Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Huyền thoại kỳ thú
Update Date: 08/30/2013

TT - Ngay từ đầu sách, 10 huyền thoại Viking hay nhất mọi thời đại đã hứa hẹn một chuyến “về nguồn” với bữa tiệc là các câu chuyện huyền thoại được làm mới đến mức bạn đọc tuổi teen hiện nay hoàn toàn có thể tìm thấy ở đây cách ăn nói của trang lứa mình.

Tác giả Michael Cox chọn lối diễn đạt hài hước khiến người đọc tưởng chừng như mình liên tục được gây chú ý bằng các cách cù, khều, hỏi lại, vỗ vai... trong từng tình tiết. Ðiều này vừa tạo nên văn phong hiện đại bởi tính mở rộng tương tác giữa trang sách và bạn đọc, lại rất phù hợp khi thuật lại những huyền thoại hài hước vui nhộn và sâu sắc đến ngoa ngoắt của người Viking.

 

 

Nhân dịp cuối hè, NXB Trẻ ra mắt bộ bốn tập: 10 huyền thoại Hi Lạp hay nhất mọi thời đại, 10 huyền thoại Viking hay nhất mọi thời đại, 10 câu chuyện kinh dị hay nhất mọi thời đại, 10 câu chuyện ma hay nhất mọi thời đại, đều do dịch giả Nguyễn Tuấn Việt chuyển ngữ.

 

Cứ như thế, bạn đọc sẽ đi trong cơn cao hứng sảng khoái của văn phong và tình tiết huyền thoại để ngốn ngấu cả mười câu chuyện bất hủ: Sự tạo thế, Thành Asgard được xây cất thế nào, Món rượu thi ca, Siêu búa của Thor bị thất lạc, Hàng thần cho thần chơi hàng, Trận đại chiến của Thor, Kẻ trộm táo của Idun, Làm sao cột con Fenrir, Cái chết của Balder, Ngày tận thế. Sự sảng khoái ấy cũng nhờdịch giả Nguyễn Tuấn Việt đã rất tài hoa trong chuyển ngữ, kể cả vận dụng thành ngữ sành điệu của giới trẻ.

 

Bên cạnh đó, tập sách 10 huyền thoại Hi Lạp hay nhất mọi thời đại chắc chắn cũng sẽ mang lại cho bạn đọc ngày nay một sự am tường thú vị về những kiến thức xoay quanh các huyền thoại Hi Lạp cổ đại - bức phông quan trọng để tiếp nhận và cảm thụ văn hóa phương Tây. Tương tự như Michael Cox, tác giả Terry Deary cũng chọn cách viết hài hước kích thích cảm xúc người đọc khiến cho mỗi huyền thoại Hi Lạp có thể không mới lạ với độc giả nhưng lại có sức cuốn hút bởi văn phong và cách gia công trong nghệ thuật kể chuyện.

Không những thế, đọc 10 huyền thoại Hi Lạp còn có những nắm bắt thú vị khác, chẳng hạn như các mã ngôn ngữ: “Người Hi Lạp không thích lắm những kết thúc có hậu. Chính họ phát minh ra từ “tragedy” (có nghĩa là thảm kịch hay thảm họa). Từ này thật ra được ghép bởi hai từ Hi Lạp mang ý nghĩa là “con dê” và “ca hát”... Không có thảm họa nào nghiêm trọng hơn một con dê ca hát”. Trong mạch truyện như thế, các huyền thoại về Zeus, Aphrodite, Orpheus và Eurydice, Những kỳ công của Heracles, Trường ca Odyssey... như khoác bộ áo mới, với những sắc màu và cả khả năng lôi cuốn bằng cấu trúc, tình tiết mới.

 

 

Theo LAM ĐIỀN - Báo Tuổi Trẻ

Link bài viết tại đây: http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/566288/huyen-thoai-ky-thu.html

Other News