Thư tình gửi một người (NXB Trẻ) là tập sách lần đầu tiên công bố những bức thư tình viết tay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi riêng một người: Ngô Vũ Dao Ánh.
“Ánh ơi!”, Trịnh Công Sơn thường mở đầu mỗi bức thư bằng cách gọi tên người mình yêu thương như thế, và điệp từ “Ánh ơi” cứ lặp đi lặp lại không phải chỉ trong mỗi trang thư mà gieo neo trong tâm khảm, phập phồng trong hơi thở, tràn căng trong mạch sống qua bao năm tháng.
“Ánh ơi!” như một lời nguyện cầu, Trịnh Công Sơn gọi tên cô nữ sinh Huế tuổi mười sáu khi nhạc sĩ đang tuổi ngoài hai mươi, vừa tốt nghiệp Trường Sư phạm Quy Nhơn, đang sống những ngày tại B’lao mù sương. Đó là năm 1964, Trịnh Công Sơn đang dạy học tại nơi này, đang sống trong những ngày chơi vơi, nặng nề chờ lệnh tuyển quân dịch. Khởi đi từ những tháng ngày buồn bã ấy, Trịnh Công Sơn không chỉ nhận thấy sự vô lý của những cuộc chia xa, mà còn thấy sự vô nghĩa của đời sống trong một đất nước chiến tranh. Thư cho Dao Ánh, Trịnh viết: “Anh có cảm giác mình là một hóa - thân - phiền - muộn treo lơ lửng trong khoảng không nào đó. Không là đỉnh cao. Không là vực sâu. Một cái gì mang mang không rõ ràng..." (B’lao 2-9-1964).
Thế cuộc hỗn mang, không có cái gì là rõ ràng, chỉ cảm nhận những tai ương rình rập, bóp nghẹn lý tưởng sống. Nhưng qua những mịt mù ấy, Trịnh Công Sơn như thấy rõ ràng hơn một tình yêu thuần khiết. Từ khi còn chưa phác họa một con đường âm nhạc, Trịnh như đã thấy rõ một con đường tình để ông đi về, trú ngụ, buồn vui. Có lẽ hành trình âm nhạc của Trịnh cũng khởi nguyên từ sự thuần khiết của tình yêu này. Và từ những ngày tháng “đi đày” ở xứ B’lao ấy, từ mối tình đẹp ấy, từ nỗi nhớ đẫm sầu ấy, Trịnh đã viết những bài hát tuyệt vời: Lời buồn thánh, Tuổi đá buồn, Mưa hồng, Gọi tên bốn mùa, Chiều một mình qua phố…
Đọc thư tình của Trịnh Công Sơn thấy khôi phục, tái hiện một thời tuổi trẻ của người nghệ sĩ. Trong thư tình gửi Dao Ánh, nhiều khi ông “không còn là chính mình” nhưng lại thật sự là mình, với những xáo trộn, biểu hiện trạng thái tinh thần đỉnh cao nhất. Từ Đà Lạt, Trịnh Công Sơn viết: “Cả buổi chiều nay anh đã dùng lại ngôn ngữ của anh với bạn bè. Thấy thoải mái vô cùng, vô cùng. Ngôn ngữ đã mất đi với những ngày nằm co ro như một loài - sâu - chiều ở B’lao. Nhưng anh sẽ trở về đó ôn lại thứ tự - do - sương - muối - kèn - đồng của anh. Như một khắc nghiệt” (19-9-1964).
Có thể thấy tình yêu của Trịnh Công Sơn dành cho Dao Ánh là mãi mãi, là một cứu cánh. Thư tình gửi Dao Ánh là một lối thoát cho những ngày B’lao sương mù ấy... Cứ như thế, tưởng không bao giờ dứt. Từ B’lao, Đà Lạt, Sài Gòn... ông viết cho Dao Ánh ở Huế. Từ Huế, Đà Nẵng viết cho Dao Ánh ở Sài Gòn. Rồi sau năm 1975, từ Sài Gòn ông lại viết cho Dao Ánh ở Mỹ… Trước sau, Trịnh Công Sơn vẫn dành cho người mình yêu một chân tình không thay đổi, dù cuộc đời nhiều biến động: “Có một thời rất ngu si, mê muội. Có một thời rực rỡ trí tuệ tinh anh. Đã nhìn và thấy hết cuộc đời nhưng khi giác ngộ thì không còn cơ hội để lặp lại những ngôn ngữ chân thực, tinh tuyền của mình nữa..." (21-1-1992).
Như thế, đọc thư tình của Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh cũng là đọc trên tinh thần tìm về đời sống chân thực. Chân thực đầu tiên và mãi mãi.