Ra đời vào tháng 8.2011, Tủ sách “Cánh cửa mở rộng” là sự hợp tác giữa Nhà xuất bản Trẻ, giáo sư Ngô Bảo Châu, nhà văn Phan Việt, nhằm giới thiệu các đầu sách giá trị trong và ngoài nước đến với bạn đọc để thúc đẩy tinh thần hiếu học, coi trọng tri thức và các giá trị sống trong các thế hệ người Việt.
1. Những ý tưởng nhen nhóm cho tủ sách bắt đầu ngay sau khi GS Ngô Bảo Châu đoạt Giải thưởng toán học Fields (tháng 8-2010). Khi đó, NXB Trẻ đã đề nghị với nhà văn Phan Việt viết một quyển sách về GS Ngô Bảo Châu, lập tức GS nêu ý tưởng: Tại sao không làm những quyển sách mà GS thích, mà lại làm sách về cuộc đời và sự nghiệp của GS?
Sau đó, NXB Trẻ nghĩ rằng nên phối hợp với GS Ngô Bảo Châu và Phan Việt làm một tủ sách để phổ biến kiến thức, niềm đam mê khoa học đến với bạn trẻ và nhanh chóng cả hai nhận lời. Đầu năm 2011, nhà văn Phan Việt từ nước ngoài về Việt Nam, đã ký bản ghi nhớ với NXB Trẻ, nội dung sẽ thực hiện tủ sách, lúc này tạm gọi tên là “Cánh Én”. Nhưng ngay sau đó, GS Ngô Bảo Châu về nước, đã gặp NXB Trẻ, và thống nhất đổi tên tủ sách thành “Cánh cửa mở rộng”. NXB Trẻ gặp cả GS Ngô Bảo Châu và Phan Việt, thống nhất bàn bạc về ngày ký kết và công bố chính thức dự án hợp tác thực hiện tủ sách “Cánh cửa mở rộng” vào ngày 25-8-2011.
Một số cuốn sách trong tủ sách "Cánh cửa mở rộng". |
Trong buổi ra mắt 3 cuốn sách mới nhất của tủ sách “Cánh cửa mở rộng” tại Thư viện Hà Nội mới đây, GS Ngô Bảo Châu và nhà văn Phan Việt đã tiết lộ công việc của hai người với tư cách là nhóm chủ biên. GS Ngô Bảo Châu và Phan Việt làm nhiệm vụ giới thiệu sách cho NXB Trẻ những cuốn sách để NXB Trẻ thẩm định bản thảo xem khả năng xuất bản thế nào, đã có đơn vị xuất bản nào mua bản quyền chưa. Sau đó, nếu được thì NXB Trẻ mua bản quyền, GS Ngô Bảo Châu và Phan Việt giúp tìm người dịch, đọc góp ý, chỉnh sửa bản dịch và viết giới thiệu.
2. Quan điểm chọn sách của GS Ngô Bảo Châu và nhà văn Phan Việt chia sẻ là đi theo một tiêu chí duy nhất là sách phải hay.
Tất nhiên, quan niệm về cái hay của một cuốn sách giữa hai người không phải lúc nào cũng giống nhau. Nhà văn Phan Việt cho rằng: “Sách tôi thấy hay có thể khác với anh Châu, tuy nhiên khi chọn sách để giới thiệu cho “Cánh cửa mở rộng” chúng tôi thống nhất với nhau rằng, sách hay là phải có văn, phải có câu chuyện thật chứ không chỉ là những câu chuyện phóng chiếu và ước lệ, hơn nữa nó lại phải phù hợp với văn hóa của người Việt”. Chị cho biết thêm: “Ví dụ như bản thân tôi vốn không thích các tác phẩm của nhà văn Pôn Ót-xtơ nhưng khi anh Châu nói về cuốn “Khởi sinh của cô độc” mặc dù không thích lắm, nhưng khi về đọc được mấy chục trang tôi đã thực sự bị thuyết phục và chúng tôi thống nhất với nhau cùng lựa chọn”. Còn GS Ngô Bảo Châu thì cho rằng sách được chọn phải để lại dấu ấn, mang một giá trị nhân văn lớn, và thể hiện tinh thần khai sáng của tủ sách đúng như cái tên “Cánh cửa mở rộng”.
GS Ngô Bảo Châu (bên trái) và nhà văn Phan Việt. |
Về phía NXB Trẻ, đương nhiên canh cánh một nỗi lo về vấn đề liệu các cuốn sách có được bạn đọc Việt Nam đón nhận-tức là khả năng sách có bán chạy hay không? Dù có cái tên Ngô Bảo Châu ở ngay bìa sách như là một “chiêu” quảng cáo đắt giá nhưng không phải vì thế là bảo đảm cho tất cả cuốn sách có thể bán chạy. Song, thật may, nhiều cuốn sách đã được tái bản, chứng tỏ bạn đọc rất quan tâm đến tủ sách này.
Quả thật, nếu ai từng theo dõi sự ra đời và đọc hết 17 cuốn sách hiện đã ra mắt trong tủ sách “Cánh cửa mở rộng”, đều nhận thấy tất cả những cuốn sách đều có những giá trị không nhỏ. Điểm đáng chú ý của tủ sách là tập hợp những cuốn sách đa phần chưa từng dịch sang tiếng Việt như những kiệt tác văn học: “Chết ở Venice”, “Núi thần” của Tô-mát Man (Nobel văn học 1929); “Tôi, Charley và hành trình nước Mỹ” của Giôn Xten-bớc (Nobel văn học 1962); hoặc các cuốn sách về khoa học tự nhiên như: "Tất cả chúng ta đều là cá" của Nây Su-bin; "Thợ cơ khí toán học" của Mác Lê-vi… Với cơ cấu, 80% các sách đại chúng và 20% sách chuyên ngành, tủ sách hướng tới bạn đọc đông đảo nhằm nâng cao văn hóa đọc. Ngoài ra, chất lượng dịch thuật của các cuốn sách đều được các chuyên gia đánh giá cao, bảo đảm cho bạn đọc Việt Nam tiếp cận cái hay của cuốn sách ở mức tối đa.
Sắp tới, nhóm chủ biên của tủ sách sẽ mời thêm một vài người tham gia để mở rộng việc giới thiệu các cuốn sách. Nhà văn Phan Việt cũng cho biết, nhóm chủ biên cũng sẽ cố gắng thay đổi cách viết lời giới thiệu và PR sách. Thay vì viết ngắn, lời giới thiệu sẽ được viết kỹ hơn về tác giả, tác phẩm và nhất là lý do vì sao chọn cuốn sách đó thì cũng là một cách giao lưu với bạn đọc, để cuốn sách đến với bạn đọc dễ hơn.
Trong bối cảnh, các cuốn sách hay đa phần đều do các đơn vị tư nhân thực hiện, sự năng động của NXB Trẻ trong việc cho ra đời một tủ sách hay như “Cánh cửa mở rộng” là một việc làm đáng hoan nghênh. Chắc chắn, trong thời gian tới, tủ sách sẽ có thêm nhiều tác phẩm hay, mới và hy vọng cuốn nào cũng… bán chạy!
Bài và ảnh: TRẦN HOÀNG HOÀNG