NXBTRE - Cuối cùng thì tôi cũng có trong tay cuốn sách Người ngủ thuê của tác giả Nhật Phi (sau nhiều gian nan hơn tôi tưởng), và háo hức đến mức chưa kịp bọc bìa đã phải giở sách đọc ngay lập tức (chỉ bao tạm một lớp giấy trắng bên ngoài cho sạch).
Đầu tiên, với tựa đề và phần giới
thiệu rành rành về chuyện một người ngủ thuê cho người khác, tôi đã biết là
mình muốn có cuốn sách này, mình nên có cuốn sách này, và mình phải có cuốn
sách này! Là vì nếu quả thực có một công việc như thế trên đời, tôi sẵn sàng là
người đăng kí đầu tiên. Tôi có những lý do của riêng mình để dẫn đến mong muốn ấy,
và hẳn nhiên, nhân vật chính trong truyện – người dành hết toàn bộ quỹ thời
gian của mình để ngủ thuê cho người khác, cũng có những lý do cá nhân như thế.
Có cảm giác ba tiếng tôi dành để
đọc cuốn sách này cũng là ba tiếng tôi dành ra để nhìn nhận về bản thân mình thời
gian qua. Thật sự hiếm có khi nào tôi lại thấy đồng cảm sâu sắc với một cuốn
sách đến vậy. Phải chăng bởi tác giả cũng là một người trẻ, một người cùng thế
hệ với tôi, nên những trăn trở, những hỗn mang và hoài nghi mà tác giả gợi ra
sau trang sách cũng là những điều mà tôi, hay một lớp người trẻ hiện nay đang
trải qua?
Nhân vật chính của truyện – Phi, hiện ra như hình ảnh một người trẻ tuột ra khỏi hiện thực cuộc đời,
vốn muốn chống đối hiện thực nhưng cuối cùng lại rơi khỏi đó, để rồi hiện thực
anh có chỉ còn là những khoảnh giờ ít ỏi trong căn phòng bừa bộn ọp ẹp giữa những
giấc ngủ triền miên thay người khác. Tôi tự hỏi nếu thế giới tôi đang sống cũng
có một công ty mang tên Happy time – nơi trung gian giữa những người mua và bán
giấc ngủ, liệu tôi có lựa chọn giống Phi? Làm một người ngủ thuê và vung đi
quãng thời gian tuổi trẻ của mình? Dậy rồi lại ngủ hết lần này đến lần khác, hết
ngày này qua ngày khác mà không biết bây giờ là mấy giờ hay hôm nay là ngày
nào? Luẩn quẩn trong căn phòng chật chội mà thú vui duy nhất là theo dõi ô cửa
sổ nhà đối diện và lầm bầm trò chuyện với một con nhện giăng mạng trên trần
nhà?
Tôi không biết nếu là mình, tôi
sẽ chọn lựa như thế nào. Nhưng cuộc sống của Phi gợi cho tôi những điều thân
thuộc khó tả. Những khi thức giấc trước cả tiếng chuông báo nhưng chẳng biết
làm gì khác ngoài ngẩn người nhìn trần nhà, những khi nhìn chằm chằm điện thoại
chờ đợi một cuộc gọi đến như chờ mong một điều kỳ diệu, những lúc lần dò danh bạ
cả buổi trời cũng chẳng biết phải gọi cho ai, những khi nhận điện thoại của mẹ
mà câu đáp luôn là “con ổn” và những lời trấn an áo rỗng. Đó là cuộc sống của
Phi, của tôi, hay của cả một thế hệ trong thời đại này?
Tôi nghĩ rằng Nhật Phi đã viết Người
ngủ thuê với tất cả những chếnh choáng và hoang mang của mình khi đứng
trước cuộc đời cay nghiệt mê ảo. Ai trong đời chẳng từng có ít nhất một ước mơ,
nhưng liệu có mấy ai hoàn thành được một trong những ước mơ ấy? Hay đến một lúc
nào đó cũng buộc phải hòa vào vòng quay cuộc đời, trở thành một mắt xích trong
đó và sống như những người khác? “Họ giống
như những bánh răng, cứ đều đặn mà quay hết cuộc đời mình, rồi truyền lại
moment động lượng ấy cho thế hệ sau. Họ là đa số và thực ra là cần thiết cho cuộc
sống. Nhưng cô có biết điều đáng ghét nhất khi làm một bánh răng là gì
không?... Nó bắt buộc phải quay vòng, liên tục, không thể ngừng nghỉ, không thể
chậm lại, nhưng cũng không thể nhanh lên. Dây cót mới là thứ có thể nhanh lên
hay chậm đi, bánh răng thì không.” Nếu muốn trở thành một phần của xã hội,
ta buộc phải làm một bánh răng, bằng không – ta phải rơi ra, không phải là đánh
mất ước mơ, mà là bị hiện thực vùi dập mơ ước. Phi đã nhận ra cái thực tế phũ
phàng ấy khi đặt những bước chân đầu tiên vào xã hội. Anh rùng mình, chán ghét,
và cự tuyệt nó, thà làm một người ngủ thuê rơi khỏi xã hội cũng không muốn làm
một bánh răng.
Nhưng chính cái thế giới ngủ
thuê và thuê ngủ ấy cũng không thoát khỏi guồng quay của cuộc đời. Dù muốn dù
không Phi vẫn lạc bước vào câu chuyện của những J, những Q, những K, những L –
những khách hàng của anh. Dù muốn dù không anh vẫn phải đối mặt với cuộc sống của
chính mình, với những mối liên kết mong manh dai dẳng, với hiện thực và mộng ảo
đan xen rối bời.
Trong con người tác giả Nhật
Phi có lẽ chứa đựng một tài năng viết trinh thám tiềm ẩn, bởi lẽ câu chuyện anh
viết độc đáo từ ý tưởng tới chi tiết. Viễn cảnh một ngày kia con người có thể
chia sẻ năng lượng giấc ngủ qua những cái connector đã đủ lạ lùng. Nhưng không
chỉ thế, Nhật Phi còn dẫn dắt tôi qua hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Những
tình tiết, những con người cũ và mới đan xen vào nhau khiến tôi kinh ngạc, háo
hức. Bằng một giọng văn trần thuật tự nhiên, gần gũi và chuẩn mực (tôi nghĩ thế),
tác giả đã kể lại không chỉ một mà rất nhiều câu chuyện. Từng mẩu chuyện nhỏ của
mỗi người lắp ghép với nhau như những mảng sáng tối trong một bức tranh hiện thực.
Những đứa trẻ vụng dại lầm lỡ, những người thuê ngủ vì không thể tự ngủ, vì muốn
có thêm thời gian làm việc, vì muốn rảnh rang hưởng thụ, v.v… Ai cũng có những
câu chuyện của riêng mình, vì thiếu thời gian nên mới có những người thuê ngủ
(để mua thời gian), và vì thừa mứa thời gian nên mới có những người ngủ thuê (để
bán thời gian), nhưng những người mua và bán giấc ngủ ấy, liệu họ có hạnh phúc
– khi thời gian với họ giờ chỉ như một mớ giấy bạc vô nghĩa?
Cuộc đời có ý nghĩa, thời gian
có ý nghĩa, cuộc đời vô nghĩa, thời gian chẳng có nghĩa lý gì. Bởi khi ấy thời
gian hay cuộc đời với Phi đều là bèo trôi mây dạt, anh thậm chí còn chẳng thèm
gọi tên mọi người, chỉ lấy những chữ cái A, B, C như một cách gọi tên gọn lỏn
ít phiền hà. Là vì đã lãng quên cuộc đời mình nên chẳng còn lý do gì để nhớ đến
cuộc đời người khác? Hay phải chăng đây là dụng ý của tác giả? Bởi những con
người ấy là bánh răng, nên chỉ cần mã số chứ không cần một cái tên để nhớ?
Người ngủ thuê không
phải là câu chuyện về những người trẻ không có mơ ước, mà là câu chuyện về những
người trẻ không khớp nối được mơ ước của mình với cuộc đời, với hiện thực. Bất
kể ta có muốn gì đi nữa, hiện thực vẫn khăng khăng ép ta phải làm một bánh
răng.
Vậy nếu không muốn làm một bánh
răng – thì ta làm gì?
Ở đoạn đầu truyện, Phi quyết định
chẳng làm gì cả, anh chấp nhận lãng quên cuộc sống, lãng quên mơ ước.
Nhưng nhờ “nàng” – nguồn an ủi
từ những giấc mơ, nhờ góc phố rêu phong mộng ảo, nhờ cơ duyên được biết đến vị
cố họa sĩ với những bức tranh đầy cảm hứng, Phi đã được truyền một nguồn động lực
để thức tỉnh, để tìm lại chính mình, để tìm lại ước mơ, gọi dậy đam mê, và theo
đuổi hoài bão với tất cả trái tim tuổi trẻ.
Thế là ở đoạn cuối, Phi đã quyết
định làm một bánh răng để sau này có thể không làm bánh răng nữa (tức là làm
bánh răng để nuôi dưỡng ước mơ của mình, còn bánh răng bình thường thì chỉ để
làm bánh răng mà thôi). Một cái kết có hậu cho một câu chuyện chưa thấy tình
yêu, tôi thích vậy.
Còn bạn, bạn có muốn làm một
bánh răng trong vòng quay cuộc đời? Và nếu không muốn làm một bánh răng – bạn
muốn làm gì?
Ngô
Thị Mai Trinh
Sài
Gòn – 05/10/2014