Một buổi chiều hè của tuổi lên 10, tôi lóc cóc đạp chiếc xe cà tàng vào một cái ngõ ngoằn ngoèo, nhỏ bé và có cảm tưởng nó dài đến vô chừng. Mồ hôi nhỏ giọt, mặt đỏ bừng bừng… ai nhìn thấy tôi lúc đó sẽ tự nhủ rằng chắc tôi đang đi công chuyện gì to tát lắm. Thực ra tôi đang đi đến nhà một người họ hàng. Người họ hàng mới ở Sài Gòn ra và mang theo một túi quà bố mẹ gửi cho tôi.
Bố
mẹ tôi vào
Buổi chiều hè của tuổi lên 10 ấy thật đặc biệt, tôi đến đươc nơi cần đến và ngạc nhiên trước gói quà to và nặng mà bố mẹ gửi. Về đến nhà, ba bà cháu quây quần mở gói quà đặc biệt ấy: mấy bộ quần áo, và gói kẹo dừa, một bịch sữa, một phong thơ… và đặc biệt là sách - cơ man nào là sách. Mẹ viết trong thơ: “Mẹ mua được sách cũ, gửi cho hai con đọc. Hai con cố gắng học hành, chăm chỉ, ngoan ngoãn và nghe lời bà. Hôm nào mua được sách mẹ sẽ gửi thêm cho.” Những tập sách đầu tiên mẹ gửi cho tôi chính là những tập truyện nhỏ trong xê-ri “Kính vạn hoa” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Tôi biết đến nhà văn này từ dạo ấy.
Những
tập truyện mẹ gửi, tôi đọc miết mấy ngày liền, bỏ cả trò que chuyền, nhảy dây,
thả diều cùng tụi trẻ con trong ngõ để… ở nhà đọc truyện cùng với em Nghĩa.
Những câu chuyện giản đơn mà ý nghĩa, nhẹ nhàng nhưng không kém phần sâu sắc,
hài hước và thú vị vô cùng…Tôi đã yêu những cuốn truyện này vì lẽ đó. Đôi lúc
tôi còn tưởng tượng rằng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chắc là có cái đầu… bự lắm, dễ
phải bự hơn đầu tôi gấp mấy lần - như vậy thì nhà văn mới có thể viết được
những câu chuyện hay như vậy. Tôi ôm ấp hi vọng trở thành nhà văn, và tưởng
tượng hạnh phúc một ngày nào đó có rất nhiều độc giả yêu quý cuốn sách của
mình, như tôi yêu quý những cuốn sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vậy.
Tập truyện “Kính vạn hoa” đã giúp tôi hình dung về một Sài Gòn nhộn nhịp nhưng cũng ấm áp tình thân, những con người xởi lởi và sống rất tình nghĩa. Hình dung ấy giúp tôi “yên tâm” hơn về thành phố mà bố mẹ tôi đang mưu sinh. Thấy tôi cứ ôm rịt mấy cuốn truyện, lại còn kể lại những gì hấp dẫn đã đọc trong truyện nữa, tụi con nít trong xóm sinh tò mò và cũng “thèm” đọc lây. Chẳng dễ gì để nịnh nọt tôi cho mượn sách: bao nhiêu xoài, ổi, cóc, doi tụi trẻ đều “cống” hết cho tôi. Mà nào đã xong, tôi còn đưa ra giao kèo, đó là: không được làm quăn, làm nhàu sách, làm bẩn sách…Vi phạm là tôi cạch mặt, lần sau đừng có mà mượn sách của tôi nữa. Cứ mải mê đọc, mải mê cười và tưởng tượng, Nguyễn Nhật Ánh đã cùng tôi và tụi trẻ trong ngõ đi qua những năm tháng tuổi thơ êm đềm và hồn nhiên như vậy. Đọng lại tuổi lên 10 của tôi là những buổi chiều vàng ươm nắng, gió mát êm đềm, tôi cùng em Nghĩa ngồi trên cái chõng nhỏ, dưới giàn mướp hoa vàng và tự do thả hồn vào những trang văn xinh tươi quá đỗi. Tôi đã nuôi một ước vọng nhỏ nhoi, đó là một lần được vào thăm Sài Gòn, một lần gặp những “nhân vật” – những người bạn trong “Kính vạn hoa” của tôi một lần. Tôi vẫn nuôi ước vọng đó đến tận bây giờ.
Mẹ
vẫn hay mua được sách cũ và gửi ra đều đều cho chị em tôi. Những cuốn sách
không còn mới, nhưng mẹ đã vuốt lại phẳng phiu, có cuốn bị rách, mẹ còn dán
lại, bọc lại cho chúng tôi nữa. Mẹ sợ một chút vô tâm của trẻ thơ làm cho cuốn
sách sẽ không còn lành lặn. Mẹ yêu sách như vậy nhưng chẳng thể thực hiện được
ước mơ đi học còn dang dở từ năm 9 tuổi của mình, nên mẹ nối dài giấc mơ ấy,
gửi gắm vào chúng tôi. Mẹ đã truyền cho chúng tôi tình yêu tri thức thông qua
những trang sách người tìm được trên đường đời. Những cuốn sách trải qua cuộc
hành trình dài từ
Tôi
bây giờ đã là cô sinh viên khoa văn, em trai nhỏ giờ đã là cậu học sinh chuyên
lí trường Quốc gia còn tụi trẻ con của xóm nhỏ ngày ấy thì đều đã là những sinh
viên đại học. Mẹ tôi đã xa Sài thành, trở về bên ruộng lúa, luống khoai. Chúng
tôi không còn nhận được những cuốn sách cũ của mẹ như ngày xưa nữa. Do thuận
lợi về ngành học, tôi có điều kiện được đón đọc những cuốn sách mới nhất của
nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, và dù cho có đọc, có nghiên cứu thật nhiều những tác
phẩm nổi tiếng của rất nhiều nền văn học
khác trên thế giới nhưng trở về với những trang văn dung dị và mộc mạc của
Nguyễn Nhật Ánh, tôi như bắt gặp lại một “mảnh hồn làng” thân thuộc của mình.
Tôi đọc Nguyễn Nhật Ánh, để đọc cho một tuổi thơ đã qua, cho những yêu thương
và kỉ niệm ngọt ngào còn lại mãi trong tâm hồn…
Trên giá sách của tôi bây giờ chẳng còn quyển sách nào của tác giả Nguyễn Nhật Ánh cả, đơn giản là bởi tôi đã tặng hết những cuốn sách đó cho đàn em nhỏ rồi. Mẹ và nhà văn đã tặng cho tôi một tuổi thơ diệu kì, tôi muốn rằng có thể truyền trao, san sẻ một phần tuổi thơ ấy cho đàn em. Cảm ơn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã gửi gắm những ước mơ vào những trang văn học trò.
NGUYỄN THỊ NGÂN (Vĩnh Phúc)