Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Tất cả các dòng sông đều chảy
Update Date: 04/18/2011

Tất cả dòng sông đều chảy (bài dịch của Trương Võ An Giang) tiểu thuyết của Coulaugh, nữ văn sĩ Úc đã được dựng thành phim. Đây là quyển sách đầu tiên được anh Trương Văn Khuê thử nghiệm mô hình sách liên kết (tư nhân bỏ vốn tự sản tự liệu, Nhà xuất bản lo giấy phép, biên tập và thu quản lý phí). Lúc bấy giờ thị trường sách đang đóng băng, thiếu vốn, thiếu giấy, có nhà mỗi năm chỉ xuất bản được mươi đầu sách, thu nhập của cán bộ công nhân viên rất thấp. Nhà xuất bản Trẻ nỗ lực tìm mọi cách, kể cả vào rừng hợp tác trồng tre để đổi lấy giấy – mỗi năm cũng chỉ in được chừng năm mươi đầu sách. Nhờ có mô hình liên kết, số đầu sách và số bản in hằng quý và hằng năm tang trưởng liên tục trong gần 20 năm qua.

Khối lượng công việc và thu nhập tăng, phải tuyển thêm người mà vẫn làm không kịp. Mô hình sách liên kết lúc đầu cũng có những lệch lạc và bị công kích từ nhiều phía. Nhưng cuối cùng nó đã khẳng định tính hợp pháp và hiệu quả kinh tế rõ rệt. Giới xuất bản cần phải ghi nhận sáng kiến này của anh Trương Văn Khuê và Nhà xuất bản Trẻ như là con tàu phá băng đã làm hồi sinh thị trường sách báo, lúc đầu là ở Thành phố Hồ Chí Minh và nay là khắp cả nước.

Sau này mô hình liên kết phát triển đến mức có lúc vượt khỏi tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng thì đó lại là cấn đề quản lý, cần một sáng kiến khác để giải quyết.

Lúc bấy giờ cả thế giới đang nhìn vào công cuộc đổi mới của Liên Xô dưới thời Goócbachốp. Nhà xuất bản Trẻ cũng nhanh tay kiếm được hai bản thảo nóng hổi: Một ngày dài hơn thế kỷ của Aitmatốp và Đám cháy của Ratxputin đều là những danh tác văn học của thời kỳ mới ở Liên Xô nhưng đều bán rất chậm. Chúng tôi nhận ra rằng bạn đọc ở miền Nam có xu hướng tìm về với những giá trị truyền thống có nguy cơ bị quên lãng. Thế là chúng tôi mạnh dạn tái bản một loạt tác giả và tác phẩm có giá trị nhưng vì vô tình hay cố ý, nhiều năm qua đã cách biệt với bạn đọc. Có lẽ ít ai chú ý rằng chính Nhà xuất  bản Trẻ chứ không nhà nào khác đã được bật đèn xanh để lần đầu tiên sau ngày giải phóng tái bản những quyển cảo thơn như: Quốc văn giáo khoa thư của Nha học chánh Đông Pháp, Cổ học tinh hoa của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân, Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam, Em còn nhớ hay em đã quên của Trịnh Công Sơn, Thiên Thai của Văn Cao…

Điều bất ngờ là tất cả những tác phẩm nói trên đều bán rất nhanh và tái bản nhiều lần. Nhiều bạn đọc gửi thư về hoan nghênhNhà xuất bản. Một ông bạn Việt kiều viết: “Tôi đã mua một lúc 10 quyển Quốc văn giáo khoa thư đem ra nước ngoài để tặng bạn bè”. Đây chính là cái mới mà chúng tôi đang cần.

Chúng tôi hiểu rằng cái mới mà ông bạn Việt kiều muốn nói chính là một quan điểm văn hóa văn nghệ thông thoáng, tháo gỡ những quyết định ngăn sông cấm chợ bất hợp lý để cho “tất cả dòng sông đều chảy”.

Về hình thức, quyển Quốc văn giáo khoa thư chúng tôi giữ nguyên hình minh họa của lần xuất bản năm 1925. Quyển Hương rừng Cà Mau do họa sĩ Nguyễn Trung vẽ bìa và minh họa.  Bìa tập nhạc Thiên Thai là tranh của họa sĩ Đinh Cường. Còn tập nhạc Em còn nhớ hay em đã quên thì do Trịnh Công Sơn tự tay trình bày. Trước đây mỗi Nhà xuất bản thường có vài họa sĩ trong biên chế  độc quyền trình bày tất cả các đầu sách – tất nhiên khó tránh khỏi sự nghèo nàn đơn điệu.

Từ khi tình trạng bao cấp về hình thức này được xóa bỏ, cuộc cạnh tranh không ngừng về mỹ thuật và kỹ thuật đã làm cho sách của Nhà xuất bản Trẻ và cả sách báo trên thị trường mỗi ngày một xinh đẹp hơn.

Có thể nói, ý tưởng đi tìm cái mới của cố giám đốc Trương Văn Khuê đã được thể hiện nhằm xây dựng bản lĩnh và phong cách văn hóa của Nhà xuất bản Trẻ. Anh Khuê đã ra đi nhưng những người kế nhiệm vẫn tiếp tục phát huy được truyền thống đó và tạo thêm những bước phát triển mới để sách của Nhà xuất bản Trẻ đạt được thương hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao.

Là người gắn bó nhiều năm với Nhà xuất bản Trẻ, tôi viết bài này để mọi người hiểu về anh Trương Văn Khuê  nhiều hơn và sau nữa để lưu ý các đồng chí và các bạn một kinh nghiệm nghề nghiệp:

Sự nghiệp đổi mới trong cả ba khâu nội dung, hình thức và phương thức làm sách của Nhà xuất bản ta thực chất đều dựa trên một nguyên tắc chung xủa xã hội: tất cả dòng sông đều chảy. Bất luận con sông gì, nếu không chảy được thì sẽ gây ô nhiễm.

Hoàng Phủ Ngọc Phan

(Nguyên Phó Giám đốc – Tổng biên tập sách Thanh Niên

– Nhà xuất bản Trẻ)

Other News