Trái tim mách bảo là tác phẩm của tác giả người Ý, Susanna Tamaro, được đón nhận rất nồng nhiệt ngay từ khi ra mắt và nhanh chóng trở thành cuốn sách được mua nhiều nhất trong thế kỷ 20 tại Ý. TRÁI TIM MÁCH BẢO là tự sự trong những ngày sống cuối cùng của một người bà thông qua những bức thư không gởi dành cho đứa cháu gái duy nhất đang ở rất xa mình. Về nhiều khía cạnh, lời tự sự cũng là lời tự thú của người bà về những bí mật mà bà đã tưởng sẽ mang theo xuống mồ về ông ngoại thật sự, về ông bố vô danh và người mẹ đầy những hoang mang của cô bé. Trên hết, đây không chỉ là những chi tiết giật gân về những bí ẩn cuộc đời mà là những suy tưởng rất sâu sắc, đầy trải nghiệm và chan chứa yêu thương về tình yêu, về cái chết, về cả sự đúng đắn trong hành xử của con người…
CHÁU ĐI đã được hai tháng rồi, và trong suốt hai tháng ấy bà chẳng nhận được tin tức gì ngoài tấm bưu thiếp vỏn vẹn lời nhắn rằng cháu vẫn còn sống. Sáng nay, lúc ở trong vườn, bà đứng trước cây hoa hồng của cháu rất lâu. Dù trời đã sang thu, cây hoa hồng vẫn trổ hoa đỏ rực, đứng ngạo nghễ giữa những bụi cây tàn úa khác. Cháu còn nhớ lúc bà cháu mình trồng nó chứ? Lúc đó cháu chỉ mới mười tuổi đầu và vừa đọc xong cuốn Hoàng Tử Bé, món quà bà tặng cháu nhân dịp học hết lớp Năm. Cháu đã yêu cuốn sách ấy biết nhường nào. Trong tất cả các nhân vật, cháu yêu nhất cây hoa hồng và con cáo; cháu không thích cây bao báp, con rắn, người phi công hay bất kỳ gã đàn ông rỗng tuếch và kiêu ngạo nào trên những tiểu hành tinh. Và rồi vào một buổi sáng nọ lúc đang ăn sáng, cháu bảo rằng, “Cháu muốn một cây hoa hồng.” Khi bà phản đối vì chúng ta đã có rất nhiều hoa hồng trong vườn, cháu vẫn cương quyết, “Cháu muốn một cây của riêng cháu cơ, cháu muốn chăm nó và giúp nó lớn thật cao.” Dĩ nhiên là ngoài cây hoa hồng, cháu còn muốn một con cáo. Cháu bé bỏng của bà thật ranh mãnh khi biết đề nghị thứ đơn giản trước một thứ khác hầu như không thể thực hiện được. Làm sao bà có thể từ chối con cáo khi đã đồng ý về cây hoa hồng chứ? Thế là chúng ta đã tranh luận thật lâu, và cuối cùng thỏa hiệp rằng cháu sẽ có một con chó.
Đêm trước khi đi gặp con chó cháu đã không hề chợp mắt. Cứ mỗi nửa tiếng đồng hồ cháu lại gõ cửa phòng bà và nói, “Cháu không ngủ được.” Trước bảy giờ sáng hôm sau, cháu đã tắm rửa, ăn mặc chỉnh tề, dùng xong bữa sáng, rồi mặc sẵn áo khoác và ngồi đợi bà trên chiếc ghế bành. Đúng tám giờ rưỡi bà cháu mình có mặt tại cổng Trại thú nuôi khi nó còn chưa mở cửa. Cháu liên tục ngó qua song sắt và hỏi, giọng đầy lo lắng, “Làm sao biết con nào là của cháu hở bà?” Bà cố gắng trấn an cháu rằng, đừng quá lo, cứ nhớ cách Hoàng Tử Bé thuần phục con cáo là được thôi mà.
Và rồi chúng ta đã trở lại Trại thú nuôi ấy liên tiếp trong ba ngày. Có tới hơn hai trăm con chó, mà cháu thì muốn xem hết tất cả chúng. Cháu dừng lại trước mỗi chuồng và đứng yên lặng như một người vô hồn, dửng dưng với tất cả mọi thứ xung quanh, trong khi những con chó dữ tợn lao vào lưới thép, nhảy chồm chồm và sủa váng lên, gắng sức xé toạc những mắt lưới với vuốt chân nhọn hoắt. Bà chủ trại đã ở đấy với chúng ta. Bà ta tưởng cháu cũng như mấy cô bé bình thường khác nên cứ cố làm cho cháu chú ý đến đám chó chỉ được cái mẽ ngoài. “Nhìn con Cocker Spaniel này này,” bà ta cất giọng, rồi lại hỏi “Cháu thích con Collie kia chứ?” Câu trả lời duy nhất của cháu chỉ là vài tiếng càu nhàu, rồi cháu tiếp tục đi đến những chuồng khác mà chẳng hề đoái hoài tới bà ta.
Vào ngày thứ ba của cuộc tìm kiếm đầy cam go này, chúng ta đã gặp Buck. Cậu ta ngồi tít mé sau một trong những chiếc cũi dành riêng cho các con chó đang dưỡng bệnh. Khi bà cháu mình đến đó, thay vì chạy tới đón chào cùng những con chó khác, cu cậu ngồi thừ ở đấy và thậm chí chẳng buồn ngẩng đầu lên. “Nó kìa!” cháu reo lên, chỉ tay vào cậu ta. “Cháu muốn con chó đó.” Cháu còn nhớ vẻ kinh ngạc trên khuôn mặt bà chủ trại chứ? Bà ta không thể hiểu nổi tại sao cháu lại chọn con chó lai tội nghiệp ấy. Tất nhiên là bà ta không thể hiểu rồi. Nom Buck cứ như thể đã gom mọi đặc điểm của loài chó trên thế giới này vào thân hình nhỏ bé của cậu, với cái đầu của chó sói, đôi tai mềm rủ của chó săn, móng vuốt của chó chồn, chiếc đuôi mịn mượt của chó phốc sóc và bộ lông đen pha đỏ của chó Doberman. Khi chúng ta vào văn phòng để ký kết giấy tờ, cô gái làm việc ở đây đã kể chuyện về Buck. Kẻ nào đó đã quẳng cậu đi trong lúc xe đang chạy vào đầu hè năm ấy, khiến cậu ta bị chấn thương nghiêm trọng đến nỗi một chân sau treo lủng lẳng không thể bước đi.
Buck đang nằm ngay bên cạnh bà đây. Cứ mỗi lần bà viết, cu cậu lại thở dài và cạ cạ chóp mũi lên chân bà. Mõm và đôi tai cậu đã dần chuyển sang trắng bệch, và gần đây đôi mắt còn phủ lên lớp màng đục như tất cả những con chó lớn tuổi khác. Mỗi lần nhìn cậu là bà không thể ngăn nổi xúc động. Cứ như thể là một phần của cháu đang ở đây với bà vậy, phần mà bà thương yêu nhất, phần mà nhiều năm trước đã chọn ra con chó buồn bã, xấu xí nhất trong số hai trăm con chó tại Trại thú nuôi ấy.
Suốt mấy tháng qua, mỗi lúc quẩn quanh đơn độc trong nhà, những năm tháng bất hòa và khó chịu khi bà cháu mình còn sống cùng nhau đã biến đi mất hút. Ký ức còn lại trong bà chỉ là quãng thời gian khi cháu còn bé, ngây thơ, mong manh và bối rối biết bao. Đó chính là cô bé mà bà đang viết cho đây, chứ không phải là cô gái kiêu căng, bảo thủ của những năm tháng sau này. Chính cây hoa hồng đã gợi ý cho bà đấy. Sáng nay khi lướt ngang qua nó, dường như bà nghe nó bảo “Lấy giấy bút ra và viết thư cho cô bé đi.” Bà biết rằng chúng ta đã thỏa thuận với nhau trước khi cháu đi là không thư từ gì cả, và bà vẫn cố giữ lời, dù miễn cưỡng lắm. Những dòng chữ này sẽ không bao giờ đến được Mỹ với cháu đâu. Nếu bà không còn ở đây khi cháu quay trở lại thì chúng sẽ thay bà chờ cháu. Tại sao bà lại nói điều này? Bởi vì gần một tháng trước, lần đầu tiên trong đời bà đã trải qua trận ốm thập tử nhất sinh. Và giờ đây bà biết rằng, có một việc có thể sẽ xảy ra: Sáu hay bảy tháng tới có thể bà sẽ không còn ở đây để mở cửa và ôm chầm lấy cháu nữa. Trước đây một người bạn của bà nói rằng khi bệnh tật đến với những người vốn luôn khỏe mạnh, nó sẽ ập đến bất thình lình và vô cùng dữ dội. Đúng là nó đã xảy ra với bà: Buổi sáng nọ khi bà đang tưới cây hoa hồng, trời đất bỗng nhiên đóng sầm lại. Nếu cô Razman không nhìn thấy bà qua hàng rào ở giữa hai khu vườn thì chắc cháu đã mồ côi rồi. Mồ côi ư? Có phải cháu gọi ai đó như vậy khi bà họ mất? Bà cũng không chắc lắm. Có lẽ ông bà không được xem là quan trọng tới mức phải có một thuật ngữ đặc biệt nào đó để gọi khi không còn họ nữa. Đâu có ai là góa hay mồ côi khi mất đi ông bà đâu. Việc họ bị lãng quên cũng tự nhiên thôi, cứ như mấy chiếc ô bị ai đó đãng trí bỏ quên ấy mà.
Khi tỉnh dậy trong bệnh viện bà không nhớ gì cả. Lúc mắt vẫn còn nhắm, bà có cảm giác như có hai sợi ria mỏng, dài thượt mọc ra tựa như ria mèo. Nhưng đến khi mở mắt, bà nhận ra đó là hai ống dẫn nhỏ bằng nhựa được gắn vào bên trong mũi và chạy vắt qua môi. Xung quanh bà toàn là máy móc lạ lẫm. Vài ngày sau bà được chuyển sang một căn phòng bình thường, nơi có hai bệnh nhân khác nằm ở đó. Một buổi chiều nọ hai vợ chồng cô chú Razman đã đến thăm bà. Chú Razman bảo, “Con chó của bà đã sủa như điên như dại. Nhờ nó mà bà vẫn còn sống đấy.”
Khi bà bắt đầu đi lại được, một bác sĩ trẻ từng đến kiểm tra cho bà nhiều lần trước đây có ghé thăm. Anh ta lấy ghế ngồi bên cạnh giường bà và bảo, “Vì bà không có ai thân thích để săn sóc và ra quyết định giúp, cho nên tôi phải nói chuyện trực tiếp với bà. Tôi sẽ rất thẳng thắn.” Thế là anh ta nói, và trong lúc ấy bà quan sát anh ta hơn là nghe. Anh ta có đôi môi mỏng dính, mà cháu biết rồi đấy, bà có bao giờ thích người môi mỏng đâu. Theo anh ta thì tình trạng của bà tệ đến mức không thể về nhà được nữa. Anh ta nhắc đến tên hai hay ba trại dưỡng lão nào đấy mà bà có thể đến ở. Chắc hẳn đã đọc được phản ứng trên gương mặt bà cho nên anh ta liền nhanh nhảu thêm vào, “Bà đừng nghĩ những trung tâm dưỡng lão đều tệ như trước kia. Ngày nay mọi thứ thay đổi rồi – các căn phòng đều sáng sủa và tràn ngập ánh mặt trời, ngoài ra còn có các khu vườn rộng để mọi người đi dạo nữa đấy.” Bà liền lên tiếng, “Thưa bác sĩ, anh có biết tí gì về người Eskimo không?” “Dĩ nhiên là tôi biết,” anh ta trả lời và đứng lên. “Chuyện là thế này, tôi muốn được chết như họ,” bà nói, và bởi vì anh ta tỏ vẻ không hiểu gì sất nên bà lại tiếp tục, “Tôi thà nhắm mắt chết giữa luống bí ngòi trong vườn rau của mình còn hơn là sống thêm một năm bẹp dí trên giường trong một căn phòng quét vôi trắng toát.” Đến lúc đó thì anh ta đã ra tới cửa, và trước khi biến mất, anh ta còn nhếch mép cười khẩy. “Nhiều người cũng nói đại loại thế, rồi cuối cùng cũng chạy lại đây, run rẩy như tàu lá và tuyệt vọng nài xin được chăm sóc.”
Ba ngày sau đó bà phải ký vào một bản cam kết ngốc nghếch, tuyên bố rằng nếu có chết thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc vào cái thân già này thôi. Bà đưa bản cam kết cho một cô y tá trẻ với cái đầu bé tẹo và đôi hoa tai to khủng rồi thu dọn mấy món đồ ít ỏi và đến trạm taxi.
Ngay khi nhìn thấy bà ngoài cổng, Buck đã chạy lòng vòng như một gã cuồng, và dường như để xóa bỏ hết mọi nghi ngờ của bà về mức độ vui mừng khôn xiết của cu cậu, Buck đã giẫm lên hai, ba luống hoa gì đấy và sủa mãi không thôi. Lúc ấy bà chẳng còn hơi sức nào để la rầy cu cậu nữa. Khi cậu ta đến chỗ bà với chiếc mũi dính đầy đất, bà đã thốt lên, “Thấy chưa, anh bạn già? Chúng ta lại sống cùng nhau nữa nhé,” và gãi gãi đằng sau tai cu cậu.
Những ngày sau đó hầu như bà chẳng làm được gì. Kể từ khi xảy ra chuyện, nửa người bên trái không còn nghe theo lệnh của bà như trước đây nữa. Nhất là tay trái của bà đã chậm hẳn đi. Bà không muốn nó thống trị mình nên ráng ép buộc bản thân phải dùng tay trái nhiều hơn tay phải. Bà cột một chiếc nơ hồng trên cổ tay để mỗi khi lấy cái gì đấy thì sẽ nhớ là dùng tay trái thay vì tay phải. Khi cơ thể còn hoạt động tốt, ta không nhận ra rằng sẽ đến ngày nó có thể biến thành kẻ thù lớn nhất của ta, và nếu ý chí của ta lung lay, nó sẽ tàn lụi đi chỉ trong tích tắc, và rồi ta sẽ bị đánh bại.
Có vẻ như khả năng tự chủ của bà kém hẳn rồi nên bà đã đưa chùm chìa khóa cho vợ chú Walter. Cô ấy ghé thăm mỗi ngày và mang cho bà những thứ cần thiết.
Mỗi khi quanh quẩn trong nhà và khu vườn, suy nghĩ về cháu cứ lặp đi lặp lại đến nỗi đã trở thành một ám ảnh thật sự. Nhiều lần bà không thể kiềm chế đến mức đã nhấc điện thoại lên tính gửi điện tín cho cháu, nhưng mỗi khi nhân viên tổng đài lên tiếng thì bà thay đổi ý định ngay. Tối nay, ngồi trên chiếc ghế bành này – với khoảng trống trước mặt và sự yên lặng bao trùm xung quanh – bà tự hỏi phải làm thế nào mới là tốt nhất. Tốt cho cháu, tất nhiên rồi, chứ không phải cho bà. Đối với bà, dĩ nhiên là dễ chịu hơn biết bao khi có cháu ở bên cạnh khi bà ra đi. Nếu bà nói cho cháu biết về bệnh tật của mình, chắc là cháu sẽ bỏ dở việc lưu trú ở Mỹ rồi tất tả về nhà ngay. Nhưng rồi sao? Rồi thì, ai biết được, có thể bà sẽ sống thêm ba hay bốn năm nữa, có thể là bị gắn chặt với chiếc xe lăn, thậm chí là bị lú lẫn, và cháu sẽ thực hiện nghĩa vụ chăm sóc bà. Có lẽ cháu sẽ làm điều đó với tất cả sự tận tâm của mình, nhưng rồi thời gian trôi đi, sự tận tâm ấy sẽ chuyển thành tức tối và oán giận. Oán giận bởi vì năm tháng trôi qua và cháu sẽ lãng phí tuổi thanh xuân của mình; và bởi vì tình yêu của bà, cũng như hiệu ứng boomerang sẽ đẩy cháu đi vào ngõ cụt. Đó chính là tiếng nói xuất phát từ sâu thẳm bên trong bà phản đối việc gọi điện thoại cho cháu. Nhưng ngay khi bà cho rằng đó là quyết định đúng đắn thì một giọng nói khác chen vào, tranh luận điều ngược lại. Bà tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu cháu mở cửa bước vào một căn nhà trống toang từ lâu đã không người ở thay vì nhìn thấy bà và Buck vui mừng đón cháu về nhà? Còn điều gì tồi tệ hơn một chuyến trở về dở dang chứ? Giả sử cháu nhận được bức điện tín thông báo rằng bà đã chết, liệu cháu có cảm giác đó là sự phản bội không? Hay là một thủ đoạn hèn hạ? Cháu đã cư xử vô lễ với bà trong vài tháng qua nên giờ bà trừng phạt lại cháu bằng cách ra đi không một lời báo trước. Có lẽ đó không còn là trò “gậy ông đập lưng ông” nữa mà là đẩy xuống vực thẳm mất rồi. Bà nghĩ không ai có thể sống nổi với những điều như vậy. Cháu tưởng tượng nhé: tất cả những điều cháu muốn nói với ai đó cháu yêu thương sẽ ở bên trong cháu mãi mãi; bà của cháu sẽ nằm dưới ba tấc đất, và cháu sẽ không còn dịp nhìn vào mắt bà, không thể ôm chặt bà, không thể nói ra những điều cháu chưa kịp nói.
Ngày tháng như thoi đưa mà bà chẳng thể quyết định được gì. Và rồi sáng nay, chính cây hoa hồng đã thúc giục bà đấy. Hãy viết thư cho cô bé đi, hãy ghi chép lại những điều xảy ra hàng ngày và để lại cho cô bé trước khi bà ra đi. Vì vậy mà bà ngồi đây, trong phòng bếp, nhìn chằm chằm vào mấy cuốn tập cũ của cháu và nhai nhai cây bút như một đứa trẻ đang vật lộn với bài tập về nhà. Viết chúc thư ư? Không hẳn thế; bà nghĩ rằng đó chỉ là vài điều thổ lộ sẽ ở lại cùng cháu trong những năm tháng sau này, vài điều cháu có thể đọc bất cứ khi nào cháu cần bà bên cạnh. Đừng lo, bà không có ý định giáo điều hay cố làm cho cháu buồn đâu, chỉ là bà muốn trò chuyện với cháu, thật thân tình, như cách mà bà cháu mình vẫn từng làm trước khi những năm tháng chia cách chúng ta ập đến. Bà đã sống quá lâu và sẽ bỏ lại phía sau mình rất nhiều người, bà biết rằng sự vắng mặt của người chết không làm chúng ta day dứt bằng những lời chưa kịp nói khi họ đã ra đi.
Cháu biết đấy, bà cảm thấy mình như là mẹ của cháu dù đã đến tuổi này rồi, cái tuổi mà thường thì ai cũng chỉ ở vai trò là bà thôi. Điều này có nhiều cái lợi. Lợi cho cháu, bởi vì bà-là-mẹ luôn chu đáo và khoan dung hơn mẹ-là-mẹ, và cũng lợi cho bà nữa, bởi vì không giống như những cụ bà khác trải qua tuổi già yếu của mình với những ván bài và tiệc trà chiều, bà phải kéo lê đời mình trở lại với cuộc sống bình thường. Thế nhưng ở đâu đó trong chuyện này, có những thứ đã đổ vỡ mất rồi. Đó không phải là lỗi của bà, và cũng không phải là lỗi của cháu. Có trách thì trách quy luật của tự nhiên thôi.
Thời thơ ấu và tuổi già thật giống nhau. Vì nhiều lý do mà ở cả hai lứa tuổi này, chúng ta hầu như không có khả năng phòng vệ, chúng ta chưa – hoặc không còn – năng động trong cuộc sống, và mọi phản ứng đều xảy ra rất tự nhiên cũng như không hề tính toán. Ở tuổi thiếu niên, một lớp vỏ bọc vô hình bắt đầu xuất hiện bao quanh cơ thể chúng ta và nó cứ tiếp tục dày lên trong suốt cuộc sống trưởng thành. Quá trình này tương tự như sự phát triển của ngọc trai vậy; vết thương càng lớn và càng sâu thì lớp vỏ bọc quanh ấy càng rắn chắc. Tuy nhiên, khi thời gian thấm thoắt trôi qua, cũng như một chiếc váy đã được mặc quá nhiều lần, những chỗ co giãn sẽ yếu dần đi, các sợi chỉ bục ra và chỉ một cử động bất thình lình cũng đủ làm nó bị xé toạc. Lúc đầu cháu không nhận thấy gì bởi vì luôn tin chắc rằng lớp vỏ bọc của mình hoàn toàn nguyên vẹn, nhưng rồi đến một ngày nào đó, chỉ một việc hết sức bình thường xảy ra cũng có thể làm cho cháu bật khóc như một đứa trẻ.
Vì vậy, lúc bà nói rằng một vết rạn nứt tự nhiên đã chia cách chúng ta thì bà cũng không hề ẩn ý gì. Khi lớp vỏ bọc của cháu bắt đầu hình thành thì lớp vỏ bọc của bà đã rách bươm. Cháu không chịu nổi nước mắt của bà còn bà không thể chịu đựng sự vô lễ đột ngột của cháu. Mặc dù bà đã chuẩn bị cho sự thay đổi tính tình của cháu khi bước qua tuổi thiếu niên, thế nhưng khi nó diễn ra, bà vẫn cảm thấy quá khó khăn để mà chấp nhận. Bỗng dưng lại có một con người mới đứng trước mặt bà, và bà không hề biết sẽ phải làm gì với cô gái ấy. Tối hôm đó, khi đã định tâm trở lại, bà cảm thấy vui vì những gì đang xảy ra với cháu. Bà dặn lòng mình rằng chẳng ai có thể đủ lông đủ cánh lớn lên mà không bị tổn thương cả. Nhưng khi cháu đóng sầm cửa trước mặt bà vào buổi sáng hôm sau, hành động đó thật đáng buồn, nó làm bà muốn khóc. Bà không còn đủ sức để mà tranh cãi với cháu nữa. Đến lúc bước sang tuổi tám mươi thì cháu mới hiểu rằng cái tuổi này sẽ làm cho cháu cảm thấy mình như một chiếc lá vào cuối tháng Chín vậy. Ánh sáng mặt trời ít đi và cái cây sẽ rút từng chút một chất dinh dưỡng ngay từ bên trong để có thể nuôi sống nó. Khí Ni-tơ, chất diệp lục và các chất đạm đều bị hút vào trong thân cây, vẻ xanh tốt của nó sẽ biến mất đi và tính dẻo dai cũng không còn nốt. Cháu vẫn còn tươi xanh trên cành, nhưng chẳng qua chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Những chiếc lá xung quanh cháu rồi sẽ rụng dần từng chiếc một, và cháu nhìn chúng rơi trong nỗi sợ hãi rằng một cơn gió sẽ nổi lên. Đối với bà thì cơn gió ấy chính là cháu, là sức sống của tuổi trẻ đầy hiếu thắng. Cháu không hề để ý, phải không cháu yêu? Rằng chúng ta sống trên cùng một thân cây, chỉ có điều là ở hai mùa hoàn toàn khác biệt.
Bà đang nghĩ về cái ngày cháu ra đi. Cả hai bà cháu mình đều đã bồn chồn lo lắng nhỉ? Cháu không cho bà đi cùng ra sân bay, và cứ mỗi khi bà nhắc cháu mang theo thứ gì đó thì cháu trả lời rằng, “Cháu đi tới Mỹ chứ có phải sa mạc đâu.” Khi cháu ra đến cửa, bà đã hét to với giọng the thé đầy căm giận, “Tự lo đi nhé.” Và cháu nói mà thậm chí chẳng thèm quay lại, “Bà lo cho Buck và cây hoa hồng đi.”
Cháu biết đấy, bà đã thất vọng với những lời từ biệt ấy biết nhường nào. Bà lão ủy mị này mong chờ những điều khác cơ, cho dù là có sáo rỗng như một nụ hôn hay vài lời âu yếm đi chăng nữa. Chỉ đến đêm hôm đó, khi bà không thể ngủ được và cứ mặc đồ ngủ mà đi quanh quẩn trong căn nhà trống trải, bà mới nhận ra rằng lo cho Buck và cây hoa hồng có nghĩa là lo cho một phần của cháu vẫn còn đang sống với bà, cái phần vui vẻ ấy. Và bà cũng hiểu ra vì sao cháu đã đưa ra một lời đề nghị cộc lốc như vậy: không phải là cháu vô cảm, cháu chỉ đang rất căng thẳng và suýt khóc đấy thôi. Đó chính là lớp vỏ bọc mà bà từng nói đến – nó chật đến nỗi đã làm cháu hầu như không thở được. Cháu có nhớ bà liên tục nói điều gì với cháu vào những tháng cuối ấy không? Những giọt nước mắt chảy ngược vào trong sẽ tích tụ lên trái tim cháu. Rốt cuộc chúng sẽ tạo thành một lớp vỏ cứng bọc quanh và làm tê liệt trái tim, cũng như lớp khoáng cặn làm tê liệt một chiếc máy giặt vậy.
Bà biết những ẩn dụ thô kệch của mình không làm cho cháu thích thú đâu. Có lẽ cháu sẽ phó mặc cho cuộc sống, vì tất cả chúng ta đều sống với nguồn cảm hứng từ thế giới chúng ta am tường nhất mà.
Giờ bà phải tạm biệt cháu thôi. Buck đang thở dài thườn thượt và nhìn bà chằm chằm với đôi mắt van nài đấy. Cu cậu là một thứ đáng lưu tâm trong nhịp điệu của tự nhiên. Cho dù là mùa nào đi nữa thì cậu ta đều nhắc bà giờ ăn chính xác như một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ.
Còn tiếp
Trích trong quyển Trái tim mách bảo - Tác giả: Susanna Tamaro
- NXB Trẻ xuất bản 2012