Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Nguyễn Trí - từ đào vàng đến cõng chữ
Update Date: 06/17/2013

20 năm "phá sơn lâm", 15 năm lang bạt kỳ hồ khắp đồng bằng từ miền Trung đến miền Ðông Nam bộ với đủ nghề, Nguyễn Trí - tác giả của Bãi vàng, đá quý, trầm hương - đủ sức lôi cuốn người nghe, người đọc bởi chất liệu sống ngồn ngộn qua những trải nghiệm của mình.

Mới viết văn được 20 tháng, nhưng đã có đến hơn 50 truyện ngắn được đăng trên các báo từ trung ương đến địa phương và một tập truyện ngắn được xuất bản với lời giới thiệu trang trọng từ nhà văn Hồ Anh Thái, Nguyễn Trí - người tự nhận mình là một gã lang bạt kỳ hồ viết chữ khó nhọc "như cõng tảng đá hộc trên vai" - đã có một "gia tài văn chương" khiến không ít người viết thèm muốn.

Viết như đã sống

Ðọc 16 truyện ngắn đầy đặn trong 350 trang sách Bãi vàng, đá quý, trầm hương, người đọc cảm nhận được một hiện thực xù xì, gai góc, thậm chí trần trụi nhưng đầy sức hấp dẫn. Khi gặp trực tiếp tác giả mới thấy rằng 350 trang sách kia chỉ là ít bụi vàng đã được đãi, còn vô số vỉa ngầm bên dưới, cả một mỏ vàng khổng lồ đang chờ tác giả khai thác - kể những câu chuyện của mình với độc giả.

20 năm sống trong rừng với đủ nghề, từ "lâm tặc con" (chặt trộm những nhánh, gỗ kém giá trị) đến thợ cưa lếu (thợ cưa với tay nghề bậc thầy, chỉ cưa xẻ những loại gỗ quý như gõ, cẩm lai), thợ đào vàng..., một ngày người đàn ông lang bạt quyết định bỏ rừng vì cơn bạo bệnh. Về đồng bằng, lại tiếp tục lang thang với hàng chục nghề khác: từ thợ mộc đến thợ nề, đến anh đồ tể mổ heo và "sang cả" như dạy tiếng Anh (do lưng vốn tiếng Anh từ hồi nảo hồi nào) rồi chạy xe ôm, làm công nhân... Mỗi quãng thời gian hành (một) nghề là một câu chuyện rất dài với những chi tiết không thiếu bi thiết lẫn hài hước.

Nghe Nguyễn Trí kể, tưởng như các nhân vật "tôi" trong tập truyện đang hiện diện trước mặt mình. Với tác giả này, câu "văn là người" hoàn toàn chính xác. Những gì ông viết cũng là những gì ông sống. Nguyễn Trí nói chân thành và mộc mạc: "Tôi biết mình có nền tảng tri thức không bằng người khác, viết văn với tôi là một công việc khó nhọc như cõng tảng đá hộc trên vai vậy... Nhà văn Hồ Anh Thái cũng giúp đỡ tôi rất nhiều, tập sách xuất bản được là nhờ anh ấy chứ tôi có biết gì đâu".

Nguyễn Trí vừa mới chính thức chạm đến "cõi văn chương" sau khi nghỉ làm công nhân, ở nhà phụ vợ bán quà vặt cho học sinh và viết chỉ vì muốn giải tỏa những ám ảnh trong đời mình.

Bước qua nỗi đau

Ba năm trước, Nguyễn Trí đã xuất hiện trong một bài báo trên báo Tuổi Trẻ ("Lòng độ lượng",Tuổi Trẻ ngày 12-11-2010), không phải với tư cách một người viết văn mà với tư cách một người cha - cha một nạn nhân bị đâm chết nhưng vẫn hai lần ra tòa xin giảm án cho hung thủ đâm chết con gái mình. Khi đó, ông cũng còn một người con trai đang ở trong trại cai nghiện. Sau phiên sơ thẩm, ông cùng vợ đến thăm hung thủ (cô gái này mới có con được một tháng, bé bệnh nằm ở bệnh viện): "Bước vô, tôi thấy chân con nhỏ bị còng vô dây, đầu kia của dây còng vô phía trên để đi lại được nhưng không đi ra ngoài được. Ðứa con mới đầy tháng nằm trên võng, dây cột võng được cột theo kiểu rất chặt của công an để con nhỏ không tháo dây tự tử được. Nhìn cảnh đó lòng tôi nhũn xuống...". Ngày phúc thẩm, ông cùng vợ đến tòa, trong khi ông xin với tòa giảm án cho hung thủ thì vợ ông nâng niu, chăm bẵm đứa nhỏ tội nghiệp... Lòng độ lượng của người cha ấy đã khiến cả pháp đình xúc động.

"Chỉ vì tôi nghĩ đến con mình, tôi đã sai khi không dạy con tốt để nó nghiện ngập...". Nguyễn Trí đã bỏ thuốc lá từ đó và cũng bỏ rượu: "Hai tháng nữa con trai tôi ra khỏi trại cai nghiện, tôi muốn chứng minh cho nó thấy là cả đời rượu chè tôi còn bỏ được vì nó thì nó cũng phải bỏ ma túy được".

Vợ chồng ông đang nuôi hai cháu nội 3 tuổi và 5 tuổi, vợ con trai ông đã bỏ đi lấy chồng khác. Bù đắp cho lỗi lầm của cha mẹ hai đứa bé, ông bà nội chắt chiu từng đồng để cho hai cháu học mẫu giáo bán trú tại trường tư của các bà xơ với học phí tương đối cao so với thu nhập của mình. "Tôi muốn hai cháu có môi trường giáo dục tốt nhất, tuổi mẫu giáo rất quan trọng với con trẻ" - ông nói vậy, quyết liệt bước qua những nỗi đau vì thế hệ tương lai. Còn ông, mỗi ngày vẫn thức giấc vào 3 giờ sáng để miệt mài khai thác mỏ quặng đời mình, đãi chữ thành truyện gửi đến người đọc.

Theo HỒNG HẠNH - Tuổi Trẻ

Other News