Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Hái cau cùng Bình Nguyên Lộc
Update Date: 07/30/2018

Đọc Bình Nguyên Lộc trong Hương Quê, khi ông viết cho những con người bình dân nhất, là một cách để hiểu ông đã ám ảnh thế nào đối với đối tượng độc giả của mình, đủ sâu để đi vào từng thứ nhỏ nhặt đời thường và đủ mạnh cho rất nhiều suy tư.

Bình Nguyên Lộc - Hương Quê (Ảnh: D.M.C)

Những người biết đến Bình Nguyên Lộc, một nhà văn có cốt cách Nam Bộ, chắc hẳn đều nhớ tiểu thuyết Đò dọc nổi tiếng, vốn đã dựng thành phim truyền hình. Các tác phẩm trước của ông hiện nay đều được dần in lại, như Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc phát hành năm trước. Tuy nhiên, chắc ít ai biết ngày xưa Bình Nguyên Lộc, và cả một nhà văn kỳ cựu khác là Sơn Nam, từng đóng góp khá nhiều truyện ngắn cho tạp chí khuyến nông tên là Quê Hương. Tạp chí này được phát miễn phí cho nông dân. Một điều cực kỳ may mắn là tiến sĩ Nguyễn Văn Đông, giảng viên Đại học Thủ Dầu Một, đã gìn giữ gần như đầy đủ các số tạp chí, và biên tập viên NXB Trẻ đã tuyển từ bộ sưu tập ấy 44 truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc.

Khí chất Nam Bộ đặc trưng vẫn chảy trong Hương Quê, ở đây có một truyện đặc biệt ấn tượng: Sanh nghề tử nghiệp. Truyện nhắc đến một nghề rất mạo hiểm nhưng lại không hiếm thấy ở vùng quê: hái cau. Vừa vào truyện thì người đọc nhận ngay một cảnh báo: “Coi chừng té xuống mương!”, tác giả như thể muốn gợi về một điềm gở sẽ xảy ra lúc sau. Nhân vật trong chuyện là một cô bé được gọi là: “con Nhộng”, Nhộng ở với mẹ. Mọi thứ đều bình thường cho đến khi người đọc bị đẩy thẳng vào hai chi tiết rất tối tăm: bản thân con Nhộng bị mù và nó phải làm nuôi mẹ vì: “má nó bại xụi tay chân đã ba năm rồi, cứ nằm một chỗ, không làm ăn được gì hết”. Quê nghèo và nghịch cảnh là tổ hợp không bao giờ cũ của các nhà kể chuyện bình dân, ở đây một tình huống éo le được bày ra: một người tàn tật nuôi một người tàn tật.

Thách thức ở đây là Bình Nguyên Lộc thật sự muốn đi đường gập ghềnh với các điều kiện bất lợi ông tự đặt ra đầu truyện. Việc hái cau, nếu ai có dịp quan sát, sẽ biết công đoạn bám thân cau để trèo lên ngọn chỉ là chuyện cỏn con với dân nhà nghề. Con Nhộng không khó khăn gì để leo lên nhưng chính vì nó mù nên tác giả có dịp bày ra hai vấn đề khó khăn: một là dùng dao bửa ra xem cau “dày hay còn non”, con Nhộng buộc phải dùng lưỡi; hai là việc đu người qua một cây cau kế bên để hái tiếp mà không phải trèo xuống. Hành động lắc người rung cây cau của con Nhộng để chộp lấy tàu cau của cây kế bên cách đó “một thước sáu tấc”, rồi vói tay, phóng người qua đủ để người đọc phải bàng hoàng. Con Nhộng thành công, nhưng thực ra không phải lúc nào cũng thành công.

Thật không quá ngạc nhiên khi hầu hết người đọc sẽ đoán được nhân vật chính sẽ ngã xuống (vậy nên mới sanh nghề tử nghiệp!). Đó là một cái kết được tính trước nhưng không phá đi tính bất ngờ của truyện, truyện này hoàn toàn không dựa trên tính không đoán trước trong cụm hành động trèo-hái-ngã. Tôi sẽ không nói rõ chi tiết cái chết của Nhộng ở dây để “tặng ít cau” cho những người đọc mới. Chính cách thức tác giả để nhân vật ra đi khiến người đọc suy nghĩ, ở một giai đoạn nào đó của cuộc đời, có lẽ Bình Nguyên Lộc cũng như nhiều người viết về các thân phận kiệt cùng khác của xã hội, là muốn thử đẩy tất cả mọi hi vọng xuống vực, để nhấn mạnh sự bất lực trước bất hạnh của phận người dưới đáy. Họ nằm trong thế ép và may mắn lại không đứng về phía họ.

Không ban tặng cho hầu hết nhân vật của mình một cái kết có hậu, Bình Nguyên Lộc đã dùng văn chương thực hành cái khốn cùng một cách triệt để. Đọc Bình Nguyên Lộc trong Hương Quê, khi ông viết cho những con người bình dân nhất, là một cách để hiểu ông đã ám ảnh thế nào đối với đối tượng độc giả của mình, đủ sâu để đi vào từng thứ nhỏ nhặt đời thường và đủ mạnh cho rất nhiều suy tư.

HUY HUỲNH – Tuổi Trẻ

HƯƠNG QUÊ
Other News