Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Tha hương tôi sống… không quen!
Update Date: 06/15/2011

Màu sắc của cây cỏ nhìn mướt mát, vui mắt nhưng trong bụng tôi vẫn cứ buồn. Mùa xuân tới, nỗi buồn cũng chẳng vơi. Với người nhập cư, nỗi buồn càng sâu đậm hơn khi Tết đến. Tết xa xứ buồn hiu. Càng thêm nhớ nhà. “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/khi ta đi đất đã hóa tâm hồn” câu thơ nổi tiếng của Chế Lan Viên dường như đã vận vào “ông nhà văn trẻ” Mạc Can sau hơn hai năm mưu sinh ở xứ người. Trở về nước được gần ba tháng, khi nhịp sống gần như trở lại như trước khi đi, nghệ sĩ - nhà văn Mạc Can đã viết những dòng tâm sự như một lời tri ân bạn bè và những người yêu mến.

Tôi sống ở Sài Gòn từ nhỏ tới lớn. Từ tám tuổi cho đến 66 tuổi chỉ làm có một nghề: biểu diễn giúp vui cho khán giả, nhất là các cháu thiếu nhi. Ban đầu, tôi diễn ảo thuật hài, sau đó tham gia đóng phim, đóng kịch… Mãi khi gần 60 tuổi, hồi tưởng nhiều việc thăng trầm trong đời, tôi thử sức với văn chương. Thử viết truyện ngắn nhưng chẳng nơi nào chịu in, tôi viết lại thất bại của mình dưới cái tựa nghe ngồ ngộ: Người nói tiếng bồ câu và may mắn được nhà văn Nguyễn Đông Thức chọn in ở Tuổi Trẻ Chủ nhật. Tới chừng viết được cuốn Tấm ván phóng dao, tôi trở thành “nhà văn trẻ” ở tuổi lục tuần.

Ước mong trở thành người viết tiểu thuyết, tôi muốn được đi nhiều hơn, phiêu lưu nhiều hơn để viết tốt hơn, bởi suốt mấy chục năm tôi chỉ quanh quẩn trong nước. Cuối cùng tôi cũng có dịp ra nước ngoài. Tôi đã ở Mỹ hai năm, trải qua hai mùa đông khắc nghiệt mà chính người bản địa còn cảm nhận đó là những mùa đông dữ dằn nhất trong hơn 30 năm qua ở Mỹ. Lần đầu tiên tôi thấy tuyết, nhưng tuyết không đẹp như trong phim. Nói một cách chính xác hơn, tuyết là một tai họa, là khổ nạn cho con người.

Không sống nhiều ở thành phố, tôi chọn nơi hẻo lánh thuộc khu vực quận Grand Prairie tới Irving và Arlington (bang Texas). So với Cali, nơi đây chỉ là tỉnh lẻ. Ban đầu tôi không tránh khỏi sự lạc lõng ở một nơi hoàn toàn xa lạ. Nhưng nhờ nhiều năm theo các gánh hát ở Việt Nam, quen với những chuyến lưu lạc nên từ lạ mắt, lạ chỗ, lần hồi mọi thứ cũng trở nên quen thuộc. Nơi tôi ở, một xóm nhỏ nhiều người Mễ (Mexico) nghèo, phía bên đường, có một hãng mua sắt vụn và sửa chữa xe của vài người Mỹ, lúc nào cũng vắng hoe. Cạnh đó, vài căn nhà của người Mễ luôn cửa đóng then gài. Con đường từ đó cho tới ngôi chợ nhỏ im ắng với những ngôi nhà gần như không người. Chính nơi này hàng ngày tôi ghi chép và viết các truyện ngắn gửi về NXB Trẻ, tập san Áo Trắng và báo Tuổi Trẻ Cười.

Nơi tôi ở mùa hè nóng như lửa cho tới lúc chớm thu mới dịu hơn. Những vườn cây ở đây không chỉ có một màu xanh tươi như ở Việt Nam mà còn mang nhiều sắc màu khác đặc trưng của mùa thu. Màu sắc của cây cỏ nhìn mướt mát, vui mắt nhưng trong bụng tôi vẫn cứ buồn. Mùa xuân tới, nỗi buồn cũng chẳng vơi. Với người nhập cư, nỗi buồn càng sâu đậm hơn khi Tết đến. Tết xa xứ buồn hiu. Càng thêm nhớ nhà. Tôi nhớ, có một ông già nhận ra tôi vì khi còn ở Sài Gòn ông có coi tôi diễn. Ông bảo, sống ở đây hơn 30 năm, tiền làm ra dành dụm mua chiếc xe, ngôi nhà, vườn cây có cái ao nuôi cá, trồng rau củ cho đỡ nhớ nhà. Tất cả không gian, vật dụng ấy rất đỗi quen thuộc, nhưng sao nó vẫn xa lạ và vô duyên vì nó vẫn không phải ở quê hương của mình. Không có cái gì là của mình trên đất khách. Phần tôi cũng không khác, khi đi trên đường phố nhìn hòn sỏi, viên gạch, lề đường, hay một góc phố, cành cây… không có gì là kỷ niệm của mình, không có gì để hồi tưởng. Tôi bật khóc.

Tôi không có nhiều bạn. Trong hai năm dài, ít khi tôi được nói tiếng mẹ đẻ của mình, trừ khi tới các chợ của người đồng hương. Quanh tôi là người Mỹ và người Mễ với tiếng nói của họ, văn hóa của họ và tính cách của họ. Cộng đồng thiểu số người Việt mình sống rải rác ở xa, thậm chí vài tuần mới mời được nhau tới nhà, hát karaoke hay nấu bún bò, nấu phở  đãi nhau rồi về. Quanh năm suốt tháng gần như chỉ có vậy. Đối với người lao động nhập cư, cuộc sống bận rộn tới nỗi khó lòng giúp nhau. Ở xứ Mỹ hầu như không ai có thể giúp được ai, nhất là trong thời suy thoái và thất nghiệp. Người ta “xấu” dần đi vì tiền.

Câu chuyện của tôi về nước Mỹ khá dài, ở đây tôi chỉ vẽ lại vài mảnh của bức tranh đó. Tôi sống khắc khoải, lo âu, mòn mỏi chờ đến ngày dành dụm đủ tiền để mua vé máy bay trở về nước. Trên chuyến bay từ Dallas quá cảnh qua Hàn Quốc, tôi cứ nhìn bà khách bên kia ghế. Bà mang hũ tro cốt của người chồng “về nhà”. Bà nói, ông chồng muốn như vậy khi lìa đời. Ông là người lao động nhập cư ở Mỹ khá lâu, có nhà, có xe, có con cháu học hành giỏi giang nhưng vẫn không thôi nỗi khắc khoải được trở về cố hương. Ai cũng vậy, cũng muốn về nơi chôn nhau cắt rốn, kể cả người chết….

Khi chuyến bay về tới phi trường Tân Sơn Nhất, nhìn thấy ánh đèn lấp lánh dưới kia, tôi rơm rớm nước mắt. Tôi đã về tới nhà mình! Khi la cà trên đường phố, nhìn hòn sỏi, viên gạch, lề đường, góc phố, cành cây, tôi lại khóc. Về Việt Nam, tôi lại cùng Nguyễn Á tới trường học làm ảo thuật giúp vui cho các cháu, tới hiệu sách ký tên tặng bạn đọc, đi quay phim, gặp lại bạn bè đồng nghiệp của mình… khi ấy tôi chợt nhớ đến những ngày tháng hiu quạnh trong cái ồn ào, tất bật ở đất Mỹ. Đó không phải là nơi tôi ở.

Trước ngày tôi đi Mỹ, cha tôi - “người hát rong cuối cùng” - đã lìa đời. Ông mất đi trong thương tiếc của khán giả lớn tuổi cùng thời với ông. Tôi đứng trước hũ tro đựng chút thân xác còn lại của cha và nói thầm: Thưa cha con phải đi cho biết đó đây, rồi con sẽ trở về. Con phải trở về nơi chôn nhau cắt rốn để có thể được gặp cha nơi chốn vĩnh hằng. Nhà nghèo, cha tôi phiêu bạt. Tôi giống cha có cái “chân đi”. Đi đó đây với tôi vừa là niềm vui vừa là sự mạo hiểm. Lúc cha tôi mất, nhờ báo chí và các NXB tới giúp, nhưng vẫn không đủ, tôi phải bán chiếc xe gắn máy và cái laptop “bèo” để lo cho cha. Vậy mà vẫn còn ít nợ với bạn bè. Khi tôi ở Mỹ gần nửa năm, thì hay tin mẹ tôi theo cha, tôi gửi một ít tiền về phụ với em gái lo cho mẹ. Thế là ngày về nước sau hai năm ở đất khách chỉ với hai bàn tay trắng, nhưng tôi được một “túi” vốn sống.

Cuối cùng tôi vẫn về được nơi có dòng sông của tôi, với bạn bè đồng nghiệp của tôi, nơi tôi được sống vui vẻ và bình yên. Tôi cứ nghĩ ở tuổi xế chiều, người ta sống vui là mãn nguyện lắm  rồi.

Nghệ sĩ - nhà văn Mạc Can
(Nguồn: Phụ nữ Tp.HCM)
Other News