhà văn muốn đưa ra một phép thử: dưới bút danh của một văn sĩ hoàn toàn xa lạ, liệu công chúng sẽ đánh giá tác phẩm của mình như thế nào, khi không có mác cộp “được viết bởi mẹ đẻ của Harry Potter” giống như nhãn dán đính kèm để bảo đảm thương hiệu cho các món hàng sang trọng thường thấy? Bán chất lượng chứ không bán thương hiệu. Với con chim khát tổ cùng Con tằm, J.K.Rowling hẳn đã không làm cả hai phe fan trinh thám và fan Harry Potter thất vọng.

Hoàng Trang

Other News