“Những con đường của ánh sáng” là bộ sách gồm 2 tập phổ biến khoa học của Gs. Trịnh Xuân Thuận đã được Viện hàn lâm Pháp quyết định trao giải thưởng lớn Moron của năm 2007.
“Ánh sáng là người bạn tri kỷ của tôi. Trong công việc của nhà vật lý thiên văn, tôi thường xuyên phải làm việc với nó. Nó là phương tiện đặc ân mà tôi có thể đối thoại với vũ trụ.” Đó là những câu mở đầu cho bộ sách 2 tập của nhà khoa học, đủ để thấy ông gắn bó với ánh sáng như thế nào.
Bộ sách 2 tập về vật lý thiên văn
Trong tập sách dày hơn 600 trang, nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận đã trình bày những suy nghĩ khoa học của ông về ánh sáng, và liên quan tới nó là bóng tối, trên nhiều phương diện, bao gồm tầm quan trọng của ánh sáng và bóng tối đối với sự sống, đối với khoa học, cũng như sự diễn giải ánh sáng của bộ não, nghệ thuật của các họa sĩ thuộc trường phái ấn tượng, và cả việc sử dụng ánh sáng trong kiến trúc và các khía cạnh tâm linh của ánh sáng. Là một cuốn sách thuần túy về khoa học nhưng dưới cách trình bày nhiều cảm xúc của tác giả Trịnh Xuân Thuận, Những con đường của ánh sáng được các nhà khoa học và đông đảo độc giả xem như là một bản sử thi về cuộc hành trình của nhân loại trên con đường đi vào vương quốc của ánh sáng và giải mã những bí mật của nó.
Bộ sách 2 tập gồm 7 chương. Các chương từ 1 đến 3 kể lại các nỗ lực của con người nhằm đột phá các bí mật khoa học của ánh sáng. Chương đầu tiên bắt đầu với khái niệm của người Hy Lạp về một “ngọn lửa bên trong” và dần hoàn thiện hơn với những kiến thức ban đầu. Chương 2 phát triển các quan niệm mới về ánh sáng do cuộc đại cách mạng khoa học thế kỷ XVII mang lại. Chương 3 tập trung tranh luận về bản chất của ánh sáng: là hạt hay là sóng?
Chương 4 dẫn dắt người đọc cùng khám phá các dạng ánh sáng thiên thể khác nhau xuất hiện trong suốt chiều dài lịch sử, cùng với đó là đối trọng của nó, bóng tối. Chương 5 đề cập chi tiết hơn về ánh sáng mặt trời, nguồn gốc của tất cả sự sống trên Trái Đất. Chương 6 kể lại các con người chế ngự ánh sáng để phục vụ cuộc sống của mình và đồng loại. Chương 7 đề cập đến mối quan hệ mật thiết của mắt và não, đến cách kết hợp chặt chẽ của hai cơ quan này để cho phép chúng ta nhìn thấy.
Trịnh Xuân Thuận khẳng định ánh sáng không chỉ thiết yếu đối với nhà thiên văn học mà tất cả chúng ta đều là con đẻ của ánh sáng. Ánh sáng đến từ mặt trời là nguồn gốc của sự sống. Dù là tự nhiên hay nhân tạo, ánh sáng cho phép chúng ta không chỉ ngắm nhìn thế giới mà còn tương tác với thế giới và tiến hóa trong thế giới.
Về tác giả Trịnh Xuân Thuận, ông sinh năm 1948 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp tại Học viện Công nghệ California và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Princeton. Ông hiện là giáo sư vật lý thiên văn tại Đại học Virginia, Hoa Kỳ. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng khác như: Nguồn gốc, nỗi hoài niệm về thuở ban đầu; Hỗn độn và hài hòa; Cái vô hạn trong lòng bàn tay,…Ông cũng đạt nhiều giải thưởng khoa học như Giải thưởng lớn Moron của Viện hàn lâm Pháp (2007); Giải Kalinga của UNESCO (2009); Giải thưởng thế giới Cino del Duca của Viện pháp quốc (2012); và giải Louis Pauwels (2012).
ANH NHƯ